Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 26. 04.2017

Filled under:

TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI 
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật lạ lùng khôn tả: Ngài muốn mọi người được cứu độ, được sống dồi dào, được hạnh phúc muôn đời. Ngài yêu con người đến độ trao tặng cho con người món quà quý giá nhất là chính Con Một của mình. Người Con Một ấy, Đức Giê-su Ki-tô, tiếp tục yêu thương con người đến độ sẵn lòng hiến tặng điều quý báu nhất của mình là sự sống cho họ. Và để có được sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa tặng ban đó, con người phải đặt niềm tin vào Người Con Một ấy của Thiên Chúa. Vậy thì tin vào Đức Giê-su Ki-tô là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi, được sống đời đời. Tin là chấp nhận có Ngài hiện diện trong cuộc đời mình, sống như Ngài lời Ngài đã dạy và đã sống để làm gương cho ta.
Mời Bạn: Ơn cứu độ của Chúa Giê-su chính là được tha thứ tội lỗi, được tái sinh, được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, là có mối tương quan thân thiết với Ngài. Bạn hãy cảm tạ Chúa, yêu mến, tin tưởng nơi Ngài, không chỉ qua các nghi thức, nhưng còn bằng đời sống tốt lành, yêu thương mọi người, loan truyền Tin Mừng cứu độ để nhiều người cũng tin Chúa, được hạnh phúc đời đời.
Sống Lời Chúa: Tôi đón rước Chúa đến gặp mình một cách sốt sắng mỗi khi rước lễ, tin tưởng sâu sắc Người là Đấng ban ơn cứu độ cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con luôn kiên vững trong đức tin, tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Thiên Chúa, để con có được sự sống đời đời. Amen.
 THÁNH CLÊTÔ VÀ MACCELLINÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
THÁNH CLÊTÔ
(+88)
Thánh Clêtô (+88) Rất tiếc rằng lịch sử đã ghi lại rất ít về đời sống cũng như cuộc tử đạo của hai vị Giáo hoàng Clêtô và Marcellinô mà quý danh của các ngài vẫn còn ghi trong phần lễ quy của chúng ta ngày nay. Riêng về Đức Giáo Hoàng Clêtô, lịch sử chỉ để lại mấy dòng sơ lược như sau: Đức Clêtô (còn gọi là Đức Anaclêtô) là một trong những vị Giáo Hoàng của thời Giáo hội sơ khai (thế kỷ I). Ngài thuộc dòng giống người Rôma chính cống. Thân phụ ngài là ông Emilianô cũng là một nhân vâït có thế giá trong xã hội. Đức Clêtô sinh trưởng tại khu phố quý tộc ở Rôma, gần với tư dinh của thượng nghị sĩ Pudentê; đó là nơi mà thánh Tông đồ cả Phêrô xưa đã lưu trú ở đấy ít bữa.
Đức Clêtô cầm quyền cai trị Giáo hội được sáu năm, một tháng và 11 ngày, dưới đời các vua Vespasianô và Titô rồi được phúc tử đạo. Tuân theo lệnh truyền của thánh Phêrô, trong khoảng tháng 12, Đức Clêtô đã truyền chức cho 25 linh mục để bổ nhiệm trông coi địa sở trong thành Rôma. Ngày 26-4 thi hài ngài được mai táng gần bên mộ vị Giáo Hoàng tiên khởi, trong khu Vaticanô. Sau khi ngài từ trần, ngai toà thánh Phêrô phải bỏ trống trong thời gian 20 ngày mới lại có Giáo Hoàng lên thế vị. Đó là mấy dòng rất vắn tắt về tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Clêtô. Mong rằng thời gian và những công cuộc khảo cứu sẽ đem lại cho chúng ta nhiều chi tiết mới mẻ và xác thực hơn về đời sống vị thánh Giáo Hoàng.
-o0o-
THÁNH MÁCCELLINÔ
(+304)
Căn cứ vào tài liệu của bộ Giáo Hoàng thư (Liber pontificalis) người ta được biết : Đức Giáo Hoàng Maccenlinô cũng đã mang trong mình huyết thống của người Rôma. Thân phụ ngài là ông Projectô. Ngày 30-6-296, ngài lên ngôi Giáo Hoàng  kế vị Đức Caiô băng hà ngày 22-4 năm đó. Những bia tích cổ xưa nhất, mà gần đây các nhà khảo cổ học đã khám phá  được, còn cho biết : Đức Máccllinô cai trị Giáo hội được 8 năm, 3 tháng 25 ngày. Trong cuốn lịch sử Giáo hội VII, XXXII, sử gia Êusêbiô cũng đồng ý với ông Têôđôrê (lịch sử Giáo hội I,II), mà công nhận rằng một cơn bách hại đạo đã xẩy ra dưới đời Đức Máccellinô làm Giáo hoàng; và trong những ngày đen tối đó, Đức Máccellinô đã tỏ ra những tư cách xứng đáng của một vị chúa chiên. Ý kiến chung đều công nhận rằng ngài có tử đạo thật, nhưng bằng cách nào, như bị tra tấn, hành hình mà chết, hay chết mòn mỏi vì khổ cực trong lao tù thì không rõ. Các giáo hữu đã xin được xác ngài và mai táng ở chính nơi mà khi còn sinh thời ngài đã sửa soạn dành để cho mình, tức là một nơi thuộc tầng dưới hang toại đạo Priscilla. Ngài được an nghỉ trong một hầm mộ sáng sủa liền với phần mộ của vị tử đạo Crescentiô. Ba lần phong chức cử hành vào tháng 12, ngài đã đặt tay tấn phong cho bốn vị linh mục, hai thầy phụ tế và năm Giám mục để bổ nhiệm coi giữ các giáo đoàn, các địa sở mới thành lập. Trên đây là theo tài liệu trong cuốn Giáo hoàng thư. Thực ra về cuộc tử đạo của Đức Máccellinô, trải qua dòng lịch sử, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Thế kỷ thứ V, những người theo phái Donatô vì muốn giảm giá vị Giáo Hoàng, nên đã tố cáo ngài một cách gắt gao. Chẳng hạn như Pêtilianô, Giám mục thuộc phái Đônatô ở Côntantinôpôli đã quyết rằng Đức Máccllinô và các linh mục của ngài là Mintiađê, Marcelô. Sylvestrê, trong thời buổi bách đạo đã vứt bỏ Sách Thánh và đốt hương tế thần. Nhưng lời quyết đoán của ông không có những bằng chứng cụ thể và chắc chắn, nên thánh Âutinh đã bác bẻ lại một cách dễ dàng. Tuy nhiên người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy có hai câu chuyện đã dựa theo những điều Pêtiliên đã khởi xuớng mà cho rằng Đức Máccellinô có sa ngã, nhưng ngay sau đó ngài hối hận; ngài đến trình diện trước một cộng đồng có đông các Giám mục, nhưng cộng đồng không muốn xét xử ngài, vì rằng không ai có quyền xét xử ngai Toà thánh Phêrô. Sách Giáo hoàng thư có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện trên đây, nên đã kể lại hai việc sa ngã nhưng lại đã nhấn mạnh nhiều đến sự hối lỗi và đền tội của Đức Giáo Hoàng Máccllinô. Vì thế, các tác giả đã bất đồng ý kiến: có người chủ trương Đức Giáo Hoàng đã sa ngã, kẻ khác lại phản đối và phủ nhận ý kiến trên. Những tác giả gần đây nhận có sự kiện sa ngã, nhưng lại giải thích theo một phương diện khác.
Trước dư luận khác nhau và tương phản ấy, Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV nhận thấy cần phải hủy bỏ câu chuyện hoang đường trên, và điều đó Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã thực hiện năm 1883. Vì thế các sử gia hiện thời không còn ngần ngại theo chân tác giả Tillemon mà gạt bỏ ý kiến cho rằng Đức Giáo Hoàng Maccellinô đã sa ngã.



Người Sói

Một trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề "người sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú. Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình... Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được nó. Người ta mang nó đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện chính là vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói chuyện với đứa bé. Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta.... Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh Thánh để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu.... Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là aỉ". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngàị
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta như ập phủ xuống và chúng ta không còn thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng những câu hỏi mà chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài.... Tại sao Ngài bỏ con? Chúng ta hãy không ngừng tra vấn Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối thoại giữa Ngài với tạ