Khi
dựng nên Adam, Thiên Chúa đã nghĩ làm sao để con người được vui hưởng
hạnh phúc nên Ngài đã tạo nên Eva. Gia đình đầu tiên ấy là bằng chứng
của tình yêu mà Thiên Chúa muốn thể hiện nơi con người.
Thực
tế ngày nay, chúng ta thường thấy có rất nhiều gia đình bị tan vỡ,
trong đó không ít là những gia đình Công Giáo. Lý do duy nhất là vì
thiếu sự bao dung tha thứ trước những lỗi lầm của vợ hoặc chồng. Trước
khi đến với nhau, cả người nam lẫn người nữ dường như sẵn sàng bỏ qua
mọi sự không hợp ý mình để nhanh chóng tiến đến một mục tiêu là sự nên
một của cả hai. Khi mục tiêu đã đạt được rồi, thì họ lại không thể làm
ngơ trước những điều nhỏ nhặt nhất. Hay nói cách khác là sự chấp nhất
đến từng chi tiết, để rồi đi đến kết luận chẳng còn hợp nhau. Chúng ta
hãy nhìn lại hình ảnh của Nguyên Tổ chúng ta, sự đổ vỡ đã xuất hiện khi
chẳng ai chịu nhận lỗi về mình. Chắc hẳn cả hai đã có một cuộc sống tệ
hại vì cãi vã, vì tức tối,… Sự tan nát đó đã trở nên nguyên cớ cho sự
vấp phạm của chính con cái mình. Thiên Chúa đã thật thất vọng trước
những việc đó, dù rằng Ngài đã thực hiện mọi sự bằng tất cả tình yêu của
Ngài. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người, hình ảnh một gia đình
nhỏ bé nơi Nazareth năm xưa chính là ý muốn của Ngài nơi tất cả các gia
đình trên thế giới hôm nay.
Gia đình nhỏ bé ấy đã dạy gì cho chúng ta?
Nhìn
ngắm Thánh Giuse trong vai trò của một người chồng, người cha; chúng ta
đã thấy ở nơi Ngài sự siêng năng, cần cù lao động. Có thể nói Ngài
không như những doanh nhân lỗi lạc ngày nay, kiếm thật nhiều tiền để cho
vợ con có được một cuộc sống an nhàn, sung sướng. Và để đạt được điều
đó, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả. Đánh đổi thời gian bên gia đình để lấy
những chầu nhậu thâu đêm, suốt sáng với đối tác, bạn bè. Đánh đổi sức
lực để lấy những cuộc chơi, nhằm thể hiện đẳng cấp của mình. Đánh đổi
danh dự bản thân để lấy những mưu toan hèn hạ. Đánh đổi cả tình yêu dành
cho vợ con để thỏa mãn những thú vui trụy lạc. Thánh Giuse chỉ là một
người lao động bình thường với tất cả trách nhiệm để lo cho gia đình.
Ngài còn là một người chồng, người cha bình thường hết mực yêu thương vợ
con. Chính sự thinh lặng của Ngài đã góp phần làm nên hạnh phúc trong
gia đình nhỏ bé ấy. Sự thinh lặng của Ngài hoàn toàn không phải là sự
buông xuôi, mặc kệ trước biến cố Đức Mẹ mang thai; nhưng đó là sự vâng
phục Thánh Ý, trong đó chứa đựng cả một sự bao dung trong tâm hồn. Những
người làm chồng hãy luôn biết bắt chước gương Ngài! Khi anh luôn biết
thể hiện tình yêu dành cho gia đình là anh đang lập lại điều Thiên Chúa
mong muốn từ thuở ban đầu. Khi anh luôn biết dành thời gian cho gia đình
là anh đang làm điều mà Thiên Chúa yêu thích. Khi anh luôn biết bỏ qua
tất cả những thiếu sót, lầm lỗi của người thân trong gia đình là anh
đang thực thi mối phúc thương xót mà Thiên Chúa mời gọi. Lòng thương xót
của Thiên Chúa đã làm thay đổi mọi sự: Từ những đổ vỡ trở nên lành lặn,
từ những bất an trở nên bình an, từ những bất hạnh trở nên hạnh phúc,
từ những đau thương trở nên niềm vui… Các anh được mời gọi sống điều đó
để làm thay đổi trước hết nơi chính bản thân mình, sau đó là mọi sự
trong gia đình.
