Gương xấu gây thương tổn tâm hồn và cướp mất niềm hy vọng
Những gương mù gương xấu làm thương tổn các tâm hồn và giết hại niềm hy vọng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Hậu quả của gương mù
Chúa đã nói: Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói về những kẻ gây ra gương mù gương xấu, Chúa Giêsu đã nhắc các môn đệ: Anh em hãy canh chừng, hãy đề phòng! Hãy cẩn thận, đừng gây ra gương mù gương xấu.
Bởi vì gương xấu sẽ làm thương tổn dân Chúa, sẽ gây trọng thương cho những con người bé nhỏ dễ bị tổn thương trong dân Chúa; và nhiều khi những vết thương ấy ảnh hưởng tới cả cuộc đời. Gương mù không chỉ gây tổn thương mà còn có khả năng giết hại. Nó giết chết niềm hy vọng, giết chết các gia đình, giết chết nhiều tâm hồn…
Coi chừng chính bản thân mình
Anh em hãy cẩn thận, hãy coi chừng chính bản thân mình! Lời cảnh báo này được dành cho mọi người, cho từng người. Nếu các Kitô hữu mà sống như dân ngoại thì đây quả là gương mù gương xấu cho dân Chúa. Biết bao tín hữu Kitô có đời sống xa lìa người dân, có đời sống mâu thuẫn nơi chính mình. Sự rời rạc, sự nguội lạnh, sự phản chứng của các Kitô hữu là một trong những vũ khí đơn giản nhất mà ma quỷ sử dụng để làm suy yếu dân Chúa, để làm cho dân Chúa lìa xa Chúa. Khi sống phản chứng, các Kitô hữu ấy nói một đàng làm một nẻo.
Sự mâu thuẫn ấy, gương mù gương xấu ấy, hôm nay phải đặt cho chúng ta câu hỏi rằng: Bằng cách nào tôi có thể thống nhất cuộc sống của mình? Bằng cách nào để cuộc sống của tôi được nhất quán, được hợp nhất với Tin Mừng, được liên kết mật thiết với Chúa? Có những gương xấu. Đó là các Kitô hữu không chịu chi trả đúng đắn, và dường như phục vụ người khác nhưng kỳ thực là để làm giàu cho bản thân. Thậm chí có cả những gương mù gương xấu của các mục tử trong Giáo Hội. Họ chẳng quan tâm gì đàn chiên và ngày càng xa lánh dân Chúa.
Không thể phục vụ hai chủ
Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: Không thể phục vụ hai chủ, không thể vừa phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ tiền bạc được. Một khi người mục tử gắn bó với tiền bạc, thì đó là gương mù gương xấu. Gương mù gương xấu chính là khi vị mục tử đi gắn bó với tiền bạc. Mỗi vị mục tử phải tự hỏi chính mình rằng: Cung cách mà tôi làm bạn với tiền bạc như thế nào? Có những mục tử tìm kiếm leo lên danh vọng, thay vì khiêm tốn hiền lành gần gũi dân Chúa. Có vị mục tử cảm thấy mình là ông chủ là ra lệnh cho mọi người. Vị ấy tự hào tự mãn chứ không phải là mục tử phục vụ dân Chúa.
Hôm nay là một ngày tốt lành để chúng ta làm việc xét mình về điều này: gương mù gương xấu hay là không, và như thế nào? Đó là cách chúng ta có thể trả lời với Chúa và để có thể tiến lại gần Người hơn một chút.
********************************************************
Tiếng vọng… nơi Đồi Cốc !
Có lẽ chẳng mấy người ở chốn phồn hoa đô hội Hà thành biết giữa sự nhộn nhịp, tấp nập của thành phố lại có một nơi yên nghỉ, bình dị nhưng hoang sơ đến lạnh người – “Nghĩa Trang Thai Nhi Đồi Cốc.” Chỉ nghe cái tên Đồi Cốc thôi cũng đủ làm người ta liên tưởng đến sự hoang sơ thế nào. Thế nhưng, đã có những cuộc đời và những con người đã làm cho nơi này trở nên một nơi đầy nghĩa tình, và đáng để chúng ta lưu tâm.
Ngày 12/11/2017, nhóm sinh viên Công giáo Thái Bình-Hà Nội, nhóm Sinh viên Công Giáo Hải Hà, cùng cha đồng hành Tôma Aquinô Nguyễn Khánh Duy, S.J., trong tinh thần yêu thương – phục vụ đã cùng đến nơi an nghỉ của hơn một trăm nghìn thai nhi để thăm viếng, cầu nguyện và chôn cất thai nhi.
Dù thời tiết đầu đông se lạnh, nhưng ngay từ sáng sớm, hơn 100 thành viên của hai nhóm đã có mặt tại bến xe Nam Thăng Long và Công viên Hòa Bình để cùng nhau di chuyển lên Đồi Cốc. Một hành trình không dài, khoảng 20 km, nhưng trong tâm trí mỗi người, chuyến hành trình này không tránh khỏi những gian nan, bởi lẽ trong tâm trí chúng tôi, mỗi người đều mang những tâm trạng thật khó diễn tả.
Khoảng 7h30, chúng tôi đặt chân tới nhà Bác Nhiệm – “người mẹ” của hơn 100 nghìn đứa con. Bác là một người có trái tim nhân hậu. Bước vào ngôi nhà tình thương nơi các em nằm khiến tôi hốt hoảng. Tôi không thể ngờ rằng chiếc tủ lạnh ở nghĩa trang Đồi Cốc này lại chứa đựng chật cứng thai nhi vốn được thu nhận về từ các phòng, các cơ sở, các trung tâm, bệnh viện và dịch vụ phá thai. Đứng cạnh chiếc tủ lạnh, tôi cảm nhận được sự lạnh lẽo ẩn chứa bên trong những túi ni-lon đựng các thai nhi với nhiều hình hài. Nhìn các em khiến cho lòng tôi nghẹn lại. Tôi không thể cầm được nước mắt khi thấy có những em cơ thể gần như hoàn chỉnh như các bé sơ sinh khác, nhưng chẳng hiểu sao em nằm đây mà không phải nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Những gương mặt bầm tím, những đôi tay cứng đờ của các em làm tôi phải suy nghĩ nhiều. Không thể thốt nên lời. Tôi chỉ biết đứng cầu nguyện với Chúa, xin Người đón nhận các em về với Người; và xin Thiên Chúa thương xót đến những người không cho các em cơ hội hiện diện trên cõi đời này.
Sau một thời gian định tâm, chúng tôi chia nhau dọn dẹp, lau chùi lại “ngôi nhà” của các em. Tôi tin rằng dù có cứng rắn đến mấy, không ai có thể cầm lòng khi chứng kiến sự lạnh lẽo này. Tôi thầm thĩ với các em: “Hôm nay mọi người đến thăm các em đông quá! Trời trở lạnh rồi, chị ngồi đây cũng thấy lạnh, các em thì sao? Dù ở nơi chật chội, các em hãy an nghỉ nhé, mọi người luôn cầu nguyện cho các em.”
Chia sẻ với chúng tôi, cô Thắng, một người trong nhóm Bảo vệ sự sống, bùi ngùi: “Công việc đi xin các thai nhi ở các bệnh viện tưởng chừng như đơn giản, nhưng thật sự không hề dễ dàng chút nào. Càng ngày càng có nhiều người sống buông thả, phá thai thật nhẫn tâm. Chỉ trong một buổi sáng, rất nhiều thai nhi bị tước đoạt quyền sống, nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ thôi, còn biết bao nhiêu các em thai nhi không có nơi an nghỉ.” Theo cô Thắng: “Khó mà biết được số lượng chính xác các thai nhi bị phá. Có những bệnh viện cẩn thận họ gói riêng từng em, nhưng cũng có những phòng khám lại gói chung tất cả các em trong một bịch nilon nên rất khó xác định con số chính xác. Ngoài ra, nhiều em còn bị vứt ngoài sông, thùng rác, không được chôn cất cẩn thận. Sao mà có nhiều bậc cha mẹ lại nhẫn tâm phá hủy cốt nhục của mình?”
Trong lúc vừa trò chuyện, vừa làm việc, thì trời bắt đầu đổ mưa, có lẽ Chúa cũng đang đau buồn cùng các em. Cơn mưa dầm làm lòng tôi thêm giá lạnh. Tiếp tục cuộc trò chuyện thương tâm, tôi được gặp gỡ chú Thủy – trưởng nhóm Bảo vệ sự sống. Qua chú, tôi được biết không chỉ như một nghĩa trang thai nhi mà còn có rất nhiều nhiều nghĩa trang ở nhiều nơi trên khác trên quê hương Việt Nam này. Những tấm lòng cao thượng mà thầm lặng của các thành viên trong nhóm bảo vệ sự sống làm lòng tôi thêm ấm áp hơn. Tôi thực sự xúc động nghe kể về em bé Trung Thu, một thai nhi đã chết nhưng hai tay nhỏ xíu như muốn níu lấy mấy ngón tay một người để xin chút ấm áp tình thương: “ HÃY CHO CON MỘT NẤM MỘ, NHỎ THÔI!”
