Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 22/10/2015

Filled under:

NÉM LỬA XUỐNG TRẦN
'Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!' (Lc 12,49)
Suy niệm: Lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su biết trước những đau khổ phải chịu, và Chúa sẽ phải chịu chết. Nhưng lòng Chúa vẫn nung nấu lửa yêu thương chúng ta. ‘Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên’. Chúa 'ném lửa' tình yêu để đẩy lui sự chia rẽ, lửa tha thứ để đẩy lui hận thù, lửa chân thật để đốt tiêu tan sự giả dối, lửa bừng sáng để đẩy lui bóng tối tội lỗi. Lửa Chúa ném vào tâm hồn chúng ta và Chúa mong ước đến cùng là lửa ấy bùng cháy. Lòng Chúa khắc khoải để truyền 'hết lửa' cho chúng ta cũng được đầy lửa, dù cái giá Chúa phải chịu là đón nhận một phép rửa cuối cùng, tức là hy sinh mạng sống của Chúa để cứu chúng ta.
Mời Bạn: Trong gia đình, nếu không có lửa tình yêu thì làm sao cha mẹ có động lực để tần tảo nuôi con, chăm sóc con từng ly từng tí, lo cho con chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bồng ẵm trên tay, nâng niu trên đầu gối. Trong Giáo hội, nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử đạo sẽ chẳng muốn đổ máu nữa. Hôm nay, Chúa đã ném lửa tình yêu của Chúa trong tôi và Chúa muốn tôi bùng cháy lửa tình yêu.
Chia sẻ: Làm thế nào để giữ lửa và bùng cháy lửa mà Chúa đã ném vào cõi lòng chúng ta?
Sống Lời Chúa: Chia sẻ niềm vui, hy vọng cho người mà bạn gặp gỡ là tiếp tay 'ném lửa' tình yêu của Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ném lửa tình yêu vào lòng chúng con, và Chúa luôn khắc khoải để lửa chúng con bùng cháy thành tình yêu nồng nàn đối với tha nhân. 
Thánh Phêrô ở Alcantara
(1499-1562)
Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy. Ngài từ trần một năm trước khi Công Đồng Triđentinô bế mạc.

Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Đại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngoài ra ngài là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.

Về phương diện ăn chay đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng: "Để chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara."

Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Đệ.

Là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.
Ngài được phong thánh năm 1669.

Lời Bàn
Sự khó nghèo là một phương tiện chứ không phải cùng đích của Thánh Phêrô Alcantara. Mục đích là theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết. Bất cứ gì cản trở con đường đó đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát.

Triết lý thụ hưởng của thời đại chúng ta -- giá trị của một người tùy thuộc những gì họ có -- sẽ thấy rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara thật khó khăn. Tuy nhiên, phương cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.

Lời Trích
"Tôi không ca ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu mến Đấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà chúng ta thi hành một cách máy móc; vì nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược lại, thì dường như tôi không có căn bản đức tin" (Thư của Thánh Phêrô Alcantara gửi cho Thánh Têrêsa Avila).