Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 25. 04.2017

Filled under:

CÓ CHÚA SONG HÀNH 
“Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông.” (Mc 16,20)
Suy niệm: Trong cuộc Khổ nạn, lúc Đức Giêsu bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-ni, chỉ có thánh Mác-cô kể lại chi tiết sau đây: “có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (14,51-52). Các nhà chú giải cho rằng tác giả nói về chính mình. Chàng thanh niên ấy sau này là môn đệ của thánh Phê-rô, cũng như là bạn đồng hành truyền giáo của Thánh Phao-lô và Ba-na-ba. Cảnh tượng Vườn Dầu đêm ấy đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời Mác-cô, để rồi từ một người nhát sợ, ông trở thành người rao giảng Chúa Giê-su Phục Sinh, đặc biệt qua việc viết cuốn Tin Mừng thứ hai. Thánh nhân được đặt làm giám mục Alexandria bên Ai Cập và chịu tử đạo tại đây.
Mời bạn: Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn đang hiện diện và hoạt động hằng ngày trong cuộc sống chúng ta, nhất là nơi những ai mở lòng đón nhận sứ điệp của Ngài. Phải chăng, bạn và tôi cần trút bỏ “tấm áo choàng” nhát đảm, thiếu niềm tin, hy vọng, yêu mến hay một thói quen không tốt, để bước đi trên con đường Khổ Nạn và Phục Sinh của Thầy Giê-su, của Thần Khí và Sự Thật?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành ít phút tĩnh lặng, cầu nguyện với Chúa, nhớ lại và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong đời mình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô.” Amen.
THÁNH MÁCCÔ THÁNH SỬ
(+ 64)
Phúc âm là cuốn sách gối đầu giường của hàng ngàn, triệu, người Kitô giáo, một cuốn sách chiếm kỷ lục về số xuất bản, số sách in cũng như số lượng người đọc; một cuốn sách đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới; một cuốn sách cần thiết và am hợp với hết mọi hạng người sang cũng như hèn, trí thức cũng như ngu dốt. Nói tóm lại Phúc âm là một cuốn Sách Thánh, một cuốn sách chứa đựng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa là tác giả thứ nhất.
Nhưng sở dĩ chúng ta có được bộ sách quý giá đó, một phần lớn là nhờ ở công lao sưu tầm và ghi chép lại của bốn vị thánh sử thời danh sống đồng thời với Chúa Giêsu. Một trong bốn thánh sử đó là thánh Máccô, tác giả Phúc âm thứ hai, và có lẽ cũng là chàng thanh niên đã chạy trốn bỏ mất cả quần áo trong khi Chúa bị bắt ở Vườn Dầu (Mc.14,51). Người ta quen vẽ hình ngài với tượng trưng sư tử là một trong bốn con vật tiên tri Êzêkiên đã xem thấy trong thị kiến mà các giáo phụ giải thích là tượng trưng bốn vị chép Phúc âm. Thánh nhân là người Do Thái thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa về trời, thánh Máccô đã cùng với thánh Phêrô qua giảng Phúc âm tại Rôma và đã chép Phúc âm tại đó.
Ngài luôn theo sát thánh Phêrô trên mọi nẻo đường, nên đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi yêu quý cách riêng. Quyết đoán trên được minh chứng đầy đủ trong thư thứ nhất của thánh Phêrô khi ngài viết: "Giáo hội đã được kén chọn ở Babilon (ám chỉ Rôma) và Máccô con ta gởi lời chào kính anh em". Với tài lợi khẩu, lại có trí thông minh hơn người, thánh Máccô đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi chọn làm tổng bí thư tại giáo đô Rôma.
Số người trở lại Rôma quá đông, không có tài liệu để họ học hỏi. Đồng thời họ ước ao có một bản chép đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế mà thánh Phêrô đã dầy công giảng dạy. Họ yêu cầu thánh Máccô chép lại thành chương mục mạch lạc về cuộc đời Chúa Giêsu. Để làm thỏa mãn nhu cầu cấp bách của các Kitô hữu ấy, thánh Máccô đã chép lại thành sách tất cả những điều ngài đã được hân hạnh nghe thánh Phêrô rao giảng về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Chính thánh Phêrô đã duyệt y và ban phép cho các giáo đoàn xem.
Vì nhu cầu truyền giáo cấp bách, thánh Máccô phải bỏ Rôma, từ biệt thầy quý mến để lên đường qua Ai Cập mang theo cả cuốn Phúc âm ngài đã dầy công sưu tầm và ghi chép. Ngài sung sướng đưa ánh sáng Phúc âm soi chiếu cho những người còn đang lần mò trong bóng tối sự chết, chưa nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chân thật. Thánh nhân rao giảng Phúc âm tại Cirêna, Pentapôli và nhiều thành khác. Nơi đây hạt giống Phúc âm do tay ngài gieo vãi cũng sinh rất nhiều hoa trái ngoài dự đoán của mọi người. Sau đó, thánh nhân qua giảng Phúc âm tại thành Alêxanđria và làm Giám mục tiên khởi của thành này. Ngài là vị sáng lập giáo đoàn Alêxanđria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và cuộc sống thánh thiện, thánh nhân đã lôi kéo được một số đông vô kể theo gương Chúa Giêsu. Họ sống một cuộc sống thánh thiện gương mẫu. Họ từ bỏ mọi của cải trần tục, góp chung lại để mọi người đều sẵn sàng cung cấp cho nhau những nhu cầu cần thiết. Cũng không ai giầu có phú quý, vì ai dư tiền của đều đem san sẻ cho người túng quẫn.
Nhờ gương sáng và lời giảng của thánh Máccô, các Kitô hữu thuộc giáo đoàn Alêxanđria tuy mới được hân hạnh nghe giảng về Chúa Kitô, nhưng họ đã biết sống cuộc sống của một người công giáo gương mẫu, hay nói đúng hơn, của một vị thánh. Họ say mê đọc kinh cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa Kitô. Họ say mê đến nỗi có ngày họ quên cả ăn uống cho tới khi mặt trời lặn mới ăn. Hoặc giả có ăn thì chỉ ăn bánh với muối và nước lã. Lối ăn mặc phục sức hết sức giản dị, đơn sơ, không trau chuốt như những người đương thời.
Theo lệ thường, những người đau mắt thường ghét ánh sáng, vì họ sợ ánh sáng làm mờ mắt họ. Cũng thế, những người lương dân sợ ánh sáng chói loà của đạo công giáo làm quáng mắt họ, thành thử họ tìm hết cách tiêu diệt nguồn phát sinh ánh sáng đó. Họ muốn giết thánh Máccô. Thánh nhân biết trước tất cả những gì sắp xẩy đến. Để đoàn chiên không lúc nào thiếu chủ chăn, ngài đã tuyển chọn Anian làm Giám mục kế vị ngài. Đồng thời thánh nhân cũng tuyển chọn một số linh mục và bẩy vị phụ tế để lo giúp việc Giáo đoàn. Cắt đặt xong đâu đấy, thánh Máccô bỏ Alêxanđria trở về Pentapôli thăm con chiên cũ. Thánh nhân lưu trú tại đây hai năm để củng cố đức tin các Kitô hữu, tuyển trạch nhiều linh mục, Giám mục để cai trị và săn sóc giáo đoàn. Xong việc, ngài lại trở về Alêxanđria. Nơi đây ngài được một niềm an ủi lớn lao vì ngài nhận thấy số Kitô hữu mỗi ngày một tăng.
Biết trước ngày giờ thánh Máccô trở về Alêxanđria, những lương dân xấu bụng quyết định thi hành thủ đoạn đã định trước. Ngày 24-4 nhằm ngày chủ nhật, ngày các Kitô hữu tụ tập đông đủ để tham dự thánh lễ do chính thánh Máccô cử hành. Hôm đó cũng là ngày lễ lương dân mừng thần Sêrapis rất trọng thể. Họ kéo tới thánh đường, nơi thánh Máccô đang hành lễ, và xông vào bắt thánh nhân. Họ tròng dây vào cổ ngài điệu đi kháp phố xá với mục đích bêu xấu thánh nhân.
Tuy nhiên, thánh Máccô vẫn tỏ mặt vui vẻ hớn hở, ngài lớn tiếng tạ ơn Thiên Chúa. Đến khi họ điệu ngài vào ngục thất, ban đêm, bỗng nhà tù tự nhiên rung chuyển, thiên thần Chúa hiện xuống nói: "Bạn Máccô thân mến, tên bạn đã được ghi vào sổ đời đời. Bạn đã được nhận vào sổ các vị tông đồ Chúa Giêsu, và muôn đời sẽ ghi nhớ công ơn bạn. Các thiên thần sẽ tiếp rước linh hồn bạn trên Thiên quốc, và xác bạn sẽ được tôn kính trên trái đất".
Quá sung sướng, Máccô giơ hai tay lên trời lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và khẩn khoản xin Chúa chấp nhận linh hồn ngài. Chính Chúa Giêsu đích thân hiện đến với thánh nhân và nói: "Máccô con thân mến, bằng yên cho con". Thánh Máccô trả lời: "Lạy Chúa Giêsu Kitô yêu dấu của con, con yêu mến Chúa".
Sáng hôm sau, bọn lý hình điệu thánh Máccô ra pháp trường. Chúng kéo lê thánh nhân trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Các Kitô hữu kín đáo đem xác thánh nhân đưa về an táng tại đại giáo đường thành Venitia. Thánh Máccô thánh sử được phúc tử đạo ngày 25-4-67.
Trước đây, trong ngày lễ kính thánh Máccô thánh sử, Giáo hội quen tổ chức cuộc kiệu cầu mùa, để xin cho khỏi ôn dịch, mất mùa, giặc giã, và cho mọi người được khỏe mạnh. Đồng thời cũng để cảm tạ Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho Giáo hội. Theo gương thánh Máccô trong những cơn gian nan khốn khó, chúng ta hãy chạy đến cùng Thiên Chúa với một lòng tin tưởng, vì Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ kẻ cậy trông Người.


Sư Tử Có Ðôi Cánh

Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.
Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
"Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".
Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".
Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.
Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnabạ
Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: "Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!
Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngàị
Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.