Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Chị không dễ thương!

Filled under:

Chị Chết mến!
Thế là tháng 11 tới, thời gian mà mọi người tưởng nhớ, biết ơn và cầu nguyện cho người quá cố. Em nhớ không lầm, là đã gặp chị thời em 5 tuổi. Nhưng không rõ, khi ấy chị đã bao nhiêu. Chỉ biết rằng, bây giờ em gần 30, mà cảm giác của em về tuổi chị dường như không đổi. Trong khung trời lạ thường ấy, em tự hỏi: không biết chị có dễ thương?
Hồi 5 tuổi ấy, em vui tươi, nhưng khó tính đấy. Dù sao, bản nhạc cuộc sống vẫn có những dấu lặng. Đó là những khi có đám tang trong làng em. Với thói quen tốt lành là đi thăm viếng, đưa tiễn người đã khuất, em hoà vào dòng người âm thầm mà chẳng ý thức sự hiện diện của chị. Cho tới một ngày nọ, đang khi cùng mọi người cầu nguyện cho bà cụ nghèo qua đời, ngồi trên nền nhà đất mốc xanh, dưới mái nhà rơm dột nát, miệng em đọc kinh mà mắt nhìn đăm đăm vào ánh đèn dầu leo lét quyện làn nhang trầm. Em cảm thấy vừa thương cụ, vừa “ghê ghê”, tâm trí chợt nhớ đến câu ca dao: “Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng, đèn ra trước gió còn trăng hỡi đèn?” Và, nhất là cảnh: mẹ em dạy tập đọc cho em dưới ánh trăng với tim đèn dầu nhỏ xíu. Một nét buồn ập đến làm em bật khóc: lỡ mẹ chết thì sao? Chẳng có lời giải thích. Chị Chết à, lần đầu tiên ấy, chị hù em hơi mạnh. Nhưng không sao, em vốn là trẻ nhỏ mà, chỉ thoáng chốc là em quyên chị ngay thôi. Em lại cười tươi như không có chuyện gì xảy ra!
Ngày ông nội em mất, em vẫn nhỏ xíu, vừa khóc vừa cười. Phải thú thật, em không cảm thấy thương nội cho lắm. Thế mà khi ông mất, em khóc to nhất nhà, lấn át hẳn tiếng kèn đưa đám. Cả nhà cứ giải thích là em thương ông nhiều thật nhiều. Mọi người còn chua thêm, ông nội mất, ông thương nhất thằng cháu đích tôn, nó cũng thương ông quá đến nỗi ông để lại cái nết “khó tính” cho nó. Em đâu dám “cãi”, vì mình nhỏ mà, nhưng em “cười” trong bụng. Số em khóc to là do không tìm thấy mẹ trong đám đông người đấy thôi! Vậy là, lần này chị Chết lại cho em kinh nghiệm “hay hay”. Bên ngoài là em khóc thật, trong lòng là em cười thật, và cả hai xảy ra cùng một lúc. Đúng là, đứng trước chị Chết, người ta có những cảm nhận và phản ứng thật khó lường!
Lần thứ ba, có vẻ chị mạnh tay với em quá. Vào những ngày mùa gặt, quê em thường dùng thuyền để chở lúa trên sông. Thế là tụi nhỏ chúng em tha hồ quậy phá, nhảy từ trên thuyền xuống sông để tắm. Chẳng hiểu sao, lần nhảy ấy, em không ngóc đầu lên được, miệng uống no nước ừng ực. Rồi lát sau, có một bàn tay tóm gáy em lên. Trời! Ngộp thở! Xuýt nữa là em được gặp chị mặt giáp mặt rồi.
Lớn thêm một chút, khi biết suy nghĩ hẳn hoi, em chủ động suy tư về chị, chứ không thèm để chị chơi trò “ú tim” với em nữa. Một ngày nọ, trong ánh đèn học bài, chỉ còn một mình thức giữa đêm thanh vắng của mùa thu se lạnh, em quyết định viết một lá thư “trăng chối” để lại cho mọi người. Vì nghĩ rằng, em không có gì phải sợ chị cả, em đã sẵn sàng hoàn toàn cho việc hệ trọng này. Nhưng ý nghĩ thoáng tới: làm sao mình chết đây, vì mình không ốm bệnh gì hết. Quả là, chết tự nhiên cũng đâu có dễ. Nhưng vẫn có nhiều người chỉ qua giấc ngủ rồi chết đấy thôi! Em tự nhủ lòng: ừ, thế cũng được. Nếu sáng mai tiếp tục thức dậy thì sao? Thì… thì… tiếp tục vui sống chứ sao. Nghĩ một hồi, em không tự thuyết phục được chính mình… Đột nhiên, một ánh sáng lạ xuất hiện trong tâm trí: nếu bạn chết, cha mẹ và gia đình bạn sẽ buồn lắm! Lạ thật, nếu đây là tiếng nói của chị Chết, thì chắc hẳn chị cũng dễ thương đấy chứ! Chị biết lo lắng cho người thân nữa, chị làm em chột dạ quá. Thôi, không sao, em quay sang cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban cho con giấc ngủ bình an và ơn chết lành, nếu Chúa muốn con sống, con hứa sẽ sống tốt với mọi người, nếu Chúa muốn con về với Chúa, xin Chúa chăm sóc cha mẹ và gia đình con.” Em cảm thấy mãn nguyện với tâm tình này, và đi ngủ … ngon. Sáng sớm tinh sương hôm sau, em vẫn thức dậy tỉnh queo.
Thời gian thấm thoắt trôi, em đã là học sinh cấp ba, với ước mơ học tốt để sau này có thể giúp dỡ người khác, em học “dữ quá” quên cả chị Chết. Nhưng chị đâu có chịu để em quên, chị đến gõ cửa. Em bị “kiệt sức” và ốm yếu cả vài tháng. Trong khi đau bệnh, em quyết định là không nên gặp chị quá sớm như thế, vì em còn kế hoạch rất tốt ở phía trước nữa. Thế là, em nghỉ ngơi, ăn dưỡng, luyện tập, học ít đi … Em khoẻ lại. Cám ơn chị nhắc nhở để em biết lượng sức mình.
Nhưng một lần kia, trong năm thứ ba đại học, khi em cùng các bạn đi chơi vùng Sóc Sơn, Hà Nội, em nghĩ là chị bị người ta làm phiền, chứ chị đâu muốn tới gặp em. Đó là vụ tai nạn “trớ trêu”. Mấy cậu học trò tinh nghịch đi xe đạp trên đường, vô tình và đột ngột tông vào chiếc xe máy mà chú xe ôm chở em. Chiếc xe máy đổ xoáy “ầm”. Mặt mày, mắt mũi em sưng bầm, chân tay toạc máu … Trời đất quay quay, làn gió mát lành giờ đây sao nhức óc và đau xót thế. Cứ ngỡ là chị mất công đưa em về với Chúa rồi đấy! Trên đường được các bạn đưa đi bệnh viện, em thử suy nghĩ đôi điều, và vẫn nghĩ được. Em đau, đau lắm, nhưng lòng nhẹ tênh và nhẩm hát bài: “Chúa ơi, hồn con xin phó thác trong tay Chúa luôn…” Dù nhìn không rõ, nhưng thấy các bạn phục vụ vất vả, em cũng thấy thương và cảm động lắm. Vậy là, em lại có duyên suy đi nghĩ lại về chị và bao điều chất chứa trong cuộc sống suốt thời gian hơn tháng trời dưỡng bệnh.
Chị mến, cả khi cảm thấy lạc lõng cô đơn, em thấy thấp thoảng bóng dáng chị. Nhưng em vẫn hỏi: Chị là ai? Chị có dễ thương không? Điều làm em lo sợ nhất cũng đã tới: “Mẹ em chết.” Em buồn bằng tất cả nỗi buồn cộng lại. Em thấm thía vì sao người ta lại sợ chị đến thế. Nhưng em vẫn vui trong ánh sáng của niềm tin. Chị có tin không!
Thời gian ấy, em đang ở trong Trường Dòng, được tin của mẹ, em cùng cha giáo đi máy bay từ Nam ra Bắc để chịu tang mẹ. Chưa cần lên máy bay, mà lòng em đã bay bay, lâng lâng khắp chốn rồi. Cha giáo trỏ tay cho em thấy: nhìn kìa, qua cửa kính, thật đẹp cảnh hoàng hôn. Đẹp thật, những áng mây hồng dưới mặt trời đỏ rực, những tảng mây đen trông như những rặng núi, những tia nắng toả vẻ rực rỡ của nó qua nhiều lát cắt khác nhau. Chẳng mấy chốc, ánh mắt em nhìn xuống: tầng mây mà máy bay đang bay là là trên, tựa như một sa mạc khô cháy vô tận, chẳng thấy một bóng dáng hy vọng nào cho ốc đảo xanh tươi. Em có cảm tưởng, mình đang đi trên một phi thuyền đơn độc trong một vùng hoang vu xa lạ. Trời dần dần tối, ánh sáng của các vì sao rọi xuống cũng chẳng khác chi ánh sáng từ những toà nhà từ mặt đất hắt lên. Em như trên con thuyền lạc vào giữa vũ trụ bao la… Một cái đập tay nhẹ của cha giáo làm em trở về với thực tại. Có một người cha đang cạnh em, có những hành khách đang cùng em trên chuyến bay, và dù bao la như vũ trụ, khô cháy như sa mạc, nhưng em vẫn có khởi đầu, có điểm đến, và chuyến bay này có định hướng, định hướng cụ thể hay xa xăm. Tiếng “ù ù” của máy bay và bầu không khí “mù mịt” bên ngoài đưa em vào cảm giác như đang đi trên chiếc tàu ngầm xuyên đại dương, để cảm nhận sức ép của nước, và đối diện với sự u tối của vực thẳm…
Giờ đây, “Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa” như lời Thánh vịnh, hay chỉ là sự vô tâm trống rỗng của vũ trụ vô hạn; lại nữa, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” như kinh nghiệm của cụ Nguyễn Du… nhưng phải là ai đó, việc gì đó làm em buồn, chứ em đâu có thể tự buồn một mình! Dường như sự bí ẩn của vũ trụ vẫn không sánh ví được sự sâu kín của lòng người, và lòng người như đang chênh vênh giữa những lằn ranh rất thực mà như mơ…
Tuy thế, em vẫn muốn nói với chị về một loại niềm vui. Vui thật, vì mẹ em vẫn sống trong cuộc đời, trong kí ức, trong giấc mơ. Giờ đây, em kinh nghiệm thật rõ, sự sống vĩnh cửu bắt đầu ngay từ cuộc sống hiện tại này, chứ không phải đợi cho tới sau khi chết. Và chìa khoá cho niềm tin này, cho thực tại này, là Thầy Giê-su. Em cảm nhận mối liên kết giữa mẹ và em có nét tương đồng nào đó với mối liên kết giữa Thầy Giê-su và Đức Mẹ, khi Thầy Giê-su đã phục sinh và Đức Mẹ còn đang tại thế. Hoá ra, chị Chết có thật nhiều khuôn mặt.
Trong kinh nghiệm hiện tại, em có thể khích lệ chị rằng: chị có nét dễ thương rất riêng. Em quý mến chị, vì chị là lời nhắc nhủ khôn khoan và đầy bí ẩn, nhiều khi là tăm tối cho phận người; chị có thể là cánh cửa đóng lại mọi sự, nhưng cũng có thể mở ra cho một chân trời mới mẻ và lạ lẫm. Nhưng chị đừng vội quá mừng khi em khen chị như thế, bởi lẽ chìa khoá và quyền đóng hay mở cánh cửa ấy chỉ nằm trong tay Thầy Giê-su mà thôi, bởi vì tình yêu của Người mạnh hơn sự chết. Em tin, những người muôn năm cũ, hồn ở “đây” bây giờ…
Nha Trang,1-11