Đấng “gánh” tội trần gian (Jn 1,29-34)
Một nghi thức mà trong bất cứ một buổi hội họp hoặc gặp gỡ nào,
người ta vẫn thường làm, đó là giới thiệu những nhân vật quan trọng.
Trong cuộc sống thường ngày cũng vậy, mỗi khi gặp người lạ, người
ta cũng thường giới thiệu nhau.
Như vậy, giới thiệu là một điều rất bình thường, và mục đích của
giới thiệu là để người ta biết nhau.
Muốn giới thiệu ai thì phải biết người đó. Tùy theo mối liên hệ
giữa hai người mà mức độ biết về nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một
người, thì có thể giới thiệu sai về người ấy. Chẳng ai muốn người khác giới
thiệu sai về mình.
Hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Đức Giêsu với dân chúng :
”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.
Muốn hiểu ý nghĩa lời giới thiệu này, ta phải biết tập tục của
người Do Thái.
Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì
mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi
buổi một con chiên cỡ một tuổi làm của lễ tòan thiêu để đền tội cho dân chúng.
Như vậy, tội lỗi của dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con
chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu
dân chúng được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa.
Nhất là trong lễ Vượt Qua, Giavê Thiên Chúa truyền cho mỗi gia
đình người Do Thái phải giết một con chiên đực một tuổi, không tì vết (Xh
12,5). Họ sẽ ăn thịt chiên đó ban chiều rồi lấy máu chiên bôi lên khung cửa.
Chính nhờ dấu chỉ đó, người của gia đình Do Thái được thiên thần đến sát phạt
các con đầu lòng Ai cập, sẽ không sát hại họ. Để kỷ niệm biến cố này, hàng năm
người Do Thái phải mừng lễ Vượt Qua với thịt chiên và bánh không men.
“Đây là Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa tội trần gian".
Hình ảnh con chiên là như
thế, còn đây Đấng xóa tội trần gian, chúng ta phải hiểu như thế nào?
Bản tiếng Việt dịch là đây
Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.
Từ ngữ “xóa” là một cách nói
văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ.
Tiếng Hy Lạp dùng từ
‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh
lấy, vác lấy.
Có lẽ nên dịch là đây Chiên
Thiên Chúa, đây Đấng ‘gánh’ tội trần gian,
Bởi vì xóa là đứng ngoài
cuộc.
Đức Giêsu không đứng ngoài
cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội
lỗi của con người.
Chính vì gánh lấy tội lỗi mà
Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những
người tội lỗi xin Gioan làm phép rửa.
Chính vì gánh lấy tội lỗi
nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống
đồng bàn với họ.
Nhất là chính vì gánh lấy
tội nhân loại mà Người phải chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống.
Có câu chuyện kể rằng, một đệ tử kia, sau nhiều năm tu học với một
đạo sư danh tiếng, và giờ đây anh muốn vĩnh biệt vợ con để vào nơi thâm sơn
cùng cốc, nhưng anh lại chưa dứt bỏ vợ con được, nên mới nhờ đạo sư hiến kế.
Vị đạo sư dạy cho anh một phương pháp Yoga bí truyền, giúp anh có
thể chết giả trong vòng cả hàng mười tiếng đồng hồ.
Thế là hôm ấy, người đệ tử đột nhiên lăn ra chết.Vợ con kêu gào
thảm thiết.
Hay tin, vị đạo sư đến thăm. Chứng kiến cảnh vợ góa con côi, vị
đạo sư hé mở cho gia đình biết là mình có thể làm cho người chết sống lại được,
với điều kiện là có một người trong gia đình chấp nhận chết thay cho người xấu
số.
Khi đề nghị người vợ, thì người vợ nức nở than rằng: “ Tôi còn cả
một gánh nặng gia đình. Nếu tôi chết đi thì lấy ai nuôi đàn con thơ dại …”
Nói tóm lại, chị cần phải sống, không thể chết thay cho anh được.
Đến phiên người con cả thì anh cũng vịn đủ mọi lý do để chứng minh
rằng anh cần cho gia đình, cần giúp mẹ để lo cho đàn em. Gia đình không thể
thiếu anh.
Rồi đến người con thứ hai, thứ ba… cũng vậy.
Người cha nằm nghe hết sự tình.
Anh chợt nhận ra rằng trên đời ít có ai dám chết thay cho người
khác.
Dù là người vợ mà mình hết mực yêu thương,
dù là người con mà mình đã từng hy sinh tất cả cho chúng.
Anh giác ngộ và anh đã thóat ly gia đình không thương tiếc.
Hôm nay thánh Gioan giới thiệu với chúng ta:
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian”.
Tội trần gian đã làm chúng ta phải chết. Chính Chúa Giêsu
đến gánh cái chết của chúng ta để chúng ta được sống.
Chúng ta hãy đi vào thánh lễ mỗi ngày để cùng với Chúa Giêsu dâng
của lễ là chính mình Ngài lên Thiên Chúa Cha. Amen