Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 14/08/2019

Filled under:

SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA ( Mt 18, 15-20)

Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.
Nguyên nhân chính là sự bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.
Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó! Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em!
Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.
* Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của chính mình. Và có lúc lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung.
* Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo: hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: "Một mình anh với nó mà thôi".
* Sửa lỗi trong tôn trọng: khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.
* Sửa lỗi trong sự tế nhị: thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, cần phải tế nhị và kín đáo.
* Sửa lỗi trong kiên trì: thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái “tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âutinh con của ngài!
* Sửa lỗi  trong cầu nguyện: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng: sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Tự thân, chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương. Amen.
Ngọc Biển SSP




Suy niệm 2

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy thánh Phêrô đặt giới hạn của lòng tha thứ: “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Có lẽ thánh Phêrô nghĩ rằng, mình chỉ cần tha cho anh em bảy lần đã là nhiều lắm, đã là quảng đại lắm, đã là to tác lắm. Biết đâu Chúa sẽ khen mình. Nhưng thánh Phêrô lầm to. Bởi đối với Chúa, lòng yêu thương, sự tha thứ không bao giờ có giới hạn. Đúng hơn, giới hạn của sự tha thứ là tha thứ không giới hạn. 

Trước giới hạn của lòng tha thứ mà thánh Phêrô tự đặt ra, Chúa dạy ta hãy tha thứ đến cùng: “Thầy không bảo anh phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. “Bảy mươi lần bảy” chỉ là con số tượng trưng để nói đến sự tha thứ liên tục, tha mãi, tha hoài, tha không bao giờ ngưng.

 Chúng ta cần khắc ghi Lời Chúa hôm nay để luôn sẵn sàng tha thứ cho anh chị em của mình. Học lấy bài học của lòng tha thứ mà chính Chúa đã nêu gương, ngay giờ phút này, chúng ta hãy thực tâm bỏ qua hết những gì mà anh chị em gây ra cho ta. 

Có một câu chuyện về lòng tha thứ thật cảm động, giúp chúng ta học đòi bắt chước. Câu chuyện như sau:

Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 12 năm 1998, những kẻ bất lương đã gài một trái lựu đạn rồi nổi lửa đốt một cửa tiệm bán điện thoại di động tại Udine, Italia. Trong khi mọi người tìm cách dập tắt lửa, thì trái lựu đạn nổ tung, khiến hai cảnh sát chết liền tại chỗ, một người khác chết trên xe cứu thương trên đường về khu cấp cứu. Nhân viên cảnh sát thứ tư cùng với một trong những người chủ tiệm có mặt lúc đó bị thương nặng.

Đúng một tháng sau vụ khủng bố đớn hèn nói trên, hơn 500 người dự thánh lễ cầu nguyện cho ba nhân viên cảnh sát đã bỏ mình vì công vụ nói trên. Cùng ngày hôm ấy, ông bà Ermes - cha mẹ của một cảnh sát viên tên là Paolo đã tử nạn trong vụ nổ - đã viết thơ gửi đăng trên một nhật báo, trong thơ, ông bà xác tín rằng: “Chúng tôi không đòi hỏi trả thù, vì oán thù không làm cho con chúng tôi sống lại và trở về với chúng tôi được. Chúng tôi chỉ muốn kêu gọi những người đã gài trái lựu đạn giết chết con chúng tôi hãy hồi tâm hối hận về lỗi phạm của họ và cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn về phần chúng tôi, chúng tôi đã thực tâm tha thứ cho họ rồi”.

Tha thứ là một nghĩa đẹp của đời sống con người. Viên cảnh sát Paolo chết trong khi thi hành nhiệm vụ đã đẹp, tấm lòng tha thứ của cha mẹ anh ta dành cho người sát hại anh ta lại càng đẹp. Mỗi người trong chúng ta đều rất cần sự tha thứ của nhau để được sống bình yên, sống hạnh phúc.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con không thể tha thứ cho anh chị em, xin cho chúng con nhớ lại bài Tin Mừng này, nhớ lại lòng thương xót tha thứ mà chính chúng con đã được Chúa thương ban, để biết tha thứ tất cả, quên đi tất cả lỗi lầm của anh chị em chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường