Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới

Filled under:


Vatican (Vat. 28-05-2017) - Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng trưa Chúa Nhật 28 tháng 5 năm 2017. Tong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa lễ Chúa Giêsu lên trời được cử hành tại Italia và nhiều nước khác trên thế giới. Ngài nói:
Trang Tin Mừng kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu (Mt 28,16-20), trình bầy với chúng ta lúc Chúa Phục Sinh vĩnh viễn giã từ các môn đệ Ngài. Cảnh được lồng khung tại Galilea, là nơi Chúa Giêsu đã kêu gọi họ theo Ngài và thành lập cốt lõi đầu tiên của cộng đoàn mới của Ngài. Giờ đây các môn đệ ấy đã trải qua ngọn lửa của cuộc khổ nạn và sự sống lại. Khi trông thấy Chúa phục sinh, họ phủ phục trước mặt Ngài nhưng còn có vài người nghi ngờ. Chúa Giêsu để lại cho cộng đoàn sợ hãi đó nhiệm vụ mênh mông rao truyền Tin Mừng cho thế giới, và cụ thể hoá nhiệm vụ này với lệnh truyền giảng dậy và rửa tội nhân danh Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần (c. 19).
Vì thế việc lên Trời của Chúa Giêsu làm thành điểm cuối sứ mệnh mà Chúa Con đã nhận từ Chúa Cha, và khởi sự việc thực thi sứ mệnh ấy từ phía Giáo Hội. Thật thế, từ lúc này trở đi sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới được trung gian bởi các môn đệ Ngài và bởi những người tin nơi Ngài và loan báo Ngài. Sứ mệnh ấy sẽ kéo dài cho tới tận cùng lịch sử và sẽ hưởng nhờ sự trợ giúp của Chúa phục sinh mỗi ngày, là Ðấng đã bảo đảm: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế" (c. 20). ÐTC quảng diễn sự hiện diện ấy của Chúa Kitô như sau:
Sự hiện diện của Ngài đem lại sức mạnh trong các bách hại, ủi an trong các khốn khổ, nâng đỡ trong các hoàn cảnh khó khăn mà sứ mệnh và việc loan báo Tin Mừng gặp phải. Lễ Thăng Thiên nhắc cho chúng ta biết sự trợ giúp đó của Chúa Giêsu và của Thần Khí Ngài là Ðấng trao ban sự tin tưởng và chắc chắn cho chứng tá kitô của chúng ta trong thế giới. Nó cũng vén mở cho thấy tại sao Giáo Hội hiện diện: Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng! Giáo Hội là chúng ta tất cả những người đã được rửa tội. Ngày hôm nay chúng ta được mời gọi hiểu biết hơn rằng Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta phẩm giá và trách nhiệm lơn lao là loan báo Ngài cho thế giới, khiến cho Ngài đến được với nhân loại. Ðó là phẩm giá của chúng ta. Ðó là vinh dự lớn lao nhất trong Giáo Hội.
Trong ngày lễ Thăng Thiên này trong khi chúng ta hướng cái nhìn về trời, nơi Chúa Kitô đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, chúng ta hãy củng cố các bước chân trên trái đất để tiếp tục với lòng hăng say can đảm con đường, sứ mệnh làm chứng của chúng ta và sống Tin Mừng trong mọi môi trường. Tuy nhiên chúng ta cũng ý thức rằng điều này không tuỳ thuộc nơi các sức lực của chúng ta, hay các khả năng tổ chức và các tài nguyên nhân loại. Chỉ với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể chu toàn một cách hữu hiệu sứ mệnh của chúng ta là khiến cho ngườì khác ngày càng biểu biết và sống kinh nghiệm tình yêu và sự dịu hiền của Chúa Giêsu hơn.
