Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Tại sao Chúa không hiện ra hay làm nhiều dấu lạ để khiến nhiều người tin vào Ngài?

Filled under:

Xã hội bây giờ là xã hội vô thần rồi, họ cứng lòng tin lắm. Với lại hồi đó nếu Chúa không hiện ra với các tông đồ thì các Ngài cũng không tin Chúa đâu. Vậy chăng bây giờ Chúa cũng cho tổ tiên họ về nói với họ về Chúa thì chắc chắn họ sẽ quay về bên Chúa. Chứ giờ các Linh Mục có giảng giải bao nhiêu họ cũng chẳng tin. Xin cho mình biết thêm ạ!
Chào bạn,
Chúng tôi xin cảm ơn bạn về câu hỏi và bận tâm của bạn liên quan đến việc làm sao để nhiều người tin vào Chúa. Quả thật, còn có rất nhiều người trên thế giới này chưa biết đến Chúa, chưa tin vào Chúa, thậm chí còn chối bỏ Chúa. Trước khi về Trời, Đức Giêsu đã truyền dạy các môn đệ “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ”, kèm theo đó là lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,19). Thầy Giêsu sẽ luôn ở cùng chúng ta trên hành trình truyền giáo, và cụm từ “mọi ngày cho đến tận thế” làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng hành trình này sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nó chỉ kết thúc vào “ngày tận thế”.
Người môn đệ chân chính nào cũng khao khát mang Chúa đến cho người khác. Chính Chúa cũng muốn muôn dân nhận biết Danh Ngài, để họ được cứu độ. Nhưng liệu bằng cách “cho tổ tiên họ về nói với họ về Chúa” như bạn nói có phải là một cách hay và khả thi không? Có thật là nếu tổ tiên họ về nói thì “họ sẽ quay về bên Chúa” không?
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến dụ ngôn về người giàu có và anh Lazaro nghèo khó được nói đến trong Lc 16,19-31. Sau một đời sung sướng, hưởng thụ những tiện nghi vật chất mà không biết san sẻ với người khác, một người giàu “bị đưa vào nơi âm phủ” sau khi chết. Ngước mắt lên, ông thấy Lazaro, người ăn xin hằng vất vưởng trước cửa nhà ông mà ông thường bỏ mặc, đang hạnh phúc nơi cung lòng Abraham. Người giàu có xin Abraham sai Lazaro hiện về, răn dạy năm anh em của ông đang còn sống, để họ không phải rơi vào chốn cực hình giống ông. Abraham trả lời rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Nhưng ông nhà giàu cứ khăng khăng rằng, họ sẽ chẳng tin vào những người ấy đâu, nhưng nếu có nều từ cõi chết trở về nói với họ, họ sẽ tin. Abraham bình thản nói rằng “nếu họ không nghe Môsê và các tiên tri, thì dẫu cho có ai sống lại từ cõi chết, họ cũng chẳng tin đâu.” Bạn nghĩ sao về dụ ngôn này?
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng dân Do Thái đã nhiều lần xin Đức Giêsu những dấu lạ từ trời. Họ bảo rằng nếu Đức Giêsu làm được thì họ sẽ tin (x. Mt 12,38). Khi bị treo trên cây thập giá, Đức Giêsu cũng còn phải hứng chịu nhiều lời thách thức của đám dân đi qua đi lại, rằng nếu Ngài có thể xuống khỏi cây thập giá, họ sẽ tin Ngài đến từ Thiên Chúa (x. Mt 27,40). Tại sao khi còn sống, Đức Giêsu không làm phép lạ nhiều thật nhiều, bay từ châu lục này đến châu lúc khác thi triển những điều lạ lẫm? Tại sao từ trên cây thập giá, Ngài không dùng quyền năng của mình, uy hùng hô phong hoán vũ, bước xuống khỏi cây thập giá? Tại sao khi sống lại, Ngài không hiện ra với từng người đã từng hùa nhau đóng đinh Ngài để khiến họ phải kinh khiếp mà tin vào Ngài? Tại sao Đức Giêsu phục sinh không hiện ra ngay với các tông đồ, mà phải hiện ra với người này người kia trước rồi bảo họ về thuật lại với các ông? Tại sao trong lần hiện ra thứ nhất với các tông đồ, Toma vì mắt mặt nên đã không tin lời chứng của những người khác, Đức Giêsu không hiện ra ngay lúc đó luôn để chứng tỏ cho Toma thấy mà phải đợi đến “tám ngày sau” mới hiện ra lần nữa (x.Ga 19,31)? Và cuối cùng, tại sao khi đã phục sinh rồi, có toàn quyền trên trời dưới đất rồi, Đức Giêsu không làm cái gì đó thật lẫm liệt vang lừng để tất cả mọi người ở mọi nơi biết Ngài mà tin Ngài, nhưng lại âm thầm, chỉ đôi lần hiện ra để củng cố đức tin, dạy dỗ các môn đệ, sau đó về Trời cách nhẹ nhàng, chẳng ai biết, rồi lại sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho người ta?
Dĩ nhiên là Chúa có thể làm được tất cả những điều này chứ. Tôi tin rằng nếu thật sự Thiên Chúa tỏ bày uy quyền của Ngài theo cách đó, sẽ chẳng có ai dưới gầm trời này dám huênh hoang tự đắc, không thần phục Ngài. Cách này dĩ nhiên là hơn hẳn cách “cho người chết hiện về nói với người sống” như suy nghĩ của bạn rồi, phải không? Tuy nhiên, liệu như thế có phải là một điều hay?
Thiên Chúa muốn người ta đến với mình, nhưng không phải bằng sức mạnh, bằng quyền uy, bằng sự cưỡng ép. Thiên Chúa là tình yêu, mà trong tình yêu thì chỉ có sự tự nguyện, sự chân thành, sự thấu cảm. Nếu Đức Giêsu vì bị khiêu khích mà làm phép lạ hay xuống khỏi cây thập giá, Ngài đã không phải là Thiên Chúa rồi, vì Thiên Chúa thì không bao giờ lệ thuộc vào những lời lẽ tầm thường như thế. Mãi muôn đời muôn kiếp, Thiên Chúa vẫn đến với nhân loại qua hình ảnh một con người bị đóng đinh và bị treo trên cây thập giá như thế, để cho chúng ta nhìn lên và chiêm ngắm một tình yêu tuyệt hảo của Ngài dành cho mình. Chúa muốn người ta đến với Ngài bằng sự tự nguyện của con tim khi họ đụng chạm được chính Thiên Chúa đang thỏ thẻ lời yêu trong lòng mình.
Với những ai đã gặp được Ngài rồi, họ tự nhiên thấy mình được thôi thúc để chia sẻ những điều mình thấy, nghe và chứng kiến cho người khác, để chính người khác cũng được nghiệm thấy. “Tám ngày” chính là khoảng thời gian đủ để các tông đồ kia làm chứng việc Thầy Giêsu đã phục sinh cho Toma (x.Ga 19,31). Tin vui phục sinh không phải là một tin vui chỉ để biết và hưởng thụ, nhưng còn là để chia sẻ, qua lời nói và đặc biệt là qua đời sống của mình. Bạn nói rằng “các linh mục có giảng thế nào họ cũng chẳng tin”. Điều này có thể đúng, nếu vị linh mục đó chỉ biết nói lý thuyết và không sống những gì mình dạy. Bạn hãy nhìn xem, người ta đã tin vào Chúa biết bao nhiêu khi thấy gương sống của Mẹ Tesera Calcutta, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 hay Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Phanxico, cũng như bao vị anh hùng khác. Người thời nay sẽ chất vấn chúng ta: bạn tin vào Chúa ư, hãy chứng minh cho tôi thấy bạn tin vào Chúa thế nào đi!
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã không tự mình làm rạng Danh mình bằng các phép lạ và những điều phi thường, vì nếu Ngài làm như thế, Ngài chẳng khác gì các diễn viên, người mẫu tầm thường, sống lệ thuộc vào sự thừa nhận của người khác, tự tìm cách quảng bá về mình. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được thông phần vào sứ mạng cứu độ thế giới của Ngài qua công cuộc truyền giáo. Tạ ơn Chúa vì lời mời gọi sống tốt để làm chứng cho Ngài trước mặt người đời mà Ngài dành cho chúng ta, dù chúng ta vẫn còn nhiều thiết sót và lầm lỗi.
Thế giới vẫn sẽ còn người những người không tin. Cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông bát ngát. Chúa sẽ có cách định liệu cho những bông hạt nằm ở xa chưa có người tới gặt. Còn chúng ta, chúng ta hãy cứ hăng say làm bổn phận của mình trong khả năng có thể để trở thành một Ki-tô hữu mẫu mực. Chúng tôi nghĩ rằng người ta sẽ tự tìm đến với Chúa theo cách này, nhiều hơn và hiệu quả hơn cách “hiện hồn về” rất nhiều!
Trên đây là một vài suy nghĩ nhỏ nhoi của chúng tôi, xin chia sẻ cùng bạn!
Thân ái,


Xác loài người ngày sau sống lại” – Là xác nào sống lại?

 Xin cho con hỏi trong kinh Tin Kính, có tín điều “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Cha xứ dạy chúng con rằng chúng ta sẽ không sống lại với thân xác hiện nay vì nó đã bị hoen ố bởi tội lỗi rồi nhưng thân xác sẽ phục sinh là một thân xác khác đang do chính Chúa Thánh Thần cất giữ. Xin cho con biết có đúng như thế không ạ?
Chào bạn,
Nhiều người trong chúng ta cho rằng chỉ có linh hồn ta là được về trời, còn thân xác là thứ nhơ nhuốc, đầy những xấu xa, nên không thể được cứu. Vào những thế kỷ đầu, có rất nhiều trường phái triết học cho rằng thân xác chính là tù ngục của linh hồn, là cái đã giam hãm linh hồn con người. Hồn lìa khỏi xác cũng hệt như một cuộc giải thoát. Bởi thế, việc phải trở lại kết hiệp với xác chẳng khác nào đưa hồn vào tù ngục. Chính vì lý do này mà thánh Phaolo đã thất bại khi rao giảng về việc người chết sống lại tại Aten, một thành phố đậm mùi triết coi thường thân xác và chỉ tin vào sự bất tử của linh hồn (x.Cv 17,16-34). Ngoài ra, thật khó để có thể tưởng tượng được là khi thân xác phục sinh thì nó sẽ thế nào. Thân xác phục sinh của tôi sẽ là thân xác lúc tôi bao nhiêu tuổi? Những người đã chết từ hàng ngàn năm trước, xương cốt đã thành tro, họ sẽ sống lại thế nào? Thậm chí, có những người đã chết không toàn thây, bị thú dữ ăn thịt, xé xác… thì phục sinh ra sao? Còn nữa, chẳng lẽ những người có thân hình xấu xí, bị thương tật, bị khiếm khuyết gì đó lại phải sống thân xác tồi tệ này khi phục sinh? Nếu thế thì thà chẳng phục sinh còn hơn!
Vậy tại sao Giáo Hội lại tin rằng thân xác cũng phải phục sinh? Là bởi vì chúng ta chỉ có thể là con người trọn vẹn khi có cả hồn (phần linh thiêng) và xác (phần vật chất). Nếu chỉ có hồn hoặc chỉ có xác thôi thì không phải là ta. Thân xác là một phần của ta, hay thậm chí có thể nói, nó chính là ta. Ta sẽ không thể nhận ra, tiếp xúc, đụng chạm với ai nếu người đó không có thân xác, và ngược lại. Trong khi đó, Đức Giêsu đến thế gian này là để cứu con người của ta một cách trọn vẹn, chứ không chỉ cứu linh hồn ta mà thôi. Nếu Ngài chỉ cứu linh hồn ta thì Ngài đang cứu “cái gì đó”, chứ không phải là ta. Đấng Cứu Thế đã muốn mặc lấy xác phàm và trở thành một con người thực thụ chính là muốn cứu lấy cả “xác phàm”, phần vật chất của con người, chứ không chỉ là phần thiêng liêng. Bởi thế, nếu thân xác không được phục sinh thì việc xuống thế làm người của Đấng Cứu Thế trở nên vô nghĩa. Tin vào sự phục sinh của thân xác chính là tin vào phẩm giá cao quý của thân xác và tin vào ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người xét như một tổng thể đầy đủ của hồn và xác.
Nhưng phải làm sao để giải quyết những vấn đề khúc mắc ở trên liên quan đến thân xác? Hay nói cách khác, chúng ta cần phải hiểu như thế nào về sự phục sinh của thân xác? Dựa vào mặc khải của Kinh Thánh và dựa vào lý trí, chúng ta có thể tìm được câu trả lời dù rằng trong chúng ta, chưa ai trải nghiệm được điều này. Hơn hết, chúng ta có một mẫu gương rõ ràng và khả tín nhất là chính Đức Giêsu phục sinh. Căn cứ vào những gì Kinh Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu sau khi Ngài đã phục sinh, chúng ta có thể biết chắc hai điều:
Thứ nhất, thân xác được phục sinh phải là một thân xác đã chết vì nếu không chết thì cũng sẽ không có chuyện phục sinh. Đó cũng phải là thân xác mà ta đang sở hữu đây vì nếu hồn của ta kết hợp với một thân xác khác thì sẽ trở thành người khác, chứ không phải là ta. Nếu Thiên Chúa làm nên một cái xác khác hoặc sử dụng cái xác của ai đó để kết hợp với hồn của ta thì càng không phải là ta. Quả vậy, khi Đức Giêsu phục sinh, thân xác phục sinh của Ngài là chính thân xác Ngài đã sống trước đó, với tất cả những dấu đinh, vết sẹo (x. Lc 24,39). Thân xác Ngài phải như trước thì các môn đệ mới nhận ra Ngài được. Nếu Đức Giêsu phục sinh với một thân xác khác thì hẳn là xác chết của Ngài vẫn còn trong mộ. Nhưng thực tế là từ sau ngày phục sinh, không ai – kể cả những kẻ thù của Ngài – có thể tìm thấy xác Ngài. Ngoài ra, thân xác được phục sinh phải là thân xác mà ta có thể đụng chạm được cách cụ thể, chứ không phải là một cái bóng mờ mờ ảo ảo. Đức Giêsu cũng khẳng định với các môn đệ rằng Ngài vẫn “có xương có thịt”, chứ không phải ma (x.Lc 24,39). Chính Tôma là người đã được Đức Kitô phục sinh cho đụng chạm vào cạnh sườn mình (x. Ga 20,27).
Thế nhưng – điều thứ hai và điều rất quan trọng – thân xác phục sinh là một thân xác được biến đổi theo một cách thức mà thánh Phaolo gọi là “mầu nhiệm” (1Cr 15,51), bởi vì “xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (1Cr 15,50). Ngài còn nói thêm: “…tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát… Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,52-53). Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolo nói: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,31). Ở đây, ta thấy thánh nhân nói rằng Đức Giêsu sẽ biến đổi “thân xác chúng ta” (chứ không phải một thân xác lạ lẫm nào khác), và thân xác được biến đổi ấy sẽ giống như “thân xác vinh hiển của Người”, nghĩa là thân xác phục sinh của Đức Giêsu thế nào thì thân xác phục sinh của chúng ta cũng sẽ giống như vậy.
