Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Sống Mầu nhiệm Thánh Thể.

Filled under:

16.        - H. Nội dung thứ hai mà chủ đề Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận Phú Cường gợi lên là gì?
-  T. Đó là sống Mầu nhiệm Thánh Thể.
17.        - H. Văn kiện nào giúp chúng ta học hỏi và đào sâu để sống Mầu nhiệm Thánh Thể?
-  T. Giáo phận đã chọn Thông điệp “Giáo hội từ Bí tích Thánh Thể” của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ban hành ngày 17/4/2003.
18.        - H. Thử nhìn sơ qua chủ đề của Thông điệp về Thánh Thể này?
-  T. Thông điệp cuối cùng của Đức Gioan-Phaolô II gửi cho toàn thể Giáo hội bàn về một chủ đề mà ngài hết sức quan tâm: “Giáo hội sống nhờ Thánh Thể”. Giáo hội sống Thánh Thể hằng ngày. Không có Thánh Thể, Giáo hội không còn nhận ra sự nghèo nàn của mình nữa. Đức Giáo hoàng đã làm vang lên mục đích và tựa đề Thông điệp của ngài, khi ngài viết:
“Mọi dấn thân hướng đến sự thánh thiện, mọi hành động nhắm đến việc thực thi sứ vụ của Giáo hội, mọi thể hiện các chương trình mục vụ, phải kín múc trong mầu nhiệm Thánh Thể sức mạnh cần thiết và hướng đến Thánh Thể như hướng tới đỉnh điểm. Trong Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu, có hy tế cứu độ của Ngài, sự phục sinh của Ngài, chúng ta có ân ban của Thánh Thần… Nếu ta coi thường Thánh Thể, làm sao ta có thể mang đến phương thức chữa trị cho tình trạng nghèo nàn của chúng ta!”
19.        - H. Đâu là những mục tiêu Thông điệp nhắm đến?
-  T. Đức Giáo hoàng đã diễn tả cách rõ ràng:
-  Cần khơi dậy giữa lòng Giáo hội thái độ chiêm ngắm Thánh Thể mà chính ngài luôn thể hiện đối với Bí tích này.
-  Cần hướng dẫn toàn thể Giáo hội thực hiện một suy tư Thánh Thể.
-  Cần để ý đến những bóng tối và những lạm dụng liên hệ đến việc cử hành Thánh Thể.
20.        - H. Nội dung bố cục của Thông điệp là gì?
-  T. Thông điệp gồm một Nhập đề và sáu chương.
21.        - H. Phần Nhập đề nói lên điều gì?
-  T. Phần Nhập đề đề cập đến những lý do chính yếu, giúp chúng ta quả quyết rằng: “Giáo hội sống nhờ Thánh Thể”. Và Đức Giáo hoàng không ngần ngại quả quyết: “Thánh Thể là ân ban quý giá nhất Giáo hội có thể lãnh nhận trong hành trình của mình suốt dòng lịch sử.
22.        - H. Chương I diễn tả những gì?
-  T. Chương I có tựa đề là Mầu nhiệm Đức tin. Tài liệu lôi kéo ta chú ý đến sự hiện diện cách bản thể của Đức Kitô hằng sống và sự phục sinh trở nên bánh ban sự sống. Nên ghi nhận rằng Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của Thánh Thể.
23.        - H. Chương II của Thông điệp bàn đến điều gì?
-  T. Chương II có tựa đề là: “Thánh Thể xây dựng Giáo hội”. Xây dựng Giáo hội vì hai lý do chính yếu: một là, mọi Kitô hữu tham dự Thánh Thể để tăng cường sự kết hợp của mình với Chúa Kitô; hai là: Giáo hội lãnh nhận từ Thánh Thể những sinh lực cần thiết để chu toàn sứ vụ của mình.
24.        - H. Chương III của Thông điệp đề cập đến điều gì?
-  T. Chương III có tựa đề là “Đặc tính tông truyền của bí tích Thánh Thể”. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải có sự hiện diện của một linh mục để Thánh Thể được cử hành cách thành sự.
25.        - H. Chương IV của Thông điệp triển khai những gì?
-  T. Chương IV có tựa đề là  “Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo hội”. Thánh Thể không phải là điểm xuất phát của sự hiệp thông Giáo hội. Sự hiệp thông Giáo hội vẫn có sẵn. Cần phải hiệp thông với nhau để được mời gọi sống hiệp thông với Thân Thể của Đức Kitô.
26.        - H. Chương V của Thông điệp trình bày những gì?
-  T. Chương V có tựa đề là “Phẩm giá của việc cử hành Thánh Thể”. Đức Giáo hoàng mời gọi khám phá lại những chuẩn mực phụng vụ, để Thánh Thể được cử hành trong một bối cảnh xứng hợp với mầu nhiệm cao cả này.
27.        - H. Chương VI của Thông điệp nói đến điều gì?
-  T. Chương VI có tựa đề là “Nơi trường học Đức Maria”. Mối tương quan giữa Đức Maria và Thánh Thể được giới thiệu cách khéo léo. Đức Giáo hoàng mời gọi đọc lại Kinh Magnificat trong một viễn tượng Thánh Thể và giới thiệu Đức Maria dưới chân thập giá như kiểu mẫu kết hợp với hy tế của Đức Kitô.
28.        - H. Có thể đưa ra những ghi nhận nào về Thông điệp này không?
-  T. Có một số ghi nhận sau đây được nêu lên, đó là:
-  Có tiếng nói cho rằng, văn kiện này không mang lại điều gì mới mẻ để hiểu biết Thánh Thể. Thật sự, đó không phải là hướng nhắm của ngài. Ý định của Đức Gioan-Phaolô II là mời gọi suy tư về những yếu tố cơ bản của mầu nhiệm này.
-  Thứ đến, một số người e ngại, Thông điệp này có thể làm ngừng giảm những nỗ lực đang được thực hiện trong phong trào Đại Kết. Nhưng đó không phải là ý định của Đức Giáo hoàng, vì ngài luôn tái khẳng định “ước muốn tha thiết của ngài là cử hành Thánh Thể duy nhất cùng với các anh em mình trong các Giáo hội khác”.
-  Tiếp theo, nếu phải giữ lại một câu duy nhất để nói lên điều cốt yếu trong sứ điệp của Thông điệp này, thì có lẽ nên chọn câu sau đây: “Nơi Thánh Thể luôn hiện hữu kho tàng của Giáo hội, trái tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức”.
-  Vì vậy, Thông điệp này đáng được đọc cách trọn vẹn và chậm rãi. Một số người sẽ thấy việc đọc này khó khăn, nhưng nếu họ kiên trì trong những nỗ lực của mình, họ sẽ nhận được phần thưởng.
29.        - H. Bàn về Bí tích Thánh Thể hiện nay, người ta thường nhắm đến những điểm chính yếu nào?
-  T. Đó là hai điểm chính yếu sau đây:
-  Một là: Bản chất và ý nghĩa của Thánh Thể,
-  Hai là: Ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Thể.
30. - H. Cách chung, ta thường diễn tả bí tích Thánh Thể như thế nào?
-  T. Có thể đưa ra ba cách nhìn tiêu biểu về Thánh Thể sau đây:
-  Một là: “Thánh Thể là ân ban Đức Giêsu-Kitô tặng trao cho ta Mình Máu Ngài, Linh hồn và Thần Tính Ngài dưới hình bánh và rượu. Ngài che giấu vinh quang vô biên của Ngài, vẻ đẹp và uy quyền của Ngài nơi bí tích Thánh Thể, bởi lẽ Ngài muốn chúng ta đến với Ngài trong đức tin và chúng ta yêu mến Ngài chỉ vì Ngài. Thánh Thể thật sự là “Mầu nhiệm gồm tóm mọi điều kỳ diệu Thiên Chúa thể hiện để cứu độ chúng ta” (x.Thánh Tôma Aquinô, về Bí tích Thánh Thể, chương I).
-  Hai là: trong Tông huấn “Bí tích Tình yêu” số 1, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã diễn tả:
-  “Bí tích Tình yêu, Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Ngài mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này đã bầy tỏ được tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x.Ga 15, 13). Vâng, Chúa Giêsu đã yêu thương kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13, 1). Với cách diễn tả này, tác giả Tin Mừng hướng chúng ta vào cử chỉ tự hạ tuyệt đối Chúa Giêsu đã thực hiện. Trước khi chết trên thập giá, Ngài đã lấy khăn thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Ngài. Tâm hồn các tông đồ phải sửng sốt biết bao trước cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc biết bao!
-  Ba là: Trong Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” (Giáo hội từ Bí tích Thánh Thể) số 61, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết:
-  “Mầu  nhiệm Thánh Thể, - hy tế, hiện diện, bữa tiệc – không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ… Kho tàng Bí tích Thánh Thể mà Chúa đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta, thúc đẩy chúng ta đi đến mục tiêu là chia sẻ toàn vẹn kho tàng ấy với tất cả anh em đã được liên kết với chúng ta trong cùng một Bí tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên, để đừng lãng phí kho tàng quý báu như thế, phải tôn trọng những đòi buộc gắn liền với sự kiện đó là bí tích của sự hiệp thông trong đức tin và trong sự kế nhiệm các tông đồ.
31.        - H. Ta thường trình bầy về việc tôn thờ Thánh Thể ra sao?
-  T. Có những diễn tả sau đây:
-  Một là: Trong giờ kinh Truyền Tin ngày 28/8/2005, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Việc tôn thờ không phải là một thứ xa xỉ nhưng là một ưu đãi”
-  Hai là: Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong Thông điệp về Thánh Thể, số 25 đã viết: “Việc tôn sùng Thánh Thể mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo hội”
-  Ba là: Thánh Pierre-Julien Eymard cũng nói: “Việc tôn thờ Thánh Thể có đối tượng là ngôi vị Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Ngài luôn sống động, Ngài muốn chúng ta nói với Ngài và Ngài nói với chúng ta. Và cuộc trò chuyện này được thể hiện giữa linh hồn và Chúa chúng ta, đó là việc suy niệm Thánh Thể đích thực, đó là tôn thờ. Phúc thay linh hồn nào gặp được Chúa Giêsu trong Thánh Thể, và trong Thánh Thể gặp được mọi sự”
-  Bốn là: trong kinh Tin Kính (Credo), Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên xưng: “Đối với chúng ta đó là một bổn phận rất dịu dàng để tôn vinh và thờ lạy trong bánh thánh, mắt chúng ta nhìn thấy Ngôi lời nhập thể mà mắt thường không thể thấy, Đấng mà không cần rời bỏ Trời cao, vẫn có thể hiện diện trước chúng ta”
-  Năm là: Trong Tông huấn “Bí tích tình yêu”, số 66, Đức Giáo hoàng  Bênêđictô XVI đã quả quyết : Việc tôn thờ Thánh Thể nhằm chuẩn bị và kéo dài việc cử hành Thánh Thể hay Thánh lễ. Đức Giáo hoàng viết:
-  “Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến thăm chúng ta và khao khát trở nên một với chúng ta; chầu Thánh Thể đơn giản là hiệu quả tự nhiên của cử hành Thánh Thể , và chính Thánh Thể là hành vi thờ phượng tối cao của Hội thánh. Rước lễ là thờ lạy Đấng chúng ta đón nhận. Duy chỉ bằng cách này chúng ta trở nên một với Ngài, và một cách nào đó được ban cho thưởng nếm trước vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc. Hành động thờ lạy ngoài Thánh lễ kéo dài và làm sâu sắc thêm tất cả những gì diễn ra trong chính cử hành Thánh Thể”
-  -Sáu là: Đức Giám mục Henri Bernard trong Đại hội về việc tôn thờ Thánh Thể, tại Paray-le-Monial, năm 2006, đã phát biểu:
-  “Trong nhà tạm, Chúa Giêsu hiện diện với thái độ tôn thờ cao cả của Ngài đối với Chúa Cha, Ngài cũng muốn kết hợp tất cả chúng ta vào thái độ tôn thờ ấy. Chúa Giêsu để lại thái độ tôn thờ cao cả của Ngài cho Giáo hội… Tôn thờ, đó là hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp nhất của ta cho Chúa Cha; đó là phó mình cho Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu cho Chúa Cha. Chiêm niệm là một ân sủng của Chúa Cha, Đấng nhờ Con của Ngài lôi kéo chúng ta”
-  Bảy là: Cũng trong Đại hội này, Đức Tổng Giám mục Dominique Rey cũng bầy tỏ: “Tôn thờ là một hành vi bên trong, nhưng cũng mang tính truyền giáo và loan báo Tin Mừng. Đó không phải là hành vi biểu lộ rằng, thế giới đang có một trái tim và trái tim này đang rung nhịp yêu thương nhằm biến đổi mọi sự sao ?”
32.        - H. Chầu Thánh Thể liên tục là gì?
-  T. Đó là khi một Giáo xứ có một phòng nguyện mở 24 giờ trên 24 hay 7 ngày trên 7 với việc đặt Mình Thánh Chúa cách thường trực. Chầu Thánh Thể liên tục đơn thuần chỉ là thái độ đáp trả tình yêu Chúa Giêsu đối với chúng ta. Mọi giáo dân trong xứ được mời gọi dành một giờ trong tuần lễ để tôn thờ Thánh Thể: như thế, mọi người nam nữ sẽ cùng tạo nên một chuỗi cầu nguyện, tôn thờ, chuyển cầu liên tục cho Giáo hội và cho thế giới. Ngày nay, một số Giáo xứ sống sâu sắc cảm nghiệm về việc Chầu Thánh Thể liên tục này.
-  Tại Đại hội Thánh Thể tại Québec Canada, Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI đã mời gọi: “Khám phá lại việc chầu Thánh Thể do nhiều người thực hiện, là một việc rất đáng làm… Nhân loại rất cần Khám phá lại bí tích này, là nguồn mạch mọi hy vọng ! Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì mọi Giáo xứ mà ở đó, bên cạnh Thánh lễ, người ta còn giáo dục các tín hữu thực hiện việc tôn thờ này… Tôi mạnh mẽ đề nghị các vị mục tử của Giáo hội và toàn thể dân Chúa hãy thực hành việc tôn thờ Thánh Thể, cách cá nhân cũng như cộng đoàn”.
-  Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 67, ngài cũng viết: “Bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt trong những vùng tập trung dân cư, thiết lập những Nhà thờ hoặc Nhà Nguyện dành riêng cho việc Chầu Thánh Thể là điều thích đáng”
-  Trong Huấn Thị “Bí tích cứu độ” (Redemptionis sacramentum), số 140 cũng kêu gọi: “Tha thiết yêu cầu trong các thành phố hay ít ra trong những thành phố quan trọng nhất, Đức Giám mục Giáo phận chỉ định một Nhà thờ để chầu Chúa liên tục, tuy nhiên Thánh lễ vẫn luôn được cử hành tại đó, có thể hằng ngày”.
33.        - H. Trong Thông điệp “Giáo hội từ Thánh Thể”, Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc đến ba chiều kích nào của Thánh Thể ?
-  T. Đức Giáo hoàng đã viết: “Mầu nhiệm Thánh Thể, - hy tế, hiện diện, bữa tiệc - không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ” (số 61).
-  Vì vậy, việc cử hành này, vừa mang tính cộng đoàn vừa mang tính cá nhân theo ý nghĩa nó được sống trong ba chiều kích: hy tế trong Thánh lễ, bữa tiệc trong sự hiệp thông và hiện diện trong thái độ tôn thờ.
34.        - H. Ta có thể diễn tả ba chiều kích trên bằng một sơ đồ tiêu biểu không ?
-  T. Ta có thể diễn tả bằng một sơ đồ tiêu biểu sau đây: Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể tiếp tục trở nên Vị Mục Tử Nhân hậu cho chúng ta hôm nay: * Thánh Thể - Hy tế (Thánh Lễ), *Thánh Thể - Bữa tiệc (Hiệp Thông), *Thánh Thể - Hiện diện (Tôn thờ).
35.        - H. Thánh Thể - Hy Tế (Thánh Lễ) được diễn tả thế nào ?
-  T. Người chăn chiên che chở chiên mình khỏi mọi nguy hiểm hay những dã thú. Ngược với kẻ chăn thuê, người chăn chiên đích thực luôn hiến mạng sống mình cho chiên.
-  Chúa Giêsu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi cái chết muôn đời.
-  Trong mỗi Thánh lễ, ơn cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu trên thập giá, trở nên hiệu lực trong đời sống chúng ta.
36.        - H. Thánh Thể - Bữa tiệc (Thánh Lễ) được diễn tả ra sao ?
-  T. Người chăn chiên nuôi dưỡng chiên mình trong đồng cỏ xanh non
-  Chúa Giêsu nuôi dưỡng Dân Ngài bằng bánh, nhưng nhất là bằng Lời và bằng sự sống của Thiên Chúa.
-  Trong hiệp thông, Chúa Giêsu hiến mình làm lương thực trong Thánh Thể.
37.        - H. Thánh Thể - Hiện Diện (Tôn Thờ) được diễn tả như thế nào ?
-  T. Người chăn chiên dẫn đàn chiên của mình vào nơi an toàn.
-  Chúa Giêsu che chở con cái của mình và dẫn đưa họ hướng về Chúa Cha
-  Trong tôn thờ, Chúa Giêsu soi sáng, đốt nóng và biến đổi các tâm hồn.
 38.        - H. Thánh Thể là gì ?
-  T. Thánh Thể là quà tặng chính Chúa Giêsu Kitô trao ban cho ta Mình Máu Ngài, linh hồn và thần tính Ngài, dưới hình bánh và rượu. Ngài che giấu vinh quang vô biên của Ngài, vẻ đẹp và phẩm tước của Ngài nơi bí tích Thánh Thể, bởi lẽ Ngài muốn chúng ta đến với Ngài trong đức tin và chúng ta yêu mến Ngài chỉ vì Ngài. Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu Chúa Giêsu mà Ngài đã thiết lập để lưu truyền hy tế thập giá suốt dòng những thế kỷ cho tới khi Ngài lại đến; và như thế Ngài trao phó cho Giáo hội phải tưởng niệm Cái Chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thánh Thể là dấu chỉ sự hợp nhất, là mối dây bác ái, là bữa tiệc vượt qua, ở đó ta đón nhận Đức Kitô, ở đó linh hồn được đầy tràn ân sủng, và ở đó ta được bảo đảm sự sống đời đời.
39.        - H. Chúa Kitô thiết lập bí tích Thánh Thể
khi nào ?
-  T. Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể vào Thứ năm Tuần thánh, “trong chính đêm Ngài bị nộp” (1 Cr 11.23), khi Ngài cử hành bữa Tiệc Ly cùng với các Tông đồ.
40.        - H. Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể thế nào ?
-  T. Sau khi tập hợp các Tông đồ tại phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn: này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”. Rồi Ngài cầm trong tay chén đầy rượu mà phán: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà uống, vì đây là chén máu Thầy, máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

41.        - H. Thánh Thể biểu thị điều gì trong đời sống Giáo hội ?
-  T. Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu. Trong Thánh Thể, hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và việc phụng  tự chúng ta dành cho Ngài đạt tới điểm cao nhất. Thánh Thể hàm chứa mọi thiện hảo thiêng liêng của Giáo hội: chính Chúa Kitô, sự Phục Sinh của chúng ta. Sự hiệp thông sự sống của Thiên Chúa và sự hiệp nhất Dân Thiên Chúa được diễn tả và thể hiện nhờ Thánh Thể. Qua việc cử hành Thánh Thể, chúng ta đã liên kết với phụng vụ trên Trời và chúng ta thưởng nếm trước sự sống muôn đời.
42.        - H. Ta xác định bí tích này thế nào ?
-  T. Sự phong phú vô biên của bí tích này được biểu lộ qua nhiều tên gọi khác nhau để chuyển dịch những khía cạnh đặc thù của nó. Đây là những tên gọi chung nhất: Thánh Thể, Thánh lễ, Bữa Tiệc Ly của Chúa, Nghi thức bẻ bánh, Cử hành Thánh Thể, Cuộc tưởng niệm sự thương khó, cái chết, việc phục sinh của Chúa, Hy tế thánh, Phụng vụ thánh và thần linh, các Mầu nhiệm thánh, Bí Tích bàn thờ, Sự hiệp thông.
43.        - H. Thánh Thể giữ vị trí nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa?
-  T. Trong cựu ước, Thánh Thể được báo trước bằng bữa ăn vượt qua, được dân Hypri cử hành hàng năm với bánh không men, nhằm tưởng nhớ lại cuộc xuất hành vội vã đã giải thoát dân khỏi Ai cập. Chúa Giêsu đã loan báo bí tích Thánh Thể trong giáo huấn của Ngài và Ngài đã thiết lập Bí tích ấy trong khi cử hành bữa ăn cuối cùng với các Tông đồ, bữa ăn vượt qua. Trung thành với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24), Giáo hội luôn cử hành Thánh Thể, nhất là Chúa nhật, ngày Phục sinh của Chúa Giêsu.

44.        - H. Việc cử hành Thánh Thể diễn tiến ra sao?
-  T. Việc cử hành diễn tiến trong hai phần quan trọng, làm nên một hành vi phụng tự duy nhất: Phụng vụ Lời Chúa bao gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh Thể bao gồm việc dâng bánh rượu, lời cầu nguyện hay kinh dâng tiến cùng những lời truyền phép và hiệp lễ.
45.        - H. Thừa tác viên Bí tích Thánh Thể là gì?
-  T. Đó là Tư tế (Giám mục hay Linh mục) được truyền chức thành sự hành động trong tư cách Đức Kittô là Đầu và nhân danh Giáo hội.
46.        - H. Yếu tố cốt yếu và cần thiết để cử hành Thánh Thể là yếu tố nào ?
-  T. Đó là bánh miến và rượu nho.
47.        - H. Thánh Thể được coi là tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô theo ý nghĩa nào ?
-  T. Theo ý nghĩa này, đó là Thánh Thể làm cho hiện diện và hiện tại hóa hy tế mà Đức Kitô tiến dâng Cha của Ngài, một lần thay cho tất cả, trên thập giá, nhằm cứu độ nhân loại. Đặc tính hy tế của Thánh Thể được biểu lộ trong chính những lời thiết lập: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”  và “Chén này là Giao ước mới trong máu của Thầy bị đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. Lễ vật và người dâng lễ vật đồng nhất với nhau. Chỉ có cách dâng lễ vật là khác nhau. Hy tế đổ máu trên thập giá, và không đổ máu trong Thánh Thể.
48.        - H. Bằng cách nào Giáo hội tham dự vào hy tế Thánh Thể ?
-  T. Trong Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô trở nên hy tế của các chi thể trong Thân Thể Ngài. Đời sống các tín hữu, lời ca tụng, hoạt động, lời cầu nguyện, công việc của họ được kết hợp với cùng những khía cạnh đó trong đời sống của Đức Kitô. Là hy tế, Thánh Thể cũng được cống hiến cho mọi tín hữu, cho người sống cũng như kẻ chết, để đền tội mọi người, và để xin Thiên Chúa những ân huệ thiêng liêng và vật chất. Hơn nữa, Giáo hội trên trời cũng hiện diện trong lễ vật của Đức Kitô.
49.        H. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể thế nào?
-  T. Chúa Giêsu-Kitô hiện diện trọn Thánh Thể một cách độc nhất và không thể so sánh được. Qủa thực, Ngài hiện diện cách thật sự, đích thực, theo bản thể với Thân Thể và máu của Ngài, với linh hồn và thiên tính của Ngài. Vì vậy, trong Thánh Thể, Đức Kitô toàn thể,vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện cách bí tích, nghĩa là dưới hình bánh rượu.
50.        - H. Biến thể có nghĩa gì?
-  T. Biến thể có nghĩa là biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Đức Kitô và trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Ngài. Sự biến đổi này được thực hiện trong kinh nguyện thánh thể, nhờ hiệu năng lời của Đức Kitô và tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, những hình bánh và rượu, nghĩa là “những hình dạng thánh thể”, vẫn không thay đổi.
51.        - H. Bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không ?
-  T. Bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Ngài hiện diện trọn vẹn và toàn diện trong mỗi hình thánh thể và trong mỗi phần nhỏ của hình bánh rượu.
52.        - H. Sự hiện diên thánh thể của Đức Kitô kéo dài tới khi nào ?
-  T. Sự hiện diện kéo dài bao lâu các hình dạng Thánh thể còn tồn tại.
53.        - H. Phụng tự dành cho Bí tích Thánh Thể thuộc loại phụng  tự nào ?
-  T. Đó là phụng tự thờ phượng, nghĩa là tôn thờ được dành riêng cho một mình Thiên Chúa, hoặc trong khi cử hành Thánh Thể, hoặc ở ngoài Thánh lễ. Quả thực, Giáo hội rất cẩn thận bảo tồn những bánh đã được thánh hiến, Giáo hội mang những bánh đó cho các bệnh nhân, cho những người không thể tham dự Thánh lễ. Giáo hội giới thiệu bánh thánh cho các tín hữu long trọng tôn thờ, cung nghinh khi rước kiệu; và Giáo hội mời gọi năng viếng thăm và tôn thờ Thánh Thể, được lưu giữ trong Nhà Tạm.
54.        - H. Tạo sao Thánh Thể là bữa tiệc vượt qua?
-  T. Thánh Thể là bữa tiệc vượt qua bởi lẽ Đức Kitô, khi thực hiện cách bí tích cuộc Vượt qua của mình, đã ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài được cống hiến làm của ăn và của uống. Ngài kết hợp chúng ta với Ngài và kết hợp chúng ta với nhau trong hy tế của Ngài.
55.        - H. Bàn thờ là gì ?  
-  T. Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, hiện diện như lễ vật hiến tế (bàn thờ-hy tế thập giá) và như lương thực trên trời được tặng ban cho chúng ta (bàn thờ-bàn thánh thể).
56.        - H. Khi nào thì Giáo hội buộc phải tham dự Thánh lễ ?
-       T. Giáo hội buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ mọi Chúa nhật và các Ngày lễ buộc; và Giáo hội khuyên nên tham dự Thánh lễ các ngày khác.
57.        - H. Ta phải rước lễ khi nào ?
-  T. Giáo hội khuyến khích các tín hữu, khi tham dự Thánh lễ nên rước lễ nếu có đủ điều kiện; nhưng Giáo hội buộc phải rước lễ trong mùa Phục Sinh.
58.        - H. Để rước Chúa, buộc phải giữ những gì ?
-  T. Để rước Chúa, cần phải được tháp nhập trọn vẹn trong Giáo hội Công giáo và nằm trong tình trạng ân sủng, nghĩa là không ý thức mình đã phạm tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, cần phải lãnh nhận bí tích Hòa giải trước khi tiến lên rước Chúa. Cũng cần phải có tinh thần hồi tâm và cầu nguyện, tuân giữ chay thánh thể: không ăn uống gì trừ nước lã trước khi rước lễ theo quy định của Giáo hội, và cần có những thái độ bề ngoài xứng hợp (cử chỉ, y phục)  như dấu hiệu tôn kính đối với Chúa Kitô.
59.        - H. Đâu là hiệu quả của việc Rước Lễ ?
-  T. Việc Rước lễ làm tăng cường sức kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô và với Giáo hội của Ngài. Rước lễ giữ gìn và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được nhờ bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm Sức và làm tăng thêm tình yêu đối với tha nhân. Trong khi củng cố chúng ta trong đức ái, Rước lễ xóa bỏ những tội nhẹ và giúp chúng ta đề phòng những tội trọng trong tương lai.
60.        - H. Khi nào có thể cho các Kitô hữu khác rước Chúa ?
-  T. Các thừa tác viên công giáo được phép cho các phần tử thuộc các Giáo hội Đông phương rước lễ, khi họ hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, bầy tỏ ước muốn lãnh nhận, giữ những điều kiện được quy định.
-  Còn đối với các thành phần thuộc các cộng đoàn Giáo hội khác, các thừa tác viên công giáo được phép cho các tín hữu rước lễ, khi họ với lý do khẩn thiết, bầy tỏ ước muốn xin rước lễ, với điều kiện chuẩn bị kỹ lưỡng và biểu lộ đức tin công giáo đối với Bí tích.
61.        - H. Tại sao Thánh Thể lại là “bảo chứng cho vinh quang  tương lai” ?

-  T. Bởi vì Thánh Thể đổ tràn đầy mọi ân sủng và phúc lành của Trời cao. Thánh Thể làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong hành trình của cuộc đời này, và giúp ta ước muốn sự sống đời đời, khi kết hợp ta với Chúa Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha, với Giáo hội trên trời, với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các thánh.