Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 7/ 04./2017

Filled under:

TIN HAY KHÔNG TIN?

“Nếu tôi làm các việc (của Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.” (Ga 10,37-38)
Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giê-su sắp bị khai tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Không vì thế mà chùn bước, Chúa Giê-su trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục họ. Nhưng kết cục thật bi đát, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học thì lại tin vì “những lời Gio-an nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là một ơn nhưng không Chúa ban thì con người mới có được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.
Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến cùng, noi gương thánh Phao-lô: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).
Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình, nhóm của bạn rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.
Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do Thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy...” Mời bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Amen.


 THÁNH GIOAN THỦY TẨY LASA,
SÁNG LẬP DÒNG SƯ HUYNH THIỆN GIÁO
(1615-1719)
Nếu các thánh là những nhân vật đã tái diễn một khía cạnh, một phương diện đặc biệt nào đời sống hoàn hảo của Chúa Giêsu, thì quả thực cuộc đời của thánh Gioan Thủy Tẩy Lasan là tấm gương phản chiếu trung thành đời sống của Chúa Giêsu đối với trẻ thơ…
Gioan xuất thân tự một gia đình qúi tộc bên Pháp ngày 30-4-1615. Ông thân sinh của Gioan là một vị thẩm phán danh tiếng; bà thân mẫu cũng nổi tiếng là một thiếu phụ đạo đức. Gioan có một khuôn mặt trái xoan, vầng trán rộng và cặp mắt tinh anh. Theo nhịp thời gian, thiếu niên linh lợi ấy lớn lên cùng với sự triển nở mạnh mẽ của tài ba và đức độ. Với gia đình giầu sang, Gioan có thể sống sung sướng và kiêu hãnh như ai, nhưng không, cậu bé có cặp mắt trong sáng linh lợi ấy luôn luôn tỏ ra hiền dịu, đạo đức và hay thương những người nghèo khó.
Khi lên tám tuổi, cậu Gioan được lên học trường trung học ở Ranh (Reims). Sẵn có tư chất thông minh và tính nết thùy mị, cậu vượt hẳn chúng bạn về đường học vấn và đức hạnh. Tuy phải vất vả với sách vở, nhưng không bao giờ Gioan dám sao nhãng việc thờ phượng đọc kinh, dự lễ hằng ngày.
Chính trong thửa đất tốt đẹp là tâm hồn của người thiếu niên ấy, Chúa đã muốn gieo mầm ơn thiên triệu làm linh mục. Lần kia Gioan ngỏ ý với cha mẹ xin gia nhập hàng giáo sĩ. Hai ông bà thân sinh là người rất đạo đức nên không ngần ngại hiến dâng người con cho Chúa. Thế là Gioan được tự do theo đuổi ơn kêu gọi, cậu hăng hái tận lực tiến bước trên con đường tu thân luyện đức. Năm 1662, Gioan được chịu phép cắt tóc để gia nhập hàng giáo sĩ lúc chỉ mới có 11 tuổi. Năm lên 16 tuổi, tuy còn non trẻ, nhưng với tài cao đức rộng, Gioan lại được cử lên bậc kinh sĩ là một chức danh dự và vị vọng trong hàng giáo phẩm đương thời. Dầu thế thầy vẫn một bề khiêm tốn, thùy mị trong cách đi đứng, ăn mặc cũng như trong lời nói việc làm.
Gioan theo học ở Paris được 18 tháng thì việc học của thầy bị gián đoạn. Trong vòng không đầy một năm thầy phải chịu hai cái tang lớn: ông bà thân sinh của thầy lần lượt qua đời. Là con trưởng, nên theo lẽ quyền huynh thế phụ, Gioan đành tạm gác bút nghiên để về trông nom gia đình và săn sóc các em. Gioan huấn luyện các em về trí dục, nhất là hướng dẫn cho các em biết lý tưởng cao quý của cuộc đời tận hiến cũng là đời sống phụng sự Chúa và các linh hồn. Kết quả cuộc huấn luyện tốt đẹp này là ngài đã chinh phục được ba em dâng mình cho Chúa.
Tuy nhiên ý Chúa nhiệm mầu còn muốn trao phó cho Gioan những nhiệm vụ trọng đại, và dùng ngài như ngọn đèn soi sáng cho bao người. Thực thế, sau một thời gian gián đoạn, thầy Gioan lại bền chí tiếp tục học thần học. Với bầu nhiệt huyết sẵn có và tinh thần hiếu học đặc biệt, Gioan đã đậu bằng tiến sĩ thần học. Sau đó ngài chịu các chức thánh và năm 1678 chịu chức linh mục. Thụ phong linh mục được ít lâu, cha Gioan được Đức Giám mục tín nhiệm đặc biệt đặt ngài làm bề trên dòng Nữ tu Chúa Hài Đồng, một dòng chuyên lo việc giáo dục các thiếu nữ. Chính khi làm bề trên dòng này, cha được ơn soi sáng lập dòng các Sư huynh thiện giáo. Thật là một sáng kiến tốt đẹp và thích hợp với hoàn cảnh xã hội Âu Châu thời đó. Thế kỷ XVI, nền học vấn của thiếu niên Công giáo xã hội Âu Châu bị đe doạ. Chiến tranh giữa giáo phái Tin lành và Công giáo đã hủy hoại rất nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều nhà xứ, nhà thờ bị phá. Nước Pháp bấy giờ cũng lâm vào tình trạng đen tối đó. Trước tình trạng hằng trăm ngàn thiếu niên bơ vơ không có chỗ học hành, cha Gioan động lòng thương xót. Tự thâm tâm cha nẩy ra ý nghĩ muốn chấn hưng xã hội, muốn đào tạo một thế hệ mới, cần phải hoán cải lòng người; mà muốn hoán cải lòng người phải làm gì nếu không là tìm chỗ huấn luyện cho lớp thiếu niên? Từ đó cha bắt đầu lo tụ tập các thiếu niên thất học và tìm chỗ cho chúng ăn học. Sáng kiến tốt đẹp của cha được nhiều người hưởng ứng, giúp đỡ. Trong số đó có một thiếu phụ giầu sang tên là Maillefer, một người đồng hương và là bà con với gia đình cha Gioan. Bà này trước đây là một phụ nữ rất trụy lạc nhưng, được ơn Chúa soi sáng, bà đã trở lại. Để đền đáp những lỗi xưa bà quyết chí tu thân và làm nhiều việc từ thiện. Bà đặc biệt nâng đỡ các ngành tổ chức giáo dục thiếu nhi nam nữ. Vì sinh quán ở thành Rôuên, nên bà còn muốn đặc biệt giúp đỡ các mầm non của quê nhà. Lần kia bà viết thư giới thiệu với cha Gioan ông Ađrianô Niel đến dạy học cho các thiếu nhi nam trong địa hạt của cha.
Nhờ kẻ giúp công người giúp của như thế, nên năm 1679 hai trường tư thục công giáo miễn phí dưới quyền điều khiển của cha Gioan đã mở cửa, đón nhận hằng trăm ngàn thiếu niên nam từ bốn phương.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện thiếu niên về trí dục, ngài còn muốn các giáo chức hun đúc cho các em có một căn bản đức dục công giáo chắc chắn. Vấn đề này, cha thánh hằng căn dặn các giáo chức triệt để thi hành. Để có kết quả hơn, cha Gioan còn tìm cách năng tiếp xúc với ban giáo sư như ăn đồng bàn với họ, để có thể trao đổi những ý kiến giáo dục và chương trình học tập. Năm 1680, cha cất riêng một ngôi nhà dành cho các giáo chức tới dự những lớp tu nghiệp theo những quy tắc nhất định; nhưng dường như Chúa còn muốn thử thách tôi tớ của Người hơn. Sau một thời gian chung sống, các giáo chức coi việc giữ kỷ luật chung như vậy là một gánh nặng nên họ dần dần tháo lui hết. Không ngã lòng, thánh nhân dồn hết tâm lực để hoàn thành công việc đang bắt đầu; đồng thời ngài cầu nguyện xin Chúa ban ơn soi sáng. Kết quả là lại có nhiều người đến xin thụ huấn như trước. Đồng thời người ta thấy những trường tư thục công giáo miễn phí mọc lên như nấm khắp nơi.
Đang lúc công việc phát triển mạnh mẽ thì thánh nhân lại gặp phải khó khăn. Các giáo chức đố kỵ vì thấy ngài có quyền cao chức trọng và thụ hưởng nhiều bổng lộc. Thấy vậy, thánh nhân liền xin từ chức kinh sĩ, khước từ tất cả bổng lộc, bán tất cả gia tài cha mẹ để lại lấy tiền phân phát cho kẻ túng thiếu trong nạn đói năm 1684 và 1685. Tiếp theo đó là những tuần tĩnh tâm liên tiếp, những chuỗi ngày ăn chay cầu nguyện sốt sắng. Thường ngày ngài vào nhà thờ đóng cửa rồi nằm phủ phục trước bàn thờ cầu nguyện, xin Chúa ban ơn trợ lực để công việc giáo dục đám thiếu niên của cha được thành tựu. Năm 1687 trong lúc cầu nguyện, dường như được ơn Thánh Linh soi sáng, ngài nói: "Vâng, con đã biết Chúa gọi con". Thế rồi ngài lại hăng hái tiếp tục công việc, chiêu mộ và đào luyện các cán bộ giáo dục; số người đến xin thụ huấn ngày càng đông. Thánh nhân sống chung với họ trong một ngôi nhà và theo những quy luật như một tu viện. Đó chính là nguồn gốc đầu tiên của Hội Dòng Sư huynh thiện giáo ngày nay. Với thời gian, chi hội nhỏ bé này đã có ảnh hưởng khắp nước Pháp. Nhiều chi nhánh của hội đã được thiết lập tại các tỉnh trên lãnh thổ nước Pháp. Năm 1688 thánh nhân đến Paris với dự định tìm đất cất trường học. Nhưng thánh nhân rất vui mừng vì khi tới nơi đã thấy có năm toà nhà xây xong đang chờ thánh nhân mở trường. Thấy vậy, ngài chỉ còn biết dâng lời tạ ơn Chúa. Rồi từ đấy, các trường trung tiểu học công giáo dưới quyền điều khiển của các sư huynh lan tràn hầu như khắp nơi trên đất Pháp. Nhờ đó mà bao con em có chỗ ăn học và thụ hưởng một bầu không khí đạo đức trong sạch. Năm 1712, thánh nhân đi kinh lý các tu viện. Nói là kinh lý nhưng thực ra là "đi đường thánh giá" thì đúng hơn. Thực vậy, trong thời gian hai năm đi thăm các tu viện và trường học, thánh nhân phải đương đầu với biết bao thử thách. Tại nhiều nơi ngài bị phái Giansêniô (Jansénisme) xúi dân chúng hoặc các học sinh la ó phản đối; hoặc tìm cách đóng cửa trường học của ngài như đã xẩy ra ở Mạcxây (Marseille)… Dầu vậy, cha Gioan vẫn bền lòng tin tưởng ở Chúa quan phòng, tin tưởng vào sức mạnh của Đấng có thể làm được tất cả những cái mà con người phải buông tay thất vọng vì bất lực. Nhờ khí giới là lời cầu nguyện và lòng tin tưởng ấy, thánh nhân đã đánh ngã được tất cả những mưu mô và trở lực của đối phương. Về sau, đi đến đâu ngài cũng được các thiếu niên kính yêu như một người cha già khả kính. Trong khi đi kinh lý như vậy, với một tấm lòng thương yêu và những cái nhìn hiền từ âu yếm, thánh nhân đã giúp cho nhiều thiếu niên cải tà quy chính.
Đầu năm 1719 vì tuổi cao sức yếu và vì quá lao tâm khổ tứ với sự nghiệp vĩ đại, thánh nhân tự cảm thấy không đủ sức tiếp tục công việc nên ngài họp các thầy lại và xin bầu một người khác làm bề trên thay mình. Đó là một điều mà không sư huynh nào đồng ý, nhưng vì thấy ngài quá mệt mỏi nên các sư huynh đành chọn thầy Bathôlômêô lên thay thế. Từ đó cha hoàn toàn rút vào bóng tối, sống mai danh ẩn tiếng trong các tu viện hay nơi miền quê hẻo lánh để cầu nguyện sửa soạn về chầu Chúa.
Mùa chay năm 1719, bất đồ ngài bị một cánh cửa rơi trúng mình nên phải ốm nặng nằm liệt giường. Theo sự nhận xét của bác sĩ, thì ngài không thể khỏe lại và dâng lễ được. Trong lúc bị bệnh nặng, thánh nhân xin Chúa cho khỏe để dâng một thánh lễ sau cùng, rồi nếu Chúa cất về cũng xin vâng. Lời cầu xin tốt đẹp của cha được Chúa chấp nhận. Đêm vọng lễ thánh Giuse, thánh nhân bỗng nhiên thấy mình khoan khoái như không còn bệnh tật chi nữa. Sáng ngày ngài dâng lễ sốt sắng trong khi các tu sĩ ai nấy đều bỡ ngỡ lạ lùng. Nhưng chiều hôm ấy, cơn bệnh lại tái phát. Rồi tới 4 giờ sáng ngày 07-04-1719 thánh nhân trút linh hồn tại Rôma, sau 40 năm miệt mài phụng sự Chúa trong việc giáo dục các thiếu niên, những mầm non của đất nước. Tin cha Gioan từ trần gieo vào lòng con cái ngài một nỗi buồn vô biên. Ngay khi ngài vừa từ trần, người ta lũ lượt kéo đến kính viếng xác ngài. Có người lại xin những di vật của ngài đem về kính tại tư gia.
Thánh Gioan Lasan được phong chân phước ngày 19-2-1888 và được phong thánh ngày 24-5-1900 dưới đời Đức Giáo Hoàng
Lêô XIII. Để tỏ lòng tri ân đối với vị đại ân nhân của Giáo hội và thế giới, Toà thánh cho dựng một tượng ngài và đặt trong một thánh đường ở Rôma ngang hàng với các vị thánh sáng lập dòng.
Cuộc đời trần thế của thánh Gioan tuy ngắn ngủi, nhưng sự nghiệp của ngài thật vĩ đại và trường tồn. Sau khi thánh nhân từ trần, Dòng các Sư Huynh của ngài phát triển mạnh mẽ. Ngày nay hầu như tại các đô thị lớn trên thế giới, không nơi nào mà không có sự hiện diện của các con cái ngài để lo việc giáo dục các thiếu niên, mang lại cho lớp người tươi trẻ đó một căn bản trí đức chính đáng và tốt đẹp.
Lạy Chúa, để những người nghèo khó được một nền giáo dục công giáo và cho đám thiếu niên được vững vàng trên đường chân lý, Chúa đã sai khiến và thúc giục thánh Gioan lập một gia đình mới trong Giáo hội Chúa, xin vì gương sáng và lời bầu cử của thánh nhân, cho chúng con được nhiệt thành trong việc hăng hái cứu các linh hồn, hầu làm vinh danh Chúa và được thông công phần thưởng với ngài trên nước trời. 


Bình An Trong Tâm Hồn

Purna, một môn đệ của Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con sẽ nghĩ thế nàỏ". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con". Ðức Thích Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nàỏ". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".
Nghe môn đệ xác quyết như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: "Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đờỉ". Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: "Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này". Nghe đến đây, Ðức Thích Ca bảo: "Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét".
Thiết nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.