Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Các Bài Suy Niệm Tuần Thánh - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Chiều nay chúng ta kỷ niệm việc Chúa Giêu lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly.
Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn, bởi vì trong bữa ăn người ta không chỉ ăn cơm, ăn bánh, ăn rau ăn thịt, nhưng người ta còn chia sẻ tâm tình với nhau.
Trong bữa ăn chúng ta có một thời gian chung, một thời gian để gặp gỡ nhau.
Đây là một thời khắc thiêng liêng người ta dành cho nhau, ở bên nhau, sống với nhau,
gạt bỏ mọi lo toan, gạt bỏ mọi tính toán.
Từ xa xưa trong bữa ăn gia đình việt nam, chúng ta thấy cả ông bà, cha mẹ, con cháu đều quây quần bên một cái mâm tròn, đặt giữa một chiếc chiếu vuông hay trên một chiếc phản vuông, không phân biệt già trẻ lớn bé, các con các cháu đều ngồi quây quần bên cha mẹ, ông bà.Cả nhà đều có chung một nồi cơm, một chén nước mắm, một tô canh, một dĩa xào.
Mọi người nhường nhịn nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít.
Ăn chung một nồi cơm, chấm chung một chén nước mắm, múc cung một tô canh, gắp chung một dĩa xào. Ăn chung với nhau, cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi, cùng nhau để thương yêu nhau, gạt bỏ mọi ích kỷ, xa cách, tự cao tự đại.
Chúa Giêsu đã đi vào bữa Tiệc Ly cũng với tâm tình ấy.  Chính trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một món quà vô giá, đó là bí tích thánh Thể, bí tích tình yêu.
Trong bí tích Thánh Thể, không những Ngài đã đặt hết tình yêu mà còn đặt cả linh hồn và thân xác vào trong đó nữa. Ở đây món quà và người cho chỉ là một. Điều đó không ai làm được ngoại trừ một mình Thiên Chúa.
Tình yêu đòi trở nên một, một xương, một thịt, một linh hồn , một thân xác, một hơi thở, một nhịp sống. Đó chính là lý do đã khiến Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để Ngài trở nên một với mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu đã yêu chúng ta như thế
và Chúa cũng đòi buộc chúng ta yêu mến nhau như vậy.
Nhưng chúng ta đã thực hiện như thế nào?
Một câu chuyện lạ lùng và cảm động về một loài vật vốn đã rất quen thuộc với chúng ta. Chuyện kể rằng, khi sửa nhà, một anh thanh niên người Nhật đã nhìn thấy một con thằn lằn bị kẹt bên trong khe hở giữa hai bức tường bằng gỗ. Một sự tình cờ nào đó đã khiến chân chú thằn lằn tội nghiệp bị một cây đinh ghim vào tường. Nhưng lạ lùng hơn nữa là căn nhà đã được xây dựng hơn mười năm, điều đó đồng nghĩa với việc chú thằn lằn đã sống trong tình trạng này suốt thời gian qua.
Quá ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trước mắt, chàng trai bèn ngưng làm việc và tò mò theo dõi xem chú thằn lằn đã sống ra sao trong tình trạng bị "cầm tù" như vậy.
Không lâu sau đó, anh nhìn thấy một con thằn lằn khác xuất hiện, miệng ngậm đồ ăn đến bên con thằn lằn bị ghim vào tường.
Một cảnh tượng thật cảm động. Con thằn lằn bị ghim đinh vào tường đã được một con thằn lằn khác nuôi ăn trong suốt mười năm qua. Không ngờ một loài vật không có linh hồn, không biết suy nghĩ, mà lại có một tình cảm sâu nặng đến như thế.
Thử tưởng tượng cặp thằn lằn ấy đã sống thế nào suốt chừng ấy năm.
Chắc hẳn con thằn lằn bị ghim vào tường dù phải chịu đau đớn nhưng vẫn không ngừng hy vọng. Với con còn lại, nó đã làm việc không biết mệt mỏi và không hề bỏ rơi bạn mình trong suốt mười năm.
Con thằn lằn là như vậy, còn con kiến thì sao?
Trong một lần cháy rừng, khi cánh rừng bốc cháy,
anh chị em có biết đàn kiến thoát thân như thế nào không?
Chúng nhanh chóng tập hợp lại, ôm nhau thành một cuộn đen tròn rồi lăn như một trái banh, thoát khỏi biển lửa.
Mỗi lần đọc đến đây chắc hẳn mỗi người chúng ta đều xúc động.
Dường như chúng ta nhìn thấy ngọn lửa đang rừng rực cháy, một bầy kiến đen đang lăn tròn; dường như chúng ta nghe thấy tiếng lắc rắc trong đám lửa,
đấy chính là tiếng của những con kiến bị lửa thiêu,
những con kiến ở vòng ngoài cùng đã dùng thân mình để mở đường máu.
Nếu không nhanh trí quấn lại thành cuộn tròn, nếu không có sự hy sinh của những con kiến vòng ngoài thì dòng họ nhà kiến đã bị thiêu cháy hết.
Một loài kiến nhỏ bé sao chúng dám hy sinh cho nhau đến mức ấy.
Câu chuyện con kiến và con thằn lằn như muốn nhắc nhở chúng ta về lời tâm huyết của Chúa Giêsu: Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con.
Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của một người đã dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Hôm nay ngày thứ sáu tuần thánh, ngày suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu.
Chúa đã dùng chính Thánh Giá là những đau khổ sỉ nhục để cứu chuộc chúng ta,
Và Chúa muốn nhắc lại cho từng người một trong chúng ta:
“Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ  mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ta”
vậy chúng ta đã đón nhận Thánh Giá như thế nào?
Giovanni Martinetti, đã phân hạng như sau:
1. Đối với các học viên sơ cấp: thì đau khổ được xem như là hình phạt Thiên Chúa gửi đến.
2. Đối với Học viên Trung Cấp
Những học viên Trung Cấp là những người không đặt Mục Tiêu Chính Yếu làm ưu tiên số một. Đại khái, để cho yên lương tâm, họ cố gắng giữ luật luân lý vừa đủ, bằng cách tránh những lỗi nặng; và họ để cả chú tâm và ước muốn vào những giá trị phương thế như gia đình, lợi lộc, sức khoẻ, tình yêu, thànhcông, bạnbè, biến chúng trở thành mục đích tối hậu của đời họ.
Họ là những khách hàng của Thiên Chúa, chỉ biết “dùng” Thiên Chúa để chiếm hữu cho bằng được những giá trị trần thế hơn là dùng các giá trị trần thế để đi đến với Thiên Chúa.
Họ là những người nghĩ rằng nếu có dùng tới lời cầu nguyện, là để “giật” cho được từ tay Thiên Chúa ít ra một mớ phúc lộc tối thiểu và một “bảo chứng” miễn trừ cho khỏi phải gặp tai họa để họ sống thoải mái mà hưởng thụ với những thần tượng của họ.
Những biến cố đau thương mà Chúa cho xảy đến trong cuộc đời: Họ tức tối khó chịu, họ cho đó là những hình phạt không đáng phải chịu, nhưng một khi bực tức nổi loạn qua đi, họ cũng bình tâm để cho những biến cố ấy tác dụng giúp họ nhận ra là họ nhầm lẫn lớn vì đã coi mục tiêu chính là phụ, phụ là chính.
3. Đối với Sinh Viên Đại Học
Đó là những tín hữu có một đức tin sâu sắc. Thấm nhuần các bài học, và nhờ biết tích trữ những kho tàng ơn Chúa, họ có khả năng rút ra từ trong mọi biến cố bất lợi, những cấu tố đắng cay chua xót của đau khổ, để tổng hợp thành những hóa chất mới trong mối hiệp thông với Thiên Chúa.
Đối với họ, tai họa có thể xảy đến song đó là cơ hội để cộng tác với cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu nhằm cứu độ thế gian.
Đối với họ, không bao giờ Thánh Giá là nặng đến độ không vác nổi và làm cho họ mất bình an, vì họ luôn luôn cảm nghiệm có một sức sống mới và một niềm hạnh phúc sinh động của Thiên Chúa đang hoạt động mạnh mẽ để tái tạo toàn bộ tâm hồn của họ.
Đó là một phép lạ của Chúa, và hơn nữa, có thể nói đó là một phép lạ lớn nhất.
Đó là niềm vui đích thực mà các thánh hằng cảm nhận ngay cả khi phải sống giữa những gian nan cay đắng của cuộc đời.
Chính trong ánh sáng này, chúng ta nhận ra hoạt động quan phòng của Chúa.
Sách Thánh của các tôn giáo, nhất là Thánh Kinh đều hiểu sự quan phòng của Chúa như là một hành động, qua đó, Thiên Chúa hướng dẫn những người biết ra sức dùng những vui buồn sướng khổ trong cuộc sống mà cộng tác với Thiên Chúa,
để đi đến chỗ hiệp thông trong một tình yêu bền vững và chia sẻ những phúc lợi thiêng liêng với Thiên Chúa. Amen 


NGÔI MỘ TRỐNG

1. Sự kiện ngôi mộ trống:
Đức Giêsu đã đi vào cõi chết của con người. Người ta đã chôn Ngài trong mộ đá, nhưng rồi sáng ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài nữa.
- Bà Maria Mađalêna ra thăm mộ hỏang hốt kêu lên: người ta đã lấy xác Thầy rồi.
- Hai môn đệ Phêrô và Gioan chạy ra mộ, nhưng thấy ngôi mộ đã mở toang. Nhìn vào trong, thấy khăm liệm còn đó, Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan đã thấy và tin.
Tại sao cả ba, đứng trước cùng một sự kiện, mà kẻ tin, người lại không tin?
Đó chính là tâm trạng của mỗi người đối với Chúa Giêsu.
2. Tâm trạng của Maria Mađalêna và Gioan.
Khi người thân của chúng ta chết, chúng ta thường không muốn chấp nhận sự ra đi của họ. Chúng ta biết rằng họ đã chết, và chúng ta luôn cố gắng tạo ra một mối tương quan nào đó với họ. Một trong những cách thông thường nhất là ra viếng mộ. Ra viếng mộ với hy vọng làm vơi đi nỗi nhớ, nhưng chính việc ra viếng mộ lại càng làm cho chúng ta thương nhớ người chết hơn, bởi vì, chính lúc đứng trước ngôi mộ, lại là lúc, một lần nữa, chúng ta xác nhận rằng : người thân yêu của chúng ta đã chết thật. Nghĩa là giữa chúng ta và họ, không còn mối liên hệ bình thường như những người đang sống. Cũng vậy, ra viếng mộ, Maria cũng muốn cho vơi đi nỗi nhớ, nhớ một người đã chết và Maria chỉ nghĩ đến thi thể của thầy mình, nghĩa là bà đến đó để gặp một xác chết. Với tâm trạng đó, làm sao bà có thể nghĩ đến chuyện Chúa sống lại được.
Quả thật, đối với Maria Mađalêna, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc.
Nhưng đối với Gioan, ngôi mộ đâu có mùi chết chóc, ngôi mộ đâu có hoang vu, ngôi mộ đâu có trống rỗng, nhưng ngôi mộ đã được mở ra và Đức Giêsu đã phục sinh và bước ra khỏi mồ.
3. Tâm trạng của Phêrô và Gioan.
Còn Phêrô, ông đang sợ hãi, ông đang sợ bị liên lụy, ông đang sợ bị bắt bớ. Ông chạy ra ngôi mộ với tâm trạng đối phó. Với tâm trạng đó, làm sao ông có thể nghĩ đến việc Chúa sống lại được.
Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan "ông đã thấy và tin". Cũng với tâm tình này
Quả thực thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu. Tình yêu đó đã thể hiện ra bên ngòai, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa trên con đường khổ giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân Thánh Giá đến giây phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình, cho dù hòan cảnh có bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ tới Chúa Giêsu, luôn nhớ đến những lời giảng dạy của Thầy và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với tâm tình này Gioan đã nhận ra Chúa sống lại. Ông đã thấy và tin. Amen