Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 3: 31-36)
Khi ấy, chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Đấng từ trên cao mà đến thì trổi vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thất và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chịu chấp nhận. ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật, Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Chúa Cha yêu mến Chúa Con, nên đã ban mọi sự trong tay Chúa Con. ai tin vào Chúa Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Chúa Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa dè nặng trên người ấy”.
SUY NIỆM 1
Bài Tin Mừng hôm nay là lời giải thích của thánh Gioan tẩy giả cho những tranh luận giữa các môn đệ của mình và một người Do thái về việc do quyền bình nào mà Chúa Giêsu làm phép thanh tẩy. Vì đối với họ, thày Gioan được xem là một ngôn sứ, nên việc ông kêu gọi và làm phép rửa thanh tẩy cho những người đến với ông là chuyện rất bình thường. Trái lại, họ rất khó chịu khi chứng kiến việc Chúa Giêsu, người được xem ngang hàng với họ vì cũng đã đến nghe thầy Gioan giảng dậy và chịu phép rửa để sám hối như họ, nhưng giờ đây lại đứng ra làm phép rửa cho người khác. Nhân cơ hội ấy, Thánh Gioan không chỉ cho các môn đệ biết sứ vụ cao cả của mình đã đến hồi kết thúc, vì “người phải nổi bất lên, còn thầy phải lu mờ đi”, nhưng còn muốn nói cho các môn đệ biết về căn tính của Chúa Giêsu.
Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu tuy sinh ra là lớn lên trong thân phận đơn thường trong khung cảnh một gia đình Dothái như họ, nhưng ngài không đơn thuần giống như họ về thể lý. Trái lại, nơi con người Giêsu ấy lại chính là một Thiên Chúa, “Ðấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người.” Vì thế, lý trí tự nhiên của con người không thể lãnh hội và hiểu biết về Người.
Chúa Giêsu đến là để đem ân phúc của Thiên Chúa Cha cho mọi người. Ân Phúc ấy chính là ơn cứu độ con người. Ơn cứu độ ấy được trao ban qua phép thánh tẩy do Chúa Giêsu thiết lập. Vì thế, phép rửa của Chúa Giêsu thực hiện không đơn thuần chỉ là việc kêu gọi con người sám hối như chính Thánh Gioan đã làm, nhưng phép rửa ấy vượt trội hơn phép rửa của Gioan, vì có sức biến đổi và thánh hoá con người. Phép Rửa do chính Chúa Giêsu thức hiện làm cho con người được biến đổi thực sự. Từ những con người nô lệ cho tội lỗi và phải chết vì tội lỗi, phép rửa của Chúa Giêsu thực hiện đã biến đổi con người tội lỗi ấy nên con cái của Thiên Chúa, con cái của sự thánh thiện và con cái của sự sống, để được hưởng kiến cuộc sống ân phúc vĩnh cửu nơi Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu lòng xót thương.
Nhờ lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được biến đổi nên một con người mới với danh xưng là Kitô hữu, người thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ân ban cao cả này và hãy luôn cố gắng làm cho ân phúc này được triển nở mãi trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy dùng cuộc sống mình để làm chứng cho tình yêu mà Đức Kitô qua màu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh đã trao ban cho chúng ta, và ngài mong muốn chúng ta hãy làm cho tình yêu ấy được lan toả đến những người khác, những người chưa được lãnh nhận ơn thanh tẩy của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin khơi lại trong tân hồn con hồng ân cao quí của bí tích Rửa tội, để chúng con biết sống xứng đáng ơn gọi làm con của Chúa và nhất là ơn gọi của người làm chứng cho tình yêu của Chúa cho những người sống chung quanh con, nhất là những người chưa biết Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Mầu nhiệm Vượt Qua
Chúng ta đang ở trong Tuần II mùa Phục Sinh ; và chúng ta có thể nhận ra rằng, bắt đầu từ thứ hai cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe lại trong Thánh Lễ, gần như toàn bộ chương 3 của sách Tin Mừng theo thánh Gioan. Đó là một cuộc đối thoại dài giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô. Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao phải nghe lại những lời của Đức Giê-su, đã được Người nói từ lâu rồi, mãi ở giai đoạn đầu của cuộc sống công khai, trong khi chúng ta đang ở trong niềm vui của mùa Phục Sinh ?
Đó là bởi vì, trong cuộc đối thoại này, Đức Giê-su đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người rồi, nghĩa là cuộc thương khó dẫn đến cái chết và sự phục sinh ; và ngược lại, mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất và làm cho sáng tỏ không chỉ tất cả những gì Ngài đã nói và làm trước đó, nhưng kể cả mọi chuyện đã xẩy ra cho Ngài. Và trong những ngày này, chúng ta còn được mời gọi bởi chính Đức Ki-tô Phục Sinh nhận ra rằng, mầu nhiệm Vượt Qua làm sáng tỏ và hoàn tất mọi sự : sáng tạo và lịch sử, và qua đó cuộc đời của mọi người chúng ta.
