Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Học Hỏi Năm Thánh Giáo Phận Phú Cường

Filled under:

1.             - H. Năm Thánh là gì?
-  T. Theo truyền thống Công giáo, Năm Thánh là một biến cố tôn giáo quan trọng. Đó là Năm tha mọi tội phạm và những hình phạt tạm do tội gây ra. Đó là Năm hòa giải giữa những kẻ thù nghịch; là Năm hoán cải và sám hối, liên đới và hy vọng; là Năm thực hiện công lý và dấn thân phục vụ Thiên Chúa, trong niềm vui và an bình với anh chị em mình. Nhưng trước hết, Năm Thánh là Năm của Đức Kitô, Đấng mang sự sống và ân sủng đến cho nhân loại.
2.             - H. Tại sao Năm Thánh được coi như có nguồn gốc trong Cựu ước?
-  T. Năm Thánh hay Năm Toàn Xá là Đại Lễ của người Do Thái, được tổ chức 50 năm một lần để tưởng nhớ việc Ít-ra-en được giải phóng khỏi Ai cập, như Chúa đã dạy ông Mô-sê: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 lệnh ân xá mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ Toàn Xá: mọi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình” (Lv 25,10)
3.             - H. Có mấy loại Năm Thánh?
-  T. Có hai loại: Năm Thánh thông thường và Năm Thánh ngoại thường. Năm Thánh thông thường là Năm Thánh được cử hành theo định kỳ. Năm Thánh ngoại thường là Năm Thánh được cử hành không theo thời gian đã ấn định.
Ngoài ra, còn có Năm Thánh toàn cầu và Năm Thánh địa phương. Thí dụ: Năm Thánh ngoại thường lòng thương xót Chúa (2015 – 2016) là Năm Thánh toàn cầu, và Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Phú Cường là Năm Thánh địa phương.

4.             - H. Đâu là ý nghĩa của Năm Thánh?
-  T. Năm Thánh được cử hành với những ý nghĩa sau đây:
- Một là: Năm Thánh là Năm xin ơn tha thứ. Đây là thời gian thuận tiện để xin Thiên Chúa ban ơn cách đặc biệt nhằm tha các hình phạt do tội gây ra. Vì thế, một trong những đặc điểm của Năm Thánh là Ơn Toàn Xá, được lãnh nhận rộng rãi theo những quy định về thời gian và địa điểm của Giáo hội, trong suốt thời gian cử hành Năm Thánh.
- Hai là: Năm Thánh là Năm Sám hối và Canh Tân: Sám hối và Canh tân là điều kiện để lãnh nhận ơn tha thứ.
- Ba là: Năm Thánh là Năm Hòa Giải: hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải với mọi người. Hòa giải chỉ có thể được thực hiện, khi ta biết khiêm tốn nhận ra những tội lỗi của mình và biết quảng đại tha thứ lỗi lầm của kẻ khác.
5.             - H. Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Phú Cường có ý nghĩa gì?
-  T. Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận là dịp để mọi người nhận biết và cảm tạ mọi ơn lành Chúa đã ban cho toàn thể Giáo phận suốt 50 năm qua; đồng thời mọi tín hữu có cơ hội để thánh hóa bản thân và góp phần xây dựng Giáo phận ngày vàng tốt đẹp hơn.
6.             - H. Năm Thánh Giáo phận Phú Cường khởi sự và kết thúc thế nào?
-  T. Giáo phận Phú Cường sẽ khai mạc Năm Thánh vào lúc 08giờ sáng Thứ bảy, ngày 10/10/2015 và bế mạc Năm Thánh vào sáng Thứ bảy, ngày 08/10/2016, tại Nhà thờ Chánh tòa Giáo phận.


Rounded Rectangle: 2.   NĂM THÁNH GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG VÀ NĂM THÁNH NGOẠI THƯỜNG
          LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
7.             - H. Hình như Năm Thánh Giáo phận Phú Cường và Năm Thánh ngoại thường được tổ chức trong cùng một thời gian?
-  T. Đúng vậy, Năm Thánh ngoại thường lòng Chúa thương xót được tổ chức từ ngày 08/12/2015 đến ngày 20/11/2016 và Năm Thánh Giáo phận Phú Cường từ ngày 10/10/2015 đến ngày 08/10/2016.
8.             - H. Như vậy, việc tổ chức đồng bộ cho cả hai Năm Thánh có gây khó khăn cho sinh hoạt chung?
-  T. Không, không gây khó khăn nào, mà ngược lại, còn bổ sung cho nhau nữa. Bởi lẽ, mục đích của Năm Thánh Giáo phận Phú Cường là nhắm đến sứ vụ loan báo lòng Chúa thương xót, như được đề ra trong khẩu hiệu của Năm Thánh Giáo phận: “Sống mầu nhiệm Thánh Thể và loan báo lòng Chúa thương xót”
9.             - H. Thế khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường là gì?
-  T. Khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường là “Thương xót như Chúa Cha”
10.        - H. Với khẩu hiệu này, Đức Giáo hoàng muốn cổ vũ điều gì?
- T. Ngài muốn thúc đẩy mọi Kitô hữu:
- Trở nên trắc ẩn với mọi người, quảng đại với mọi người như Chúa Cha
- Thực hiện những việc làm thương xót con người, cả về thể lý cũng như tinh thần.
- Và đặc biệt tha thứ lỗi lầm cho nhau.
11.        - H. Ý nghĩa Logo của Năm Thánh ngoại thường là gì?
- T. Ý nghĩa đó được Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella giải thích như sau: “Logo diễn tả tình yêu của Chúa Kitô, Đấng mang trên vai mình con người lầm lạc. Bức vẽ giúp ta hiểu rằng, Vị Mục Tử nhân hậu chạm đến sâu thẳm xương thịt con người và Ngài làm điều đó với tình yêu có sức thay đổi đời sống con người... Với một lòng thương xót vô biên, Vị Mục Tử nhân hậu đặt trên mình cả nhân loại... Chúa Kitô đã nhìn bằng đôi mắt của Ađam và Ađam đã nhìn bằng đôi mắt của Chúa Kitô. Như thế, mỗi người khám phá ra trong Đức Kitô, Ađam mới, nhân tính của mình và tương lai đang chờ đón họ. Cảnh tượng này là một biểu tượng thân quen, nói lên sự hiện diện của bản tính, thiên tính và nhân tính trong Đức Kitô”.
Rounded Rectangle: 3. TÌM HIỂU VỀ ÂN XÁ NĂM THÁNH
 




12.        - H. Ân Xá là gì?
-  T. Ân Xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù những tội đó đã được tha thứ. Để hưởng nhờ ân xá, Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền Hội Thánh quy định, vì với tư cách là thừa tác viên của Ơn cứu chuộc, Hội Thánh có thẩm quyền phân phát và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh: (Giáo Lý Công giáo số 1471).
13.        - H. Có mấy loại Ân Xá?
-  T. Có hai loại Ân xá: Tiểu xá và Toàn xá, tùy theo mức độ giải thoát từng phần hay trọn vẹn các hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội. Ân xá trong Năm Thánh là ơn Toàn Xá.
14.        - H. Ta đón nhận và sử dụng ơn Toàn Xá Năm Thánh thế nào?
- T. Mỗi ngày người tín hữu chỉ được lãnh ơn Toàn Xá một lần, ngoại trừ trường hợp hấp hối, ta có thể lãnh ơn Toàn Xá một lần nữa, cho dù trong ngày đã lãnh nhận rồi. Ngoài ra, ta có thể dành ơn Toàn Xá cho mình hay có quyền chỉ Ân Xá ấy cho các linh hồn nơi luyện ngục.
15.        - H. Muốn lãnh nhận ơn Toàn xá cần phải giữ những điều kiện nào?
-  T. Cần phải có tinh thần siêu nhiên và hội đủ một số điều kiện:
-  Về tinh thần siêu nhiên:
·  Cần phải có ý hướng quay về với Thiên Chúa trong cuộc sống,
·  Phải có đời sống đức tin sâu đậm qua việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, cũng như Bí tích Thánh Thể.
·  Phải có ý chí canh tân đời sống và dứt khoát với tội lỗi,
·  Phải thể hiện đức tin qua những việc bác ái,
·  Phải sống hiệp thông với Giáo hội được diễn tả qua việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.
- Một số điều kiện phải giữ:
·  Xưng tội và rước lễ,
·  Cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.
(thường đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin kính)
· Thi hành một trong những việc được Giáo hội quy định như: tham dự nghi thức ban ơn Toàn Xá, kính viếng các Đền thờ, Nhà thờ được chỉ định...
-  Nếu tình trạng tâm hồn không trọn vẹn như thế, thì ơn Toàn Xá chỉ có giá trị một phần.
16.        - H. Vì những lý cho chính đáng, một số tín hữu không thể viếng Nhà thờ được chỉ định, Tòa Thánh có mở lối nào để giúp họ hưởng nhờ ơn Toàn Xá trong Năm Thánh?
-  T. Tòa Thánh, qua Tòa Ân giải tối cao, đã rộng lòng mở lối cho họ hưởng nhờ ơn Toàn Xá:
-  Một là: những người mắc ngăn trở chính đáng, như các tu sĩ dòng kín, các bệnh nhân... có thể hiệp ý với các tín hữu đi hành hương và dâng những đau khổ, những lời cầu nguyện, những thiếu thốn thua thiệt trong đời sống để hưởng nhờ Ân xá Năm Thánh.
-  Hai là: Ân Xá Năm Thánh cũng còn được lãnh nhận với những sáng kiến hãm mình (như nhịn uống rượu, hút thuốc, kiêng thịt... trong một ngày, và dành số tiền đó giúp những người nghèo khổ; hoặc dành thời giờ tự do tham gia các công việc chung, hay những hình thức hãm mình khác).
-  Ba là: Các tín hữu đi viếng thăm trong một thời gian nào đó những anh chị em đang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, đau khổ, khó khăn ( như các bệnh nhân, tù nhân, người già cả và sống cô đơn, các người bị tàn tật, các thiếu nhi bị bỏ rơi...) và thực thi các điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện thì cũng được lãnh nhận Ân Xá Năm Thánh.
Rounded Rectangle: 4. TÌM HIỂU VỀ HÀNH HƯƠNG  NĂM THÁNH VÀ Ý NGHĨA CỦA NĂM THÁNH
 





16b. - H. Tại sao lại tìm hiểu hành hương Năm Thánh?
-  T. Hành hương Năm Thánh là một trong những sinh hoạt đạo đức của Năm Thánh.
17.        - H. Tại sao hành hương được coi là hành động đạo đức trong truyền thống các tôn giáo?
-  T. Hành hương được coi là thói quen đạo đức bình dân và cổ kính trong các tôn giáo là bởi vì:
-  Từ thời cổ Hi lạp, người ta đã có thói quen tuốn đến những đền đài hoặc để cầu vận thỉnh ý các thần minh, hoặc để khấn xin các thần minh chữa lành bệnh tật.
-  Người Rôma cũng biết đến những cuộc hành hương như thế.
-  Ngay như những người Do thái, họ cũng thương đổ về những nơi được xem là nơi thánh, như mồ của Áp-ra-ham hay mộ của các anh em nhà Mác-ca-bê.
-  Trong Hồi giáo cũng vậy, hành hương có một vị trí quan trọng và đáng kính, như những cuộc hành hương vĩ đại được diễn ra hằng năm tại La Mecque, một trong Năm Thánh địa của Hồi giáo.
18.        - H. Trong Cựu ước, Dân riêng Chúa đã thực hiện những cuộc hành hương thế nào?
-  T. Dân riêng Chúa đã đến những trung tâm hành hương, những nơi gắn liền với lịch sử thánh để tìm gặp Thiên Chúa.
Đặc biệt, sau thời kỳ lưu đày, Đền thờ Giêrusalem được coi là thánh điện duy nhất đón tiếp những cuộc hành hương. Chính nơi đây, vào những dịp đại lễ trong năm, khách hành hương từ khắp xứ Palestina và cả những người sống tản mác ở ngoại quốc, đều trẩy về để cầu nguyện và thể hiện tình hiệp thông.
19.        - H. Kitô giáo bắt đầu tổ chức những cuộc hành hương như thế nào?
-  T. Kể từ khi thánh nữ Hélène, hoàng thái hậu của vua Cônstantinô tìm ra Thánh Giá thật vào năm 324, phong trào hành hương tới Giêrusalem đã khởi phát lên một cách mãnh liệt, không gì có thể ngăn cản được. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, hành hương Giêrusalem vẫn là cuộc hành hương quan trọng nhất của Kitô giáo.
Nhưng khi đế quốc Rôma sụp đổ, người ta lại đổ xô tìm đến mồ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô để kính viếng.
20.        - H. Tại sao các cuộc hành hương Kitô giáo hiện nay lại nhắm đề cao giá trị liêng liêng?
-  T. Bởi vì trong lịch sử Giáo hội, đã có thời kỳ người ta ngờ vực, coi hành hương như một thứ quá độ cần phải khử trừ. Năm 1425, thánh Bênađô thành Siêna đã lớn tiếng tuyên bố: tha thứ cho kẻ thù còn có giá trị hơn việc đi tới mồ thánh. Có người còn đề nghị hoán đổi thiêng liêng tất cả những dữ kiện hành hương: Kinh nguyện thay cho nơi thánh; Ăn chay và bố thí thay cho phí tổn và công sức bỏ ra cho cuộc hành hương.
Có lẽ vì ý nghĩa thiêng liêng tích cực này, mà các Đức Giáo hoàng đã nhanh chóng đồng ý ban ơn Toàn Xá cho những ai không thể hay không muốn hành hương tới Rôma; và không cần rời khỏi nhà, người ta cũng vẫn có thể lãnh ơn Toàn Xá, tất nhiên vẫn phải giữ những điều kiện thường lệ.
21.        - H. Như vậy, ý nghĩa đích thực của hành hương Năm Thánh là gì?
-  T. Hành hương Năm Thánh là dịp để có thể nhận lãnh ơn Toàn Xá, đền bù lại những hình phạt mà tội chúng ta đã gây ra, hoặc chỉ ân xá cho các linh hồn nơi luyện tội. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là nhờ ơn Chúa, chúng ta can đảm từ bỏ con người cũ, nỗ lực canh tân đời sống đức tin, hân hoan tiến bước trên đường trọn lành. Đây mới là ý nghĩa đích thực và toàn vẹn mà chúng ta phải hướng về.
Như vậy, hành hương Năm Thánh vừa có ý nghĩa thể chất, vừa có ý nghĩa tâm linh. Chúng ta đến một nơi thánh để thờ phượng Chúa, nhưng chúng ta cần đi vào nội tâm đời sống để gặp Ngài. Nhờ đó, chúng ta cảm nhận tình yêu của Chúa, nhận ra thánh ý Ngài trên cuộc đời chúng ta để canh tân đời sống, làm vững mạnh những bước chân lữ hành trên con đường tiến về quê hương đích thực, là Nước Trời.
