Cuối
năm, các chợ Tết hết sức nhộn nhịp, vì mọi người giàu sang, nghèo hèn
đều đi mua sắm. Quan cũng như dân đều lo may quần áo mới, dọn dẹp nhà
cửa cho khang trang, sửa sang võng cáng, tàn lọng, đắp lại mồ mả, cột
nhà tường vách treo đầy câu đối, tranh vẽ, vua chúa cũng cho quét dọn
lăng tẩm…[2]
Theo Bento Thiện viết
năm 1659: “đến gần ngài bết bua chúa ban lịch cho thiên hạ xem ngài”
[3], trong đó những ngày nghỉ Tết được ấn định rõ ràng. Thường bắt đầu
nghỉ từ ngày 25, 26 tháng chạp, và có thể kéo dài tới ngày 10 hay 15
tháng giêng. Những ngày đó, nếu có chiến tranh, cũng tạm ngưng để ăn
Tết. Từ ngày 25 tháng chạp, ấn dấu của vua chúa, quan quyền đều được lau
chùi sạch sẽ, cất vào hộp, không dùng tới; khí giới quân đội cũng lau
lọt sáng nhoáng để một nơi.
Chúng ta
thử coi, năm 1659 thầy giảng Bento Thiện đã viết về Tết Nguyên đán thế
nào: “Thói nước Annam, đầu năm mùng một tháng giêng gọi là ngày Tết.
Thiên hạ đi lạy vua, đoạn lạy chúa, mới lạy ông bà ông vãi, cha mẹ cùng
kẻ cả bề trên. Quan quyền thì lạy vua chúa, thứ dân thì lạy Bụt trước.
Ăn tết ba ngày, mà một ngày trước mà xem ngày mùng hai, mùng ba, ngày
nào tốt, thì vua chúa đi đền giao, gọi là nhà thờ. Trời, hiệu Thiên
Thượng Đế Hoàng địa kì. Vua chúa đi lạy mà xin cho thiên hạ được mùa
cùng dân an. Đến mùng bảy mùng tám mới hết, cùng làm cỗ cho thiên hạ ăn
mừơi ngày. Lại xem ngày nào tốt, mới mở ấy ra cho thiên hạ đi chầu cùng
làm việc quan, cùng hỏi kiện mọi việc; lại làm như trước mới khai quốc,
thiên hạ vào chầu vua. Từ ấy mới có phiên đi chầu. Nội đài, ngoại hiến,
phủ huyện, quan đăng nha môn, mới có kiện cáo”. Chính Bento Thiện lại
viết chữ quốc ngữ đoạn trên như sau: “Thóy nước Annam, đầu Năm mùỏ một
tháng giang gọi là ngài tết. Thien hạ đi lại bua, đoạn lại chúa mớy lại
oủ bà oủ bải cha mẹ củ kẻ cả bề tiên, quan quièn thì lại bua chúa, thứ
dân thì lại bụt tlưác, ăn tết ba ngài mà một ngài tlưác mà xem ngài mùỏ
hay mùỏ ba, ngài nào tốt, thì bua chúa đi đền giao, gọi là nhà thờ blờy
hiẹu thien thưạng đế hoàng địa kì. Bua chúa thì lạy mà xin cho thien hạ
được mùa củ dân an, đến mùỏ bải mùỏ tám mớy hết củ làm cỗ cho thien hạ
ăn mươỳ ngài, lại xem ngài nào tốt, mơý mở ấn ra cho thien hạ đi chầu củ
làm vịec quan, củ hỏi kịen mọy vịec, lại làm như tlưác mớy khai cuác,
thien hạ bào chầu bua,từ ấy mớy có phien đi chầu, nộy đài ngoặy hién phủ
huịen quan đảng (đăng?) nha môn, mớy có kịen cáo”[4]
Mấy
ngày cuối năm, một số người già cả không dám ở nhà mình, nhưng phải đi
trú trong đền chùa, được coi là chốn nương thân an toàn nhất. Vì họ tin
rằng, dịp này có một thứ “quỷ” tên là Thưang (Thương) hay Voutuan (Vũ
tuần) [5] chuyên đi bóp cổ sát hại những người già nua, nam cũng như nữ.
Do đó nhiều người giả phải lẩn tránh trong đền, chùa cả ngày đêm không
dám bước ra ngoài. Mãi đến lúc giao thừa họ mới dám về nhà, vì nghĩ
“quỷ” ác ấy đã đi khỏi. Bởi đấy dân chúng gọi ba ngày cuối năm là ba
ngày chết. Cuối năm nhiều người còn dùng vôi vẽ trước cổng ngõ, những
hình vuông, tròn, hay tam giác, nhất là hình con mèo, trong số các hình,
thì hình tam giác và con mèo làm cho ma quỷ sợ nhất. [6]
Tối
ba mươi Tết mọi nhà đều dựng cây Nêu trước cửa. Đó là một “cột” thường
làm bằng tre, cao hơn nóc nhà một chút (nên biết, ở thủ đô Thăng Long
thế kỷ XVII, chỉ có nhà trệt, kể cả đền đài vua chúa). Gần ngọn cây Nêu
người ta cột một cái giỏ hay chiếc hộp thông nhiều lỗ, bên trong đựng
vàng mã. Vì theo Alexandre de Rhodes, dân chúng tin rằng, dẫu ông bà cha
mẹ đã chết, nhưng các ngài cũng cần tiêu xài, và nhất là để trả những
món nợ chưa xong khi còn sống. Theo phong tục Việt Nam thời đó, cứ cuối
năm mãn chạp, liệu sao tính sổ sách cho xong: ai còn nợ, cố gắng trả cho
sạch; nếu có tiền cho vay cũng phải đòi lại hết. Không ai muốn để giây
dưa sang năm mới. Mọi thứ nợ cũ phải thanh toán hoàn toàn, trừ trường
hợp bất khả kháng. Bởi lẽ, còn nợ sợ rằng, nếu đến ngày ba mươi Tết mà
chưa trả, lỡ ra chính ngày mồng Một chủ nợ đến nhà đòi, thì thật là xui
xeo suốt cả năm. [7]
Theo tài liệu
viết tay bằng chữ Quốc ngữ của Thầy giảng Bentô Thiện năm 16559, mà
chúng tôi đã nhắc đến ở trên, thì dân chúng lại dựng cây Nêu vào sáng
ngày mồng Một; điểm này có lẽ ông Thiện ghi không đúng. Còn về ý nghĩa
cây Nêu, ông Thiện lại trình bày khác. Theo ông, thì tục truyền rằng Đức
Phật và quỷ tranh giành đất nhau. Đức Phật nói cho quỷ hay, hễ ngài
trải áo cà sa tới đâu thì đất đó thuộc về ngài, còn lại là phần quỷ. Vậy
Đức Phật trải áo ngài ra khắp mặt đất, làm cho quỷ không có đất ở, đành
phải xuống biển. Nhưng cứ hết năm cũ, ma quỷ lại tranh đất với Đức
Phật. Bởi đấy, mọi người phải dựng cây Nêu từ sáng sớm ngày mồng Một, để
quỷ biết rằng đó là đất của Đức Phật đã trải áo cà sa tới; còn ai không
dựng cây Nêu là đất của quỷ. [8]
Đến
nửa đêm giao thừa, trong vương phủ (phủ chúa Trịnh) ba súng đại bác nổ
vang báo hiệu bước sang năm mới. Theo Marini, người Ý, sống ở Đàng Ngoài
từ 1647-1658, thì chính lúc giao thừa mọi người đều hội họp trong nhà
và bó buộc phải mở cửa hầu đón tiếp tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Giường chiếu cũng đã dọn sạch sẽ, để tổ tiên nghỉ ngơi sau nhiều ngày
đàng mệt nhọc mới về tới nhà con cháu. Ngoài ra cũng đặt ngoài hiên nhà
một chậu nước sạch, một đôi giép hay guốc, và có khi hai cây mía nữa.
