Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Suy niệm Lễ Lá

Filled under:

1. Bài Đọc
        “Chúa Giêsu nói những lời ấy xong (1), Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem. Khi đến gần làng Bétphagiê và làng Bêtania (2), bên triền núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ và bảo: ‘Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và dắt nó đi. Và nếu có ai hỏi: ‘Tại sao các anh tháo lừa người ta ra? Thì nói: Ngài cần đến nó!’. Hai người được sai đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang tháo dây lừa, thì người chủ con lừa nói với các ông: ‘Tại sao các anh lại tháo con lừa ra?’. Hai ông đáp: ‘Ngài cần đến nó’.
        “Các ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và đặt Chúa Giêsu lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo mình trải xuống đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!
        “Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Biệt Phái nói với Chúa Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ!’. Chúa Giêsu đáp: ‘Tôi bảo các ông: Họ có làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”.

2. Chú Thích
        (1) Chúa Giêsu nói những lời ấy xong: Sau khi Chúa Giêsu nói về dụ ngôn mười nén bạc.
        (2) Người đi đầu: Hành động cương quyết và can đảm của Chúa Giêsu, vì biết rằng Ngài lên Giêrusalem để thụ nạn.
        (3) Bêtania: Một làng cách Giêrusalem ba cây số, về phía Đông, trên triền núi Cây Dầu (Ô liu), giữa đường đi Giêricô.
        (4) Tôi bảo các ông: Thái độ của Chúa Giêsu tỏ ra hài lòng và bênh vực hành động của các môn đệ.

3. Suy Niệm
        (1) Trong bài Phúc Âm này, có một chi tiết khác hai bài năm trước (năm A và B), về dịp lễ này. Lần này, thấy có người Biệt Phái lên tiếng một cách cung kính. Vì họ biết tâm lý quần chúng đương hăng hái, họ chẳng làm gì được Chúa Giêsu. Nhưng họ khó chịu, vì họ kiêu ngạo, ganh ghét. Họ không muốn cho dân chúng hoan hô chúc tụng Thiên Chúa. Họ tưởng còn có cách lễ phép xin Chúa Giêsu can thiệp. Trong nhiều trường hợp, có những người muốn được như ý mình, lại giả vờ lễ phép, xin người khác lên tiếng, có khi chính người mình chống đối, thù hiềm, đương muốn làm hại. Thực là quái gở đê tiện. Giả vờ lễ phép để kêu xin người thù làm lợi cho mình. Càng muốn âm mưu lại càng mù quáng. Càng muốn kiêu căng lại càng sỉ nhục. Chớ gì trong lúc đó, họ biết hồi tâm, suy nghĩ lại tại sao lại có những lời hoan hô chúc tụng như thế. Nếu biết chắc là người ta sai lầm, thì chính mình phải tìm cách giải thích ngăn ngừa để cho người ta khỏi bị thiệt hại. Nếu nhận thấy người ta có lý và hợp lý, thì mình phải khiêm tốn mà tuân theo những người hiểu biết hơn mình, biết phục thiện là một thái độ anh hùng, vừa khôn ngoan và quân tử. Còn thái độ cố chấp lại càng thêm giả dối, chỉ hạ mình xuống một cách đê tiện, đáng cho muôn đời khinh bỉ. Nếu gặp người hiểu biết hơn mình, thì đã thất bại, lại càng thêm xấu hổ.

        (2) Như những người Biệt Phái kia đã gặp Chúa Giêsu hiểu biết hơn họ. Chúa Giêsu biết chính lòng họ muốn gì. Tại sao đã không khuyến khích lại ngăn chận một việc khôn ngoan, xứng đáng, lương thiện, biết quý trọng bậc siêu phàm, biết tôn kính vị thi ân, biết kêu gọi kẻ khác cũng nhìn nhận và kính trọng với mình. Vì đó Chúa Giêsu đã trả lời vắn tắt mấy tiếng rất có ý nghĩa. Người hiểu biết thì hoan hô chúc tụng; nếu họ phải làm thinh, vật vô tri vô giác cũng không chịu thua họ; có khi còn nói lên những lời chê trách họ hèn nhát, sợ những người mù quáng ác độc. Người ta lại chịu thua nhường bước cho những vật vô tri vô giác chăng? Thế thì Thiên Chúa ban cho trí thức, tâm tình, ngôn ngữ để làm gì? Có tội với Thiên Chúa, có lỗi với anh em không? Có lý trí mà không chịu suy nghĩ xác nhận điều chân lý. Có tâm tình mà không biết mến Thiên Chúa yêu thương người ta, quý trọng những người đạo đức lương thiện. Có ngôn ngữ mà không dám nói sự thực, thì đâu phải là con người có trí, có tình, và biết dùng ngôn ngữ cho có ích lợi xứng đáng. Ngôn ngữ không những để nói lên điều chân lý; trước là chúc tụng Thiên Chúa, sau là kêu gọi người ta phải đến cùng Thiên Chúa và theo Thiên Chúa; lại còn phải gián tiếp, không dám trách tỏ tường những người ác độc sai lầm, nhưng ít nữa cũng xin họ chịu khó suy nghĩ lại mà hồi tâm, theo đường lương thiện.

        (3) Không biết mấy người Biệt Phái kia có hiểu như thế chăng? Hay là vì tật kiêu căng quá đáng, đã không còn được sáng suốt. Họ chỉ chịu thua lúc đó, nhưng họ tìm cách phá hại khi khác. Không hiểu tại sao người ta lại có thể ác độc quỷ quyệt đến thế? Có phải vì họ bị một lối giáo dục gây ích kỷ kiêu ngạo chăng? Có phải vì họ không chịu bình tĩnh khiêm tốn mà suy nghĩ lý luận chăng? Thiết tưởng mối tai hại nhất trong xã hội nhân loại, là vì lối giáo dục và tổ chức muốn được dễ dàng, đã nuôi dưỡng và phát triển tính ích kỷ, kiêu ngạo, lười biếng. Vì ích kỷ, người nào chỉ biết lợi cho người ấy, bất chấp hại cho kẻ khác. Vì kiêu ngạo, chỉ muốn hơn người ta một cách giả dối, chứ không chịu để cho ai hơn mình, phải tìm cách làm hại những người có danh tiếng tài năng hơn mình. Vì lười biếng, chính mình không chịu khó cố gắng cho kịp hay là cho hơn người ta; lại không chịu suy nghĩ để thấy những điều cố chấp sai lầm của mình. Nhất là có tổ chức muốn lôi cuốn được nhiều người, đặt chức vị nọ, danh từ kia, tâng bốc, đề cao những người vô tài vô đức, chỉ có tài dua nịnh, hay chỉ có số năm thì lên địa vị này địa vị khác, sống lâu lên lão làng. Nhất là những đạo sĩ như Biệt Phái, nhớ được một số câu Thánh Kinh và luật pháp, thì cứ tưởng mình hiểu biết hơn người ta, ai cũng phải theo mình, không được có một ý tưởng hay cử chỉ khác mình. Chính vì đó mà Chúa Giêsu đã muốn có cuộc đón rước trước ngày Người thụ nạn, để nhắc nhủ mọi người phải suy nghĩ lại./-
                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy