Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 12/05/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14: 1-6)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không thì Thầy đã nói với các con rồi. Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thấy ở đâu, thì các con cũng ở đó với Thầy. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

SUY NIỆM 1

Trang Tin Mừng hôm nay được chọn để suy gẫm trong Mùa Phục Sinh là có dụng ý rõ ràng. Dưới ánh sáng của sự phục sinh, người ta không thể sống sự trói buộc của tội lỗi và sự chết nữa. Chính Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết mang lại sự sống cho chúng ta.

Các môn đệ có phần lo lắng, bồn chồn và xao xuyến. Các ông đã không thể dấu cảm xúc đó vào bên trong nữa vì các ông sắp mất Thầy. Trong tình cảnh này, Chúa Giêsu vỗ về và củng cố niềm tin cho các ông : “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, vì Thầy ra đi cốt để dọn chỗ cho các con và chắc chắn Thầy sẽ đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu các con ở đó với Thầy. Tình thầy trò được xiết chặt hơn, thắm thiết hơn. Hiếm có chỗ nào trong Tin Mừng diễn tả chân tính tình yêu của Chúa Giêsu với các môn đệ như phần này trong Gioan. Những lời tâm tình của Chúa Giêsu phát ra từ trong sâu thẳm của một người có tương quan tình cảm như bao người, đồng thời lại cũng là Đấng ý thức cách đầy đủ, mắc lấy trọn vẹn sứ vụ được trao phó. Nên sự hoà quyện hai chiều kích này khiến cho lời Chúa Giêsu tuy thật nhẹ nhàng, nhưng lại có sức thuyết phục, đầy xác tín và đầy tự tin, nhất là khẳng định căn tính đích thực của Ngài với các môn đệ:"Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Câu này trả lời cho thắc mắc của Tôma, cũng là thắc mắc của mỗi chúng ta: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?"

Chiêm ngắm trong thinh lặng, chúng ta như được nhìn thấy rõ hơn khung cảnh cuộc trò truyện này của Chúa Giêsu với các môn đệ. Nó gợi lại trong chúng ta những thắc mắc căn bản của đời Kitô hữu. Chúng ta rất sợ lạc đường. Thế nên, Chúa Giêsu muốn các môn đệ không cần tìm ở đâu con đường để đến với Ngài mà hãy đi vào con đường Ngài đã đi. Hãy nói những gì ngài muốn chúng ta nói. Hãy Làm những gì Chúa Giêsu đã làm. Trên hết, hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình để theo Chúa, để chiến thắng như Chúa.

Như đã nói, chúng ta vẫn đang sống trong niềm vui phục sinh, nên bài Tin Mừng này nhắc chúng ta về cách phản tỉnh cuộc sống của mình: Hãy sống đúng tinh thần của người con được Chúa cứu chuộc, đồng thời nhạy bén trong việc nhận diện khuôn mặt của Sa tan ẩn dấu dưới sự vô cảm, vô hướng và không kiên định trên hành trình đức tin.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng dẫn đường cho chúng con về cùng Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con trung thành sống theo giáo huấn của Chúa, và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa, để nhờ đó, chúng con luôn bước đi trong sự thật và sự sống của chính Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2

1. “Anh em đừng xao xuyến”
Trong bữa tiệc li, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình (x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập Giá. Chính vì thế, các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (c. 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su tự nguyện đón nhận tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (c. 27 và c. 2).
Tuy nhiên, đó lại là con đường làm cho “mọi sự được hoàn tất”. Mọi sự là toàn bộ Kinh Thánh kể lại lịch sử cứu độ, hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra thân phận, số phận con người, tội và sự dữ. Đó chính là tâm tình của Đức Giê-su, khi Ngài nói trên Thập Giá : « Ta khát » : Ngài khát mong cho lời Kinh Thánh được hoàn tất (Ga 19, 28 ; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của từng người chúng ta được hoàn tất.
2. « Thầy đi dọn chỗ cho anh em »
  • Vì thế, con đường Thập Giá, gây ra bởi tội lỗi, sữ dữ và Satan, lại là con đường diễn tả:
  • Tình yêu đến cùng Thiên Chúa dành cho loài người và từng người chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta (x. Ga 13, 1).
  • Hành trình Người đi “dọn chỗ” cho các môn đệ, các môn đệ đang diện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, để cho, như Người nói: “Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó” (c. 2-3).
  • Và cách thức Người chọn để được tôn vinh, như người nói: “Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32).
  • Nhưng thực ra, chính hành vi rửa chân, cũng như mầu nhiệm Thánh Thể, đã loan báo tình yêu đến cùng, hành trình đi dọn chỗ và cách Người được tôn vinh rồi. Như Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”; và “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” (Ga 13, 7-8).
  • Vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta hôm nay, vượt qua sự xao xuyến bằng lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào Người, dù cuộc đời thăng trầm, thử thách, đau khổ và lỗi lầm như thế nào, và cùng đi trên con đường của Người, như Người mời gọi thánh Phê-rô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga 13, 36).
3. « Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống »
Đức Giê-su nói với các môn đệ : « Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi ». Như thế, trong tâm trí của Đức Giê-su, các môn đệ đã phải biết Ngài đi đâu, và vì biết Ngài đi đâu, nên cũng phải biết luôn đường đi rồi. Tuy nhiên, ông Tô-ma, đại diện cho các môn đệ, lại nêu câu hỏi:
Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?
Như thế, xem ra các môn đệ vẫn chưa biết gì hết: Thầy thì đinh ninh các học trò của mình đã biết ; nhưng học trò của Thầy thì, điều căn bản nhất cũng không biết !
Chắc chắn, vấn đề không phải là các môn đệ kém trí nhớ, nhưng là chậm hiểu ; và không phải là chậm hiểu ở bình diện trí năng, nhưng ở bình diện « tin năng » ; như sau này, Đức Ki-tô phục sinh sẽ trách hai môn đệ Emmau : « Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh » (Lc 24, 25-27).
Nơi đến của Thầy, các môn đệ đã biết, vì Thầy vừa nói và cũng sẽ nói đi nói lại : « Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy sẽ trở về cùng Cha ». Và con đường Thầy đi, Thầy cũng đã từng loan báo, dạy dỗ và hơn nữa, « giờ » cũng đã đến rồi : « Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. » (13, 1) ; thực vậy, ngay sau khi Ngài nói những lời này xong, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (18, 1-11).
Vậy, đâu là vấn đề của các môn đệ ? Vấn đề là đây : điểm đến của Thầy là Thiên Chúa Cha, nhưng đường đi không phải là con đường « thăng thiên » trực tiếp quang vinh, nhưng là con đường đi ngang qua cái chết, và là cái chết bi đát nhất, như Ngài đã nói : « Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con » (13, 18). Nhưng thật ra, đó chính là con đường mà Tô-ma đã từng nói tới, nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa : « Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16). Và chắc chắn, đây cũng là vấn đề của các môn đệ thuộc mọi thời, là vấn đề của chúng ta : chúng ta có tin và hiểu rằng, thân phận con người của chúng ta như thế đó, số phận đôi khi bi đát của riêng chúng ta như thế đó, là đường đi về với Thiên Chúa Cha không ?
Nếu chúng ta còn chưa « chịu », thì câu trả lời của Đức Giê-su mang lại cho chúng ta một luồng sáng và một sức mạnh hoàn toàn mới, mới đến độ, Ngài chưa từng tỏ bày với các môn đệ, và cũng luôn luôn mới đối với chúng ta nữa, mỗi khi chúng ta lắng nghe và lưu lại trong điều mình lắng nghe:
Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy…
Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha.
Như thế, con đường Thầy đi và điểm đến là Chúa Cha đều hội tụ nơi ngôi vị của Đức Giê-su. Nhưng tất cả vấn đế là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường « điên rồ và sỉ nhục », nhưng, đối với Thiên Chúa, lại là con đường của « sự thật và sự sống », là con đường của sức mạnh và khôn ngoan, là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng ngời của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Đây là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong Thiên Chúa Cha, khi đi trên con đường Đức Giê-su đã đi, để nhận ra rằng, không chỉ mai sau, nhưng ngay hôm nay, lời sau đây của Đức Giê-su được thực hiện :
Thầy ở đâu anh em cũng ở đó,
trong cung lòng của Thiên Chúa Cha.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc