Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY MỒNG BA TẾT

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mát-thêu (Mt 25: 14-30)
 
14 "Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây."21 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây."23 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! "26 Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
 

SUY NIỆM 1

 
Ngày mùng ba Tết, trong lúc hầu hết mọi người còn mải mê ăn tết thì Hội Thánh đã nhắc ta nghĩ tới công ăn việc làm. Hội Thánh còn dành trọn các thánh lễ ngày mùng Ba để cầu xin Chúa thánh hóa lao động của ta.

Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Môt người kia muốn leo lên núi, nhưng ông lại không có một chút cố gắng gì để thực hiện. Ông chỉ quì xuống và cầu nguyện xin Chúa  đưa ông lên. Đức Giêsu và thánh Phêrô đi ngang qua Thấy vậy, Đức Giêsu làm ngơ bỏ đi qua. Đi một đoạn Người thấy một người thứ hai đang cố sức vần lại chiếc xe bò bị lật, miệng hậm hực chửi bới. Thấy Đức Giêsu và thánh Phêrô, ông ngước mắt lên như cầu cứu. Đức Giêsu nói với thánh Phêrô, “Nào ta cùng lại giúp ông ta đỡ chiếc xe bò lên, kẻo một mình ông làm không nổi”. Xong việc, thánh Phêrô thắc mắc hỏi Đức Giêsu:

- Sao Thầy không giúp ông đang cầu nguyện mà lại giúp ông này, miệng cứ lâm râm chửi bới. Đức Giêsu trả lời:

- Vì ông trước ỷ nại vào Thiên Chúa, không chịu cố gắng một chút gì. Còn ông này đã có nhiều nỗ lực, cố gắng.

Câu chuyện cho chúng ta bài học: Tận nhân lực mới tri thiên mệnh. Có người nghĩ rằng hôm nay là ngày lễ cầu mùa, tôi chẳng có ruộng đất, hoặc cầu mãi chẳng được, nên chẳng cầu xin gì nữa. Họ chưa hiểu ý nghĩa của ngày lễ hôm nay là thánh hóa công việc làm ăn. Như vậy, mục đích không chỉ là đạt tới những thành công, những kết quả trong công việc trần thế, mà quan trọng hơn là đạt tới ơn cứu rỗi qua công việc lao động hằng ngày, qua việc bổn phận. Thánh Phaolô dạy:”Dù anh em ăn, dù anh em ngủ, dù anh em làm bất cứ việc gì, hãy làm với lòng yêu mến Chúa”.  Đó là thánh hóa công việc làm ăn.

Trong công việc làm, Chúa chỉ đòi hỏi thiện chí cố gắng của chúng ta, tùy theo những ơn Người đã ban. Nếu ta được nhiều ơn lành như người lãnh 5 nén thì ta phải trả nhiều hơn người chỉ lãnh 2 nén hay 1 nén. Những ơn lành Chúa ban không phải để ta dùng cách ích kỷ cho riêng mình, nhưng phải dùng nó để làm ích lợi cho anh em và xây dựng hạnh phúc Nước Trời.

Vậy, trong ngày cầu nguyện thánh hoá công ăn việc làm hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những lao nhọc của một năm qua và việc làm chúng ta sẽ làm trong năm mới này. Dẫu có đau khổ, cực nhọc cách mấy, ta vẫn xin Chúa giúp ta cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Xin Chúa giúp để việc làm của chúng ta đem lại đủ nuôi sống bản thân và gia đình mình. Xin Chúa mở rộng lòng, rộng tay của chúng ta để chúng ta biết chia sẻ thành quả công việc cho những người túng thiếu.

Lạy Chúa, sau mấy ngày nghỉ ngơi, chúng con sắp trở lại với công ăn việc làm. Chúa đã ban cho chúng con đôi tay và khối óc. Xin Chúa giúp chúng con sử dụng chúng để trong khi siêng năng lao động, chúng con vừa lo cho cuộc sống bản thân, vừa phục vụ mọi người. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
 
 

SUY NIỆM 2

 Thánh hóa công ăn việc làmTrong ba ngày đầu năm mới, Mồng Một, Mồng Hai và hôm nay Mồng Ba, chúng ta được mời gọi vừa tạ ơn Chúa và vừa xin ơn Chúa, như thánh Phao-lô mời gọi chúng ta trong bài đọc hai của Thánh Lễ Tân Niên:
Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giải bày trước mặt Thiên Chúa…
(Ph 4, 6)
Vậy, trong ba ngày đầu năm mới, chúng ta tạ ơn Chúa và xin ơn Chúa về điều gì, nếu không phải là ba điều thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thật vậy:
  • Trong Thánh Lễ Tân Niên, Mồng Một Tết, chúng ta vừa tạ ơn Chúa đã ban thêm cho chúng ta sự sống của một năm mới, vừa xin Chúa ban ơn bình an cho năm mới, bởi vì cuộc sống của chúng ta không thể tồn tại, nếu không có bình an, bình an giữa người với người, bình an giữa dân tộc với dân tộc, bình an khỏi mọi tai họa và tai nạn, và sâu sa hơn, bình an trong tâm hồn chúng ta.
  • Trong Thánh Lễ Mồng Hai Tết hôm qua, chúng ta vừa tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ và vừa cầu nguyện cho các ngài, bởi vì ai trong chúng ta cũng có nguồn có gốc, và chúng ta được mời gọi: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho trọn chữ hiếu, mới là đạo con.
Và hôm nay, trong Thánh Lễ Mồng Ba Tết chúng ta đang cử hành, chúng ta được mời gọi tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta “công ăn việc làm” và vừa xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta không thể sống hạnh phúc mà không có công ăn việc làm, và nếu được có công ăn việc làm thích hợp. Vậy trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy đem đến đặt trước mặt Chúa:
  • Công ăn việc làm của chúng ta, để xin Chúa thánh hóa: công ăn việc làm chúng ta ưa thích hay không ưa thích, công ăn việc làm sinh lợi nhiều hay sinh lợi ít, công ăn việc làm chúng ta đang vất vả đảm nhận, công ăn việc làm chúng ta đang cất công tìm kiếm hay công ăn việc làm chúng ta hằng mơ ước…
  • Và chúng ta cũng được mời gọi trong Thánh Lễ hôm nay, đặt trước mặt Chúa mọi công việc của chúng ta và xin Chúa thánh hóa: những công việc phục vụ lớn nhỏ trong Giáo Xứ, trong cộng đoàn hay trong hội dòng, những việc không tên và nhỏ bé hằng ngày trong gia đình, những công việc nhiều khi nặng nhọc mất nhiều thời gian, nhưng không lương bổng…
  • Và, với những người trẻ, là các em thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên còn đang đi học, chúng con cũng được mời gọi dâng cho Chúa việc học tập ở trường và những bổn phận nhỏ bé hằng ngày của chúng con trong gia đình, để xin Chúa thánh hóa.
Trong Thánh Lễ của ngày đầu năm mới hôm nay, chúng ta xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm và chúng ta được mời gọi tìm kiếm và đảm nhận công ăn việc làm của chúng ta như là “của thánh”. “Của thánh” là điều được thánh hóa, nghĩa là đến từ Chúa, thuộc về Chúa và hướng về Chúa.
Và Lời Chúa mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong Thánh Lễ hôm nay sẽ giúp chúng ta tìm kiếm và đảm nhận công ăn việc làm của chúng ta như là “của thánh”.
2. Sứ mạng Chúa trao
Tìm kiếm và đảm nhận công ăn việc làm của chúng ta như là “của thánh”, nghĩa là tìm kiếm và đảm nhận “công ăn việc làm” như là sứ mạng Chúa trao. Thật vậy, theo mặc khải của bài đọc một trích sách Sáng Thế, “công ăn việc làm” của loài người chúng ta được chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, trao phó và trao phó như một sứ mạng:
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.
(St 2, 15)
Và sứ mạng “cày cấy và canh giữ đất đai” được Thiên Chúa trao cho Adam, đại diện cho loài người chúng ta, trước khi Người ban lệnh truyền và trước khi con người vi phạm lệnh truyền. Như thế, trước khi phạm tội, đã có “công ăn việc làm” rồi; trong khi đó, chúng ta nhiều khi lại hiểu rằng, trước khi loài người phạm tội, con người rảnh rỗi, vui chơi, không phải làm việc, và chúng ta hiểu “công ăn việc làm” như là hình phạt!
Sứ mạng “canh tác đất đai, tương tự như sứ mạng làm vườn nho trong dụ ngôn “Vườn nho và các tá điền” (x. Mt 21) là ơn huệ Thiên Chúa ban, để cộng tác với Người trong công trình sáng tạo, nghĩa là làm cho sinh hoa trái phục vụ cho sự sống của con người.
Ngoài ra, còn có sứ mạng “canh giữ”, mà chúng ta ít để ý, nhưng trong thực tế, lại rất cần thiết. “Canh giữ” ở đây không phải là canh giữ của cải mình làm ra, nhưng là canh giữ Con Rắn, Ma Quỉ, Sự Dữ và tất cả liên quan đến Sự Dữ trong cách thức chúng ta đảm nhận “công ăn việc làm”, trong cách thức chúng ta làm ra của cải: đó là canh giữ khỏi lòng ham muốn, nô lệ cho tiền bạc của cải, bất chính, gian lận, lừa đảo, làm hại người khác, tôn vinh bản thân…
Sứ mạng “canh giữ” được trao cho Adam, nhưng ông đã canh giữ làm sao mà để cho con rắn nó vào cám dỗ bà Evà!
3. Làm sinh lợi “yến vàng” Chúa trao
Tìm kiếm và đảm nhận công ăn việc làm của chúng ta như là “của thánh”, nghĩa là tìm kiếm và đảm nhận “công ăn việc làm” nhằm mục đích làm cho sinh hoa kết quả “nén bạc” Chúa trao. Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su kể một dụ ngôn: “Người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông chủ cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người”. Theo các nhà chuyên môn, mỗi yến bạc trị giá sáu ngàn ngày công, tương đương với hai mươi năm làm việc. Số vốn quá lớn! Điều này có nghĩa là, dù có sự khác biệt khách quan năm, hai hay một nén, tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người chúng ta tự bản chất đều quá lớn, có thể nói được là vô giá, vô giá như chính sự sống.
Chúng ta có thể hiểu những yến bạc là những năm tháng cuộc đời Chúa ban cho mỗi người, dài ngắn khác nhau. Chúng ta cũng có thể hiểu những yến bạc là tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống: chủng tộc, xã hội, gia đình, giới tính, ngoại hình, khả năng, số phận… Như vậy, tất yếu có sự khác biệt. Chúng ta vẫn mơ là ai cũng y trang như nhau, thế là hết rắc rối. Không phải như vậy, sẽ rắc rối to hơn nữa, bởi vì sẽ chẳng còn niềm vui mở ra và chung hiệp, chẳng còn hạnh phúc đón nhận và trao ban, chẳng còn kinh ngạc và thán phục trước những điều kì diệu Chúa thực hiện đặc biệt cho mình hoặc cho người khác, chẳng còn tâm tình ca tụng và tạ ơn, chẳng còn lời kêu cầu tín thác, chẳng còn tương quan tình bạn, tình yêu… Hơn nữa, cung lòng của Thiên Chúa và cung lòng của mẹ chúng ta không thể như cái lò làm bánh mì, làm ra sản phẩm y như khuôn mẫu.
Dụ ngôn của Đức Giêsu, và nhất là cuộc đời của Ngài mời gọi chúng ta sống tâm tình tạ ơn, mỗi Thánh Lễ là một lời tạ ơn, là Lễ Tạ Ơn, là lời kinh Tạ Ơn: tạ ơn về chính mình, mình y như thế đó, tạ ơn vì sự tin tưởng quá lớn Chúa trao tặng cho chúng ta, tạ ơn vì quà tặng Đức Giêsu Kitô Chúa cho chúng ta mỗi ngày thật quảng đại và nhưng không. Chính với tâm tình tạ ơn mà chúng ta mới có thể bao dung và quảng đại làm sinh hoa kết quả cho vinh quang Thiên Chúa.
Khi cho đi, như dụ ngôn mời gọi chúng ta nhận ra, thì kết quả tất yếu sẽ viên mãn, năm nén sinh năm nén, hai nén sinh hai nén, và đáng lẽ ra, một yến cũng phải sinh ra một yến. Tuy nhiên, kết quả dù ít dù nhiều không quan trọng, miễn là chúng ta đã cho đi tất cả, và lời hứa Chúa dành cho chúng ta đều như nhau, nghĩa là “gấp trăm” do lòng quảng đại của Thiên Chúa:
Hưởng niềm vui khôn tả của Chúa.
Niềm vui mà Chúa cho chúng ta cảm nếm ngay hôm nay, trong những ngày họp mặt đầu Năm Mới.
4. Để chia sẻ
Tìm kiếm và đảm nhận công ăn việc làm của chúng ta như là “của thánh”, nghĩa là tìm kiếm và đảm nhận “công ăn việc làm” để có thể giúp đỡ người khác. Đó chính là chiều kích thánh thiêng thứ ba, mà Lời Chúa, trong bài đọc hai, trích sách Công Vụ Tông Đồ kể lại lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô, mời gọi chúng ta đảm nhận “công ăn việc làm” của chúng ta:
Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận.”
(Cv 20, 35)
Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta “làm lụng vất vả” để giúp đỡ những người đau yếu; và chúng ta có thể hiểu rộng hơn, để giúp đỡ những người nghèo, những người thiếu may mắn hay thiếu khả năng, hay đơn giản là để nuối sống nhau, nuôi sống những người già yếu, nuôi sống những em bé, những người trẻ trong xã hội, trong gia đình và trong cộng đoàn, hội dòng.
Chúng ta làm như thế, chính là để sống theo lời của Đức Giê-su, vì Người nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận”; và hơn thế nữa, để nên giống chính Đức Giê-su, vì Người đã và vẫn cho đi chính mình Người, chính sự sống của Người trong mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Thánh Thể, được hoàn tất bởi Mầu Nhiệm chết và phục sinh.
*  *  *
Xin Chúa thánh hóa “công ăn việc làm” của chúng ta; và xin Chúa ban ân sủng và tình yêu của Người, để mỗi ngày và suốt năm mới, chúng ta có thể sống chiều kích thánh thiêng của “công ăn việc làm”, nghĩa là:
  • “công ăn việc làm” là sứ mạng Chúa trao,
  • “công ăn việc làm” là để sinh hoa kết quả nén bạc, là cuộc đời và ơn gọi của chúng ta,
  • và “công ăn việc làm” là để có thể phục vụ, chia sẻ và giúp đỡ.
Như Lời Chúa mời gọi chúng ta. Amen.