THẬT VÀ GIẢ
“Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23,3)
Suy niệm: David Copperfield, nhà ảo thuật thiên tài, đã làm biết bao khán giả phải rởn tóc gáy với màn ảo thuật cưa đôi người ghê rợn, mặc dù ai cũng biết sự thật không phải thế. Trong cuộc sống đời thường cũng có biết bao tình huống mà thật-giả, giả-thật không biết dựa vào đâu mà phân định: Có những điều thấy vậy, nghe nói vậy mà không phải vậy. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cảnh báo dân chúng và các môn đệ phải coi chừng thói giả hình nơi những người Pha-ri-sêu. Thay vì “ngôn hành như nhất” thì lời nói và việc làm của đối nghịch nhau như nước với lửa. Chúa Giê-su dạy “hãy làm điều họ nói nhưng đừng làm theo điều họ làm.” Làm điều họ nói vì đó là Lời, là Thập Giới, là con đường để nên hoàn thiện. Thế nhưng, đừng học theo việc làm của họ vì những điều họ làm không thể hiện ý muốn của Thiên Chúa mà chỉ là ý riêng của họ, theo cách có lợi cho chính họ.
Mời Bạn: Người môn đệ của Chúa không chỉ biết phân định để nhận ra thói giả hình như thế mà còn phải tỉnh thức để chính mình không rơi vào cám dỗ sống giả dối, khiến cuộc sống của mình biến chất thành một “trò ảo thuật” không hơn không kém.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi nghe Đức Thành Cha Phanxicô nói: Một kẻ sống giả dối có thể hủy hoại cả một cộng đồng và làm tổn thương Giáo Hội?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ chúng con khỏi thói giả hình, và giúp chúng con can đảm bước đi trong sự thật, để “Sự Thật giải phóng chúng con”. Amen.
THÁNH HUBERTÔ GIÁM MỤC
Cũng như xưa trên bờ hồ Tibêria, bằng một cái nhìn âu yếm, Chúa đã làm cho những bác thuyền chài bỏ cha mẹ, vợ con, nhà cửa để làm tông đồ Phúc âm, thì nay bằng lời mời gọi thầm kín trong tâm hồn, Chúa làm cho nhiều người say mê thế gian bước đi theo Chúa. Thánh Hubertô đã được Chúa kêu gọi trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Từ một người mê chơi săn bắn được cất nhắc lên chức Giám mục và trở thành vị thánh thời danh của Giáo hội thế kỷ VIII.
Chúng ta không có tài liệu nào nói rõ đến quãng đời thơ ấu của thánh nhân. Chỉ biết rằng thánh Hubertô là con nhà võ, vì thế, ngay từ lúc 6, 7 tuổi, Hubertô đã được theo học nghề võ để sau này kế nghiệp cha. Hồi lên 10, Hubertô được cha cho vào triều chầu vua. Vua thấy cậu bé kháu khỉnh lại thích nghề võ nên đã bắt cậu ở lại triều đình để tập luyện. Lớn lên, Hubertô làm quen với một thiếu nữ trong hoàng cung. Và sau khi được tuyển chọn làm tướng chỉ huy quân đội cận vệ, Hubertô đã đính hôn với thiếu nữ ấy.
Mặc dầu đã chịu phép rửa tội, nhưng Hubertô như người mất đức tin, ngày ngày chỉ lo ăn chơi tiệc tùng và đặc biệt ham mê săn bắn, còn những việc đạo đức chàng đều coi như những việc của người mê muội dốt nát. Thế nhưng Thiên Chúa Quan phòng đã dùng chính đam mê của Hubertô để làm cho ông phải băn khoăn mà nghĩ đến đời sống bên kia nấm mồ. Một hôm đi săn, ngồi trên mình ngựa, tay giương cung đang hăng hái băng qua những bụi cây rậm rạp, tự nhiên một con nai béo tốt xuất hiện đứng ngay trước mặt. Con nai hiền từ không chút lo sợ, Hubertô giơ cung định bắn, nhưng thình lình giây cung bị đứt. Thế rồi Hubertô hoa cả mặt mũi, vì từ hai sừng nai phát ra một luồng ánh sáng kết thành hình thánh giá. Hubertô ngây ngất lúc lâu rồi nghe như có tiếng bí mật từ luồng sáng thổi ra: "Hubertô, Hubertô, mê săn bắn làm chi mà bỏ quên một công việc trọng đại là lo phụng sự Thiên Chúa và làm cho nhiều người yêu mến Ngàỉ". Nghe mấy lời ấy, lòng Hubertô xao động. Hubertô quay lại thì con nai đã biến đâu mất, giây cung lại lành như thường. Hubertô buông cương ngựa, quỳ sấp mình xuống đất khóc lóc thảm thiết.
Trở về, Hubertô đến thưa chuyện với Đức Giám mục thành Mettrít và xin ngài lo liệu cho vào rừng tu hành để đền tội quãng đời đã qua. Đức Giám mục khuyên ngài hãy thong thả, cứ cố gắng thi hành việc bổn phận với tinh thần yêu mến, rồi khi việc nhà việc nước ổn định, lúc ấy sẽ hay. Vâng lời Đức Giám mục, Hubertô trở về triều đình tiếp tục chỉ huy binh sĩ. Từ đây, mỗi khi muốn lên ngựa đi săn, Hubertô đều đến nhà thờ suy gẫm và đọc Kinh thánh.
Ít năm sau bà vợ ngã bệnh chết, Hubertô nghĩ rằng đây là thời cơ thuận tiện để giũ bỏ chức tước danh vọng và lên rừng ẩn tu. Hubertô đã đến trước mặt Hoàng đế để xin từ chức, nhưng không được vì chưa có ai thay thế. Vừa khi tìm được người thay thế, Hubertô cởi ngay chiến bào, lên miền bắc tìm đến khu rừng mà hồi xưa đã được ánh sáng lạ chiếu dọi. Sau mấy ngày đường, gặp một nhà dòng nho nhỏ ở trong rừng, Hubertô xin vào tu trì tại đó. Nhưng sau vì không thoả mãn với cuộc sống trong dòng, nên thánh nhân đã xin bề trên cho đi ẩn tu trong một túp lều giữa rừng. Lúc ấy, thánh nhân mới 30 tuổi. Chuyến ra đi của thánh nhân làm nhiều người chê cười, cho ngài là thằng ngố, thằng điên. Ai cũng tưởng rằng cuộc đời của Hubertô như thế là hoàn toàn chôn vùi trong quên lãng. Nhưng ngờ đâu đó mới là những năm sửa soạn cho một sứ mệnh cao cả hơn.
Qua bảy năm sau, Đức Giám mục thành Mettrit bị ám sát. Tất cả dân thành lúc ấy lại nhớ đến thánh Hubertô, và họ đồng thanh yêu cầu ngài về làm Giám mục. Sau mấy ngày cầu nguyện và hội ý với bề trên nhà dòng, thánh nhân trở về địa phận coi sóc giáo dân.
Lên làm Giám mục, thánh Hubertô nỗ lực đem nhiều người về chính đạo. Ngài đi kinh lý đến đâu là dân chúng từ các miền hẻo lánh đều tấp nập đến nghe giảng dạy. Nhiều người sau khi đến nghe, đã trở về hạ bệ tất cả các thần tượng, đốt phá và xin theo đạo Chúa. Ở Taxandrie và Brabant, Đức Giám mục cũng cho triệt hạ nhiều đền thờ ngẫu tượng và xây thế vào những đền kỷ niệm các thánh tử đạo.
Viết về quãng đời làm Giám mục của thánh Hubertô, cha Ocan kết thúc như sau: "Quả Đức Giám mục Hubertô đã thể hiện toàn vẹn những điều thánh tông đồ Phaolô căn dặn đồ đệ Timôthê của ngài: "Hỡi con, Giám mục là người không thể bắt lỗi, chỉ kết bạn một lần, điều độ, khôn ngoan, tề chỉnh, thanh sạch, hiếu khách, thông thái, không say sưa, không hiếu chiến, nhưng nhân nhượng, không cạnh tranh, không tham lam, lại khéo coi sóc nhà mình, khiến con cái tuân phục với mọi bề tiết hạnh…" (I Tm 3,1-6).
Cuối năm 727, Đức Giám mục đi làm phép vương cung thánh đường ở Brabant. Trong buổi lễ hình như thánh nhân đã tiên cảm thấy cái chết, ngài đã giảng một bài rất dài và cảm động về sự chết và lòng thống hối ăn năn, sau buổi lễ, Đức Giám mục đến dự bữa cơm do cha xứ khoản đãi, Đức Giám mục cầm ly rượu nhấp một chút và ngửa mặt lên trời như để trầm ngâm suy tưởng đến cuộc sống mai hậu. Khi đứng dậy khỏi bàn ăn, một tu sĩ mời ngài uống thêm một chút nữa, nhưng ngài trả lời: "Hẹn gặp nhau trên nước trời, còn bây giờ tôi không uống nữa". Trên đường trở về, thánh nhân bị cảm nắng, đồ đệ phải khiêng ngài vào một túp lều nhỏ gần đó. Sau mấy ngày mê man bất tỉnh. Thánh Giám mục tỉnh lại, xin chịu xức dầu và rước lễ cuối cùng. Ngày 30 tháng 12 năm 727, ngài êm ái tắt thở sau khi đã sốt sắng đọc kinh Tin kính và kinh Lạy Cha.
Mười sáu năm sau khi mai táng, xác thánh vẫn còn nguyên vẹn tốt tươi như người nằm ngủ. Thánh Hubertô đã được coi như thánh bổn mạng của những người săn bắn và là lương y, chữa lành những người bị bệnh chó dại cắn, vì người ta kể hễ ai bị chó dại cắn chỉ cần lấy miếng áo của ngài đắp lên là được khỏi ngay.
Kính xin thánh Hubertô ban cho chúng con lòng yêu mến nhà Chúa như người, để dù trong hoàn cảnh nào chúng con vẫn bền vững trong đức tin, nêu gương cho nhiều người trở về tôn thờ Thiên Chúa Đấng độc nhất chân thật. Amen.
Chiếc Quan Tài Con
Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: "Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay".
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nàọ Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá... Trong tất cả mọi sự, người không ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.