Như thế, thân xác phục sinh của chúng ta sẽ là một thân xác không còn bị huỷ hoại, không còn vết tích của sự dữ, không còn lệ thuộc vào thời gian không gian, không phải chịu một giới hạn nào, không bị lão hoá, không bệnh tật…Thân xác ấy sẽ như thân xác của Đấng Phục Sinh. Chúa sẽ thanh tẩy thân xác hư nát này của chúng ta thành một thân xác thanh thiết và ngập tràn ân sủng. Thân xác ấy trông như thế nào, chẳng ai trong chúng ta biết được, nhưng với mạch suy tư này, ta có quyền đi đến kết luận rằng vào lúc phục sinh, người khác nhìn vào ta thì sẽ thấy ta và nhận ra ta (vì ta có thân xác) và sẽ nhìn thấy nơi ta một sự sáng láng tuyệt đẹp, thanh khiết đến lạ kỳ (vì những hậu quả xấu xa của sự dữ và tội lỗi làm cho thân xác của chúng ta bị huỷ hoại và xấu đi đã bị ơn cứu độ của Đức Giêsu gỡ bỏ).
Nhưng với những trường hợp như bị phanh thây, bị chặt đầu, tùng xẻo, hay thậm chí có rất nhiều các nhà truyền giáo đã bị thú dữ hoặc các bộ tộc hoang dã ăn thịt, họ sẽ phục sinh như thế nào? Họ đâu còn thân xác nữa mà phục sinh! Chúng ta biết rằng ngay cả những người chết với một thân xác bình thường, thì sau một thời gian bị chôn vào lòng đất , thân xác họ cũng không còn được nguyên vẹn. Thân xác của chúng ta, dù chết cách nào đi chăng nữa, cũng sẽ bị mục nát và không còn hình hài. Cơ thể của chúng ta sẽ tan ra, bị chia nhỏ, trở về với các nguyên tố hoá học. Thật khó để chúng ta tưởng tượng là khi phục sinh, các nguyên tố này sẽ kết hợp lại với nhau ra sao để làm nên con người ta trở lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể biến từ không ra có tất cả mọi sự thì chuyện làm cho một cái xác bị thối rữa được sống lại và biến đổi chẳng có gì là khó với Ngài. Bạn có thể đọc trong sách Tiên Tri Ezekiel, chương 37,1-14, nói về thị kiến mà Thiên Chúa ban cho vị Tiên Tri này để hiểu hơn về quyền năng của Thiên Chúa. Trong đoạn này, Ezekial đã thấy Thiên Chúa ban Thần Khí nối các xương người chết, lắp thịt gân… ban hơi thở để làm cho người chết sống lại. Những hình ảnh giúp chúng ta nghĩ đến ngày chính mỗi người chúng ta cũng được cho sống lại trong quyền năng của Thần Khí Đấng Phục Sinh.
Thánh Phaolo cũng lấy hình ảnh hạt giống gieo vào đất và nảy mầm thành một cây mới để minh hoạ cho sự phục sinh này. Khi chẻ đôi một hạt lúa, ta không hề thấy trong đó có cây lúa nào. Vậy mà khi gieo xuống đất, tưới nước, bón phân, ta lại thấy chính tại nơi ta gieo hạt lúa nảy sinh một cây lúa. Cây lúa này chính là hạt lúa lúc trước chứ không phải từ một hạt gì khác, hay thậm chí là hạt lúa khác. Ta biết chắc rằng cây lúa này từ hạt lúa kia mà ra, nhưng ta không biết được là tại sao hạt lúa lại trở thành cái cây như vậy. Hạt lúa trước kia chính là cái cây mà ta đang thấy lúc này đây. Hạt lúc không còn nữa, chỉ còn lại cây lúa. Nói cách khác, hạt lúa ấy đã được biến đổi để trở nên một cái gì đó khác đi, hoàn hảo hơn, tràn đầy sức sống hơn.
Hình ảnh minh hoạ này giúp chúng ta hiểu về sự biến đổi thân xác diệu kỳ mà ơn phục sinh của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên chúng ta. Chúng ta chỉ đang ở trong giai đoạn “hạt lúa”, cần phải chết đi trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh, để Đấng ấy làm nơi ta một sự biến đổi lạ thường chỉ “trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên.” (1Cr 15,52).
Đề tài này vẫn còn nhiều chi tiết cần bàn đến nhưng hy vọng một vài gợi mở nhỏ bé này đã đủ để giải đáp thắc mắc của bạn cũng như khơi lên niềm hy vọng trong lòng bạn.
Thân ái,

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