Khi Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha
trong Vườn Dầu, chỉ có một mình Đức Giêsu ở đó thôi. Bên cạnh Ngài
không có ai cả. Các môn đệ thì ngủ say sưa. Vậy thì làm sao các Thánh Sử
biết được Đức Giêsu đã nói gì, làm gì mà ghi lại trong sách Tin Mừng?
Chào bạn,
Câu
hỏi của bạn rất hay. Hẳn là bạn đọc Tin Mừng rất kỹ mới phát hiện ra
điều này. Câu hỏi của bạn xoay quanh tính khả tín của đoạn Tin Mừng liên
quan đến câu chuyện Đức Giêsu cầu nguyện ở Vườn Dầu trước khi bước vào
cuộc Thương Khó. Hay nói cách khác, liệu những gì Thánh Sử mô tả liên
quan đến đêm đó là có thực không, có đáng tin không, vì rõ ràng ngoài
Đức Giêsu ra, chẳng ai chứng kiến cả; liệu rằng các Thánh Sử có “bịa” ra
câu chuyện này không?
Theo Tin Mừng,
sau khi dùng bữa tối, Đức Giêsu cùng các ông lên núi Ô-liu, gọi là vườn
Giêtsemani. Sau đó, Đức Giêsu và ba môn đệ yêu dấu (Phê-rô, Giacobe và
Gioan) tách riêng ra khỏi nhóm còn lại (x.Lc 22,40-41; Mt 26,36-37; Mc
14,32-33). Lúc này, Đức Giêsu cảm thấy buồn rầu xao xuyến và chia sẻ với
ba ông này: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.” Sau đó, Người đi xa hơn
một chút để cầu nguyện với Chúa Cha. Trong lúc này, các môn đệ đã ngủ
say sưa, chẳng biết gì, đến độ sau khi cầu nguyện xong Đức Giêsu đã gọi
các ông dậy và trách: “Anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ
sao?” Người lại đi riêng ra để cầu nguyện lần nữa. Khi trở lại thì Người
thấy các ông vẫn còn ngủ. Lần này, Người để mặc các ông ngủ mà đi cầu
nguyện lần thứ ba. Sau đó, Người quay lại, thấy các ông vẫn còn ngủ thì
đánh thức các ông dậy vì Người biết rằng giờ của Người sắp đến. Ngay sau
đó, Giu-đa dẫn quân lính đến. Đức Giêsu bị bắt và dẫn đi. Trong các
thánh sử viết Tin Mừng, không có người nào đến gần Đức Giêsu vào thời
gian này cả. Chỉ có Gioan là một trong ba người được Đức Giêsu đưa đi
riêng, nhưng Tin Mừng của ông lại không thuật lại chi tiết này. Thế thì,
dựa vào đâu mà Mathêu, Marco và Luca biết được chi tiết này mà ghi lại
trong Tin Mừng của mình?
Có người ngay
lập tức trả lời rằng “do Thánh Thần linh hứng vì Kinh Thánh được viết
dưới sự soi sáng của Thánh Thần mà”. Nhưng Thánh Thần không linh hứng
theo kiểu đọc lại để Thánh Sử viết, như kiểu ta đọc chính tả. Thánh Thần
gợi hứng từ những gì Thánh Sử biết và tìm tòi. Bởi thế, Thánh Sử sẽ
không thể nào viết lại Tin Mừng nếu không có một căn cứ mang tính lịch
sử nào đó. Thật ra thì không có một sử liệu chắc chắn nào cho chúng ta
biết cách chính xác. Tuy nhiên, dựa trên những gì có được, chúng ta có
quyền đưa ra một vài phỏng đoán. Điều đầu tiên có thể được nói đến chính
là việc Đức Giêsu đã kể lại điều này sau khi Ngài đã phục sinh. Đây là
điều ta có thể đoán được. Rất có thể trong những lần trò chuyện sau phục
sinh, Đức Giêsu đã chia sẻ cho các môn đệ của mình biết về cuộc chiến
thiêng liêng mà Ngài đã trải qua trong Vườn Dầu. Nhờ đó mà các ông có
chất liệu để viết lại Tin Mừng. Dĩ nhiên là các Thánh Sử đã viết lại
dưới sự soi sáng của Thánh Linh để câu chuyện này không đơn thuần chỉ là
lịch sử nhưng còn mang dụng ý thần học nữa.
Ngoài
ra, chúng ta cũng có thể phỏng đoán theo hướng khác. Tin Mừng đầu tiên
được viết ra là Tin Mừng Marco. Tin Mừng Mathêu và Luca được cho là đã
dựa vào Tin Mừng Marco để viết. Theo tương truyền, Marco là môn đệ của
Phêrô. Phêrô lại là một trong ba chứng nhân tại Vườn Dầu. Ít ra, Marco
cũng có thể biết được đôi điều qua lời kể của Phêrô trước khi viết Tin
Mừng của mình. Tin Mừng thuật lại rằng, sau lời cầu nguyện lần thứ hai
của Đức Giêsu, Ngài “quay lại, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông
Phêrô” (x.Mt 26,40). Ta không biết các môn đệ khác lúc đó ngủ hay thức,
nhưng hẳn là Phêrô phải tỉnh giấc thì Đức Giêsu mới có thể nói với ông
được. Có lẽ sau này, khi nhìn lại kinh nghiệm vào đêm hôm đó, Phêrô có
thể đoán được là Thầy mình đang phải trải qua những giây phút kinh khủng
như thế nào, rằng Ngài đang phải chiến đấu ra sao trước giờ phút sinh
tử này. Những biểu hiện về sự buồn phiền, lo lắng và đấu tranh của Đức
Giêsu đã có trước đó, ngay tại bàn tiệc cuối cùng. Qua những biểu hiện
đó, Phêrô có thể biết chắc rằng Thầy của mình vào giờ phút đó hẳn là
đang cầu nguyện liên lỉ, và với thói quen, Phêrô cũng biết rằng Giêsu
chỉ có thể chạy đến với Cha trong những lúc đau khổ cùng cực, chứ không
thể làm điều gì khác. Trong cuộc trò chuyện với Cha, Giêsu chia sẻ nỗi
buồn phiền của mình nhưng vẫn một lòng vâng theo những gì Cha để cho xảy
đến với mình. Cuộc Thương Khó mà Giêsu trải qua sau đó đã chứng minh
điều này. Bởi thế, tính khả tín của trình thuật liên quan đến việc Đức
Giêsu cầu nguyện một mình với Cha trong Vườn Dầu không phải là không có
căn cứ.
Trong Kinh Thánh, cũng có
nhiều sự kiện khiến ta có thể đặt vấn đề tương tự. Ví dụ như trình thuật
về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ hay chuyện giấc mơ của Giuse hay của các
đạo sĩ đến viếng Hài Nhi Giêsu. Về mặt sử tính, ta có quyền phỏng đoán
rằng chính các đương sự này đã kể lại kinh nghiệm mà mình trải qua, hoặc
họ đã có biểu hiện gì đó khiến các nhân chứng đi đến kết luận này. Đức
Giêsu có thể đã kể lại kinh nghiệm bị cám dỗ của mình cho các môn đệ
hoặc ít ra, Ngài đã biểu lộ kinh nghiệm này trong suốt đời sống của mình
và các ông đã nhận ra điều đó. Tương tự, có thể Thánh Giuse đã chia sẻ
câu chuyện được báo mộng của mình với Đức Maria và Maria đã chia sẻ nó
cho các môn đệ; các đạo sĩ có thể đã chia sẻ hành trình và dự tính của
mình cho Maria và Giuse, làm phong phú hơn kinh nghiệm “suy đi nghĩ lại
trong lòng” của Mẹ.
Nói tóm lại, không
quá khó để chúng ta truy nguyên về tính chân thực của các trình thuật
Tin Mừng qua những phỏng đoán. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải luôn ý thức
và tin rằng những gì mà Tin Mừng viết ra đều không có hàm ý lừa dối ta
điều gì. Nếu có sự khác biệt một chút về mặt dữ kiện và thời gian thì đó
là do dụng ý thần học mà các Thánh Sử nói tới không giống nhau, hoặc
thậm chí là có chút sai lầm trong khả năng tri thức giới hạn của Thánh
Sử. Thiên Chúa đã làm người và bị giới hạn trong vật chất thì chính Lời
Chúa cũng phải hạ mình, chịu giới hạn trong khả năng của con người.
Nhưng tính siêu việt của Lời Chúa hàm chứa trong Kinh Thánh không lệ
thuộc vào những tiểu tiết này. Khi đọc Kinh Thánh, điều quan trọng là ta
có “nghe” được những Lời ấy muốn nói gì với tôi, ngay lúc này và bây
giờ không. Bởi thế, thật quý giá nếu bạn không chỉ dừng lại ở việc xác
định tính khả tín của trình thuật trong Vườn Dầu, nhưng còn để lòng lắng
lại, xem thử đoạn Tin Mừng nói gì với bạn, đụng chạm đến bạn thế nào
trong đời sống của bạn, vào đúng khoảnh khắc này đây.
Thân ái,
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