Nhìn
ngắm Đức Maria trong vai trò của một người vợ và một người mẹ, chúng ta
thấy được ở Mẹ một sự dịu dàng khôn tả. Sự dịu dàng ấy có sức mạnh làm
xua tan những vất vả, mệt nhọc của thánh Giuse sau một ngày lao động. Sự
dịu dàng ấy làm lay động trái tim bướng bỉnh, cứng cỏi của Trẻ Giêsu
khi đến tuổi lên ba. Sự dịu dàng ấy làm cho bầu khí trong gia đình lúc
nào cũng ấm áp và chan hòa niềm vui. Có thể Mẹ chẳng có tài hay học thức
cao như nhiều phụ nữ ngày nay, thậm chí Mẹ chỉ là một phụ nữ thật quê
mùa. Vậy mà Mẹ được Thiên Chúa yêu mến vì chính tâm hồn của Mẹ. Tâm hồn
Mẹ thật trong sáng đến nỗi chẳng chút bợn nhơ nào chen chân vào được.
Tâm hồn chị em chúng ta luôn bị vẩn đục bởi những tư tưởng, suy nghĩ
không lành mạnh. Tâm hồn Mẹ thật tinh tuyền khiến cho sự dữ phải tháo
lui. Tâm hồn chị em chúng ta luôn bị lôi kéo vào những trào lưu xấu của
xã hội. Tâm hồn Mẹ thật trinh khiết làm cho những thói hư, tật xấu chẳng
thể tồn tại. Tâm hồn chị em chúng ta đầy dẫy những tội nhơ. Chị em
chúng ta sẽ làm gì để gia đình mình luôn được hạnh phúc, con cái luôn
được ngoan ngoãn? Chúng ta không thể làm được điều ấy nếu chính chúng ta
không là mẫu gương trong gia đình. Chị không thể lôi kéo được một người
chồng quay về nếu chị không có tâm hồn kiên nhẫn. Chị không thể làm
biến đổi cách sống buông thả của chồng nếu chị không có tâm hồn quảng
đại. Chị không thể dạy dỗ con cái nếu chị không có tâm hồn yêu thương.
Tất cả mọi sự xuôi theo chiều hướng nào là do ở tâm hồn của chị. Tâm hồn
của Mẹ Maria đẹp đến nỗi Thiên Chúa chọn để làm cung lòng cho Hài Nhi
Giêsu. Chị em chúng ta hãy bắt chước gương Mẹ, vì chúng ta cũng được
Thiên Chúa ban cho ân huệ cưu mang những người con yêu của Ngài.
Giá
trị đạo đức của một gia đình được hình thành bởi cả hai vợ chồng. Điều
đó đòi hỏi sự góp sức của cả hai để nên một. Sẽ rất khập khễnh nếu chỉ
có sự tồn tại tình yêu của một trong hai! Tình yêu vợ chồng được ví như
chiếc cầu, hai đầu được nối kết với nhau thật chắc, thật vững, thật bền.
Nếu chỉ có một đầu thì không còn gọi là chiếc cầu nữa! Những rạn nứt,
những sứt mẻ trong đời sống vợ chồng là không tránh khỏi! Chỉ có tình
yêu thương, sự bao dung, tha thứ sẽ hàn gắn tất cả! Xin tất cả những ai
đã là vợ, là chồng đừng quên sứ mạng của mình là tiếp nối công trình
sáng tạo của Thiên Chúa. Hoa trái của chúng ta sẽ luôn tươi tốt nếu
chúng ta biết gìn giữ, vun đắp và xây dựng tình yêu trên nền tảng duy
nhất là tình yêu Thiên Chúa. Hoa trái của chúng ta sẽ càng xinh đẹp hơn
khi chúng ta biết làm tình yêu ấy được triển nở cách rộng rãi nơi môi
trường chúng ta sống, làm việc… Hoa trái của chúng ta sẽ tràn trề nhựa
sống nếu chúng ta biết hy sinh cả tình yêu ấy cho người mình yêu. Sự hy
sinh ấy chính là đón nhận tất cả những lỗi lầm, những sai trái, những
khác biệt… của người mình yêu trong sự bao dung, quảng đại, tha thứ như
Thiên Chúa đã hằng thương xót chúng ta.
Therese Trần Thị Kim Thoa