Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 22/1/2017

Filled under:


HÃY THẮP SÁNG LÊN
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16)
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn điện, ánh sáng văn minh... Tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật, chứ không thể soi sáng giúp ta nhìn ra “người khác” là “anh em.” Và nhất là, nhân loại vẫn còn thiếu một thứ ánh sáng đủ mạnh để đẩy lùi “bóng tối tử thần,” bóng tối kích động hận thù, gieo rắc sự chết. Ánh sáng ấy được tìm thấy nơi các sách Tin Mừng, chiếu rọi suốt dọc dài lịch sử Giáo hội: ánh sáng giúp người Sa-ma-ri nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho kẻ bị bọn cướp đánh dở sống dở chết nằm bên đường (Lc 10,25-37); ánh sáng bừng lên giúp Mác-ti-nô thành Tu-ri-nô, giữa tiết trời mùa đông giá lạnh, chia đôi áo choàng cho người ăn xin co ro bên đường... Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đã được Đức Ki-tô mang xuống từ trời, Ngài ước mong phải chi ngọn lửa ấy bừng lên (Lc 12,49).
Mời Bạn: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” (E. Roosevelt) Phải chăng vì bạn chưa làm gì tích cực để đẩy lùi bóng tối nên nó vẫn còn giúp cho tham nhũng, bóc lột hoành hành, vẫn còn bao che cho lường gạt, trộm cắp, vẫn còn đồng lõa với nạn giết người, phá thai... Phải chăng vì ngọn đèn Ki-tô hữu chúng ta đã “hết dầu” nên bóng tối lan tràn như thế?
Sống Lời Chúa: Làm một hành động tích cực để phản ứng lại những gì là bóng tối tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là Ánh Sáng đích thực. Xin cho chúng con kiên vững trong ánh sáng của Chúa, để đẩy lùi mọi thứ bóng tối ra xa chúng con.


 THÁNH VINH SƠN PHÓ TẾ TỬ ĐẠO
(+ 304)
Thánh Vinhsơn sinh tại Huesca nước Tây Ban Nha. Hồi niên thiếu, Vinhsơn là một lễ sinh của Giám mục Valêriô. Những ngày thơ ấu. Vinhsơn sống bên cạnh Giám mục thật là êm đềm hạnh phúc. Ngày ngày Giám mục dạy Vinhsơn giáo lý và cả các môn văn chương khoa học phần đời.
Cùng với thời gian, Vinhsơn tiến triển cả về thân xác lẫn tinh thần. Thấy mình già cần phải có người giúp việc, Giám mục Valêriô liền truyền chức phó tế cho Vinhsơn để phụ lực với ngài trong việc giảng giáo.
Những ngày sống thanh bình không được bao lâu. Tiếp đến là những ngày giông tố mù trời của những cơn bắt bớ do Điôclêtianô và Maximianô.
Viên tri phủ Đacianô một con người hung tàn, khát máu được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Valensce. Ông muốn tàn sát người công giáo cho thỏa mối căm hờn. Ngày Đacianô về nhận chức tỉnh trưởng Valencia cũng là ngày mở đầu cho tấn thảm kịch đầu rơi, máu chảy. Trước hết ông truyền bắt ngay Giám mục Valêriô và thầy phó tế Vinhsơn, rồi ra lệnh tra tấn dã man hầu làm lung lạc tinh thần các giáo hữu. Nhưng hai đấng trái lại rất hân hoan sung sướng, vì coi mình là kẻ đầu tiên được mời gọi đến để nêu gương anh dũng hầu lĩnh nhận triều thiên vinh quang tử đạo. Thấy hai người cùng chung một niềm tin sắt đá, Đacianô càng giận đến thâm gan tím ruột. Ông truyền hai người phải mang xích nặng rồi cho điệu đến Saragoss, ở đó hai vị được nếm mùi tân khổ của chốn lao tù. Viên tỉnh trưởng hy vọng lối hành hình dã man cả xác và tinh thần đó sẽ làm cho hai người nao núng tâm thần và kiệt sức. Nhưng khi truyền điệu hai người đến trước mặt ông, ông thấy hai đấng vẫn được khoẻ mạnh, xinh tươi như thường. Ông lên giọng hách dịch quát viên cai ngục:
"Ngươi lại ăn đút lót của chúng nên xử đãi tử tế với những quân tử tù này phải không?"
Rồi ông quay về phía những lực sĩ của Chúa Kitô hoặc nạt nộ, hoăïc dùng lời đường mật để dụ dỗ các ngài cúng thần. Trong cuộc tra vấn, thầy Vinhsơn nhận thấy vị Giám mục tuổi tác ứng đáp lại không mạnh mẽ và rõ ràng đủ để giãi bầy lòng can trường và chí hiên ngang, vì ngài đã già nua lại ít khẩu khiếu, nên khi vị Giám mục vừa ngừng lời Vinhsơn liền thưa với Giám mục:
"Lạy Cha, nếu có thể, con xin Cha cho phép con đỡ lời Cha ".
"Sao con lại nói vậy? - Đức Giám mục trả lời - khi ban quyền rao giảng Phúc âm cho con, đồng thời Cha cũng đã giao cho con trách nhiệm bênh vực và tuyên xưng đức tin mà Cha con ta hằng ôm ấp; con cứ việc trả lời thay Cha". Bấy giờ thầy phó tế Vinhsơn dõng dạc đáp lại với viên tỉnh trưởng:
"Ông cứ việc gia hình, khảo lược, chúng tôi sẵn lòng chịu đựng hết vì một lòng yêu Chúa Chân Thật. Ông đừng hòng dọa nạt hay dùng lời dụ dỗ mà chinh phục được chúng tôi đâu ."
Câu trả lời đó như đổ thêm dầu vào lửa tức giận của tỉnh trưởng. Ông hầm hầm nổi giận và bắt đầu dùng kế li gián. Giám mục Valêriô được đem đi một nơi. Còn lại một mình Vinhsơn, ông khởi sự cuộc điều tra dã man. Ông truyền căng xác Vinhsơn trên giường, rồi cho các lý hình thi nhau đánh, đánh cho đến khi thân xác Vinhsơn tơi bời rách nát, từng miếng thịt văng lên, máu me đầm đìa lai láng. Trong khi chịu đòn, Vinhsơn vẫn tươi cười vui vẻ; có khi còn dùng lời hài hước để nói khích tỉnh trưởng nữa, làm ông bực tức. Ông truyền lý hình lấy những móc sắt nung đỏ để xé thịt thánh Vinhsơn. Những tên lý hình, tuy hung tợn, cũng phải chùn tay rùng mình, không thể hăng hái làm công việc dã man đó. Cử chỉ đó càng làm ông phát cáu. Tỉnh trưởng Đacianô còn sáng nghĩ ra lối tra tấn dã man khác, nhưng cực hình không đánh đổ lòng trung kiên sắt đá của Vinhsơn.
Thấy lối tra tấn đó không đem lại kết quả ông đành xoay chiến lược hành hạ trường kỳ, nghĩa là để cho tù nhân chịu đau đớn và mỏi mòn chết dần. Ông hạ lệnh giam Vinhsơn vào một ngục lát toàn bằng mảnh sành và thuỷ tinh. Nhưng trái với ý mong muốn của con người hung ác đó, ngục thất đây đã biến thành nơi cực lạc cho Vinhsơn. Chính ở nơi đây đã xẩy ra một phép lạ mà nhiều người được chứng kiến đã động lòng trở lại. Ngục thất tối om đó bỗng tràn ngập ánh sáng: thiên thần Chúa hiện đến an ủi và chữa lành các thương tích của đấng tử đạo. Nằm trên những mảnh sành nhọn sắc, Vinhsơn có cảm tưởng như trải mình trên những cánh hồng êm dịu. Tâm hồn lâng lâng vui sướng, Vinhsơn hát ca vịnh chúc tụng Chúa. Những lính canh ngục thấy sự lạ đó, hoảng sợ chạy trốn. Nhưng viên cai ngục bình tĩnh đứng lại quan sát. Nhờ đó ông đã được ơn soi sáng và trở lại theo đạo công giáo.
Nghe tin ấy viên tỉnh trưởng không khỏi ngạc nhiên rụng rời. Một lần nữa ông lại xoay chiến lược, đổi dữ làm lành và chiều đãi Vinhsơn hy vọng đánh đổ ngài chăng. Ông tự nghĩ càng hành hung hay gia hình càng bất lợi, vì như thế là xây đắùp thêm vinh quang cho đối phương. Nghĩ vậy, ông liền truyền dọn giường chiếu có chăn đệm đường hoàng cho Vinhsơn nằm. Nhưng khi vừa đặt ngài lên, thánh nhân bắt đầu nhắm mắt để ngủ một giấc ngàn thu: linh hồn Đấng Tử đạo đã vút bay về cõi cực lạc.
Cái chết đem lại hạnh phúc cho đấng thánh càng gây bực tức thêm cho viên tỉnh trưởng, vì như thế là ông không thắng được chí can trường, bất khuất của Vinhsơn. Ông nắm tay thề thốt: "Ta không trị được tên này khi sống, thì ta sẽ còn hành hạ nó khi chết cho hả giận". Nói rồi ông truyền vứt xác Vinhsơn trong nơi hoang địa cho chim trời và thú rừng xâu xé. Nhưng nào ông có được sự thoả mãn như lòng mong muốn. Một con quạ khổng lồ ở đâu bỗng bay đến làm nhiệm vụ canh gác. Hễ con vật nào định đến ăn xác ngài, quạ liền kêu oang oác hoặc tung cánh xông vào mổ túi bụi.
Tin đó tức tốc cũng đến tai Đacianô, ông nổi xung. Nhưng rồi mắt ông sáng lên vì một thủ đoạn ông vừa sáng nghĩ: "Ừ phen này xem nó có thoát được ta không?" Ông truyền bỏ xác Vinhsơn vào một cái túi có đèo thêm một hòn đá lớn, rồi cho quăng xuống biển. Tưởng rằng mười mươi xác chết đó, nếu không lặng chìm dưới đáy nước, thì cũng hoá thành miếng mồi ngon cho cá biển. Nhưng lạ thay! Sóng biển lại đánh dạt túi đó vào bờ, một giáo hữu đã tìm được xác ngài trên một bãi biển, nơi đó sau này đã mọc lên một ngôi giáo đường nguy nga để kính nhớ đấng thánh.
Lòng tôn kính của giáo dân đối với thánh Vinhsơn không bao lâu đã được phổ biến nhanh chóng, nhờ phân phối hài cốt ngài cho nhiều nơi. Rất nhiều giáo đường nguy nga đã được xây lên để dâng kính hay mang tên Vinhsơn. Tại Pháp, thánh Vinhsơn đã được coi là một thánh tử đạo thời danh nhất. Nói đến tên ngài không ai mà không biết đến.
Nhưng hơn nữa, Vinhsơn sẽ còn được ghi nhớ và tôn kính muôn đời trong Giáo hội, vì máu ngài đã tô thắm vinh quang của Giáo hội. 

 Người Hành Khất Quảng Ðại
 
Bangladesh là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giớị Dĩ nhiên, trong một nước nghèo, thì hành khất vẫn là nghề thịnh hành nhât. Một nhà truyền giáo đã thuật lại một trường hợp hành khất lạ lùng như sau:  
Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.
  Vừa thức giấc, người đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Oâng đếm từng đồng xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.
  Adam Smith, kinh tế gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một câu mà K.Marx đã lập lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: "Một nước giàu có là một nước trong đó có nhiều người nghèo". Câu định nghĩa về sự phồn thịnh ấy vừa nói lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống trong một nước giàu có thể cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội mà những người nghèo trong một nước giàu phải gánh chịu.
  Bần cùng thường sinh ra đạo tặc. Những nước nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã hộị Tuy nhiên, cũng chính trong cảnh nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều tấm lòng vàng. Cảnh nghèo có thể đưa con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng cũng có thể khiến cho con người dễ cảm thông với người khác và san sẻ quảng đại hơn. Nhưng dĩ nhiên, chỉ có ai có tinh thần khó nghèo đích thực mới hiểu được giá trị của cảnh nghèo và sự thôi thúc của lòng quảng đạị "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó". Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản ấy của Hiến Chương Nước Trờị Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được sự chóng qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể mở mắt để nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới dễ cảm thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.