22.        - H. Đâu là ý nghĩa của việc mở Cửa Thánh?
-  T. Nghi thức mở đầu Năm Thánh được ghi dấu bằng việc mở Cửa Thánh đền thờ thánh Phêrô, cửa Nhà thờ Chánh tòa, hay cửa Nhà thờ được chỉ định, đều mang tính biểu tượng. Khung cửa là một lời kêu gọi vượt qua: vượt qua từ một thực tế này sang thực tế khác, vượt qua từ thế giới trần tục sang thế giới thánh thiêng, vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng... Chính thánh điện cũng được coi như thiên môn. Nơi đền thờ Giêrusalem, người ta vượt qua cửa, tiến tới tận nơi cực thánh, nơi chỉ một mình vị thượng tế được vào mỗi năm một lần ngày Lễ Xá Giải.
Nếu Thánh Vịnh đã hát lên: “Cửa công chính hãy mở cho tôi vào tạ ơn Chúa. Chính đây là Cửa Thiên Chúa, hỡi người công chính hãy mau tiến vào” (Tv 118, 19-20), thì hình như ta cũng nghe vọng lại lời của Chúa Giêsu: “Tôi là Cửa, ai qua Tôi mà vào, sẽ được cứu thoát” (Ga 10, 9). Vượt qua Cửa, chính là chấp nhận sự trung gian của Chúa Kitô, chính là qua Ngài mà ta được thanh tẩy, được dẫn vào trong thâm tình của Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu đã nhìn nhận mình là Cửa duy nhất dẫn tới chuồng chiên đích thực là Nước Trời. Vượt qua Cửa Thánh như thế, là trở nên một dấu chỉ sống động, mời gọi đức tin lên đường.
Chủ đề Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận Phú Cường là:
“SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ VÀ LOAN BÁO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT”
Chủ đề gợi lên 3 nội dung cần tìm hiểu học hỏi. Đó là:
1.   Nội dung về thực thể Giáo phận Phú Cường, vừa trải qua 50 năm lịch sử đời mình.
2.   Nội dung về Mầu nhiệm Thánh Thể.
3.   Nội dung về sứ vụ loan báo Lòng Chúa thương xót.




Rounded Rectangle: 1. NỘI DUNG VỀ THỰC THỂ GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
 





23.        - H. Giáo phận Phú Cường được thành lập thế nào?
-  T. Ngày 14/10/1965, Giáo phận Phú Cường được thành lập với Trọng Sắc “In Animo Nostro” – Trong Tâm Trí Ta. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã truyền cắt năm tỉnh: Bình Dương, Bình Long, Phước Thành, Hậu Nghĩa và Tây Ninh thuộc Tổng Giáo phận Sài gòn, lập thành Giáo phận Phú Cường và đặt Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên làm Giám mục tiên khởi.
24.        -H. Đâu là nguồn gốc sâu xa của Giáo phận Phú Cường?
-  T. Giáo phận Phú Cường được Tòa Thánh tách ra từ Giáo phận Sài gòn năm 1965, vì thế có nhiều điểm chung về nguồn gốc và sự phát triển của Giáo phận này.
Những điểm chung ấy được ghi lại trong những dòng sử liệu sau đây:
“Ngày 26/11/1744, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV cử Đức Cha Hilariô Hy, Giáo phận Đông Đàng Ngoài, làm Khâm Sứ Tòa Thánh kinh lý Đàng Trong, Cambodia và Chăm. Qua 10 phiên họp được tóm lại trong khoảng 260 trang (khổ lớn), Cha Andrien Launay ghi lại: “tại Lai-thiu (Lái Thiêu), năm 1747 có 400 giáo hữu”. Qua việc phân chia vùng để các thừa sai truyền giáo, ít nhất tại Lái Thiêu có hai nhóm thừa sai truyền giáo: dòng Tên và Phanxicô. Như vậy, có lẽ các Kitô hữu chạy trốn Nhà Nguyễn cấm đạo (1617-1665) đã tới đây làm ăn sinh sống để an tâm giữ đạo. Tháng 7/1789, Đức Cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) chuyển chủng viện ở Chantaburi (Thái Lan) về Lái Thiêu (chừng 40 chủng sinh) và cử thừa sai Boisserand làm Giám Đốc. Như thế, ở vùng đất “Phú Cường” đã có nhiều họ đạo thuộc Giáo phận Đàng Trong.
Năm 1821, Cha Jean Louis Taberd (tên Việt là Từ) được bổ nhiệm coi sóc Lái Thiêu. Sáu năm sau, 1827, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Tây Đàng Trong, tháng 6/1830, được tấn phong tại Thái Lan do Đức Cha Bregnieres và trở về đặt Tòa Giám mục tại Lái Thiêu. Ngày 02/3/1844, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI chia đôi Giáo phận Đàng Trong: Giáo phận Đông và Tây. Phần đất thuộc Giáo phận Phú Cường hiện nay với nhiều cơ sở, giáo xứ như: Lái Thiêu, Búng, Tân Quy, Tha La, Brơ-Lam... thuộc Giáo phận Tây Đàng Trong.
Năm 1850, Tòa Thánh cắt nguyên phần đất Cambodia khỏi Giáo phận Tây Đàng Trong, lập Giáo phận mới, gọi tên là Giáo phận Nam Vang. Phần đất Phú Cường vẫn thuộc Giáo phận Tây Đàng Trong. Đầu năm 1849, Đức Cha D.Lefèbre Ngãi tấn phong Giám mục cho Cha J.C Miche (Mịch) tại Lái Thiêu. Tháng 8/1856, Đức Cha Lefèbre bị trục xuất sang Singapore, nhưng năm 1857, ngại lại có mặt tại Lái Thiêu để coi sóc Giáo phận.
Thời ấy, vùng đất thuộc Giáo phận Phú Cường hiện nay rất hiểm trở, nên Lái Thiêu được chọn làm cơ sở đặt Tòa Giám mục để giúp các vị Thừa sai, các Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân đỡ bị bách hại dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức so với các nơi khác.
Ngày 03/12/1924, Tòa Thánh đổi tên các Giáo phận ở Việt Nam theo địa bàn hành chính nơi đặt Tòa Giám mục, vì thế Giáo phận Tây Đàng trong được đổi thành Giáo phận Sài gòn. Theo thống kê năm 1938, trên phần đất của Giáo phận Phú Cường hiện nay, số người Công giáo còn ít ỏi, sống rải rác thưa thớt trong 11 Giáo xứ, với 13.799 giáo dân.
25.        - H. Lúc thành lập, thực trạng của Giáo phận Phú Cường như thế nào?
-  T. Ngày 12/11/1966, Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên chính thức nhận Giáo phận mới, với thực tại qua những số liệu được ghi nhận như sau:
- 43 Linh mục phục vụ
- Số giáo dân 51.488 người trên tổng số dân là 715.000 người (chiếm 7,2%)
- 6 Giáo hạt: Phú Cường, Tây Ninh, Tha La, Lạc An, Bình Long, Phước Thành.
- 39 họ đạo có Cha sở hiện diện,
- 106 thánh đường lớn nhỏ
26.        - H. Đức Cha Giuse, Giám mục tiên khởi đã xây dựng cơ sở vật chất như thế nào?
-  T. Ngài đã chỉ đạo cho Cha Antôn Phùng Thành, Quản lý Giáo phận, bắt tay ngay vào việc xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết cho sinh hoạt Giáo phận:
1) Khởi công và hoàn thành việc xây dựng Tiểu Chủng viện Thánh Giuse (1966-1969), tại Gò Cầy.
2) Xây dựng trường Thánh Giuse (03/7/1967).
3) Thành lập Trung Tâm Bác Ái Lái Thiêu (19/3/1968).
4) Khánh thành Trụ Sở Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang tại Phú Cường (16/02/1972).
5) Chấp nhận và hỗ trợ Hội Thừa Sai Việt Nam đặt Trụ Sở tại Trung Tâm Bác Ái Lái Thiêu (1972)
6) Khánh thành Tòa Giám Mục Phú Cường (28/01/1972)
7) Khởi công và hoàn thành việc xây dựng Đệ tử viện Truyền giáo, tức Tu viện Lời Chúa (01/1971 – 06/01/1974)
27.        - H. Về tinh thần, Đức Cha Giuse đã tổ chức sinh hoạt Giáo phận ra sao?
-  T. Năm 1965 là Năm bế mạc Công đồng Vatinanô II, cũng là Năm Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Phú Cường, vì thế Đức Cha Giuse đã tổ chức sinh hoạt Giáo phận theo tinh thần và đường hướng của Công đồng chung Vaticanô II.
1) Tổ chức học tập Văn kiện Công đồng Vaticanô II trong toàn Giáo phận.
2) Trong cuộc Tĩnh Tâm Linh Mục Tháng 5/1966, Đức Cha Giuse đã đưa ra những quyết định:
- Đề cử Linh mục Tổng Đại diện,
- Thành lập Hội đồng Tư Vấn,
- Sửa đổi ranh giới các Giáo hạt,
- Tổ chức Ủy ban đặc trách Công Giáo Tiến hành,
- Đề cử Giám Đốc Caritas Giáo phận,
- Quyết định thành lập Tòa án Hôn Phối.
3) Với cuộc họp mang tính định hướng chung này, dần dần các cơ chế tổ chức được hình thành:
- Thành lập Hội Linh mục tương tế (07/4/1970)
- Chấp nhận Dòng Con Đức Mẹ Russeykeo từ Cambodia đến thiết lập Nhà Mẹ và hoạt động tại Giáo phận Phú Cường (02/7/1970)
- Thành lập Hội đồng Linh Mục Giáo phận (14/01/1971)
- Thành lập Ủy Ban Truyền Giáo (15/01/1971)
- Chính thức thành lập Tòa Án Giáo phận (01/3/1971)
- Đại hội các Ban Hành Giáo và Quới chức các Họ đạo để thống nhất Quy chế Hội Đồng Giáo xứ cho Giáo phận (14/12/1971).
- Đại hội Giáo dục Công giáo Giáo phận: thống nhất đường hướng và hoạt động Giáo dục Học đường theo tinh thần Kitô giáo (29/9/1973)
- Chính thức thiết lập Tu sĩ Truyền bá Phúc Âm, tức Tu Hội Lời Chúa: 1972
- Thiết lập Hội đồng Giáo hạt: 1973
- Thành lập Hội đồng Giáo dân Giáo phận: 10/3/1974
- Thành lập Hội đồng Mục vụ Giáo phận: 14/3/1974
28.        - H. Cho đến ngày 30/4/1975, tình trạng Giáo phận Phú Cường ra sao?
-  T. Cho đến ngày 30/4/1975, Giáo phận Phú Cường được thoáng nhìn với một số liệu như sau: Giáo phận có 50.494 giáo dân trên tổng dân số 887.056 người, 49 Giáo xứ, 7 Giáo hạt, 58 linh mục triều và dòng, 30 đại chủng sinh, 35 nam tu sĩ, 171 nữ tu sĩ, 50 trường trung tiểu học, 13 cơ sở từ thiện bác ái.
29.        - H. Cộng tác với Đức Cha Giuse cai quản Giáo phận Phú Cường, còn có Giám Mục nào không?
-  T. Năm 1976, Đức Cha Giacôbê Huỳnh Văn Của được tấn phong làm Giám mục phó Giáo phận, nhưng sau đó vì bị bệnh nên Ngài đã sớm nghỉ hưu từ năm 1979, rồi sang Pháp điều trị và đã qua đời năm 1995 tại Nice (Pháp)
Năm 1982, Đức Cha Louis Hà Kim Danh được Tòa Thánh đặt làm Giám mục phó Giáo phận Phú Cường. Tháng 6/1993, Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên được nghỉ hưu sau 28 năm cai quản Giáo phận và Đức Cha Louis Hà Kim Danh Kế vị làm Giám mục Chánh tòa. Với tuổi cao, sức yếu, ngài đã từ trần ngày 22/02/1995 và Giáo phận Phú Cường trống tòa gần 4 năm. Trong thời gian này, Cha Micae Lê Văn Khâm làm Giám Quản Giáo phận.
30.        - H. Sau thời gian trống tòa, tình trạng Giáo phận Phú Cường thế nào?
-  T. Ngày 05/11/1998, Cha Phêrô Trần Đình Tứ được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phú Cường. Sau khi thụ phong Giám mục ngày 06/01/1999 tại Rôma do chính Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tấn phong, ngài về cai quản Giáo phận ngày 26/01/1999.
Đầu năm 1999, Giáo phận Phú Cường có:
-  63 Linh mục.
-  Số giáo dân 94.166 trên tổng số dân là 1.948.510 người (tỷ số công giáo là 4,8%)
-  Số Phó tế: 10; Đại chủng sinh: 29, Số Thầy giúp xứ: 21; Tu sĩ nam nữ: 207; Thành viên HĐGX: 616; Giáo lý viên: 520.
-  Giáo hạt: 7 (Phú Cường, Tây Ninh, Tha La, Củ Chi, Lạc An, Phước Thành, Bình Long)
-  Giáo xứ: 53; Giáo họ: 14; Giáo điểm: 21

31.        - H. Đức Cha Phêrô đã bắt đầu thi hành sứ vụ Giám mục của mình ra sao?
-  T. Đức Tân Giám mục đã nhanh nhẹn bắt tay vào việc củng cố lại cơ cấu tổ chức và đề ra đường hướng mục vụ chung.
1) Duyệt xét lại và cắt đặt các linh mục đảm nhận các chức vụ: Linh mục Tổng Đại diện, Cha sở Nhà thờ Chánh tòa, Thư ký Tòa Giám mục, Quản lý Tòa Giám mục, Giám đốc Nhà chung, các Linh mục Hạt Trưởng.
2) Xác định lại nhân sự Ban Tư vấn, Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ. Ngài soạn thảo hai Quy chế Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ để hướng dẫn hoạt động của hai cơ chế  này.
3) Duyệt lại Quy chế Hội đồng Giáo xứ và đề ra chương trình huấn luyện thường xuyên các thành viên Hội Đồng Giáo xứ.
4) Đặt các Linh mục đặc trách các Giới (Giới Cao tuổi, Gia trưởng, Hiền mẫu, Giới trẻ, Thiếu nhi), các Hội đoàn (Đạo binh Đức Mẹ, Huynh đoàn Giáo dân Đaminh, Phan Sinh tại thế, Carmêlô, Khôi Bình, Cursillô)
5) Chọn cơ sở Nhà Chung làm trung tâm sinh hoạt: Tĩnh tâm và thường huấn các Linh mục, sinh hoạt các Giới, các Đoàn thể, các Phong trào đạo đức họp mặt và trao đổi trong những hội nghị chuyên đề.
Chương trình sinh hoạt tôn giáo trong năm được đăng ký cho Chính Quyền trước để được xét duyệt và chấp thuận cho thi hành.
6) Đức Tân Giám mục để ý đến vấn đề huấn luyện: huấn luyện ứng sinh, thường huấn các Linh mục, huấn luyện thành viên Hội đồng Giáo xứ và các Giáo lý viên. Vì thế, tập Tĩnh tâm Linh mục hàng tháng được cải tiến và phong phú hóa thêm về nội dung, đặc biệt là bài Suy niệm, trang Mục vụ, trang Giáo lý và trang Loan báo Tin Mừng.
7) Để triển khai đường hướng mục vụ, ngài chỉ đạo cho Hội đồng Mục vụ phải lên chương trình cụ thể và giúp mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia thực hiện. Chính ngài hàng tháng đã ra Thư mục vụ gửi toàn thể dân Chúa trong Giáo phận, được đăng trong tờ Tĩnh Tâm Linh Mục, để động viên và hướng dẫn mọi tín hữu thực thi đường hướng mục vụ - truyền giáo chung.
8) Để phát triển các Giáo xứ mới, ngài theo tiến trình: thiết lập các Giáo điểm, hình thành các Giáo họ và tạo điều kiện để Giáo họ sớm trở thành Giáo xứ. Con số Giáo xứ mới tăng triển khá nhanh nên ngài thiết lập một đơn vị Giáo hạt mới: Giáo hạt Bến Cát.
9) Để đáp ứng nhu cầu nhân sự Linh mục cho các Giáo xứ mới thành lập, ngài chọn lựa và cử các Thầy giúp xứ gia nhập Giáo phận Phú Cường thời Đức cố Giám mục Lu-y Hà Kim Danh, đi học bổ sung Thần học tại Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang và dần dần giúp các Thầy tiến tới chức Linh mục.
10) Nhu cầu mục vụ và truyền giáo của Giáo phận Phú Cường rất lớn, Đức Cha Phêrô ngỏ lời mời gọi các Hội dòng, Tu hội bước vào mảnh đất Phú Cường, để cộng tác tham gia hoạt động. Cửa ngõ giúp các tu sĩ thâm nhập Giáo phận Phú Cường, là Giáo hạt Củ Chi. Giáo hạt Củ Chi mang một sắc thái đặc biệt: về hành chánh là một mảnh đất Huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng về tôn giáo lại là một đơn vị Giáo hạt thuộc Giáo phận Phú Cường.
Khi làm Giám mục Phú Cường, Đức Cha rất mong muốn, bên cạnh các cộng đoàn tu sĩ hoạt động tông đồ như cộng đoàn nữ tu Thánh Phaolô hoạt động xã hội tại Trung tâm điếc câm Lái Thiêu hay cộng đoàn nữ tu Thánh Vinhsơn Phaolô hoạt động xã hội tại Trại Phong Bến Sắn, Giáo phận Phú Cường nên có Cộng đoàn Dòng kín Cát Minh để cầu nguyện cho sinh hoạt của Giáo phận. Lòng mong ước của ngài cuối cùng đã trở nên hiện thực khi Đan viện Cát Minh Phú Cường được thành lập tại Giáo xứ Bến Sắn, Giáo phận Phú Cường.
32.        - H. Đức Cha Phêrô nghỉ hưu trong trường hợp nào?
-  T. Đến tuổi hưu theo quy định của Giáo luật, Đức Cha Phêrô đã đệ đơn lên Tòa Thánh và Tòa Thánh đã chấp thuận cho ngài nghỉ hưu từ ngày 30/6/2012.
33.        - H. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã tiếp nối Đức Cha Phêrô trong chức vụ Giám mục Chánh tòa Phú Cường như thế nào?
-  T. Đức Cha Giuse đã được Tòa Thánh chọn làm Giám mục Phó Giáo phận Phú Cường ngày 14/3/2011. Vì thế, ngày 30/6/2012, khi Tòa Thánh chấp thuận cho Đức Cha Phêrô nghỉ hưu, thì đương nhiên (Ipso facto) Đức Cha Giuse làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Phú Cường. Lễ nghi chuyển giao sứ vụ chính thức được tổ chức trong Thánh lễ Tạ ơn ngày 25/8/2012 tại Nhà Chung Giáo phận.
34.        - H. Công việc đầu tiên Đức Cha Giuse phải thực hiện cho Giáo phận là gì?
-  T. Đó là chuẩn bị cho Giáo phận mừng Kim Khánh thành lập Giáo phận.
35.        - H. Chương trình chuẩn bị mừng Kim Khánh Giáo phận được diễn tiến thế nào?
-  T. Việc chuẩn bị được thực hiện trong ba năm, theo tiến trình suy tư và tìm hiểu về Giáo hội-Giáo phận: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – và Sứ Vụ.
Cụ thể, chương trình chuẩn bị được dàn trải trong ba năm như sau:
-       Năm 2013: Về nguồn.
-       Năm 2014: Sống hiệp thông.
-       Năm 2015: Tân Phúc Âm hóa gia đình con cái Thiên Chúa.
36.        - H. Trong Năm Về nguồn, Giáo phận đã làm gì?
-  T. Giáo phận được mời gọi tìm hiểu về thực thể thiêng liêng của mình dưới ánh sáng Hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II. Theo đó, Giáo hội được coi là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Chúa Kitô, là Đền thờ Chúa Thánh Thần.
36b. - H. Khi tự giới thiệu mình là Dân Thiên Chúa, Giáo hội muốn nói lên điều gì?
-  T. Khi tự giới thiệu mình như là Dân Thiên Chúa, Giáo hội muốn khẳng định mình là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và thiết lập qua giao ước mới và vĩnh cửu trong máu Đức Kitô.
37.        - H. Là Dân của giao ước mới, Giáo hội có những đặc điểm nào?
-  T. Là Dân của giao ước mới, Giáo hội có những đặc điểm này:
- Một là có thủ lãnh là Đức Kitô,
- Hai là có được phẩm giá và tự do của những người con Thiên Chúa,
- Ba là có điều răn mới là yêu thương như Đức Kitô,
- Bốn là có sứ mạng trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian,
- Và năm là có định mệnh gắn liền với Nước Trời.
38.        - H. Chúng ta gia nhập Giáo hội bằng cách nào?
-  T. Chúng ta gia nhập Giáo hội nhờ lòng tin vào Đức Kitô và nhờ phép Rửa tội.
39.        - H. Khi gia nhập Giáo hội, chúng ta được tham dự vào những chức vụ nào của Đức Kitô?
-  T. Chúng ta được tham dự vào những chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Đức Kitô.
40.        - H. Đâu là phẩm giá và quyền căn bản của người Kitô hữu?
-  T. Phẩm giá và quyền căn bản của người Kitô hữu là được làm con cái Thiên Chúa và được hưởng tự do của người con.
41.        - H. Khi tự giới thiệu mình là Thân Thể Chúa Kitô, Giáo hội xác tín điều gì?
-  T. Khi tự giới thiệu mình là Thân Thể Chúa Kitô, Giáo hội xác tín rằng mình có nhiều chi thể mà vẫn là một thân thể duy nhất, nhờ liên kết với Đầu là Chúa Kitô.
42.        - H. Với tư cách là Đầu, Chúa Kitô làm gì cho Giáo hội?
-  T. Chúa Kitô làm cho Giáo hội sống động và hài hòa, nghĩa là Ngài không chỉ ban cho Giáo hội muôn vàn ân sủng mà còn phối hợp các chức năng cũng như tác vụ trong Giáo hội với nhau để làm cho toàn thân được lớn lên và tăng trưởng.
