Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 17/10/2015

Filled under:

SỨC MẠNH CỦA TRUYỀN THÔNG
'Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.' (Lc 12,8)
Suy niệm: Chỉ mới đây thôi, người ta mới nhận ra rằng văn hoá cũng là một lãnh vực làm ăn có lời mà có khi lời rất đậm. Bằng chứng là tại nước ta các điểm kinh doanh về văn hoá (nhà sách, dịch vụ internet…) vẫn đua nhau mọc lên. Quả thật, không ai chối cãi sức mạnh của văn hoá qua các phương tiện truyền thông như sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền hình, internet, v.v... một sức mạnh xây dựng cũng nhiều mà huỷ diệt cũng khủng khiếp. Hơn lúc nào hết, sứ mạng tuyên xưng danh Chúa 'trước mặt thiên hạ' phải được đẩy mạnh bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Lời Chúa nghe được 'trong phòng kín' có thể được chuyển ngay tức khắc thành 'lời rao giảng trên mái nhà' mà ở mọi xó xỉnh xa xôi nhất trên thế giới đều có thể tiếp cận, truy cập được.
Mời Bạn: Người Ki-tô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô bằng chính cuộc sống của mình, điều đó đúng! Nhưng xin bạn đừng quên rằng nếu bạn không 'nói' gì và không dùng những phương tiện truyền thông hiện đại để 'nói' lên lời tuyên xưng của bạn, thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để loan báo Tin Mừng. Tệ hại hơn, bạn đang bỏ ngỏ cửa nhà bạn để những ảnh hưởng xấu ùa vào tác hại trên chính người thân của bạn.
Chia sẻ một sáng kiến phổ biến cho nhau cách nhanh nhất và hiệu quả nhất những chứng từ loan báo Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Điện thoại, gửi thư gửi email, vào mạng xã hội, để chia sẻ cho một người bạn một chứng từ sống đức tin mà bạn nhận được.
Cầu nguyện:  Đọc kinh Lạy Cha.

Thánh Ignatius ở Antioch
(c. 107?)
Sinh trưởng ở Syria, Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch. Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma.

Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Đức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo.

Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. "Điều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô ."

Lời ước của ngài đã được thể hiện, và Đức Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107.

Lời Bàn
Điều quan tâm lớn lao của Thánh Ignatius là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Lớn lao hơn nữa, là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Đức Giêsu Kitô. Không phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến Thánh Ignatius, nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa đã giữ vững ngài. Ngài biết cái giá của sự trung tín và không chối bỏ Đức Kitô, dù có phải mất mạng sống.

Lời Trích
"Cùng với các Giáo Hội của Thiên Chúa ở Smyrna, tôi chào mừng các bạn. Các giáo dân đã an ủi tôi trong mọi phương cách, cả về phần xác lẫn phần hồn. Xiềng xích tôi mang vì Đức Giêsu Kitô, như nài xin tôi hãy hân hoan trên con đường tiến đến Thiên Chúa, và tôi thúc giục các bạn: hãy kiên trì trong sự hoà thuận với nhau và trong sự cầu nguyện chung" (Ignatius Antioch, Thư Gửi Giáo Đoàn Tralles).
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa

Dưới từa đề "Lòng nhân từ cảm hóa", người ta thuật lại một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: "Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng tạ Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa".
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu cầụ Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút luị Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: "Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậụ Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôị Xin Ngài trả ơn cho cậu".
Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng triệu lời chào: "Kính Mừng Maria, đầy ơn phước". Nhưng, ước gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: "Ðức bà đi viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người". Mẹ Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm lại.