- Ơn tái sinh
Vì thế, khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giê-su dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, sẽ giúp chúng ta biết chiêm ngắm cuộc đời của chúng ta, cuộc đời trọn vẹn chứ không phải chỉ một phần mà chúng ta nghĩ là « xứng đáng », dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.
Thậy vậy, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói về ơn tái sinh bởi Thần Khí (bài Tin Mừng của Thánh Lễ thứ hai). Nhưng để sinh lại, thì phải chết đi. Đó là cái chết chấm dứt một đời người, để « sinh lại » trong sự sống mới trong Thiên Chúa, cùng với Đức Ki-tô ; nhưng cũng là « cái chết » mỗi ngày, những « nỗi đau chết người » mỗi ngày, bởi Thánh Thần, để tái sinh và sống trong Thánh Thần, thay vì sống trong xác thịt và theo xác thịt.
Như thế, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày. Cũng giống như hạt lúa mì trong thiên nhiên, như dòng thời gian và sự luân phiên của các mùa, như tấm bánh (biểu tượng của lương thực) ở trên bàn ăn và như bánh Thánh Thể. Phải chấm dứt, phải chết đi để bắt đầu một giai đoạn mới, một cuộc đời mới. Cũng là như thế, đối với đời sống hàng ngày của chúng ta : chúng ta được mời gọi chết đi, để tái sinh bởi Thiên Chúa.
Nhưng trong thực tế, hành trình tái sinh khó khăn biết bao. Nhưng thực ra, đâu có cuộc sinh ra nào là dễ dàng đâu ; ngược lại, trước khi được sinh ra, người con đã phải được cưu mang lâu dài và đầy khó khăn và đớn đau. Và như chúng ta vẫn nói và nói rất đúng : mang nặng đẻ đau, tiếng khóc chào đời. Nhưng rốt cuộc, ơn tái sinh đâu phải là công việc của riêng chúng ta : đó là « ơn trên », là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm đáp lại lòng khát khao Thiên Chúa của chúng ta, khát khao sự sống mới đến từ Thiên Chúa.
- « Tin vào Người Con »
Chúng ta hãy trở lại bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, trong đó, Đức Giê-su đã nói về thái độ không tin phổ quát, đối với lời chứng và ngôi vị của Ngài rồi :
Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.
(c. 32)
Đó chính là điều đã xẩy ra trong cuộc hành trình rao giảng Nước Trời, và nhất là trong cuộc Thương Khó của Ngài. Và đó cũng là điều đã xẩy ra đối với các môn đệ đầu tiên mà sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta. Và đó cũng là điều đang xẩy ra cho chúng ta hôm nay. Thực vậy, trong thế giới và xã hội của chúng ta, chúng ta đang phải đối diện với thái độ không tin thật lớn lao đối với lời chứng Tin Mừng mà chúng ta đón nhận, sống và làm chứng. Thế mà, làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, cho mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, chính là sứ mạng của chúng ta, của mọi Ki-tô hữu, và nhất là của các tu sĩ nam nữ.
Có thể nói, đó cũng là khó khăn, trong đó, chúng ta được mời gọi « chết đi », bởi vì chúng ta không thấy rõ kết quả, không thấy rõ tương lai của những công việc tông đồ, của đời sống dâng hiến. Nhưng Thiên Chúa lại có quyền năng làm trào vọt ra sự sống, từ sự bất lực, nhỏ bé, yếu đối, giới hạn và « cái chết » của chúng ta, từ những hoàn cảnh tưởng như là vô vọng hay ngõ cụt. Đó chính là công trình của Đức Chúa, công trình vĩ đại của Đức Chúa trong lịch sử cứu độ, trong cuộc thương khó của Đức Ki-tô, trong lịch sử Giáo Hội. Và chúng ta được mời gọi trao ban lòng tin, như chính Đức Giê-su mời gọit :
Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.
(v. 35-36)
Không tin Thiên Chúa ban sự sống, thì tất yếu người ta sẽ làm việc cho sự chết, thuộc về sự chết. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (Kn 1, 16 – 2, 24). Và theo cách nói của Kinh Thánh, lựa chọn tự do này của con người, được gọi là « cơn thịnh nộ của Thiên Chúa » (x. Rm 1-2).
* * *
Xin cho sự sống mới của Đức Ki-tô phục sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự. Và vì là sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, và tái sinh chúng ta bởi Thánh Thần cho sự sống mới.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc