MẦM HY VỌNG TỪ GIAN LAO
Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “…Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân. (Ga 11,50-51)
Suy niệm: Sau khi Gia-cóp qua đời, các anh của ông Giu-se sợ ông trả thù, nên bối rối lo lắng. Biết điều đó, ông Giu-se nói với các anh: “Các anh định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân tộc đông đảo” (St 50,20). Thiên Chúa luôn can thiệp để những hành động độc dữ từ con người trở nên khí cụ cho chương trình của Ngài. Chẳng hạn, thay vì nói những lời nguyền rủa dân Chúa, thầy phù thủy Ba-la-am lại được Thiên Chúa uốn nắn nói những lời chúc lành. Và trong Tin Mừng hôm nay, quyết định của Cai-pha giết Chúa để toàn dân được sống trở nên lời tiên báo cho cái chết của Chúa thay cho toàn dân. Từ đó, chúng ta tin rằng, từ những điều xấu do con người gây nên, Chúa có đủ quyền năng hoá giải chúng trở nên điều lợi ích cho chúng ta.
Mời Bạn: Người ta thường than van trách móc Chúa vì không được như ý. Người ta cũng dễ dàng tìm cách báo thù những ai gây đau khổ cho mình. Người ta không tìm lợi ích từ những điều bất ý. Dân gian còn nhận biết “thất bại là mẹ thành công”, tại sao chúng ta không nhận ra những điều tốt từ những thử thách trong cuộc đời?
Sống Lời Chúa: Dâng những nhọc nhằn và thử thách hôm nay cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con rút tỉa được những điều lợi ích từ thánh giá Chúa và thập giá cuộc đời con. Xin cho con ngày càng yêu mến thánh giá.
CHÂN PHƯỚC GIULIANÔ, TU SĨ DÒNG THÁNH PHANXICÔ
(+ 1606)
(+ 1606)
Khi bè rối Canvanh (Calvin) nổi lên, ông Anrê người tỉnh Tôlôsa buộc lòng phải rời bỏ quê hương để khỏi mất đức tin vì những sai lạc của bè rối. Ông di cư tới miền Medina Coeli thuộc tỉnh Castilla và làm công cho một người chủ tiệm thuộc da tên là Antôni Cedillo. Ông chủ này vì cảm nết của Martinef nên đã lo cho người thợ của ông kết hôn với một cô gái miền Aquaviva tên là Catarina Guttierz cũng là người làm công trong nhà ông. Đó là lai lịch hai ông bà thân sinh của chân phước Giulianô.
Được cha mẹ đạo đức trông nom giáo dục, cậu sớm biểu lộ những xu hướng tốt lành: nhu mì, từ tốn, vâng lời; cậu biết lánh xa những bạn cùng tuổi để tìm vui sướng trong những giây phút yên lặng quỳ trước nhà chầu hay trong khi dự lễ. Được gửi đi học may tại nhà một người thợ may, cậu biết lợi dụng những thời giờ nhàn rỗi để tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Những lúc đó đôi mắt cậu đăm đăm tay chắp lại và vẻ mặt nghiêm trang sốt sắng như thiên thần. Vì có chí hướng muốn tu dòng, Giulianô cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng và bàn hỏi với cha giải tội. Ngài được mặc áo dòng thánh Phanxicôâ tại dòng các anh em đi chân không thuộc tỉnh dòng thánh Giuse, Giulianô vui sướng đến ngây ngất. Vì quá sốt sắng, ngay từ buổi đầu, Giulianô đã thực hành những việc hãm mình rất ghê sợ; và đó cũng là lý do khiến thầy phải trải qua nhiều gian nan điêu đứng. Các tu sĩ sợ rằng sự hãm mình nhiệm nhặt của thầy Giulianô là do một tinh thần ngông cuồng và cao hứng, hơn là kết quả của một tâm hồn đạo đức chín chắn, nên các thầy đã tước áo dòng của Giulianô và đuổi thầy về. Lòng ngao ngán nhưng vẫn một niềm tuân theo thánh ý Chúa, người thanh niên đó lui về miền Santôca gần tỉnh Tolêđô sống với nghề thợ may cũ. Tuy bận công việc làm ăn để sinh sống, nhưng Giulianô vẫn không sao nhãng một việc đạo đức nào. Nhiều lúc Giulianô bồi hồi luyến tiếc những ngày sốt sắng êm đềm xưa.
Sau biến cố đó ít lâu, cha Phanxicô Torrès dòng họ Phan có dịp đi kinh lý qua Santôca. Ngài nhận thấy lòng đạo đức thánh thiện của Giulianô hiện rõ trên nét mặt, nên cha tỏ ý mời thầy Giulianô làm bạn đường với mình trong các cuộc kinh lý, Giulianô nhận lời ngay vì thấy đó là dịp thuận tiện để làm tông đồ. Khoác tấm áo của một du khách, thầy theo gót nhà truyền giáo trên mọi nẻo đường. Mỗi khi vào xóm làng nào, thầy liền chạy rảo qua các đường ngõ, tay rung chuông kêu gọi mọi người tới ghe giảng. Nhiều người động lòng sốt sắng vì đức khiêm nhu và lòng đạo hạnh của thầy Giulianô. Nhưng lời Chúa phán vẫn còn ứng nghiệm: "Kẻ làm tiên tri không được trọng đãi nơi quê nhà". Vì thế một ngày kia, tại Mêđinô Caeli, các người đồng hương chỉ trích thầy là người điên dại. Thầy chỉ mỉm cười đáp lại một cách nhã nhặn rằng: "Vâng, các ông nói phải, tôi điên thật, nhưng là điên vì tình yêu Chúa mà thôi".
Trái lại, cha Torrès hiểu rõ tâm hồn thầy hơn ai hết; cha cảm phục đức tin chân thành của thầy Giulianô. Riêng thầy cũng vì tin tưởng cha, người mà thầy đã giãi bày cho hết nỗi niềm tâm sự và những ước mong của mình, nên thầy đã khẩn khoản xin cha can thiệp để thầy lại có thể trở về nhà tập như cũ. Dẫu sao, cha Torrès cũng không muốn xử sự một cách hồ đồ hấp tấp. Chỉ khi đã biết chắc chắn ơn thiên triệu đặc biệt của thầy, cha mới giới thiệu cho người con thiêng liêng của mình vào tu viện Đức Bà ở Salcêđa. Thỏa lòng mong ước, thầy Giulianô từ nay càng hăng hái hy sinh, gia tăng số ngày chay tịnh và sống nhiệm nhặt khắc khổ khác thường; mỗi ngày thầy lại sáng nghĩ ra một việc hãm mình đền tội mới. Một lần nữa, lòng nhiệt thành say sưa với đời sống khắc khổ ấy lại đưa thầy đến chỗ khổ tâm hơn. Cũng như lần trước, các tu sĩ lại tin rằng thầy bị loạn trí hay loạn óc. Họ lại tước áo dòng và mời thầy ra khỏi nhà.
Bị xử tệ một lần nữa như thế, thầy Giulianô cắn răng tự nhủ: "Tôi tin rằng tôi có ơn thiên triệu làm tu sĩ, với áo dòng hay không có cũng không hệ. Tôi nhất định sẽ là tu sĩ". Rồi thầy mặc áo người đời và lui về một quả núi gần tu viện để sống đời chiêm niệm và sám hối. Ngày ngày thầy đến trước cửa nhà dòng dậy giáo lý cho đám người nghèo khổ; cũng như thầy, họ đến để xin nhà dòng làm phúc. Sau khi nhận được mẩu bánh do thầy giữ cửa phân phát cho, thầy lại trở về chốn tịch liêu cũ. Có một ngày trên đường về, thầy gặp một người ăn mặc quá rách rưới. Động lòng thương xót, thầy cởi áo mình và mặc cho người đó. Hôm sau, thầy giữ của mỉa mai quở trách thầy: "Anh đã giầu có, vì có áo cho người khác rồi, còn đến đây làm gì nữa". Thây Giulianô chỉ trả lời nhã nhặn: "Thưa thầy, người nghèo khó đó cần chiếc áo đó hơn tôi". Thầy giữ cửa đem truyện thuật lại cho các tu sĩ nghe. Vì cảm nết tốt của Giulianô, các tu sĩ liền cho thầy một tấm áo cũ giống như chiếc áo của những người nhà tập. Để tỏ lòng biết ơn các tu sĩ, Giulianô đã tình nguyện đi lạc quyên giúp nhà dòng. Các người dân quê, vì tôn kính và mộ mến thầy như một vị thánh, nên ai nấy đều rộng tâm bố thí. Những của lạc quyên được thầy đều mang hết về cho thầy giữ cửa, chỉ giữ lại một mẩu bánh nhỏ để nuôi thân.
Dần dà các tu sĩ cảm động và thán phục đức xả kỷ anh hùng của thầy Giulianô. Một lần nữa các tu sĩ lại mở cửa để đón nhận Giulianô. Sau một năm nhà tập, thầy được chính thức gia nhập cộng đồng và làm lễ khấn dòng trọng thể. Một lần nữa được toại nguyêïn, thầy lại đem hết sức hăng hái để tiến tới trên đường trọn lành. Cha Torrès lại ngỏ ý cho thầy Giulianô theo mình. Cả nhà đều thoả thuận như ý cha và để thầy Giulianô theo cha. Đời sống của tu sĩ trẻ tuổi ấy thực đã nói lên cách hùng hồn hơn những bài giảng thuyết của cha Torrès; đôi khi Chúa cũng đặt trên môi miệng thầy những lời nói lạ lùng làm cho ai nghe cũng động lòng cảm phục. Thi hành nhiệm vụ xong, hai thầy trò lại trở về tu viện Acala.
Sau một thời gian, thầy Giulianô lại được cử đi Ocagna để giúp việc lạc quyên cho tu viện Đức Bà Là Sự Cậy Trông. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn rồi thầy lại trở về tu viện Acala sống những ngày còn lại một cách sốt sắng. Cuộc đời của thầy từ đây có thể nói là một chuỗi ngày chay tịnh. Đêm đến thầy ở lại nhà thờ; những lúc yên lặng ấy, thầy quỳ gối cầu nguyện không chán, vẻ mặt thầy sáng ngời và đẹp đẽ như thiên thần. Khi đi lạc quyên, thường tiện đâu thầy ngủ đấy; có khi thầy qua suốt đêm ở ngoài trời mặc cho thời tiết nóng nực hay lạnh lẽo. Thầy lấy roi đánh tội đến chảy máu mình. Càng khiêm tốn nhận mình tội lỗi bao nhiêu, lại càng làm khổ thân xác mình bấy nhiêu; thầy chỉ coi mình như một người khốn nạn hơn hết; bị người ta khinh chê nguyền rủa, thầy vui mừng chứ không hề mủi lòng, oán trách. Được đi lạc quyên như vậy, thầy lấy làm hứng thú vì được dịp để tập hãm mình và khinh chê. Vì lòng khiêm tốn thẳm sâu, đôi khi có làm phép lạ nào, thầy cũng thường cho rằng đó là Đức Mẹ hoặc một vị thánh nào đó đã làm.
Yêu Chúa thắm thiết, thầy cũng giầu lòng bác ái với tha nhân; thầy càng chuyên chú và lo lắng hơn đến linh hồn mọi người. Ngoài những lúc cầu nguyện cho người ngoại giáo, rối đạo và tội lỗi trở lại, thầy lại còn năng lấy lời ngon ngọt để khuyên nhủ họ. Nhờ lời ngài khuyên dụ, nhiều người Hồi giáo trở lại, một số đông kẻ tội lỗi cải tà qui chính, trong số đó có những phụ nữ xấu nết. Nhưng nhất là ngài đã kịch liệt phản đối những lối khiêu vũ mà ngài cho rằng đó là nguồn gốc mọi sự hỗn loạn, tội lỗi. Vì có uy tín và được mọi người kính nể yêu mến, nên nhiều khi ngài đã thành công trong việc ngăn cản hay phá đổ những cuộc khiêu vũ. Người ta cũng đã kể lại nhiều tích truyện chứng tỏ ngài có quyền sai khiến cả đối với những ác thú. Ngài chữa nhiều người tật bệnh nan trị được khỏi, hóa thức ăn cho ra nhiều, chặn đứng được ngọn lửa của đám cháy đang tung hoành. Ngài cũng được ơn nói tiên tri và biết sự kín: nhiều lần các giáo sư đại học Acala đến hỏi thầy Giulianô về nhiều vấn đề rất hóc búa, các giáo sư đều trở về và ai nấy ngạc nhiên hết sức vì những lời giải đáp thông thạo của thầy. Chúa còn ban thưởng cho thầy được hai đức tính rất quí là: đơn sơ và hồn nhiên vô tội; đó là hai nhân đức Chúa yêu cách riêng và nhờ đức tính đó các vị thánh có thể yên hàn ngả mình trong cánh tay Chúa toàn năng như đứa con thơ nép mình vào lòng cha vậy.
Cuối cùng, Chúa đã cho thầy biết ngày giờ giã thế của mình. Thầy chịu các phép sau hết với lòng sốt sắng gấp hai. Mặt thầy sáng hẳn lên như có phát hào quang. Mắt thầy từ từ nhắm lại và thầy lịm dần đi như một ngọn đèn hết dầu. Thầy từ trần ngày 8-4-1606.
Được tin thầy Giulianô qua đời, từ giáo sĩ, các giáo sư đại học cho đến cả những người giầu có và toàn dân ai ai cũng bùi ngùi thương nhớ. Họ chạy đến tu viện Acala để phúng viếng xác thầy dòng nhân đức ấy. Thi hài vị thánh được trưng bày trong 18 ngày để mọi người đến phúng viếng, rồi sau đó mới chôn cất. Một điều lạ, là trong thời gian đó, xác thánh vẫn không lộ một dấu vết hư thối nào, trái lại còn toả một mùi hương thơm ngát. Nhiều phép lạ xảy ra trong dịp này càng đặt thêm nền tảng vững chắc cho việc tôn kính thầy Giulianô như một vị thánh. Để xác nhận lòng sùng mộ của giáo dân đối với thầy, năm 1825 Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã phong thầy Giulianô lên bậc chân phước.
Cái Này Của Tôi
Hai hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng, nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:
"Ít ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ thường làm".
Ông kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi: "Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm! Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó, viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".
Nói xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:
"Viên đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại: "Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:
"À phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng không cần có đá để làm gì".
Nói xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được thành tựu như ý muốn.
Ngay từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Trẻ con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.
Trẻ con dùng lời vã cãi nhau, dùng thoi đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhaụ
Ngược lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên hai tiếng: Chia sẻ.
Ở Hoa Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa Chay, mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt ăn, bớt uống, bớt chi tiền vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền dành dụm đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu tế xã hội trong và ngoài nước.