Làm thế để hồn tổ tiên trước khi vào nhà cũng rửa chân, đi guốc cho
sạch, trước khi lên giường; còn hai cây mía được coi như hai chiếc gậy
giúp tổ tiên chống bước vào nhà. Mọi người sau giờ giao thừa, đều tưởng
tượng là tổ tiên đã vào nhà cách vô hình [9]. Lúc đó gia trưởng nói mấy
lời chúc mừng tổ tiên. Trên bàn thờ tổ, khói hương nghi ngút. Gia trưởng
cùng mọi người trong nhà làm lễ cùng vái, tạ ơn tổ tiên, mời tổ tiên
cùng chung vui với họ, và xin phù hộ cho con cháu năm mới được bằng an,
khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Liền đó trong gia đình mừng tuổi nhau: con
cái lạy cha mẹ, tôi tớ lạy chủ nhà, rồi cha mẹ ban quà mừng tuổi cho con
cháu, tôi tớ.
Trong ba ngày tết,
nhất là ngà mùng Một, người ta đi chúc tuổi nhau; vào nhà nào cũng được
mời ăn, nếu từ chối là bất lịch sự. Ngày mồng Một Tết, khi vừa ra đường
mà trước tiên lại gặp phải người đàn bà, thì họ liền về nhà, chờ hai, ba
giờ sau mới dám ra đường; trái lại họ sẽ gặp xui. Nhưng nếu bước chân
ra đường, trước tiên lại gặp được một người đàn ông, thì thật hên. [10]
Đi
Tết ai, thường cũng tết thêm mấy bánh pháo to nhỏ tuỳ theo cấp bậc, địa
vị; vừa xướng Tết xong, người ta liền đốt pháo cho ran nhà, cho tà ma
bỏ chạy, để hạnh phúc tràn tới. Người dưới phải đem đồ, hoặc cho người
đại diện đi tết người trên. Con cháu phải tết ông bà, cha mẹ, chú bác;
trò phải tết thầy… Các quan cấp dưới cũng phải gửi đồ tết quan trên. Vì
vậy nhà các đại quan tràn ngập đồ tết. Thường thường các vị đó lại đem
tặng bạn bè, hoặc cho quân lính, kẻ hầu hạ, để mọi người được hưởng lộc.
Tất cả các quan lại không buộc dâng đồ Tết vua chúa.
Đồ
tết của người dưới đối với người trên hầu hết là thực phẩm: gạo, heo,
gà, vịt, cau, đường, trái cây, bánh, mứt… Nếu là quân lính, sẽ họp nhau
cùng tết viên quan chỉ huy trực tiếp. Họ mang đồ Tết đến nhà quan bằng
một nghi thức trang trọng: đi đầu là cai đội (chỉ huy từ 2 đến 6 thuyền,
mỗi thuyền từ 30 đến 60 lính) rồi đến lính bưng một quả (hộp) gạo), và
khênh con heo mới giết đặt trên bàn, để trước mặt quan. Viên quan ngồi
giữa nhà thật oai nghiêm. Quân lính lạy quan sát đất ba lần. Quan nhận
đồ Tết, rồi bảo người hầu đem cất đi; sau đó ban quà mừng tuổi cho lính
tương xứng với đồ Tết. Còn quà mừng tuổi của vua chúa cho các quan là
một bộ phẩm phục, đặt trong quả (hộp) áo sơn son vẽ rồng, cùng một mẫu.
Vua chúa sai người bưng quả áo đến nhà viên quan, đi theo có lính che
lọng quà mừng tuổi. Việc che lọng trên không có ý tránh mưa nắng, nhưng
chỉ là tỏ sự cung kính món quà vua chúa ban.
Ba
ngày cuối năm, bốn mươi đại quan thuộc triều đình và vương phủ, đi nhận
lời tuyên thệ trung tín của các quan văn võ, và có khi cả gia đình họ
nữa. Đó là lời thề trung thành với vua chúa; nếu nhận thấy điều gì có
thể nguy hại cho vua chúa hoặc cho quốc gia, họ phải đi tố cáo. Đấy là
lễ tuyên thệ tại thủ đô Thăng Long. Còn tại các Xứ, thì quan Trấn thủ,
Đốc trấn và Lưu thủ [11] đại diện cho vua chúa, nhận lời thề các quan
trực thuộc. Trong dịp này bất kể ai tố cáo ra một cuộc mưu phản, thế nào
cũng được thưởng. Phần thưởng không những tuỳ theo tính cách quan trọng
vụ âm mưu, mà còn theo chức tước người tố cáo. Nếu kẻ tố cáo là một
viên quan, thì họ chỉ được hưởng tuỳ theo ý muốn vua chúa, vì nhiệm vụ
của họ là phải giữ trật tự an ninh quốc gia; nếu là người dân thì được
thuởng cho một phẩm hàm hoặc được thăng quan chức; hơn nữa khi tố cáo
được vụ phản loạn lớn, chúa Trịnh còn ban thêm cho họ tới 500 lượng vàng
hoặc 5.000 lượng bạc. Tuy nhiên dân chúng không chuộc tiền thưởng bằng
được thăng quan. [12]
Ngày ba mươi
Tết, Tây định vương Trịnh Tạc cùng quan quân theo hầu, ra khỏi vương phủ
để đi tắm ở sông hoặc tại một chiếc nhà gần đó, hầu thanh tẩy cuộc sống
dĩ vãng, đón nhận đời sống mới trong năm tới. [13]
Sáng
ngày mồng một Tết, cũng như ngày một và rằm mỗi tháng chúa Trịnh cùng
các quan đến chầu vua Lê; dĩ nhiên ngày mồng Một Tết buổi chầu được tổ
chức long trọng hơn cả [14]. Nhưng khi Trịnh Tạc thế vị cha lên cầm
quyền (1657), ông lấn đoạt quyền hành vua Lê nhiều hơn, ông cũng không
đi chầu vua vào các ngày mồng một và rằm mỗi tháng. Hơn nữa, dường như
từ năm 1658 trở đi, Trịnh Tạc cũng không đích thân đi tết vua, mà chỉ
đón vua đi tế Nam giao. Tuy nhiên, ông cử một quan đại diện đến tết vua
và chầu vua mỗi tháng hai lần.
Sau
khi tết vua, các quan trở lại tết chúa. Theo Tissanier và Tavernier thì
khung cảnh tết chúa long trọng hơn tết vua nhiều. Khi các quan đi chầu
hoặc tết vua chúa, phải mặc áo tím, đội mũ lục lăng và phải lạy sát đất 4
lần [15]. Riêng nữ giới chỉ buộc lạy một lần theo kiểu lạy của họ (ngồi
mà lạy). Dịp này cũng như các dịp khác ai muốn dộng [16] xin ân huệ gì,
thì đội của lễ lên đầu, hoặc bưng cao ngang trán, tiến gần tới chúa để
nói. Nếu chúa nhận lời, ngài sẽ bảo người hầu cất của lễ đi; bằng không,
thì chúa cũng không nhận của lễ.
Đúng
mồng ba Tết chúa Trịnh mới tiếp người ngoại quốc đến dâng tuổi. Dịp tết
Canh Tý, Vĩnh thọ năm thứ 3 (1660), phái đoàn Trung Hoa chúc tuổi chúa
Trịnh Tạc trước hết theo nghi lễ Trung Hoa, rồi lại lạy chúa theo nghi
lễ Việt Nam, phái đoàn Hòa Lan chỉ chào chúc chúa theo nghi thức Hòa
Lan…. Còn hai linh mục dòng Tên Onuphre Borgès (Thuỵ Sĩ) và Joseph
Tissanier (Pháp) lại lạy hoàn toàn theo kiểu Việt Nam. Tissanier thuật
rằng, ngày đó trước vương phủ đông nghẹt người không dễ gì chen chân
được. Cũng may hai ông vào được tới một sân lớn để lạy chúa. Các ông
cũng mặc áo thụng tím, đội mũ lục lăng, lạy chúa Trịnh Tạc bốn lạy sát
đất trước mặt 4.000 người. Khi Tây định vương Trịnh Tạc thấy hai linh
mục, ông làm hiệu cho hai vị lạy vương thái hậu (mẹ chúa) đang ngồi cạnh
ông. Tức thì Borgès và Tissanier cũng lạy vương thái hậu bốn lần. [17]
Chính
ba ngày Tết, nhiều người đều kiêng giữ không quét nhà, có nơi kiêng cả
nấu ăn [18]. Tết là dịp nghỉ ngơi, xem ca hát tuồng kịch, đánh bài bạc;
cũng vì thế mà nhiều người sạt nghiệp vì Tết.
Nhìn
lại một số khía cạnh lịch sử tết nguyên đán thế kỷ XVII, chúng ta thấy
ngay được những gì đã biến mất, những gì còn lại ngày nay. Thật ra, tinh
thần Tết nguyên đán xưa và nay cũng không khác nhau, nó là dịp long
trọng nhất để cấp dưới tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với cấp trên: vua
đại diện toàn dân “đi đền giao, gọi là nhà thờ Trời, hiệu Thiên Thượng
Đế Hoàng địa kỳ”, các quan lại tết vua chúa, con cháu tết cha mẹ ông bà,
gia đình xum họp lúc giao thừa đón tổ tiên, trò tết thầy v.v… Mối liên
hệ chiều ngang trong dịp này bị xẹp xuống, để làm nổi mối liên hệ chiều
dọc trong xã hội gia đình, quốc gia, và cả cái “xã hội” nhân thần, hay
nói rộng hơn là sự giao hòa giữa người với Trời Đất, tức tam tài Thiên
Địa Nhân.
Về hình thức, Tết vẫn là
những ngày lễ nghỉ lâu dài, long trọng và vui vẻ nhất trong năm; vì thời
đó, ngoài dịp đầu Xuân, thường thường chỉ có lệ nghỉ ngày một và rằm
mỗi tháng chứ không nghỉ ngày Chúa nhật như hiện nay. Chúng tôi xin tạm
ngừng ở đây mà không muốn đi sâu vào vấn đề ý nghĩa các phong tục rườm
rà Tết nguyên đán, hoặc những nguyên nhân xã hội đã thay đổi nhiều hình
thức và cơ cấu Tết nguyên đán ngày nay so với giữa thế kỷ XVII.
Chú thích
[1]
“Ceux qui ne trouvent dans leur maison, ni argent, ni habits, en vont
chercher ailleurs par des larcins cachez, ou par la force de leurs
armes” (J.Tissanier, Relation du voyage… depuis la France jusqu’au
Royaume de Tunquin, Paris 1663, tr.265-266).
[2] J.P de Marini, Relation nouvelle et eurieuse des Royaumes de Tunquin et de Lao, Paris 1666, tr.245-246.
[3] Archivum Romanum S.I, JS, 81 .f.257v
[4] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Sài gòn 1972, tr.119-120, 145 – Archivum Romanum S.I, JS, 81 .f.257r
[5] Alexandre de Rhodes, Relazione del Tunchino, Roma 1650, tr.108-109.
[6] J.B.Tavernier, Suite des voyages de Mr.Tavenier, chevalier, baron d’Aubonne, IV Paris 1680, tr.94.
[7] Alexandre de Rhodes, Relazione del Tunchino, Roma 1650, tr.109-110.
[8] Đỗ Quang Chính, sđd, tr.121, 146.
[9] Marini, Relation nouvelle, sđd, tr.251-252.
[10] J.B.Tavernier, Suite des voyages de Mr.Tavenier, chevalier, baron d’Aubonne, IV Paris 1680, tr.95
[11]
Cai trị Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, An Quảng do quan Trấn
thủ; cai trị Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An do quan Đốc trấn; cai trị
Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hưng Hóa do quan Lưu thủ.
[12] J.B.Tavernier, sđd, tr.65.
[13]
“… đến ngài ba mươy thì đức chúa đi giội gọy là bỏ mọy sự cũ đi mà chịu
mọy sự mớy” (coi Đỗ Quang Chính, sđd, tr.121, 146) – “Le dernier jour
de l’an, le Roy (chúa Trịnh Tạc) sort de son Palais auecque son armée,
pour s’aller lauer à la riuiere, ou dans quelque maison voisine”
(J.Tissanier sđd, tr.266).
[14] A.F.Cardim, Relation… Paris, 1646 tr.59.
[15] J.Tissanier, sđd, tr.260 – J.B.Tavernier, sđd, tr.64.
[16]
Dộng là tiếng để nói với chúa Trịnh; cũng như khi nói với vua thì dùng
tiếng tâu (tâu vua, dộng chúa); nói với đại quan dùng tiếng bẩm; với
quan nhỏ, tiếng trình; với vai trên, thưa. Như vậy trong thuật ngữ xưng
hô đẳng cấp xã hội, tiếng dộng ở cấp thứ hai.
[17] J.Tissanier, sđd, tr.270-272.
[18] Marini, Relation nouvelle, sđd, tr.253