Khoảng 11h, Cha Tôma Aquinô bắt đầu Thánh Lễ cầu nguyện cho các em. Qua lời chia sẻ của Cha, tôi chắc chắn rằng các em sẽ không còn đau khổ nữa, nhưng sẽ được hạnh phúc bên Chúa, bởi Ngài là Đấng nhân từ và giàu tình yêu thương. Kết thúc Thánh Lễ, chúng tôi có những giây phút tĩnh lặng hồi tâm để chuẩn bị cho giây phút khâm liệm. Mọi người cùng nhau xếp thành hai hàng, thắp những nén hương và đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng. Số lượng thai nhi quá lớn, nên cứ khoảng 1500 – 2000 bào thai “ở chung” trong mỗi nấm mồ. Khoảnh khắc thai nhi được đặt lên tay tôi, khiến tôi như chết lặng! Tôi cảm nhận được sự đau đớn của các em. Bất thần, tôi nhớ đến cha mẹ mình và thầm tạ ơn Chúa vì các ngài đã yêu thương và quảng đại cho tôi cơ hội hiện hữu trên cõi đời.
Sau khi mai táng, chúng tôi cùng nhau trở về nhà bác Nhiệm ăn trưa và nghỉ ngơi. Dù mọi người đã thấm mệt nhưng lửa nhiệt huyết vẫn bùng cháy trong lòng mỗi người. Khoảng 14h, chúng tôi lại cùng bác Nhiệm sửa sang lại “nhà” cho các em. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển ra nghĩa trang để vận chuyển vật liệu xây dựng và sửa sang. Gần chập tối, khi mọi sự xong xuôi, chúng tôi tĩnh lặng cùng hiệp ý dâng lên Mẹ Maria những nguyện ước cho mỗi người trẻ, ước mong sao họ ý thức được trách nhiệm của mình. Giây phút cầu nguyện lắng đọng giúp mỗi người trân trọng sự sống hơn và thầm cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi những hình hài, cuộc sống no đủ như ngày hôm nay.
Trước khi chia tay các em, chúng tôi cùng quây quần bên đống lửa để tiếp thêm “lửa tình yêu,” để trở lại với cuộc sống thường nhật. Những cánh tay đung đưa theo điệu nhạc, những nụ cười tên những khuôn mặt nhem nhuốc đã để lại một ấn tượng thật đẹp, ấm áp nơi nghĩa trang này. Hôm nay thật là một ngày đáng nhớ đối với mỗi thành viên. Chúng tôi dường như gắn kết với nhau hơn trong tình yêu Thiên Chúa, và ngọn lửa yêu mến Nhóm lại bùng cháy hơn trong lòng mỗi thành viên.
Chia tay các em và tạm biệt bác Nhiệm, tôi thấy được nét mặt có chút đượm buồn của bác nhưng tôi thực lòng cám ơn và ngưỡng mộ bác vì tất cả những gì bác đã và đang làm với các thai nhi, cũng như bác đã cho chúng tôi một ngày trải nghiệm đầy ý nghĩa. Căn nhà tình thương, khu nghĩa trang thai nhi khuất bóng dần, chúng tôi mang theo bên mình những trăn trở. Ở nơi đó, dãy mồ vẫn nép mình dưới tình thương của những người vô danh thầm lặng. Lúc đầu, tôi những tưởng mình thật cao cả và vĩ đại, nhưng sau chuyến đi, tôi lại thấy mình là người được nhận nhiều hơn cả. Từ tận đáy lòng, tôi khẩn cầu: “Xin đừng ai tước đoạt quyền sống của các thai nhi, hãy trao cơ hội sống cho các em để các em có thể nhìn thấy ánh mặt trời, và những người thân yêu của mình.” Bỗng dưng, tôi thấy những tiếng vọng xa xăm nhưng lại rất rõ về phận người và cuộc đời trong tâm hồn mình.
Yến Mộc – BTT SVCG THÁI BÌNH-HÀ NỘI