Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Tất cả chúng ta đều mong manh và đều cần Thiên Chúa: lễ hội nho nhỏ chung quanh Đức Giáo hoàng

Filled under:

Nói chuyện tự phát với các em khuyết tật ở Tòa Sứ Thần Bogota chiều thứ năm 7 tháng 9 - 2017
Đức Phanxicô nói với cô gái khuyết tật trẻ chiều tối thứ năm 7-9-2017 trong một buổi lễ hội nhỏ các thanh niên tổ chức ở Tòa Sứ Thần: “Tất cả chúng ta đều mong manh”.
Cũng như tối hôm trước, ngày thứ tư, ngay sau khi Đức Phanxicô từ phi trường về, các thanh niên trẻ cũng tổ chức một buổi lễ hội nhỏ ca hát, nhảy múa, kể chứng từ để ... chờ ngài, thì hôm nay, họ cũng tổ chức một buổi lễ hội nhỏ đàn hát, kể chứng từ để chờ Đức Phanxicô từ công viên Simon Bolivar về.
Chứng từ của các thiếu nữ trẻ đàn hát cho những người thiếu may mắn nhất và chứng từ của ba thiếu nữ bị khuyết tật.
Đức Phanxicô đã đến ôm ba thiếu nữ, cô Maria xúc động khóc. Sau đó, đứng trên bục nhỏ, ngài ứng khẩu nói chuyện với các em, như thử mệt nhọc của một ngày dài biến mất khi ngài thấy các em.
Hôm nay, ngài đã đọc ba bài diễn văn dài và quan trọng (với chính quyền, với các giám mục và với Hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh CELAM). Ở trước nhà thờ chính tòa, ngài ứng khẩu nói chuyện với một đám đông ước chừng 20 000 người, đa số là các người trẻ, ngài gặp Tổng thống Santos, ngài dâng thánh lễ trước hàng chục ngàn người – có sự hiện diện của Tổng thống Colombia và phu nhân – và ngài giảng thánh lễ.
Lúc 7 giờ chiều, ngài về Tòa Sứ Thần và ngõ lời cám ơn: “Chào buổi chiều và cám ơn, cám ơn cho các sự kiện đẹp này; cám ơn tất cả các con đã có mặt ở đây. Cha cám ơn thật nhiều”. Bên cạnh ngài là Hồng y Quốc Vụ Khanh  Pietro Parolin và Hồng y Ruben Salazar Gomez, địa phận Bogota, tất cả đều vui vẻ cười trước buổi lễ hội ngạc nhiên này.
Sau đó ngài tiếp lời Maria: “Maria đã nói một chuyện rất đẹp: rằng nhân loại sẽ khá hơn khi ... Lặp lại đi con ... Lặp lại đi con ... Maria, con đọc lại đi, cha muốn các bạn con nghe lại một lần nữa, chỉ cái đoạn mà cha chỉ cho con!”
Maria giọng còn xúc động, cô đọc: “Chúng tôi muốn một thế giới mà sự mong manh được công nhận là cần thiết cho con người. Rằng nó không làm chúng ta yếu đi, nhưng gia sức cho chúng ta và mang lại cho chúng ta nhân phẩm. Đó là nơi gặp gỡ chung làm cho chúng ta người hơn .”
Sau đó, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh thêm, ngài nói với tất cả mọi người: “Đó là lời nhắn của Maria: một thế giới mà sự mong manh được xem như cốt tủy của nhân loại ... Bởi vì chúng ta tất cả đều mong manh, tất cả. Bên trong, trong cảm nhận, có bao nhiêu là chuyện không chạy, bên trong, nhưng không ai thấy. Và nơi những người khác, chúng ta thấy, tất cả. Và chúng ta cần sự mong manh này được tôn trọng, được săn sóc, được yêu mến trong chừng mực có thể, để nó mang hoa quả đến cho người khác ... Chúng ta tất cả đều mong manh. Maria con, con có can đảm trả lời một câu hỏi không? Theo con, ai là người duy nhất không mong manh?”
“Thiên Chúa” Maria trả lời.
“Thiên Chúa! Đức Phanxicô lặp lại, Chúa là người duy nhất không mong manh: còn tất cả chúng ta, tất cả đều mong manh. Nơi một số người mình không thấy, nơi một số khác, mình thấy. Nhưng chủ yếu, con người cần được Chúa nâng đỡ, tất cả chúng ta đều cần .”
Từ đó Đức Phanxicô rút ra một hệ quả rất cụ thể: “Chính vì vậy mà chúng ta không thể gạt ai ra ngoài: các con rõ chứ? Vì mỗi người chúng ta là một kho tàng dâng lên Chúa, để Chúa làm cho nó lớn lên theo cách của Ngài .”
Rồi ngài nói với các người trẻ và Maria: “Cha cám ơn chứng từ của con. Cha cám ơn lời của con .”
Sau đó Đức Phanxicô mời mọi người đọc kinh với ngài, chầm chậm ngài đọc Kinh Kính Mừng bằng tiếng Tây Ban Nha, ngài ban phép lành cho các bạn trẻ và đám đông đang có mặt ở đây.
Trước khi về nghỉ, Đức Phanxicô xin như thường lệ, nhưng lần này có hơi khác: “Và xin các con đừng quên cầu nguyện cho cha, vì cha cũng rất mong manh .”
Tiếng vỗ tay hò hét vang dội theo kiểu tự nhiên, vui vẻ và đầy trìu mến của người Colombia.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch



Tình phụ tử buộc Đức Phanxicô phải nói với người Colombia

Ngày 7 tháng 9 là ngày bận rộn nhất trong chuyến tông du Colombia của Đức Phanxicô, ít nhất có năm lần Đức Phanxicô phát biểu, dịp để cho ngài bày tỏ sự gần gũi của mình với người dân Colombia và cũng là dịp ngài đòi hỏi người dân Colombia một vài chuyện.
Những bước tiến quyết định tiến đến việc chấm dứt các xung đột vũ trang làm cho ngài vui mừng, ngài không quên nói như trên với các nhà cầm quyền Colombia. Là nhà lãnh đạo công giáo hoàn vũ, ngài chỉ có một lòng yêu đất nước có một sự “hài hòa tổng hợp của ánh sáng kitô giáo” này.
Thêm nữa, Đức Phanxicô yêu đặc biệt đất nước Colombia và người Colombia. Theo ngài, đây là một Quốc gia được “ban phước” qua sự phong phú của “phẩm chất nhân bản của người dân”, những con người có “tinh thần đón tiếp và tốt lành”, mang đặc nét kiên trì và can đảm. Còn đối với các người trẻ, lòng nhiệt tình hăng say của họ đã làm trái tim của giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh xúc động.
Tuy vậy, trong suốt một ngày dài, Đức Phanxicô cho thấy mình có một số đòi hỏi với người Colombia. Ngài nói trực tiếp với họ, với các giám mục cũng như với hàng lãnh đạo. Chắc chắn, sự đòi hỏi này được thể hiện một cách cẩn thận và tôn trọng, nhưng đúng là có đòi hỏi. Trước chuyến đi, một trong các người thân cận với ngài ghi nhận, “giáo hoàng ít cứng rắn hơn trước”.
Đòi hỏi tuyệt đối phải tôn trọng sự sống
Đối với Đức Thánh Cha, các thỏa hiệp hòa bình và ngưng bắn với các lực lượng vũ trang là một bước quyết định nhưng chưa đủ. Nếu người Colombia thật sự muốn có một xã hội không bạo lực, thì họ phải xây dựng đất nước trên sự tôn trọng “sự sống con người, nhất là những người yếu đuối nhất, những người không có phương tiện nào để tự vệ”.
Vì thế, phải tôn trọng sự sống, từ khi mới tạo thành cho đến khi chấm dứt một cách tự nhiên, Đức Phanxicô đã lặp lại ít nhất ba lần trong các bài đọc của mình. Cũng vậy đối với việc quan tâm đến gia đình và hôn nhân, “một sự kết hiệp giữa một người đàn ông và một người đàn bà”. Điều này không phải là không quan trọng, vì nước Colombia là một nước rất công giáo, 94 % người dân được rửa tội nhưng là nước cho phép trợ tử và hôn nhân đồng tính.
Ngài lên tiếng: “Nếu người Colombia muốn đi ra khỏi “bóng tối dày đặc đe dọa và hủy hoại sự sống” thì họ phải quyết tâm xây dựng một xã hội dựa trên các “nguyên lý của Phúc Âm”. Cũng như các nguyên lý này đã là “chiều kích đáng kể của tầng lớp xã hội Colombia”. Sau sáu mươi năm cuộc chiến vũ trang, người Colombia phải “tái bắt đầu lại phải xem nhau như là anh em”.
Để mình “bị tát“ bởi các đau khổ của người khác
Đức Phanxicô nhìn hy vọng của Colombia nơi các người trẻ. Chính những người trẻ là những người “hiểu sự đau đớn của những người đau khổ” và ngay cả còn để mình “bị tát” bởi những đau khổ này. Vì thế ngài đòi hỏi các người trẻ: họ phải dạy tha thứ và “chữa lành tâm hồn chúng ta”.
Còn với các giám mục Colombia, Đức Phanxicô xin họ hãy là người cha của các linh mục của mình. Một lời xin ngài áp dụng cho chính mình: một tình phụ tử yêu thương nhưng không quên đòi hỏi các con cái mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch