ĐỂ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ
“Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,2)
Suy niệm: Lễ Hiển Linh là ngày Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại, mà các nhà đạo sĩ là đại diện. Thiên Chúa muốn cho mọi dân tộc nhận biết Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Ngay từ Cựu Ước, Ngài đã chọn Áp-ra-ham tham gia vào chương trình ấy khi nói với ông: “nhờ ngươi mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Và trong suốt lịch sử, Thiên Chúa sai các tiên tri và Hội Thánh hôm nay đi loan báo ý định nhân lành ấy. Biến cố Thiên Chúa làm người là cao điểm trọn vẹn bày tỏ ý định của Ngài muốn cứu độ mọi dân tộc, điều đó có nghĩa là từ nay không một ai không có khả năng gặp gỡ Chúa. Michel Quoist tự nhủ: cuộc đời cả triệu sinh linh thì không thể không có ý nghĩa gì. Huống hồ trong cái nhìn của Thiên Chúa về con người, tất cả đều là con cái Ngài và Ngài là Thiên Chúa của họ. Có người đã gọi việc Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ là “giấc mơ của Thiên Chúa” (Edgar Javier), nhưng giấc mơ ấy chưa thành tựu nơi lòng nhiều người nếu hôm nay vẫn thiếu những tín hữu truyền giáo và thiếu những người mở lòng đón nhận Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Ngôi sao lạ trở nên dấu chỉ dẫn đường cho các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, còn các bạn thì sao? Là người trẻ, các bạn có chú tâm dẫn đưa bạn của mình tin yêu Chúa Giê-su để được cứu độ không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một lời nói hoặc một việc làm để giới thiệu Chúa cho tha nhân.
Cầu nguyện: Khi thấy bao người chưa biết Chúa, xin Chúa cho con thấy rõ ơn gọi truyền giáo của con hơn.
THÁNH SÊVÊRIANÔ TÔNG ĐỒ MIỀN NORÍT
(+ 482)
Người ta không biết rõ sinh quán và lai lịch buổi thiếu niên của thánh nhân.(+ 482)
Theo sử gia Eugypiô thì hình như vì khiêm tốn, thánh nhân không bao giờ cho ai biết về sinh quán và đời niên thiếu của mình.
Theo sử gia Tôma Sômmêla người Đức thì thánh nhân xuất thân tự một gia đình quý phái ở Phi Châu. Ngài đã được huấn luyện để lĩnh chức Giám mục ở quê hương. Nhưng năm 437 người Văngđan (Vandales) bách hại công giáo, nên ngài phải trốn sang Tiểu Á sống đời tu hành theo luật thánh Basiliô và hoạt động tông đồ tại đấy.
Năm 454, người ta thấy bóng một thanh niên thường lui tới Astura, một thị trấn nhỏ bé xinh xinh nằm ven bờ sông Đanubia. Người thanh niên với dáng điệu đứng đắn, cặp mắt đăm chiêu kia đến đây làm gì? Phải chăng chàng đến đây để giải quyết vấn đề nhân sinh, cải thiện đời sống cho đoàn người bán khai Astura ?
Một ngày cuối năm, cũng vẫn dáng điệu đứng đắn và vẻ mặt tư lự, Sêvêrianô đến trọ nhà một ông già giữ nhà thờ thị trấn Astura. Từ đó trong bầu không khí trầm lặng tôn nghiêm của thánh đường, ngày ngày Sêvêrianô chuyên tâm cầu nguyện, suy niệm và cố gắng thi hành nhân đức khiêm nhường, khó nghèo và trong sạch.
Sau một thời gian, Sêvêrianô bỗng bỏ nhà ra đi, chạy rảo qua các phố xá tuyên truyền giáo thuyết công giáo.
Sêvêrianô tha thiết kêu gọi các tu sĩ, giáo dân mau mau chuyển hướng, thay đổi đời sống, ăn năn đền tội. Ngài tiên báo nếu người công giáo không sớm thay đổi đời sống luân lý, Thiên Chúa sẽ để quân đội bán khai đến triệt hạ xâm chiếm và tàn phá Astura.
Trước lời kêu gọi tha thiết và cảnh cáo đó, dân thành Astura vẫn bưng tai. Lời cảnh cáo của tân tiên tri Giona không gây được một âm vang nào nơi những tâm hồn bạc nhược đã quá say mê khoái lạc và vinh hoa vật chất của kinh thành. Khi hình phạt Chúa sắp đổ trên dân thành, Sêvêrianô liền lánh sang Cômagêna một thị trấn gần Astura. Rồi cũng một luận điệu cảnh cáo, Sêvêrianô kêu gọi dân Cômagêna mau mau cải tà quy chính trở lại làm con hiếu thảo của Thiên Chúa nếu không cũng sẽ bị một số phận như Astura.
Trong thời gian Sêvêrianô lưu trú ở đấy, có một người Astura thoát nạn chạy đến đó thuật lại cho mọi người nghe tai nạn ở Astura. Rồi ông kết luận: "Hình phạt Thiên Chúa sẽ không đè nặng dân thành Cômagêna, nếu người ta biết tuân theo huấn thị của đấng mà Thiên Chúa sai đến". Đang khi nói với dân chúng, người Astura ấy trông thấy thánh nhân và nói: "Đây là đấng cứu chúng ta, chính ngài đã cứu tôi thoát nạn".
Bấy giờ quân đội bán khai đã bao vây và sắp khởi cuộc tấn công, tàn phá Cômagêna. Người ta hoảng sợ chạy đến với thánh nhân xin ngài thương. Thánh nhân ra lệnh cho toàn dân thành Cômagêna phải ăn chay, cầu nguyện và thống hối. Sau tuần tam nhật, toàn dân Cômagêna ăn chay cầu nguyện vững lòng trông cậy Chúa sẽ cứu thoát nạn, bỗng nhiên có một cơn động đất kinh khủng phá tung hàng rào bao vây của quân thù, chôn vùi rất nhiều sinh mạng. Những quân địch còn lại hoảng hốt chạy chà đạp lên nhau, chết gần hết. Nhờ đó dân thành Cômagêna thoát nạn.
Để thánh hoá hoàn cảnh xã hội, hướng dẫn dân chúng thi hành đức nhân ái, để làm sống động đức tin người công giáo, thánh nhân thiết lập một tu viện gần Favianô, khi tu viện đã đông và đời sống tu đức của nhà dòng đã vững chắc, thánh nhân đặt thêm Êugrypiô làm bề trên thay ngài.
Thánh nhân lại đi lập một nhà dòng ở Boiêtrona. Ngoài ra, ngài còn thiết lập nhiều tu viện khác vì coi đó là những thành trì bảo vệ đức tin và là những trung tâm hiệu lực truyền bá đạo Chúa.
Dân chúng, giáo dân và tu sĩ tin tưởng và kính ngài như một vị cứu tinh, một vị ân nhân độc nhất, một nhà lãnh đạo tinh thần sáng suốt.
Sau ba mươi năm chung sống với các tu sĩ, ngài đã gây ảnh hưởng rất lớn, và các tu sĩ đều thi nhau sống theo gương mẫu của ngài.
Đem đối chiếu những hoạt động tông đồ và đời sống nội tâm của thánh nhân, thoạt tiên chúng ta thấy mâu thuẫn.
Nhưng nếu phân tích chúng ta thấy hoạt động và đời sống nội tâm của thánh nhân điều hoà theo một điệu nhịp và đối tượng là: bác ái và vinh danh Chúa. Theo tiếng gọi thiêng liêng đó, thánh nhân thi hành những hoạt động công khai, thiết lập các tu viện, truyền bá giáo thuyết và kêu gọi dân chúng thi hành đức nhân ái, ăn năn đền tội. Đồng thời trong đời sống cá nhân, thánh nhân cũng chú trọng thi hành đức bác ái, khiêm nhường, khó khăn và trong sạch.
Ngoài lúc hoạt động, thánh nhân thường cầu nguyện lâu giờ và suy niệm đời sống Chúa Giêsu. Nhờ đời sống nội tâm và tinh thần cầu nguyện sâu xa, thánh nhân đã xin Chúa ban cho nhiều người được các đặc ân hồn xác. Mục đích những giờ cầu xin và những công việc ngài làm có ý hướng dẫn tâm hồn người ta trở về thờ phượng Chúa. Vì đức khiêm nhường, thánh nhân không bao giờ cho ai biết những đặc ân mà Chúa ban cho ngài. Trong các phép lạ ngài làm nhân danh Thiên Chúa, bao giờ ngài cũng cấm không ai được nói ra với người khác. Nhưng có một cuộc đàm thoại lạ thường giữa thánh nhân và kẻ chết thì ai ai cũng biết mặc dầu thánh nhân cấm không ai được tiết lộ.
Việc tu sĩ Silvinô qua đời gieo vào lòng anh em một niềm thương tiếc vô biên. Thánh Sêvêrianô động lòng trắc ẩn, ngài đến trước quan tài người quá cố và nói: "Hỡi thầy Silvinô, thầy có muốn hồi sinh sống chung với anh em không?" Bấy giờ tử thi thầy Silvinô ngồi dậy trả lời: "Con đang ở nơi vĩnh cửu cùng với các thánh, xin Cha đừng để con mất hạnh phúc đang đợi con". Nói xong tử thi lại nằm xuống yên nghỉ giấc ngàn thu.
Thánh nhân còn cứu dân chúng thành Favianô thoát nạn đói khát và những cảnh bóc lột kinh khủng của quân đội người bán khai.
Băng tuyết bao phủ lòng sông làm bế tắc đường giao thông; các chuyến tầu chở thực phẩm đến Favianô đều bị ngưng đọng lâu ngày. Nạn đói bắt đầu hoành hành khắp tỉnh. Dân chúng sợ hãi chạy đến xin thánh nhân cứu giúp. Như thường lệ, thánh Sêvêrianô ra lệnh ăn chay đền tội. Sau vài ngày cầu nguyện đền tội, băng tuyết tan ra, tầu lại chở thực phẩm từ miền Rêtia đến Favianô như thường.
Nhưng nạn đói vừa qua thì dân Favianô lại bị quân đội bán khai đến cướp phá. Dân chúng hoảng sợ và Mamertinô, tổng tư lệnh quân đội Rôma, biết chắc không thể mang lực lượng bé nhỏ đối phó với binh lực hùng hậu của quân cướp.
Thánh nhân khuyên dân chúng và vị chỉ huy trưởng quân đội hãy hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Khi quân cướp xông đến, tin tưởng vào sự giúp đỡ của Chúa và lời cầu nguyện của của thánh nhân, Mamertinô mang quân ra ứng chiến anh dũng, quân thù bị thiệt hại nặng nề, nhiều người bị giết và bị bắt, người ta mang những tù nhân giải nạp cho thánh nhân. Nhưng với tinh thần bác ái, thánh nhân cho họ tự do và nói với dân thành Favianô: "Chúng ta sẽ còn được bình an nếu chúng ta trung thành phụng sự Chúa ".
Năm 482 ngài lâm bệnh nặng, trong thời gian dọn mình về chầu Chúa. Thánh nhân khuyên các tu sĩ và những người đến thăm ngài phải trung thành phụng sự Chúa hết sức, tu luyện nhân đức để thánh hoá bản thân và xã hội.
Một sáng sớm mai, lúc không gian còn lắng chìm trong im lặng, thánh nhân cho gọi tất cả các tu sĩ đến. Ngài lần lượt ôm hôn từ biệt mỗi người. Đoạn ngài rước Mình Thánh Chúa, bảo các tu sĩ đọc ca vịnh "Hãy ca ngợi sự thánh thiện của Thiên Chúa " - đến câu cuối thì ngài trút hơi thở.
Ngài qua đời ngày 08 tháng Giêng năm 482.
Sáu năm sau, tuân theo lời ngài nói, các tu sĩ chuyển xác ngài từ Favianô sang Ý. Khi mở quan tài, người ta thấy xác thánh nhân còn nguyên vẹn như lúc mới chết.
Bấy giờ có một bà quý phái tên Batba dâng cho nhà dòng biệt trang Lucullanum ở biên giới tỉnh Napôli và Putêôli để đặt xác thánh nhân và thiết lập tu viện.
Đến thế kỷ X, người ta lại chuyển quan tài thánh nhân vào nhà thờ dòng Biển đức và đặt tên là nhà thờ Thánh Sêvêrianô.
Sứ Giả Hòa Bình
Thánh
Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái
cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả
muôn vật, cỏ cây.
Cây
cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó,
Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ.
Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên
vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên,
ngay cả cỏ dại và hoa dại.
Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.
Ngài
nói với chim chóc như sau: "Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh
em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ
lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không
phải gieo vãi".
Với
chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: "Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết,
vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài ngườị Từ nay, anh hãy
ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh". Chú sói ấy đã
cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở
Gubbio.
Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.
Năm
1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của
những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài
nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: "Ngày nay, con
người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị
đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những
bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu
tôn trọng đối với thiên nhiên nữa".
Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.
Người
Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn
vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết
thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu
gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời
gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúạ Trong sự bình an
của Thiên Chúa, Thánh nhâ kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và
sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha
nhân.