Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 09-08-2019

Filled under:

Giá Trị Của Khổ Ðau

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2

Thành ngữ nhân gian có câu: “bỏ của chạy lấy người”. Người ta sẵn sàng bỏ mọi của cải để cứu lấy thân. Mạng sống thời nào vẫn là quý giá nhất. 

Dẫu rằng, trong thời đại xem trọng vật chất như ngày nay, thì mạng sống của con người cũng là vô giá. Nhiều người sẵn sàng bán hết gia sản để chạy chữa mong kéo dài mạng sống thêm một thời gian. Thế giới ngầm buôn bán nội tạng con người cho thấy nhu cầu tiêu thụ cao của giới giàu có, quyền lực, họ bất chấp cả vấn đề đạo lý trong vấn đề mua bán và cấy ghép nội tạng nhằm kéo dài sự sống. 

Điều mà Chúa Giêsu nói hôm nay, không phải chỉ dành cho các tông đồ, các môn đệ, mà còn cho tất cả chúng ta, những ai tin vào Người. “từ bỏ mình, vác thập giá, liều mất mạng sống vì Thầy”. Những đề nghị nghiêm túc đó có làm cho chúng ta e ngại, rụt lại không? 

Chúa Giêsu nói cách thẳng thắn và trực diện chứ không nói để giảm nhẹ hình thức của nó. Đó là một đòi buộc cương quyết: được và mất. Vì thế, đời sống người môn đệ phải là một chọn lựa giữa mất và còn. Không thể đảo ngược. 

Quả thật, những đòi buộc của Chúa Giêsu có thể làm cho người tín hữu e ngại. Sự giảm sút ơn gọi tận hiến ở nhiều nơi trên thế giới là một phản ánh trung thực cho chọn lựa này. Nhiều người trẻ ngày hôm nay không muốn dấn thân tận hiến vì sợ phải bỏ quá nhiều thứ tiện nghi. Nhiều Kitô hữu cũng đặt lời giáo huấn của Chúa sang một bên, nghe để biết chứ không phải là một chọn lựa cho một cách sống, dám hy sinh. Đó là cách sống của người thực dụng. Họ tự hỏi theo Chúa và phải từ bỏ nhiều thứ như thế để được gì? Quả thật đó là một câu hỏi thời sự của ngày hôm nay dành cho những người sống đời tận hiến và cho tất cả mọi Kitô hữu nói chung. 

Lạy Chúa, với tầm nhìn thật hạn hẹp, chúng con chỉ thấy những cái lợi trước mắt, chỉ thấy mình thuộc về trần gian này. Nhiều lúc chúng con phớt lờ Lời Chúa dạy hoặc nghe cách hời hợt. Xin cho chúng con biết suy nghĩ chín chắn và biết chọn lựa điều tốt cho mai sau. Amen.