43.        - H. Là Thân Thể Chúa Kitô, Giáo hội phải làm gì?
-  T. Giáo hội tùng phục Chúa Kitô theo nghĩa luôn để cho Ngài tác động và hướng dẫn.
44.        - H. Để trở nên phần tử sống động của Giáo hội, trước tiên chúng ta phải làm gì?
-  T. Trước tiên, chúng ta phải liên kết với Chúa Kitô; nhờ đó, liên kết với nhau.
45.        - H. Chúa Kitô đã làm những gì để liên kết Giáo hội và sự sống của Ngài?
-  T. Chúa Kitô đã yêu thương và hiến mình cho Giáo hội.
46.        - H. Khi tự giới thiệu mình là Đền thờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội xác tín điều gì?
-  T. Khi tự giới thiệu mình là Đên thờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội xác tín Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội, là nguyên lý vô hình liên kết mọi chi thể với nhau và với Đầu.
47.        - H. Chúa Thánh Thần xây dựng Giáo hội bằng cách nào?
-  T. Chúa Thánh Thần xây dựng Giáo hội bằng Lời Thiên Chúa và Đức Ái của Tin Mừng.
48.        - H. Chúa Thánh Thần canh tân và phát triển Giáo hội bằng cách nào?
-  T. Chúa Thánh Thần canh tân và phát triển Giáo Hội bằng các ân sủng và bí tích, bằng các nhân đức và đặc sủng.
49.        - H. Chúa Thánh Thần thúc giục Giáo Hội làm gì?
-  T. Chúa Thánh Thần không ngừng thúc đẩy Giáo hội truyền giáo, đến nỗi lòng nhiệt thành truyền giáo được xem là dấu chỉ của việc Chúa Thánh Thần thực sự hiện diện trong Giáo hội.
50.        - H. Chúng ta phải làm gì để xây dựng Giáo hội như là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần?
-  T. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa dùng chúng ta như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và để Ngài đặt chúng ta làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Ngài, nhờ Đức Giêsu Kitô (x.1Pr 2, 5).
51.        - H. Sau 50 năm hiện diện và hoạt động, hiện tình của Giáo phận Phú Cường thế nào?
-  T. Hiện tình của Giáo phận Phú Cường năm 2015 qua vài con số tiêu biểu sau đây:
-       Số linh mục: 131 linh mục Triều và 27 linh mục Dòng
-       Số Giáo dân: 156.165 người trên tổng số dân là 3.278.258 người.
-       Số Tu sĩ: 1047 nam nữ Tu sĩ thuộc hơn 100 cộng đoàn của 52 Hội dòng và Tu hội khác nhau.
-       Giáo hạt: 7; Giáo Xứ: 103; Giáo họ: 6; Giáo điểm: 14.
52.        - H. Từ ngày thành lập Giáo phận đến nay, Giáo phận có bao nhiêu vị Chủ chăn?
-  T. Các vị Chủ chăn đã liên tiếp cai quản Giáo phận:
1.    Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên  
-  Giám mục tiên khởi.
-  Sinh ngày: 02/05/1907
-  Thụ Phong Linh mục: 17/03/1934
-  Thụ phong Giám mục: 06/01/1966
-  Qua đời: 15/02/1997
-  Khẩu hiệu: “Ơn Chúa ở cùng tôi”.
2.    Đức Cha Giacôbê Huỳnh Văn Của
-  Giám mục Phó.
-  Sinh ngày : 01/11/1915               
-  Thụ phong Linh mục: 20/09/1941
-  Thụ phong Giám mục: 22/02/1976
-  Qua đời tại Nice, Pháp: 09/01/1995
-  Khẩu hiệu: “Vua trên các vua, Chúa trên các Chúa”.
3.    Đức Cha Lu-y Hà Kim Danh
-  Giám mục phó: 1982 - 1993
-  Giám mục Chánh tòa: 1993 - 1995
-  Sinh ngày: 21/06/1913
-  Thụ phong Linh mục: 12/03/1940
-  Thụ phong Giám mục: 10/10/1982
-  Qua đời: 22/02/1995
-  Khẩu hiệu: “Kiên nhẫn thắng mọi sự”.
4.    Cha Micae Lê Văn Khâm
-  Sinh ngày: 01/04/1939
-  Thụ phong Linh mục:14/05/1968
-  Giám Quản Giáo phận
  (23/01/1995 - 05/03/1999)
5.    Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ
-  Giám Mục Phú Cường.
-  Sinh ngày: 02/03/1937
-  Thụ phong Linh mục: 29/04/1965
-  Thụ phong Giám mục: 06/01/1999
-  Khẩu hiệu: “Yêu rồi làm” (Augustinô)
-  Nghỉ hưu: 30/06/2012

6.    Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
-  Giám mục Phó: 14/03/2011 - 30/06/2012
-  Giám Mục Chánh tòa: 30/06/2012…
-  Sinh ngày: 22/09/1958
-  Thụ phong Linh mục: 04/04/1991
-  Thụ phong Giám mục: 14/03/2011
-  Khẩu hiệu: “Ngài phải lớn lên”
Rounded Rectangle: 2. NỘI DUNG VỀ MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
 




53.        - H. Nội dung thứ hai mà chủ đề Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận Phú Cường gợi lên là gì?
-  T. Đó là sống Mầu nhiệm Thánh Thể.
54.        - H. Văn kiện nào giúp chúng ta học hỏi và đào sâu để sống Mầu nhiệm Thánh Thể?
-  T. Giáo phận đã chọn Thông điệp “Giáo hội từ Bí tích Thánh Thể” của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ban hành ngày 17/4/2003.
55.        - H. Thử nhìn sơ qua chủ đề của Thông điệp về Thánh Thể này?
-  T. Thông điệp cuối cùng của Đức Gioan-Phaolô II gửi cho toàn thể Giáo hội bàn về một chủ đề mà ngài hết sức quan tâm: “Giáo hội sống nhờ Thánh Thể”. Giáo hội sống Thánh Thể hằng ngày. Không có Thánh Thể, Giáo hội không còn nhận ra sự nghèo nàn của mình nữa. Đức Giáo hoàng đã làm vang lên mục đích và tựa đề Thông điệp của ngài, khi ngài viết:
“Mọi dấn thân hướng đến sự thánh thiện, mọi hành động nhắm đến việc thực thi sứ vụ của Giáo hội, mọi thể hiện các chương trình mục vụ, phải kín múc trong mầu nhiệm Thánh Thể sức mạnh cần thiết và hướng đến Thánh Thể như hướng tới đỉnh điểm. Trong Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu, có hy tế cứu độ của Ngài, sự phục sinh của Ngài, chúng ta có ân ban của Thánh Thần… Nếu ta coi thường Thánh Thể, làm sao ta có thể mang đến phương thức chữa trị cho tình trạng nghèo nàn của chúng ta!”
56.        - H. Đâu là những mục tiêu Thông điệp nhắm đến?
-  T. Đức Giáo hoàng đã diễn tả cách rõ ràng:
-  Cần khơi dậy giữa lòng Giáo hội thái độ chiêm ngắm Thánh Thể mà chính ngài luôn thể hiện đối với Bí tích này.
-  Cần hướng dẫn toàn thể Giáo hội thực hiện một suy tư Thánh Thể.
-  Cần để ý đến những bóng tối và những lạm dụng liên hệ đến việc cử hành Thánh Thể.
57.        - H. Nội dung bố cục của Thông điệp là gì?
-  T. Thông điệp gồm một Nhập đề và sáu chương.
58.        - H. Phần Nhập đề nói lên điều gì?
-  T. Phần Nhập đề đề cập đến những lý do chính yếu, giúp chúng ta quả quyết rằng: “Giáo hội sống nhờ Thánh Thể”. Và Đức Giáo hoàng không ngần ngại quả quyết: “Thánh Thể là ân ban quý giá nhất Giáo hội có thể lãnh nhận trong hành trình của mình suốt dòng lịch sử.
59.        - H. Chương I diễn tả những gì?
-  T. Chương I có tựa đề là Mầu nhiệm Đức tin. Tài liệu lôi kéo ta chú ý đến sự hiện diện cách bản thể của Đức Kitô hằng sống và sự phục sinh trở nên bánh ban sự sống. Nên ghi nhận rằng Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của Thánh Thể.
60.        - H. Chương II của Thông điệp bàn đến điều gì?
-  T. Chương II có tựa đề là: “Thánh Thể xây dựng Giáo hội”. Xây dựng Giáo hội vì hai lý do chính yếu: một là, mọi Kitô hữu tham dự Thánh Thể để tăng cường sự kết hợp của mình với Chúa Kitô; hai là: Giáo hội lãnh nhận từ Thánh Thể những sinh lực cần thiết để chu toàn sứ vụ của mình.
61.        - H. Chương III của Thông điệp đề cập đến điều gì?
-  T. Chương III có tựa đề là “Đặc tính tông truyền của bí tích Thánh Thể”. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải có sự hiện diện của một linh mục để Thánh Thể được cử hành cách thành sự.
62.        - H. Chương IV của Thông điệp triển khai những gì?
-  T. Chương IV có tựa đề là  “Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo hội”. Thánh Thể không phải là điểm xuất phát của sự hiệp thông Giáo hội. Sự hiệp thông Giáo hội vẫn có sẵn. Cần phải hiệp thông với nhau để được mời gọi sống hiệp thông với Thân Thể của Đức Kitô.
63.        - H. Chương V của Thông điệp trình bày những gì?
-  T. Chương V có tựa đề là “Phẩm giá của việc cử hành Thánh Thể”. Đức Giáo hoàng mời gọi khám phá lại những chuẩn mực phụng vụ, để Thánh Thể được cử hành trong một bối cảnh xứng hợp với mầu nhiệm cao cả này.
64.        - H. Chương VI của Thông điệp nói đến điều gì?
-  T. Chương VI có tựa đề là “Nơi trường học Đức Maria”. Mối tương quan giữa Đức Maria và Thánh Thể được giới thiệu cách khéo léo. Đức Giáo hoàng mời gọi đọc lại Kinh Magnificat trong một viễn tượng Thánh Thể và giới thiệu Đức Maria dưới chân thập giá như kiểu mẫu kết hợp với hy tế của Đức Kitô.
65.        - H. Có thể đưa ra những ghi nhận nào về Thông điệp này không?
-  T. Có một số ghi nhận sau đây được nêu lên, đó là:
-  Có tiếng nói cho rằng, văn kiện này không mang lại điều gì mới mẻ để hiểu biết Thánh Thể. Thật sự, đó không phải là hướng nhắm của ngài. Ý định của Đức Gioan-Phaolô II là mời gọi suy tư về những yếu tố cơ bản của mầu nhiệm này.
-  Thứ đến, một số người e ngại, Thông điệp này có thể làm ngừng giảm những nỗ lực đang được thực hiện trong phong trào Đại Kết. Nhưng đó không phải là ý định của Đức Giáo hoàng, vì ngài luôn tái khẳng định “ước muốn tha thiết của ngài là cử hành Thánh Thể duy nhất cùng với các anh em mình trong các Giáo hội khác”.
-  Tiếp theo, nếu phải giữ lại một câu duy nhất để nói lên điều cốt yếu trong sứ điệp của Thông điệp này, thì có lẽ nên chọn câu sau đây: “Nơi Thánh Thể luôn hiện hữu kho tàng của Giáo hội, trái tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức”.
-  Vì vậy, Thông điệp này đáng được đọc cách trọn vẹn và chậm rãi. Một số người sẽ thấy việc đọc này khó khăn, nhưng nếu họ kiên trì trong những nỗ lực của mình, họ sẽ nhận được phần thưởng.
66.        - H. Bàn về Bí tích Thánh Thể hiện nay, người ta thường nhắm đến những điểm chính yếu nào?
-  T. Đó là hai điểm chính yếu sau đây:
-  Một là: Bản chất và ý nghĩa của Thánh Thể,
-  Hai là: Ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Thể.
67. - H. Cách chung, ta thường diễn tả bí tích Thánh Thể như thế nào?
-  T. Có thể đưa ra ba cách nhìn tiêu biểu về Thánh Thể sau đây:
-  Một là: “Thánh Thể là ân ban Đức Giêsu-Kitô tặng trao cho ta Mình Máu Ngài, Linh hồn và Thần Tính Ngài dưới hình bánh và rượu. Ngài che giấu vinh quang vô biên của Ngài, vẻ đẹp và uy quyền của Ngài nơi bí tích Thánh Thể, bởi lẽ Ngài muốn chúng ta đến với Ngài trong đức tin và chúng ta yêu mến Ngài chỉ vì Ngài. Thánh Thể thật sự là “Mầu nhiệm gồm tóm mọi điều kỳ diệu Thiên Chúa thể hiện để cứu độ chúng ta” (x.Thánh Tôma Aquinô, về Bí tích Thánh Thể, chương I).
-  Hai là: trong Tông huấn “Bí tích Tình yêu” số 1, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã diễn tả:
-  “Bí tích Tình yêu, Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Ngài mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này đã bầy tỏ được tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x.Ga 15, 13). Vâng, Chúa Giêsu đã yêu thương kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13, 1). Với cách diễn tả này, tác giả Tin Mừng hướng chúng ta vào cử chỉ tự hạ tuyệt đối Chúa Giêsu đã thực hiện. Trước khi chết trên thập giá, Ngài đã lấy khăn thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Ngài. Tâm hồn các tông đồ phải sửng sốt biết bao trước cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc biết bao!
-  Ba là: Trong Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” (Giáo hội từ Bí tích Thánh Thể) số 61, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết:
-  “Mầu  nhiệm Thánh Thể, - hy tế, hiện diện, bữa tiệc – không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ… Kho tàng Bí tích Thánh Thể mà Chúa đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta, thúc đẩy chúng ta đi đến mục tiêu là chia sẻ toàn vẹn kho tàng ấy với tất cả anh em đã được liên kết với chúng ta trong cùng một Bí tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên, để đừng lãng phí kho tàng quý báu như thế, phải tôn trọng những đòi buộc gắn liền với sự kiện đó là bí tích của sự hiệp thông trong đức tin và trong sự kế nhiệm các tông đồ.
68.        - H. Ta thường trình bầy về việc tôn thờ Thánh Thể ra sao?
-  T. Có những diễn tả sau đây:
-  Một là: Trong giờ kinh Truyền Tin ngày 28/8/2005, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Việc tôn thờ không phải là một thứ xa xỉ nhưng là một ưu đãi”
-  Hai là: Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong Thông điệp về Thánh Thể, số 25 đã viết: “Việc tôn sùng Thánh Thể mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo hội”
-  Ba là: Thánh Pierre-Julien Eymard cũng nói: “Việc tôn thờ Thánh Thể có đối tượng là ngôi vị Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Ngài luôn sống động, Ngài muốn chúng ta nói với Ngài và Ngài nói với chúng ta. Và cuộc trò chuyện này được thể hiện giữa linh hồn và Chúa chúng ta, đó là việc suy niệm Thánh Thể đích thực, đó là tôn thờ. Phúc thay linh hồn nào gặp được Chúa Giêsu trong Thánh Thể, và trong Thánh Thể gặp được mọi sự”
-  Bốn là: trong kinh Tin Kính (Credo), Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên xưng: “Đối với chúng ta đó là một bổn phận rất dịu dàng để tôn vinh và thờ lạy trong bánh thánh, mắt chúng ta nhìn thấy Ngôi lời nhập thể mà mắt thường không thể thấy, Đấng mà không cần rời bỏ Trời cao, vẫn có thể hiện diện trước chúng ta”
-  Năm là: Trong Tông huấn “Bí tích tình yêu”, số 66, Đức Giáo hoàng  Bênêđictô XVI đã quả quyết : Việc tôn thờ Thánh Thể nhằm chuẩn bị và kéo dài việc cử hành Thánh Thể hay Thánh lễ. Đức Giáo hoàng viết:
-  “Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến thăm chúng ta và khao khát trở nên một với chúng ta; chầu Thánh Thể đơn giản là hiệu quả tự nhiên của cử hành Thánh Thể , và chính Thánh Thể là hành vi thờ phượng tối cao của Hội thánh. Rước lễ là thờ lạy Đấng chúng ta đón nhận. Duy chỉ bằng cách này chúng ta trở nên một với Ngài, và một cách nào đó được ban cho thưởng nếm trước vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc. Hành động thờ lạy ngoài Thánh lễ kéo dài và làm sâu sắc thêm tất cả những gì diễn ra trong chính cử hành Thánh Thể”
-  -Sáu là: Đức Giám mục Henri Bernard trong Đại hội về việc tôn thờ Thánh Thể, tại Paray-le-Monial, năm 2006, đã phát biểu:
-  “Trong nhà tạm, Chúa Giêsu hiện diện với thái độ tôn thờ cao cả của Ngài đối với Chúa Cha, Ngài cũng muốn kết hợp tất cả chúng ta vào thái độ tôn thờ ấy. Chúa Giêsu để lại thái độ tôn thờ cao cả của Ngài cho Giáo hội… Tôn thờ, đó là hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp nhất của ta cho Chúa Cha; đó là phó mình cho Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu cho Chúa Cha. Chiêm niệm là một ân sủng của Chúa Cha, Đấng nhờ Con của Ngài lôi kéo chúng ta”
-  Bảy là: Cũng trong Đại hội này, Đức Tổng Giám mục Dominique Rey cũng bầy tỏ: “Tôn thờ là một hành vi bên trong, nhưng cũng mang tính truyền giáo và loan báo Tin Mừng. Đó không phải là hành vi biểu lộ rằng, thế giới đang có một trái tim và trái tim này đang rung nhịp yêu thương nhằm biến đổi mọi sự sao ?”
69.        - H. Chầu Thánh Thể liên tục là gì?
-  T. Đó là khi một Giáo xứ có một phòng nguyện mở 24 giờ trên 24 hay 7 ngày trên 7 với việc đặt Mình Thánh Chúa cách thường trực. Chầu Thánh Thể liên tục đơn thuần chỉ là thái độ đáp trả tình yêu Chúa Giêsu đối với chúng ta. Mọi giáo dân trong xứ được mời gọi dành một giờ trong tuần lễ để tôn thờ Thánh Thể: như thế, mọi người nam nữ sẽ cùng tạo nên một chuỗi cầu nguyện, tôn thờ, chuyển cầu liên tục cho Giáo hội và cho thế giới. Ngày nay, một số Giáo xứ sống sâu sắc cảm nghiệm về việc Chầu Thánh Thể liên tục này.
-  Tại Đại hội Thánh Thể tại Québec Canada, Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI đã mời gọi: “Khám phá lại việc chầu Thánh Thể do nhiều người thực hiện, là một việc rất đáng làm… Nhân loại rất cần Khám phá lại bí tích này, là nguồn mạch mọi hy vọng ! Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì mọi Giáo xứ mà ở đó, bên cạnh Thánh lễ, người ta còn giáo dục các tín hữu thực hiện việc tôn thờ này… Tôi mạnh mẽ đề nghị các vị mục tử của Giáo hội và toàn thể dân Chúa hãy thực hành việc tôn thờ Thánh Thể, cách cá nhân cũng như cộng đoàn”.
-  Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 67, ngài cũng viết: “Bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt trong những vùng tập trung dân cư, thiết lập những Nhà thờ hoặc Nhà Nguyện dành riêng cho việc Chầu Thánh Thể là điều thích đáng”
-  Trong Huấn Thị “Bí tích cứu độ” (Redemptionis sacramentum), số 140 cũng kêu gọi: “Tha thiết yêu cầu trong các thành phố hay ít ra trong những thành phố quan trọng nhất, Đức Giám mục Giáo phận chỉ định một Nhà thờ để chầu Chúa liên tục, tuy nhiên Thánh lễ vẫn luôn được cử hành tại đó, có thể hằng ngày”.
70.        - H. Trong Thông điệp “Giáo hội từ Thánh Thể”, Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc đến ba chiều kích nào của Thánh Thể ?
-  T. Đức Giáo hoàng đã viết: “Mầu nhiệm Thánh Thể, - hy tế, hiện diện, bữa tiệc - không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ” (số 61).
-  Vì vậy, việc cử hành này, vừa mang tính cộng đoàn vừa mang tính cá nhân theo ý nghĩa nó được sống trong ba chiều kích: hy tế trong Thánh lễ, bữa tiệc trong sự hiệp thông và hiện diện trong thái độ tôn thờ.
71.        - H. Ta có thể diễn tả ba chiều kích trên bằng một sơ đồ tiêu biểu không ?
-  T. Ta có thể diễn tả bằng một sơ đồ tiêu biểu sau đây: Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể tiếp tục trở nên Vị Mục Tử Nhân hậu cho chúng ta hôm nay: * Thánh Thể - Hy tế (Thánh Lễ), *Thánh Thể - Bữa tiệc (Hiệp Thông), *Thánh Thể - Hiện diện (Tôn thờ).
72.        - H. Thánh Thể - Hy Tế (Thánh Lễ) được diễn tả thế nào ?
-  T. Người chăn chiên che chở chiên mình khỏi mọi nguy hiểm hay những dã thú. Ngược với kẻ chăn thuê, người chăn chiên đích thực luôn hiến mạng sống mình cho chiên.
-  Chúa Giêsu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi cái chết muôn đời.
-  Trong mỗi Thánh lễ, ơn cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu trên thập giá, trở nên hiệu lực trong đời sống chúng ta.
73.        - H. Thánh Thể - Bữa tiệc (Thánh Lễ) được diễn tả ra sao ?
-  T. Người chăn chiên nuôi dưỡng chiên mình trong đồng cỏ xanh non
-  Chúa Giêsu nuôi dưỡng Dân Ngài bằng bánh, nhưng nhất là bằng Lời và bằng sự sống của Thiên Chúa.
-  Trong hiệp thông, Chúa Giêsu hiến mình làm lương thực trong Thánh Thể.
74.        - H. Thánh Thể - Hiện Diện (Tôn Thờ) được diễn tả như thế nào ?
-  T. Người chăn chiên dẫn đàn chiên của mình vào nơi an toàn.
-  Chúa Giêsu che chở con cái của mình và dẫn đưa họ hướng về Chúa Cha

-  Trong tôn thờ, Chúa Giêsu soi sáng, đốt nóng và biến đổi các tâm hồn.

Còn tiếp.