Câu chuyện về một trong những nhân vật vĩ đại và bài học quý giá khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Nếu may mắn được sử hữu trí thông minh, chắc chắn ai trong chúng ta cũng rất đỗi tự hào. Ông bà ta ngày xưa có câu “cần cù bù thông minh” nhưng đối với những người sở hữu trí thông minh hơn người, họ chưa bao giờ công nhận điều này.
Tự tin và luôn cho mình là đúng được xem là điểm chung của những người thông minh. Thế nhưng, đây cũng chính là nhược điểm mà chính bản thân họ cũng chẳng mảy may nhận ra. Câu chuyện dưới đây chính là minh chứng rõ nhất cho điều này:
Ngày đó có một cậu bé người Mĩ tên Wilson hiền lành và trông có vẻ khờ khạo. Nhiều người trong thị trấn thường mang cậu ra làm trò mua vui và bạn bè cùng lớp cũng vậy.
Một ngày nọ, những người bạn cùng lớp cầm trên tay tờ 1 đô và đồng 5 cent đến trước mặt Wilson và yêu cầu cậu chọn một trong hai.
Không một giây suy nghĩ, Wilson nhanh chóng đưa ra câu trả lời: “Tớ chọn đồng 5 cent.” khiến những người xung quanh cười phá lên. Sau đó, câu chuyện này được lan truyền và cậu bé bị cả trường cười nhạo.
Nhiều người không tin và tò mò trước quyết định ngốc nghếch của Wilson. Họ kéo nhau đến gặp cậu để kiểm nghiệm và lần nào cũng nhận về cùng một kết quả. Mỗi lần như vậy, mọi người đều được một phen hả hê và rời đi cùng với nụ cười hài lòng trên môi.
Câu chuyện đến tai của thầy giáo. Ông bèn gọi Wilson đến văn phòng và hỏi: “Chẳng lẽ em không phân biệt được giá trị lớn nhỏ của tờ 1 đô la và 5 cent sao?”.
Cậu học trò với đôi mắt sáng trong nhẹ nhàng đáp: “Đương nhiên là em biết rõ ạ. Nếu như em chọn tờ 1 đô thì sẽ không có nhiều người mang tiền đến để thử, như vậy em cũng không thu được lợi nhuận từ đồng 5 cent.”.
Nếu là thầy giáo và nhận được câu trả lời như thế này, liệu bạn có còn dùng suy nghĩ được cho là của người thông minh để đánh giá Wilson nữa không?
Cậu bé ấy không dùng đầu óc thông minh của mình đặt lên những món lợi nhỏ mà chỉ đơn giản lợi dụng cái ngốc của người thông minh để “trả đũa” họ. Đó mới thật sự là trí thông minh của cậu bé Wilson, người 45 năm sau đó đã trở thành Tổng thống thứ 28 của Mĩ.
Đây có thể là một câu chuyện bịa đặt và hoàn toàn không có tính xác thực nhưng nó dạy cho chúng ta rất nhiều bài học hữu ích. Khi đó, Wilson không chứng tỏ bản thân mình, chấp nhận bị các bạn cười chê để rồi sau đó, họ tự nhận ra sự ngu ngốc của bản thân.
Đấy chính là cách sống khôn ngoan. Đừng bao giờ thể hiện mình là người thông minh, am hiểu mọi thứ. Điều ấy chắc chắn giúp bạn được mọi người ngưỡng mộ nhưng bạn sẽ trở thành chỗ dựa để họ ỷ lại và bàn giao tất cả mọi công việc.
Vô tình bạn lại rơi vào cái bẫy “Thông minh quá sẽ bị thông minh hại” bởi sự tự tin thái quá sẽ khiến bạn mất đi phòng vệ và dễ bị tấn công nhất.
Ngược lại, hãy tận dụng điểm yếu của người thông minh bằng cách tỏ ra ngốc nghếch. Nghe có vẻ buồn cười những đây chẳng phải là cách Wilson “lừa” mọi người xung quanh vô cùng ngoạn mục đó sao?
Sự tự tin và luôn cho mình là đúng là hai trong những sai lầm ngu ngốc của những người thông minh trong câu chuyện trên.
Doanh nhân Lee Semel từng nói: “Những người thông minh thường dùng sự thông minh là thước đo toàn thể một con người. Họ không thấy được giá trị bên trong của mọi người hoặc nhìn nhận hoàn toàn sai về những người khác.”.
Các bạn cùng lớp đã tin vào phán đoán của mình, cho rằng Wilson mãi là kẻ ngốc và tất nhiên sự lựa chọn không nằm ngoài dự đoán của cậu bé khiến chúng vô cùng hài lòng.
Người thông minh thường rất quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt, đặc biệt là trong lĩnh vực mà họ làm chuyên gia. Họ bỏ qua cảm nhận chung và cơ bản về một thứ gì đó mà chỉ tập trung phân tích tiểu tiết.
Câu nói của Semel sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này: “Khi iPod mới ra mắt, những người trong giới công nghệ phàn nàn rằng nó thiếu các tính năng và giá quá cao. Trong khi đó, sản phẩm này rất tuyệt vời và dễ sử dụng nên những người bình thường đổ xô đi mua nó."
Chưa bao giờ sản phẩm điện tử của Apple làm hài lòng giới công nghệ nhưng hầu hết người mua đều đánh giá cao thiết kế sang trọng và tính thẩm mĩ của “nhà táo”. Và đó là điểm mấu chốt giúp họ vươn lên nắm gần một nửa thị trường công nghệ hiện nay.
Thế nên, bài học rút ra ở đây có nghĩa là đừng cố chứng tỏ bản thân thông minh mà hãy cứ ngốc nghếch đi. Người thông minh thật sự sẽ không bao giờ để người khác lợi dụng sự ngu ngốc của mình.
(Nguồn: Tổng hợp)