NÓI LỜI CỦA THIÊN CHÚA
“Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.” (Ga 3,34)
Suy niệm: Đức Giê-su, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Người nói lời Thiên Chúa, chính là Đấng được Thiên Chúa sai đi. Cũng thế, ai được Đức Giê-su sai đi cũng phải nói lời Thiên Chúa. Nghĩa là không phải ta muốn nói gì thì nói, nhưng đã nhân danh Chúa mà nói thì phải nói ý muốn của Ngài, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và theo lời giáo huấn của Giáo Hội. Người sứ giả Tin Mừng được sai đi, sẽ không phát ngôn theo ý riêng, hay chiều theo sở thích của người nghe, nhưng luôn chiêm nghiệm, học hỏi dưới ánh sáng của Thánh Thần. Thánh Thần của Đức Giê-su được ban cho Giáo Hội là tác nhân sống động cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Khi trung thành với Lời Chúa, ta tôn trọng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người và trong Hội Thánh.
Mời Bạn: Có những lúc bạn bị cám dỗ muốn giải thích Lời Chúa theo ý riêng, bẻ cong vo tròn những đòi hỏi triệt để của Lời Chúa, làm cùn nhụt sự sắc bén của những chân lý Tin Mừng. Làm như thế đức tin sẽ trở nên một sự pha trộn hỗn tạp, đánh mất sự nguyên tuyền của đức tin, tổn hại nghiêm trọng cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
Sống Lời Chúa: Hãy ngoan ngùy như trẻ nhỏ trước Lời Chúa vì Nước Trời dành cho những ai giống như chúng (x. Mt 19,14).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con tránh khỏi những lời xảo trá, gian tà. Xin cũng giúp con biết nói Lời Chúa theo như Chúa hướng dẫn, đừng để con tự tiện làm theo ý mình, cũng như không vì kiêng nể người khác mà không dám nói Lời Chúa. Amen.
THÁNH PRIMÔ VÀ THÁNH FÊLICIANÔ TỬ ĐẠO
(+286)
Nghe theo lời xúc xiểm của con rể là Galêriô (Galère), Hoàng đế Điôclêtianô ban hành sắc dụ cấm đạo công giáo, mở đầu cho một cuộc bách hại đẫm máu. Có thể nói đây là một cuộc tàn sát dữ dội nhất đã giết hại không biết bao nhiêu mạng người, đến nỗi, người ta đã gọi thời kỳ này (năm 303-311) là kỷ nguyên của các thánh tử đạo.
Trong những ngày u ám đó, Giáo hội phải đau đớn hầu như đứt ruột khi nhìn đoàn con đông đảo của mình ngã gục trên vũng máu, nhưng cũng hiên ngang sung sướng vì đó là những giòng máu vinh quang đã làm cho danh Chúa được rạng rỡ và Giáo hội được trưởng thành, vững mạnh.
Hai thánh Primô và Fêlicianô, mà Giáo hội kính nhớ hôm nay, cũng là những chiến sĩ anh hùng đã đổ máu để minh chứng đạo Chúa, dưới thời cấm cách của Hoàng đế Điôclêtianô.
Một điều đáng tiếc là rất ít tài liệu nói rõ về thân thế hai thánh nhân. Theo cuốn "Hạnh các thánh" viết vào thế kỷ V, người ta được biết, hai thánh Primô và Fêlicianô đều là công dân Rôma, xuất thân từ một gia đình trung lưu và là anh em với nhau. Hai người luôn có một đời sống hăng hái thi đua làm việc phúc thiện. Từ những nơi công trường cho đến những chốn hẻo lánh xa xôi, hay trong hang cùng ngõ hẻm, người ta thường thấy hai anh em Primô và Fêlicianô lui tới để giảng Tin mừng, thăm viếng những người bệnh tật, hoặc làm phúc bố thí cho những người nghèo khổ.
Gặp thời kỳ cấm cách, hai người vẫn không giảm lòng hăng hái. Đôi lần vì cuộc truy nã quá gắt gao, Primô và Fêlicianô đã phải thực hiện lời Chúa căn dặn các tông đồ xưa: Khi người ta lùng bắt các con ở thành này, chúng con hãy lẩn trốn sang thành khác. Nhưng rồi cơn giông tố bách hại phũ phàng ngày càng đè nặng trên người có đạo công giáo. Đâu đâu người ta cũng thi nhau vạch mặt chỉ tên dân Chúa. Không bao lâu sau hai anh em Primô và Fêlicianô bị các thầy sãi tố cáo và hai người đã bị tống giam tức khắc theo lệnh của Hoàng đế Điôclêtianô. Nhưng đêm đêm sứ thần Chúa hiện xuống mở cửa ngục để giải thoát cho hai người.
Trở về, anh em Primô và Fêlicianô lại tiếp tục công việc rao truyền danh Chúa và thi hành bác ái, với một lòng phấn chấn và hăng hái hơn trước, vì các ngài biết rằng ngày giờ của mình chưa kết liễu và, chỉ khi nào Chúa cho phép, thì kẻ thù mới có thể hãm hại được con cái Người mà thôi.
Ít lâu sau hai anh em Primô và Fêlicianô lại bị bắt nộp cho quan tổng trấn là một người độc ác lại có nhiều mưu lược. Sau nhiều cuộc chất vấn, khảo hạch, hành hình, đều vô hiệu, ông liền dùng đến kế ly gián, nghĩa là giam mỗi người một nơi và tra vấn riêng từng người; ông hy vọng như vậy sẽ có thể đánh đổ được lòng trung kiên của họ một cách dễ dàng. Tiên vàn ông cho đòi Fêlicianô đến và dụ dỗ, nạt nộ, nhưng rồi vẫn không thâu lượm được kết quả nào, vì Fêlicianô một mực trung thành thà chết chẳng thà chối Chúa. Trong khi đó tại ngục thất tối om, Primô được sứ thần Thiên Chúa hiện đến an ủi và khích lệ theo gương can đảm của anh mình. Hôm sau tổng trấn cho gọi Primô đến và nói với giọng quả quyết: "Này Primô, ta khen cho anh ngươi đã biết xử sự khôn ngoan, anh ngươi đã tuân lệnh Hoàng đế rồi, và bây giờ được vua ban thưởng cho giầu sang phú quý lắm. Primô còn đợi gì mà không theo gương của anh mình đi". - Primô đáp lại cũng không kém phần quả quyết: "Thưa quan, quan đừng hy vọng lừa bịp tôi, thiên thần Chúa đã cho tôi biết anh tôi thế nào rồi. Ước gì tôi được thông phần đau khổ và chịu tử đạo cùng với anh tôi!". Không nén nổi bực tức, quan tổng trấn liền kết án hai người cho sư tử ăn thịt. Nhưng những con thú dữ thay vì nhẩy bổ vào xé xác hai người thì lại như quên bản tính hung hăng tự nhiên của chúng; chúng hiền từ đến quấn quít rồi nằm gọn dưới chân hai đấng thánh. Cuối cùng quan đành phải hạ lệnh trảm quyết hai người anh em, mà những cuộc tra tấn hành hình đã không làm chia rẽ nổi, thì lúc này cùng giắt tay nhau lên hưởng cùng một vinh quang và hạnh phúc trên trời.
Khi cuộc bắt đạo chấm dứt, các tín hữu công giáo lũ lượt tới viếng mộ hai thánh Primô và Fêlicianô mỗi ngày một đông. Thế kỷ thứ V, mộ các ngài thành một nơi hành hương sầm uất. Sang thế kỷ VI, khi quân Lombađô xâm nhập lãnh thổ Ý. Đức Giáo Hoàng Têôđôrê I đã cho di chuyển hài cốt hai thánh nhân vào nội thành Rôma; đến sau thánh cốt lại được đem để tôn kính tại một nhà nguyện trong thành. Ngày nay, khi tới kính viếng nhà nguyện đó, khách hành hương sẽ còn được chiêm ngắm một bức khảm tuyệt mỹ đặt ở trên cung thánh. Bức khảm đó vẽ hình Chúa Giêsu, hai bên là hai hình thánh Primô và Fêlicianô với những vầng hào quang sáng rực, tay cầm sách Phúc âm tượng trưng lòng trung thành và can đảm của các ngài đối với đời sống Phúc âm; phía ngoài cùng là hai cây Thánh giá lớn tượng trưng những hy sinh đau khổ các thánh đã phải trải qua vì lòng yêu Chúa, đồng thời còn như nhắc nhở cho mỗi người hay: phải qua Thánh giá mới tới vinh quang được: Per crucem ad lucem; đó cũng là ý nghĩa của lời Chúa phán: "Ai không vác thập giá mình và đi theo đường lối của Ta, người ấy không đáng làm môn đệ Ta".
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết theo gương các thánh, can đảm xưng danh Chúa và trong đời sống hằng ngày, cho chúng con biết dứt lòng tơ tưởng những vinh hoa trần thế, biết vui lòng chịu khổ vì Chúa, vì lạy Chúa, đường Thánh giá tuy là con đường nhỏ hẹp, đau khổ và khó đi, nhưng đó chính là đường sẽ dẫn chúng con tới nguồn hạnh phúc vô biên.
Kẻ Không Biết Sám Hối
Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ vàtại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối....
Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải.... Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.
Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại.... Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra.... Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúạ
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúạ