Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

SUY NIỆM CHÚA NHẬT NGÀY 22-01-2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 4, 12-17)
 

12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê.13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."



SUY NIỆM 1
 

Giới trẻ hôm nay đang bị lôi cuốn bởi một trào lưu tục hoá m sống hưởng thụ ích kỷ, và hình thành một nếp sống vô cảm, bởi không còn niềm tin vào cuộc sống. Bóng tối như càng ngày dày đặc phủ kín mọi lối đi của cuộc sống. Hơn bao giờ hết, con người cần một luồng sáng chiếu soi để giúp con ngừoi tìm lại ý nghĩa đích thật của cuộc đời. Ai có thể mang ánh sáng chân lý nầy đến cho nhân loại nếu không phải Đấng từ trời đến.

Quả thật sự xuất hiện của Chúa Kito đã làm bứng lên một niềm hy vọng lớn lao. Dân chúng ngày xưa lũ lượt đến với Chúa. Các Thánh sử đã tường thuật rất nhiều nhóm dân cư của các vùng đất lớn, gồm cả vùng đất của dân ngoại tuôn đến với Đức Kitô. Đến với Chúa người ta gặp được một niềm vui đích thật, niềm vui được tươi nở trong luồng sáng toát ra của một con người đầy nhân ái, đã không làm ngơ trước nỗi bất hạnh của con người, đã không ngần ngại lên tiếng để bệnh vực quyền lợi cho kẻ thấp cổ bé miệng, đã không lưỡng lự vượt qua rào chắn của luật lệ ngày Sabát để chữa lành thương tích, và nhất là họ gặp nơi con người Giêsu một trái tim độ lượng và đầy lòng thương xót. Vâng, Chúa đang dần đẩy lui bóng tối của hận thù ghét ghen.

Thế giới hôm nay không thể nào đẩ lui bóng tối của sự dữ nếu không có ánh sáng của Tin Mừng. Bởi chỉ có ánh sáng tình yêu đến từ Tin Mừng mới có đủ năng lực xua tan bóng đêm của hận thù, của sự  vô cảm. Bởi đó Hơn bao giờ hết, người tín hữu được mời gọi hãy chiếu dọi ánh sáng tình yêu Tin Mừng vào môi trường sống hôm nay bằng chính cuộc đời thấm nhầun Tin Mừng. Hay nói cách khác, người tín hữu phải mang đến cho nhân loại hôm nay niềm hy vọng bằng chính cuộc sống tràn đầy lòng thương xót và tình yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tình thương, xin cho mỡi ngừoi chúng con là khuôn mặt của tình thương Chúa. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



 SUY NIỆM 2
 Tin Mừng Nước Trời (c. 12-17)
Trong mầu nhiệm Hiển Linh, có một nghịch lí thuộc về nghịch lý Tin Mừng, vì loan báo nghịch lý của mọi nghịch lý, đó là nghịch lý Mầu Nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, chính khi Hài Nhi Giê-su sắp được sinh ra bị từ chối trong các quán trọ, do đó, phải sinh ra trong cảnh nghèo hèn, như “một em bé, bọc tã nằm trong máng cỏ”, đơn sơ, khiêm tốn và hiền lành, một hoàn cảnh tưởng như là bất hạnh, nhưng lại được Hiển Linh, được tôn vinh đối với muôn dân nước, qua hình ảnh của các nhà đạo sĩ.
Và nếu chúng ta chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta sẽ nhận ra rằng nghịch lí Tin Mừng này sẽ được ghi khắc ở khắp nơi và làm nên nền tảng hay sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cuộc đời của Chúa, đến tận mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, chính khi Chúa phải đi lánh nạn, phải tránh né sự bách hại bạo lực và bất công, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta: “Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gioan đã bị nộp…”, thì lại là lúc lời ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm, nghĩa là lời Kinh Thánh, là chương trình cứu độ của Thiên Chúa, được hoàn thành một cách lạ lùng và viên mãn :
  • « Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng» (c. 16a)
  • « Và những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. » (c. 16b)
« Ánh sáng huy hoàng, bừng lên chiếu rọi » tương ứng với sự hiện diện của của Đức Giê-su công bố Nước Trời và là hiện thân của Nước Trời. Thật vậy, bài Tin Mừng kể lại :
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng:
« Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. »

(c. 17)
Nước Trời mà Đức Giê-su rao giảng mời gọi thực hiện hành trình sám hối. Bởi vì, để đón nhận Nước Trời, chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta đón nhận Nước Trời, phải giữ khoảng cách với tất cả những gì không thuộc về hay không giúp hướng về Nước Trời. Nhưng đàng khác, Nước Trời cũng lôi kéo chúng ta và làm chúng ta say mê, vì Nước Trời làm cho no thỏa những khát vọng thâm sâu và mạnh mẽ nhất của con người. Loài người chúng ta dựng nên bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, vì thế, tự bản chất hướng về Nước của Thiên Chúa.
 2. Tin Mừng Nước Trời và ơn kêu gọi (c. 18-22)
Và đâu là nội dung của Tin Mừng Nước Trời? Đó là ơn gọi nhưng không (c. 18-22), là Lời Chúa được lan truyền và là sứ mạng phục vụ cho sự sống (c. 23-25). Điều này giúp chúng ta hiểu ơn gọi của chúng ta một cách mới mẻ: ơn gọi của chúng ta thuộc về Tin Mừng Nước Trời, là dấu chỉ của Tin Mừng Nước Trời. Thực vậy, đời dâng hiến, giữa đời hay trong một Hội Dòng, là dấu chỉ sống động của Nước Trời.
Đức Giê-su đến tận nơi, gặp gỡ và kêu gọi hai lần, mỗi lần hai anh em (c. 18-20; 21-22). Ơn gọi của các môn đệ đầu tiên có ba đặc điểm. Ba đặc điểm này cũng thuộc về mọi ơn gọi, trong đó có ơn gọi chúng ta đang sống.
a. Chính Đức Giê-su đến gặp gỡ tại nơi chúng ta đang sống, đang là…
  • Người đang đi… thì thấy…” (c. 18)
  • Đi một quảng nữa, Người thấy…” (c. 21)
Trong thực tế, chúng ta bỏ nhà đi theo Chúa trong một ơn gọi, nhưng khi đọc lại hành trình ơn gọi, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Người đi bước trước, đến tận nơi chúng ta đang ở, hiện diện trong hoàn cảnh của chúng ta, gặp gỡ chúng ta, khi chúng ta đang loay hoay “với lưới với thuyền” cùng với những người thân yêu… Chính Người gõ cửa lòng chúng ta và mời gọi: “Hãy theo Thầy!”
b. Sự nhưng không của tiếng gọi
Tiếp đến, chúng ta được mời gọi nhận ra tính nhưng không của ơn gọi. Thật vậy, Đức Giêsu gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan, như các ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, đang bân rộn với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị “lâu dài” các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Tiếng gọi của Đức Giêsu dành cho mỗi người chúng ta cũng nhưng không như thế, dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào và đã trải qua những thăng trầm nào. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa tự bản chất là nhưng không. Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giêsu: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giêsu, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp quảng đại của chúng ta.
c. Sức mạnh của tiếng gọi
Sau cùng, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sức mạnh của tiếng gọi. Thật vậy, tiếng gọi của Đức Giêsu mạnh đến độ làm bật tung « lập tức » (c. 20 và 22) các môn đệ đầu tiên ngay tại nơi các ông đang làm việc cùng với những người thân yêu, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống các ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông. Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ lôi kéo và biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta.
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như trường hợp các môn đệ đầu tiên : Đức Giê-su mời gọi : « Các anh hãy đi theo tôi », và « lập tức các ông bỏ chài, bỏ thuyền, bỏ cha mà theo Người”. Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giê-su sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến.
3. Tin Mừng Nước Trời và sứ mạng phục vụ cho sự sống (c. 23-25)
Và cùng với Tin Mừng Nước Trời là dấu chỉ phục hồi sự sống: chữa bệnh và nhất là trừ quỉ. Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ mới là bi đát hơn, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Và chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là Lời Thập Giá (1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.
*  *  *
Cuối cùng, chính khi Chúa bị từ chối, phải đi lánh nạn, thì như bài Tin Mừng kể lại: dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người
Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.
(c. 25)
Hình ảnh thật ấn tượng và thật đẹp, vì loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua: chính khi Chúa chịu đóng đinh, là lúc Chúa biểu lộ căn tính thần linh và tình yêu thương xót rạng ngời nhất cho loài người chúng ta. Và ơn chữa lành khỏi sự chết, khỏi sự sợ hãi sự chết[1] đến từ sức mạnh và khôn ngoan của Thập Giá.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Bởi vì, theo mặc khải Kinh Thánh, loài người chúng ta không phải vì phạm tội mà phải chết, nhưng là ngược lại: vì thân phận con người là phải chết, hay nói cách khác, vì con người không phải là thần linh, nên con người đã phạm tội; như lời Con Rắn gợi ý: « Ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần… » (St 3, 5)