Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mát-thêu (Mt 15: 1-6)
1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng:2 "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? "3 Người trả lời: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.5 Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi,6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.
SUY NIỆM 1
Đối với người Việt Nam, lòng thảo kính biết ơn tiền nhân, biết ơn các bậc tổ tiên ông bà đã là “đạo”. Đó là đạo hiếu. Hay người ta còn gọi là đạo ông bà. Người Việt Nam đã vậy. Người Công giáo Việt Nam càng phải sống đạo hiếu lớn hơn, bởi họ có Lời Chúa dạy bảo, có chính mẫu gương thảo hiếu của Chúa Giêsu làm đối chiếu, có lề luật làm thước đo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”, có giáo huấn của Hội Thánh luôn luôn nhắc nhở.
Thật đáng trách nặng lời, đáng lên án gắt gao, khi có nhiều người Công giáo coi thường cha mẹ. Nhiều người con tỏ ra xấu hỗ về cha mẹ, phủ nhận cha mẹ chỉ vì cha mẹ nghèo hèn, dốt nát, không địa vị … Nhiều người con xua đuổi cha mẹ, coi cha mẹ già yếu, đau bệnh là nợ mà họ phải mang, phải gánh. Có kẻ nhẫn tâm đẩy cha mẹ vào trại dưỡng lão như trút một gánh nặng. Thậm chí nhiều người con mong cho cha mẹ chết sớm để chiếm đoạt tài sản, hoặc để rãnh nợ, để đỡ tốn tiền chữa chạy thuốc men…
Chúng ta tin rằng, những người con bất hiếu bên trên chỉ là thiểu số. Chúng ta càng tin mạnh hơn rằng, hầu như người tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Nhất là trong bầu khí thiêng liêng như ngày đầu năm, càng làm cho các gia đình trở nên ấm cúng tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Đó cũng là dịp đặc biệt gợi nhớ công lao của bao nhiêu bậc tổ tiên, bao nhiêu đấng sinh thành đã khuất mặt để mà tưởng nhớ, để mà cầu nguyện. Chính vì thế, trong ngày Tết, ngoài việc chuẩn bị mọi hình thức ăn Tết, người ta không quên chuẩn bị bàn thờ gia tiên cách chu đáo. Ngày đầu năm, bàn thờ gia tiên trong mọi nhà đều luôn có hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng …
Tuy nhiên, ngoài ông bà cha mẹ dưới đất, chúng ta còn có Thiên Chúa là Cha trên trời. Người là Bậc Tổ Tiên trên mọi tổ tiên của ta. Trong ngày đầu năm, kính nhớ tổ tiên, chúng ta không quên ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta làm người, đã ban sự sống của Người cho chúng ta. Người luôn là Người Cha tận tình yêu thương mọi con cái của mình. Vì thế, giờ đây, chúng ta biết ơn Chúa. Xin cho ngày lìa thế, chúng ta cùng tổ tiên sum họp trong nhà Cha chúng ta trên quê trời vĩnh phúc.
Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và Thánh lễ chúng con dâng lên Chúa trong ngày đầu năm, xin Chúa thương giải thoát các linh hồn ông bà cha mẹ chúng con còn đang thanh luyện nơi luyện ngục. Xin cho chúng con luôn biết thảo hiếu với ông bà cha mẹ khi ông bà cha mẹ chúng con còn sống cũng như khi đã qua đời. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Nghi thức rửa tay
Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?
(c. 2)
Như thế, các môn đệ làm điều không đúng dưới mắt của những người tuân giữ và bảo vệ Truyền Thống, nhưng người nghe lời than trách, lại là vị Thầy. Điều này có nghĩa là lời giảng của Thầy, cung cách hành xử của Thầy và chính bản thân của Thầy có vấn đề !
Đối với người Do Thái, rửa tay trước bữa ăn không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là một nghi thức thanh tẩy. Bởi vì, lương thực là ân huệ Thiên Chúa ban, nên phải chuẩn bị mình đển đón nhận. Hiểu như thế, nghi thức thanh tẩy này thật là có ý nghĩa trên bình diện thiêng liêng và cũng là một nghi thức tôn giáo nên bảo tồn. Và thật ra, chính chúng ta cũng làm như thế : trước bữa ăn, chúng ta làm dấu Thánh Giá, đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành ; khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta xin Chúa thanh tẩy để trở nên xứng đáng lãnh nhận Lời và Mình của Đức Ki-tô như là lương thực ; và theo Phụng Vụ Thánh Lễ, linh mục phải rửa tay trước khi cử hành nghi thức truyền phép, đồng thời đọc thầm : « Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm xin Ngài thanh tẩy » (x. Tv 51, 4).
Như thế, những người Pha-ri-sêu và Luật Sĩ thật có lí, khi lưu ý Đức Giê-su rằng, các môn đệ của Ngài đã không rửa tay trước bữa ăn. Cũng tương tự như các nhà chuyên môn về phụng vụ của chúng ta, hay những người yêu thích phụng vụ vẫn thường lưu ý hay góp ý người này người kia đã làm sai hoặc không làm một qui định chữ đỏ nào đó trong Sách Lễ Roma. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại bênh vực các môn đệ của mình. Vậy, đâu là vấn đề của những người Pha-ri-sêu và Luật sĩ ? Và phải chăng, vấn đề của họ cũng có thể là vấn đề của chúng ta ?
Nghi thức thanh tẩy dù có ý nghĩa và quan trọng, nhưng cũng chỉ là một cách diễn tả của con tim, là một lời mời gọi hướng tới một thái độ nội tâm. Thật vậy, giữ nghi thức và giữ thật đúng qui định nói lên điều gì hay sẽ đem lại hoa trái nào, khi mà trong lòng trống rỗng, hay có những tâm tình hay cảm nghĩ bất xứng hay không phù hợp ? Như Đức Giê-su đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : « Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình » (Mt 5, 23-24). Sai lầm là ở chỗ, người ta bị xét đoán là thanh sạch hay nhơ uế tùy theo việc giữ hay không giữ nghi thức rửa tay hay những nghi thức khác ; như thế, nghi thức trở thành tiêu chuẩn xét đoán về tương quan giữa con người và Thiên Chúa, và do đó, giữa con người với nhau, bởi vì người ta sẽ cư xử đặc biệt với những « người nhơ uế », những « người tội lỗi ».
Đối với Đức Giê-su, điều làm cho người ta trở nên thanh sạch hay nhơ uế không phải là điều ở bên ngoài, nhưng là điều trong nội tâm. Trước đó, Đức Giê-su đã trích lời Kinh Thánh này : « Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân » (Mt 15, 8-9). Và trong các Mối Phúc, Đức Giê-su nói : « Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa » (5, 8).
Ước gì chúng ta có được một con tim biết sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa ; vì đó là con đường duy nhất làm cho con tim của chúng ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa, làm cho các việc làm, các thực hành đạo đức của chúng ta trở nên đáng yêu dưới mắt Chúa. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất lực trong nỗ lực điều khiển con tim, trong việc làm chủ những diễn biến nội tâm, và nhất là những diễn biến ở những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn. Chỉ có Thiên Chúa, ngang qua Lời và Mình của Đức Giê-su, mới có thể làm cho con tim của chúng ta nên thanh sạch, mới có thể tái tạo và làm cho con tim của chúng ta nên mới. Xác tín này làm cho chúng ta bình an và khiêm tốn.
- Truyền thống và Lời Chúa
Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?
(c. 3)
Lần thứ hai, nghiêm trọng hơn, vì liên quan đến luật thảo kính cha mẹ của Mười Điều Răn :
Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.
(c. 6b)
Trong câu nói này, Đức Giêsu coi giới răn như là lời Thiên Chúa. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su còn thêm: “Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !” (Mc 7, 13) Truyền thống là một giá trị qui chiếu quan trọng, hơn nữa là một ơn huệ, bởi vì đó là một cách sống giới răn của Chúa, sống Lời Chúa của một cộng đoàn trong một thời gian và nơi chốn đặc thù. Nhưng với thời gian, các việc thực hành tốt đẹp này trở thành máy móc, nghĩa là nghi thức tự động tạo ra sự thanh sạch, trở thành quan trọng hơn so với chính Lời Thiên Chúa, trở thành ngẫu tượng.
Chúng ta cũng có rất nhiều truyền thống ở mọi cấp độ: Giáo Hội, Dòng tu, tu hội, dân tộc, cộng đoàn, nhóm… Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận định lại toàn bộ dưới ánh sáng của Lời Chúa ban sự sống và diễn tả lòng thương xót.
- Giới răn « Thờ cha kính mẹ »
Bởi vì, năng động sống « uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu », thuộc về nhân tính, vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, đạo hiếu từ ngàn xưa của Dân Tộc Việt Nam đã phát xuất và chất chứa Lời Thiên Chúa. Ngoài ra, giới răn này không chỉ có nền tảng nhân bản, nhưng còn có nền tảng thiêng liêng nữa. Bởi vì:
- “Thờ cha kính mẹ” là con đường dẫn con người đến việc tin nhận Thiên Chúa. Thực vậy, tổ tiên ông bà và cha mẹ sinh ra chúng ta, nhưng các vị không phải là nguồn sự sống; hơn nữa, sự sống rất nhiệm mầu và chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi, như chúng ta vẫn nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhất là trong việc giáo dục đức tin ngày nay, giáo dục lòng biết ơn là con đường tốt nhất dẫn người trẻ đến kinh nghiệm tin nhận Thiên Chúa: biết ơn, biết ơn đối với cha mẹ, đối với cuộc đời, đối với Giáo Hội, và đối với chính Thiên Chúa, cội nguồn và điểm tới của mọi sự.
- “Thờ cha kính mẹ” là con đường dẫn đến hiểu biết khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, một khuôn mặt rất dễ bị bóp méo bởi những hệ thống tư tưởng, khuynh hướng tuyệt đối hóa những điểm tùy phụ và bởi chính luật lệ. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và “Đấng Hay Thường Xót”; và khuôn mặt này được phản ánh tốt nhất nơi cha mẹ. Đức Giê-su cũng đã khởi đi từ tình yêu của cha mẹ, để giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7, 11).
- Và cuối cùng, một thái độ “thờ cha kính mẹ” sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm thỏa mãn niềm hi vọng gia đình tái đoàn tụ mãi mãi bên nhau trong tình yêu thương mà thôi.
* * *
Kính chúc Quí Cha, Quí Thầy,
Quí Soeurs và tất cả Quí Anh Chị Em,
Quí Soeurs và tất cả Quí Anh Chị Em,
Năm Mới Đinh Dậu
tràn đầy Phúc Lộc Nước Trời,
bình an và thật nhiều niềm vui yêu thương,
để trở thành hương thơm sống động lan tỏa
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.
Xuân Đinh Dậu 2017
Để kính nhớ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ
và Những Người Thân Yêu đã qua đời.
Để kính nhớ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ
và Những Người Thân Yêu đã qua đời.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc