Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 21. 04.2017

Filled under:

MẺ CÁ LẠ THƯỜNG 
“Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21,6b)
Suy niệm: Phép lạ mẻ cá lạ thường  hôm nay gợi nhớ lại cũng phép lạ tương tự Đức Giê-su thực hiện vào giai đoạn đầu của sứ vụ công khai. Phép lạ lần trước để các ông tin vào tư cách Mê-si-a của Ngài; phép lạ hôm nay cho thấy Đấng phục sinh vẫn chính là vị Thầy của các ông trước đây. Mẻ cá lạ thường ấy cho thấy Ngài vẫn hiện diện với các môn đệ, vẫn luôn hỗ trợ các ông, muốn các ông tin vào Ngài như một Đấng quyền năng, có quyền trên cả sự chết. Với các môn đệ, những người đã gặp được Đấng Phục Sinh, thì mẻ cá này càng củng cố niềm tin các ông vào Thầy mình hơn, để rồi sau bốn mươi ngày sum họp ấy, trước khi về trời, Ngài sai các ông đi khắp tứ phương thiên hạ để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời.
Mời Bạn: Phần chúng ta, dù không chứng kiến mẻ cá và sự phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng chúng ta tin những gì được ghi lại trong Tin Mừng là sự thật. Tin như vậy thật là một diễm phúc cho ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Sống Lời Chúa: Khi đã tin, ta sẽ không ngần ngại “quăng chiếc lưới” đời ta vào đại dương trần thế để kéo lên cho Chúa những mẻ cá đầy ắp. Bao nhà truyền giáo, bao nhà hoạt động từ thiện... đã và đang làm những điều kỳ diệu ấy. Còn bạn thì sao?
Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su Phục sinh, sau khi sống lại, Chúa hiện ra để củng cố niềm tin của các môn đệ. Xin tiếp tục hiện diện trong con, biến đổi đời sống con sao cho có hữu ích hơn, để những ai sống gần bên con cũng nhận được những hương vị đậm đà tình huynh đệ nơi con. Amen.

THÁNH ANSELMÔ, GIÁM MỤC TIẾN SĨ
(1033-1109)
"Chúa đã mở miệng Người giảng dạy trong Giáo hội. Chúa đã ban cho Người đầy khôn ngoan và minh mẫn, đã mặc cho Người áo vinh quang trên trời". Đó là lời Giáo hội hát mừng trong ngày lễ kính thánh Giám mục tiến sĩ Anselmô. Lời ca khen trên đây không có gì là quá đáng, nếu chúng ta tìm hiểu đời sống đạo đức, thánh thiện và lề lối làm việc đầy khôn ngoan của ngài. Hơn ai hết thánh Anselmô quả xứng đáng với lời chúc khen trên đây.
Thánh nhân sinh tại Aosta một thành phố nhỏ nằm trên đường ranh giới xứ Piêmontê và Thụy sĩ. Gia đình thánh nhân thuộc dòng quý tộc. Bà thân mẫu là người rất đạo đức, nhưng ông thân sinh, trái lại có vẻ khô khan. Tuy nhiên khi về già, ông đã bỏ thế gian để hiến thân cho Chúa trong một tu viện.
Anselmô được cha mẹ cho đi học rất sớm. Các bạn học ai nấy đều cảm phục trí thông minh sắc sảo của Anselmô và khen cậu là người đức hạnh. Vừa lớn lên Anselmô đã nhận rõ chân tướng của cuộc đời đầy phù vân giả trá và nguy hiểm. Vì thế năm 15 tuổi, Anselmô đã nhất quyết bỏ thế gian để đi tu dòng. Nhưng chẳng may ý định bị ông thân sinh phản đối. Dẫu thế, Anselmô vẫn cương quyết lướt thắng mọi trở ngại để thực hiện bằng được ý định của mình. Cùng với một người bạn, Anselmô qua Pháp theo học tại tu viện Bec thuộc các cha dòng Biển Đức. Trong các môn học, Anselmô thích nhất Thánh Kinh. Đi đôi với việc dùi mài kinh sử, Anselmô còn đặc biệt chú ý đến việc tập luyện và trau dồi các nhân đức ngõ hầu trở nên hoàn thiện. Cũng trong thời gian này, Anselmô cảm thấy tiếng Chúa kêu gọi càng ngày càng mãnh liệt. Nhưng trước những nẻo đường trọn lành, Anselmô rất do dự không biết nên chọn gia nhập hàng giáo sĩ địa phận hay đời sống tu trì. Được tu viện trưởng Lanfranc, giới thiệu, Anselmô đánh bạo tới hỏi ý kiến Đức Tổng giám mục thành Ruăng (Rouen). Ngài khuyên Anselmô nên vào tu dòng. Vâng theo lời khuyên của Đức Tổng giám mục, Anselmô xin vào tu tại tu viện Bec, năm đó Anselmô được 27 tuổi.
Với ơn Chúa và nghị lực của tuổi thanh xuân, Anselmô say sưa công việc tu thân luyện đức. Không bao lâu, từ miền Nômanđia nước Pháp đến cả nước Anh, ai ai cũng đều ca tụng nhân đức của thầy Anselmô. Còn nói chi đến lòng tín nhiệm và kính yêu của toàn thể anh em trong dòng. Vì thế sau ít lâu, ngài đã được bầu làm bề trên. Từ ngày đó khách thập phương tuốn đến rất đông hầu được hân hạnh đàm đạo với thánh nhân. Nhiều người thông thái đạo đức đến xin thụ giáo để được hạnh phúc sống với sự chỉ dẫn của vị bề trên thánh thiện. Tuy nhiên, tu viện trưởng Anselmô rất thận trọng trong việc định đoạt và xét đoán ơn gọi của những người đến gõ cửa. Ngài không ích kỷ để chỉ lôi kéo nhiều người về cho dòng mình, nhưng hoàn toàn vô tư trình bày tôn chỉ và luật pháp của mỗi dòng, để các người được Chúa chọn có thể tự do lựa chọn con đường tu trì thích hợp với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người. Ngài thi hành chức vị bề trên với một lòng đạo đức và khôn ngoan hiếm có.
Qua mấy năm sau, thánh nhân phải cấp tốc sang Anh quốc để điều chỉnh lại mấy việc tại một tu viện bên đó. Nơi đây thánh Anselmô được tiếp đón rất nồng hậu. Niềm vui sướng của thánh nhân tăng gấp bội khi ngài được hầu chuyện Đức cha Lanfranc, Tổng Giám mục thành Cantôbêry và cũng là bề trên cũ của ngài. Đặc biệt hơn nữa là chính vua nước Anh, một ông vua có tiếng kiêu căng và cứng cỏi, cũng tới đàm đạo với thánh nhân và hết lòng mến phục ngài. Nhưng rồi lại có những sự việc không hay xảy đến làm cho thánh Anselmô một lần nữa, phải bỏ tu viện đi công cán tại Anh quốc. Thời đó vua nước Anh băng hà và truyền ngôi lại cho con. Vốn tính độc tài, tham nhũng vị tân vương tìm hết cách áp chế hàng giáo sĩ và chiếm đoạt tài sản của Giáo hội. Theo lời yêu cầu của nhiều vị cao cấp trong Giáo hội, thánh Anselmô đã lên đường sang Anh để khuyên bảo nhà vua bỏ ý định trên. Trước tài lợi khẩu và đức khôn ngoan hiếm có của thánh nhân, vua đổi hẳn thái độ, tỏ vẻ quyến luyến thánh nhân. Khi Đức Tổng giám mục thành Cantôbêry tạ thế, nhà vua liền đề nghị thánh Anselmô lên thay. Thánh nhân được tấn phong làm Tổng Giám mục ngày 4-12-1093 với sự đồng ý của toàn thể các Đức Giám mục Anh quốc.
Dần dần, tính tham lam cầu lợi chưa được gột rửa sạch lại khiến nhà vua đổi lòng. Ban đầu vua vồn vã tiếp đãi Đức Tổng giám mục, với hy vọng sẽ nhận được những món hàng khổng lồ do ngài trao tặng. Ngược với ý nghĩ của nhà vua, Đức Tổng giám mục lại đem tất cả tài sản của mình phân phát cho người nghèo khó. Thế là lòng tham lam và hà tiện đã nổi dậy xúi dục nhà vua thù ghét Đức Tổng giám mục. Nhà vua và bọn nịnh thần bắt đầu mở chiến dịch vu khống và lăng mạ Giáo hội. Thấy can ngăn cũng vô ích, thánh Anselmô nghĩ chỉ còn một phương thế độc nhất để giải quyết vấn đề là ngài tự rút lui. Ngài xin phép nhà vua về Rôma bái yết Đức Thánh Cha; vua đồng ý ngay cho thánh nhân ra khỏi nước, với điều kiện là không được trở về nữa. Sau khi đã dặn dò khuyên răn hàng giáo sĩ địa phận, thánh Anselmô lên đường sang Pháp lưu trú tại toà tổng giám mục thành Lyông.
Nghe tin Đức Cha Anselmô mới bị trục xuất khỏi Anh quốc, Đức Thánh Cha mời ngài qua Rôma. Tới giáo đô, thánh Anselmô được tiếp đón rất nồng hậu. Chính Đức Thánh Cha ban lời khen ngợi lòng can đảm và chí bất khuất của thánh nhân.
Thánh Anselmô lưu trú tại Rôma một thời gian khá lâu trong tu viện thánh Biển Đức. Tại đây, nhờ lời cầu nguyện và hy sinh, thánh nhân đã làm cho từ một tảng đá chảy ra một suối nước trong ngọt. Do đó người ta đặt tên giếng nước là "Giếng thánh Giám mục thành Cantôbêry". Thánh nhân cũng được Đức Thánh Cha mời tham dự công đồng chung Bari. Trong công đồng đó, với tài lợi khẩu và trí thông minh phi thường, thánh nhân đã thuyết phục được những người Hy lạp cố chấp; ngài đã minh chứng một cách chính xác và khôn ngoan tín điều Chúa Thánh Thần do Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất. Sau khi Đức Thánh Cha tuyên bố rút phép thông công vua nước Anh đồng loã về tội lăng mạ hàng giáo sĩ và tước đoạt tài sản của Giáo hội, thánh Anselmô bỏ Rôma trở về lưu trú tại Lyông. Một hôm, ngài được hung tin cho hay Anh hoàng trong khi đi săn đã bị quân thù ám hại. Được tin đó thánh nhân rất buồn và lo lắng cho số phận đời đời của nhà vua.
Anh hoàng băng hà nhường ngôi lại cho em là Henricô I. Vì sợ lòng dân không phục sẽ nổi loạn, nên ban đầu vua Henricô I muốn ve vãn Giáo hội để mua chuộc lòng dân. Vua tìm cách nâng đỡ hàng giáo sĩ, trùng tu các nhà thờ; vua còn cho mời thánh Anselmô về nước vì biết rằng thánh nhân được dân chúng hoàn toàn tín nhiệm. Nhưng khi hay tin Đức Thánh Cha đã ký sắc lệnh rút phép thông công vua nước Anh vì đã xâm phạm tới tài sản Giáo hội, nhà vua rất căm giận thánh Anselmô. Vua sai sứ giả sang khiếu nại với Toà thánh. Nhưng Đức Thánh Cha một mực từ chối. Ơn Chúa dần dần làm mềm lòng vua Anh. Cuối cùng vua đã chịu nhận lỗi và cam đoan tuân theo mọi chỉ thị của Toà thánh mà trả lại tài sản cho Giáo hội. Nhà vua cũng làm hòa với thánh Anselmô và triệu mời ngài về địa phận.
Trở về địa phận được một thời gian ngắn, thánh Anselmô bị bệnh đau dạ dầy rất nặng. Tuổi đã cao, sức đã kiệt, ngài linh cảm thấy giờ cuối cùng đã tới. Thánh nhân sốt sắng chịu các bí tích sau hết. Ngài cầu nguyện riêng cho vua và hoàng hậu cùng hoàng tử, các công chúa và toàn dân Anh được an ninh trường thọ và luôn luôn trung thành với giới luật Chúa. Sau khi chúc lành cho mọi người có mặt bên giường bệnh, ngài nhắm mắt từ trần. Hôm đó nhằm ngày 21-4-1109. Ngài hưởng thọ 76 tuổi.
Đương thời ngài, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để tuyên dương công trạng và nhân đức thánh nhân. Lần kia một người bị bệnh phong cùi được mộng báo phải đến với Đức Cha Anselmô. Người đó ra đi đến tu viện Béc; Ngài cho ông uống nước rửa tay sau khi làm lễ và tự nhiên người đó được khỏi bệnh. Có lần lửa đang bốc cháy dữ dội, đe dọa phá huỷ cả một làng, thánh Anselmô cầu nguyện sốt sắng rồi làm dấu thánh giá trên đám cháy, lửa liền tắt ngay. Ngoài ra còn nhiều bệnh nhân mắc đủ mọi chứng bệnh đã đến xin thánh Anselmô cầu nguyện cho và họ đều được khỏi bệnh cả.  Ngoài tài cai trị của thánh nhân, chúng ta còn phải kể tới tài văn chương, triết lý của ngài. Người ta có thể nói thánh Anselmô là một học giả lỗi lạc đã đề cập tới nhiều vấn đề mà trước ngài chưa ai nghĩ tới, nhất là những vấn đề thần học. Thánh nhân đã viết nhiều cuốn sách rất có giá trị làm giầu cho kho tàng giáo huấn và thư viện của Giáo hội. Thật ngài quả xứng đáng với danh hiệu là tiến sĩ của Giáo hội.
Để kết thúc, chúng ta mượn lời vị tu viện trưởng Trithêmô vẽ lại hình ảnh vị Thánh Giám mục tiến sĩ bằng mấy giòng sau: "Thánh Anselmô có một bộ mặt thần, một dáng đi bệ vệ, một cuộc sống thánh thiện, thông thạo khoa học phần đời, làu thông Kinh Thánh và là gương mẫu mọi nhân đức".

Món Quà Sinh Nhật

Một bác nông phu tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn: "Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!". Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.
Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là "uturu des sétao". Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữạ
Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên. Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim làm qua sinh nhật cho con.
Bạn có tin câu chuyện có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Ngườị