Chúng ta hãy xin Ðức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta chiêm ngưỡng các kho tàng trên trời mà Chúa hưá ban cho chúng ta và trở thành các chứng nhân ngày càng đáng tin cậy hơn của sự Phục sinh, của Cuộc Sống thật.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc kinh Lậy Nư Vương Thiên Ðàng và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với Ðức Thượng Phụ Tawadros và toàn cộng đoàn chính thống Ai Cập vì vụ khủng bố chống lại các kitô hữu hành hương cầu nguyện tại Menyah ngày 26 tháng 5 năm 2017 khiến cho 28 người chết. Ngài xin Thiên Chúa đón nhận các chứng nhân can đảm này vào trong sự bình an của Chúa và hoán cải trái tim của các kẻ bạo lực. ÐTC cũng chia buồn với vụ khủng bố kinh hoàng tại Manchester bên Anh quốc hôm thứ hai khiến cho 22 người chết và 59 người bị thương trong đó có nhiều trẻ em. Ngài gần gũi các thân nhân và những ai than khóc họ.
Chúa Nhật 28 tháng 5 năm 2017 cũng là Ngày truyền thông quốc tế về đề tài "Ðừng sợ hãi bởi vì Ta ở cùng con" (Is 43,5). Ðức Thánh Cha nói: các phương tiện truyền thông xã hội cống hiến khả thể chia sẻ và phổ biến lập tức các tin một cách chi tiết. Các tin tức này có thể đẹp hay xấu, thật hay giả. Chúng ta hãy cầu nguyện để việc truyền thông trong mọi hình thức của nó thực sự xây dựng, phục vụ sự thật, khước từ các thành kiến và phổ biến niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta.
Ðức Thánh Cha đã chào mọi người đặc biệt là các tín hữu đến từ bang Colorado Hoa Kỳ, các nhóm dân ca vũ vùng Bayern nam Ðức kỷ niệm 100 năm lễ Ðức Mẹ Bổn Mạng vùng này, cũng như các tham dự viên cuộc hành hương đền thádnh Piekary, các thừa sai dòng Comboni mừng 150 thành lập dòng, các nữ tu bệnh viện Ascoli Piceno và các đoàn hành hương đến từ nhiều nơi khác nhau ở Italia. Ngài cũng đặc biệt chào và khích lệ đại diện các hiệp hội thiện nguyện thăng tiến việc hiến các cơ phận là một cử chỉ cao thượng đáng tưởng thưởng (Giáo Lý s. 2296). Chào nhóm nhân công của tổ chức Mediaset Ðức Thánh Cha cầu mong tình trạng công việc của họ được giải quyết với mục đích thiện ích của hãng và tôn trọng các quyền của mọi người chứ không phải chỉ chú ý tới lợi nhuận mà thôi. Sau cùng Ðức Thánh Cha cám ơn tín hữu tổng giáo phận Genova đã dành cho ngài sự tiếp đón nồng hậu trong ngày viếng thăm hôm thứ bẩy 27 tháng 5 năm 2017.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Bảo tàng Vatican
và Bảo tàng Do Thái tại Roma
cùng triển lãm Menorah

Bảo tàng Vatican và Bảo tàng Do Thái tại Roma cùng triển lãm Menorah.
Roma (WHÐ 28-05-2017) - Một cuộc triển lãm mang tên "Menorah. Phụng tự, lịch sử và huyền thoại" được tổ chức từ ngày 16 tháng Năm đến ngày 23 tháng Bảy năm 2017, đồng thời tại "Cánh Charlemagne" của Viện Bảo tàng Vatican và tại Bảo tàng Do Thái ở Roma: đây là dự án đầu tiên chung của hai tổ chức này.
Ban tổ chức cho biết: "Cuộc triển lãm kể lại lịch sử của menorah - chân đèn bảy ngọn, biểu tượng mang bản sắc của dân Do Thái - qua một sưu tập phong phú khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật, gồm tranh, tượng, bản thảo và minh họa sách".
Trong dịp này, Giám đốc triển lãm, nhà sử học nghệ thuật Francesco Leone, và Arnold Nesselrath, đại diện các phân bộ khoa học và các phòng phục chế của Viện Bảo tàng Vatican, đã có cuộc trao đổi với Ðài phát thanh Vatican ở Italia.
Giáo sư Nesselrath nhấn mạnh rằng cuộc triển lãm trình bày "lịch sử của menorah": "Chúng tôi bắt đầu với những dữ kiện xác thực: chúng tôi có một bản sao Khải hoàn môn Titus, với phù điêu trên đó cho thấy hình ảnh menorah đã đến Roma.
Tảng đá Magdala
Giáo sư gợi chú ý đến "tảng đá Magdala": "Chúng tôi có tảng đá Magdala - thật là một cảm xúc tuyệt vời - mới được tìm thấy vào năm 2009. Ðây là lần đầu tiên tảng đá này được đem ra khỏi Israel nhờ sự nhượng bộ của nhà nước Israel. Ðó là bản chạm nổi của menorah được thực hiện vào thời chân đèn này vẫn còn ở trong Ðền Thờ Giêrusalem. Và tất nhiên, có cả chân dung của hoàng đế Titus. Ở Ðền thánh Mentorella của Công giáo trong khu phố La tinh, có một bức tranh Kitô giáo thể hiện menorah. Chúng tôi vừa trưng bày cây chân đèn Pandabor lớn, đó là một ví dụ thực tế chứng tỏ rằng qua những chân đèn bảy ngọn, Kitô giáo vẫn nhớ đến nguồn gốc Do Thái của mình".
Ông giải thích rằng "quả thật, biểu tượng của Do Thái giáo cũng trở thành một điểm tham chiếu cho Kitô giáo" và đó là "một yếu tố quan trọng trong cả cuộc triển lãm": "Khi mà người ta dùng tôn giáo để biện minh cho những cuộc chiến, chúng tôi muốn chỉ cho mọi người thấy rằng các tôn giáo không chống lại nhau, nhưng trái lại, đối thoại với nhau. Một cuộc đối thoại có thể làm nảy sinh điều gì đó tốt đẹp và mang tính xây dựng. Ðối với tôi, thật là một cảm xúc tuyệt vời khi nhìn thấy tấm bích chương có hình menorah ở bên cạnh mặt tiền Ðền thờ Thánh Phêrô. Tôi tin rằng đây là một biểu tượng rất mạnh mẽ mà cuộc triển lãm của Roma về menorah muốn chuyển tải. Ðối với chúng tôi, cuộc đối thoại này rất quan trọng, đó là sự chung sống. Mặc dù có những quan điểm khác nhau, nhưng chúng tôi thực sự muốn nói rằng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng, ngay cả khi có những ý tưởng khác biệt".
Francesco Leone nhắc lại rằng "menorah là chân đèn bằng vàng có bảy nhánh, mang tính huyền thoại và truyền thuyết, mà trên núi Sinai Chúa đã truyền cho Môsê đúc nguyên khối bằng vàng ròng: cây đèn đầu tiên có lẽ phải nặng đến 35 kg. Menorah có một lịch sử hàng nghìn năm, mang tính truyền thuyết, một loại Chén Thánh. Menorah được đặt trong đền thờ của Salomon vào thế kỷ thứ X trước kỷ nguyên Kitô giáo; và bị người Babylon cướp đi, sau đó dân Israel đúc lại cái khác sau thời gian lưu vong ở Babylon trở về. Những câu chuyện khác mang tính truyền thuyết và huyền thoại ít nhiều, cũng liên quan đến chân đèn này. Menorah sau đó được tướng Titus đem về Roma vào năm 71, sau khi Ðền thờ Jerusalem bị phá hủy năm trước đó. Nhưng tại Roma chân đèn này biến mất hẳn, có lẽ bị những người Wisigoth hay người Vandal đánh cướp, rồi có lẽ mất tích luôn ở Constantinopolis. Kể từ lúc menorah xuất hiện rồi biến mất, ở Roma loan truyền một loạt các truyền thuyết và huyền thoại, những câu chuyện huyền hoặc cứ tiếp tục mãi cho đến thế kỷ XX. Vì thế có lẽ Roma đã và vẫn luôn là sân khấu lý tưởng để tổ chức cuộc triển lãm này".
(Theo Zenit)