CN LỄ HIỂN LINH (Mt 2,1-12)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho chúng ta
thấy:
Hêrôđê và các nhà đạo sĩ đã có những thông tin về nơi
Chúa sinh ra tại Bêlem, xứ Giuđa vì trong sách ngôn sứ Mikêa 5,1, có chép rằng:
“phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải
là mảnh đất nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi, vị thủ lãnh chăn đắt Israen dân
Ta sẽ ra đời”
Chúng ta thấy, cả vua Hêrôđê và các nhà đạo sĩ đều đi
tìm Chúa, muốn gặp được Chúa, nhưng tại sao chỉ có các nhà đạo sĩ gặp được Chúa
còn Hêrôđê thì không?
Thưa, lý do chính là con người của họ.
Vậy
Hêrôđê là con người như thế nào?
Hêrôđê nửa là Do Thái, nửa là Êđôm, trong huyết quản của
nhà vua có dòng máu Êđôm. Vua là một lợi khí đắc lực cho người Rôma trong những
cuộc chiến tranh và nội chiến ở Palestine,
được người Rôma tin dùng. Hêrôđê được chỉ định làm tổng đốc năm 47 TCN. Năm 40
TCN, Hêrôđê được phong làm vua và cai trị đến năm 4 TCN.
Ông nắm quyền khá lâu và được gọi là Hêrôđê đại đế và rất
xứng đáng với danh hiệu ấy. Ông là người duy nhất ở Palestine đã thành công trong việc trị an
và đem lại trật tự cho một xứ hỗn loạn. Ông là nhà kiến trúc đại tài, chính ông
đã xây đền thờ Giêrusalem. Có thể ông cũng là một người rộng lượng. Trong thời
khó khăn, ông miễn thuế cho dân và trong cơn đói kém năm 25 TCN, ông đã cho nấu
chảy cái đĩa vàng lớn của mình để mua ngũ cốc phát cho dân đói khổ. Nhưng
Hêrôđê có tính đa nghi khủng khiếp. Ông là người luôn ngờ vực. Càng về già ông càng đa nghi đến
độ có kẻ đã gọi ông là “ông già
sát nhân”. Ông nghi ai là đối thủ tranh chấp quyền hành thì người ấy bị loại
trừ ngay lập tức.
Ông đã giết vợ là Mariamne cùng mẹ nàng là Alexandra. Con cả là Antipater và
hai con trai khác là Alexander Aristobulus cũng bị ông sát hại.
Bản chất man rợ và cong quẹo của Hêrôđê được thấy rõ hơn
trong những chuẩn bị của ông trước khi qua đời. Khi được bảy mươi tuổi biết
mình sắp chết, ông rút về thành Giêrikhô, thành xinh đẹp nhất của ông, rồi
truyền lệnh bắt một số người nổi danh nhất trong thành Giêrusalem, bịa đặt tội
trạng và hạ ngục. Ông truyền lệnh phải giết hết những người ấy khi ông lâm
chung. Ông nói cách tàn nhẫn rằng vì ông biết khi ông chết chẳng ai thèm than
khóc, nên nhất định phải làm sao cho có nước mắt đổ ra lúc ông chết.[1]
Một
con người độc ác như thế làm sao gặp được Chúa!
Còn
các đạo sĩ là ai?
Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, có mấy nhà đạo sĩ (Magi) từ Phương Đông tìm đến tỏ lòng tôn
kính Ngài. Theo Herodotus (1,101,132), Magi nguyên là một chi phái Mêđi.
Người Mêđi là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Họ cố gắng
lật đổ người Ba Tư đem chính quyền về cho người Mêđi. Mưu toan thất bại, từ đó
người Magi từ bỏ mọi tham vọng về quyền hành hoặc uy tín và trở nên chi phái tư
tế.
Các Magi đối với dân Ba Tư cũng giống như các thầy Lêvi đối với dân Israel vậy. Họ
trở thành thầy dạy và giáo dục cho các vua Ba Tư. Tại Ba Tư không được dâng lễ
vật nếu không có một Magi hiện diện. Họ
là người của sự thánh thiện và khôn ngoan. Những người Magi này rất giỏi về
triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Họ cũng là những thầy bói và người giải
mộng. Về sau, chữ Magi càng ngày càng mang nghĩa thấp kém hơn và trở thành chữ
thầy bói, phù thủy và lang băm, như Êlyma, thuật sĩ (Cv 13,6.8), Simon người
được mệnh danh là thuật sĩ (Cv 8,9-11). Nhưng các Magi không như vậy, họ là
những bậc thánh, cũng là những nhà hiền triết đi tìm chân lý.
Trong bài Tin Mừng, thánh Matthêu cho chúng ta thấy
các Magi đã được một ngôi sao dẫn đường. Chúng ta không biết các Magi đã thấy ngôi sao nào, nhưng họ
chuyên xem sao nên ánh sáng lạ xuất hiện trên trời báo cho họ biết một vị vua
đã đến thế gian.
Đối với chúng ta, dường như việc những Magi này từ Phương Đông lên đường đi tìm vua
là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng ngay lúc Chúa Giêsu giáng sinh,
trong thế giới bấy giờ cũng có sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến.
Ngay các sử gia Rôma cũng biết rõ điều
này, sau đó không lâu, nhằm thời hoàng đế Vespasian, sử gia Suetonius đã viết:
“Khắp Phương Đông
có một niềm tin là vào thời đó nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế
giới” (Suetonius, Đời sống Vespasian 4,5). Sử gia Tacitus cũng nói đến niềm tin
đó: “Có một xác tín rằng trong chính thời gian này Phương Đông trở nên hùng mạnh và
những người cai trị đến từ Giuđê sẽ chiếm được đế quốc toàn cầu” (Tacitus, Biên
niên sử 5,13).
Người Do Thái cũng tin: “Vào khoảng thời
gian đó, một người trong xứ họ sẽ trở thành vua của mọi dân trên mặt đất”
(Josephus, Những Cuộc Chiến Tranh của người Do Thái 6,5).[2]
Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện
các Magi tìm đến máng cỏ chỉ là một huyền thoại, nhưng chính đó là một biến cố
đã xảy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang tha thiết
trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa. Sự khao khát nung nấu
lòng người. Họ đã nhận biết mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu
không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến với một thế gian đang khắc khoải đợi
mong và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu
quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên Chúa Giêsu chinh phục thế
giới.
Với tất cả sự
hiểu biết cũng như khát vọng của những người đương thời, các đạo sĩ đã đi tìm
Chúa. Các đạo sĩ đã khao khát gặp Chúa, gặp Chúa để thờ lạy Chúa. Các đạo sĩ đã
ước ao dâng lên Chúa những tặng vật cao quý nhất là vàng nhũ hương
và mộc dược. Chính vì vậy, các đạo sĩ đã gặp được Chúa.
Còn Hêrôđê cũng muốn gặp được Chúa, nhưng gặp Chúa để
giết Chúa. Hêrôđê
sợ Chúa
Giêsu sẽ can thiệp
vào đời sống của kinh thành.
Hêrôđê sợ Chúa Giêsu sẽ can thiệp vào vương quốc của mình, nên một
thôi thúc mãnh liệt trong ông là phải tiêu diệt Ngài.
Ngày nay cũng vậy vẫn còn nhiều người muốn tiêu diệt Chúa Giêsu, vì họ chỉ
thấy Ngài là người xen vào đời sống họ, không cho họ làm theo điều mình thích, không cho họ thỏa mãn các đam mê, các dục vọng của họ,
nên họ muốn giết
Ngài.
Cũng như Hêrôđê, những con người như thế sẽ không bao giờ gặp được Chúa. Amen