Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngay 10/04/2017

Filled under:

KHI TÌNH YÊU LÊN TIẾNG

Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau… Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,3-5)
Suy niệm: Suốt bữa ăn, Ma-ri-a đến nơi Chúa ngồi, đổ dầu thơm xức chân Chúa, thứ dầu thơm quý mà theo con mắt “nhà nghề” của Giu-đa, trị giá khoảng hơn 300 quan tiền, tức hơn một năm lương của người lao động phổ thông. Ma-ri-a không có ý “chơi ngông” hay lôi kéo sự chú ý của người khác. Bà không quan tâm đến những lời bàn tán giá trị loại dầu thơm này, bà đổ hết xuống chân Chúa và xức chân Ngài, mùi thơm sực cả nhà, chẳng khác gì bà đổ hết tình yêu của bà vào Chúa Giê-su. Đây là cử chỉ tuyệt vời của tình yêu và cả nhà thơm lây hương thơm của tình yêu ấy. Trong lúc đó, có những môn đệ tỏ ra khó chịu về hành động của bà. Thánh Gio-an chỉ đích danh Giu-đa là người đả kích hành động hào phóng của Ma-ri-a và cho biết ông là một tên ăn cắp. Hành động tình yêu của Ma-ri-a, ông qui ra tiền và ông tính toán số tiền không nhỏ nhờ bán dầu thơm sẽ làm túi tiền ông giữ căng phồng lên và cơ hội ông bớt xén sẽ càng nhiều. Bỉ ổi hơn, ông còn che dấu lòng tham lam của mình dưới chiêu bài bác ái bán dầu để bố thí cho người nghèo.
Mời Bạn: Bạn có kinh nghiệm gì khi nhiệt tình đóng góp cho công cuộc truyền giáo của Chúa mà vẫn bị người khác nói lời châm chích? Nơi bạn, tình yêu đối với Chúa và Hội Thánh có lớn đến mức vượt trên những bàn tán xì xèo chung quanh không?
Sống Lời Chúa: Tham gia đoàn thể trong giáo xứ.
Cầu nguyện: Hát “Kinh Hòa Bình”.

THÁNH MICAE HIỂN TU
(1619-1652)
Thánh Micae biệt danh là "Xuất thần nhân", vì ngài hay được ơn ngất trí nhiều lần. Ngài sinh tại Vich, thuộc tỉnh Catalônia ngày 29-01-1591. Cha mẹ ngài là người đạo đức, sớm tối siêng năng đọc kinh lần hạt và kinh nhật tụng kính Đức Mẹ. Thói lành đạo đức đó đã mở đường cho con cái biết tôn sùng Đức Mẹ. Năm lên bảy tuổi Micae được gia đình cho phép giữ chay ba lần một tuần trong suốt mùa chay. Vì thấy không hại gì cho sức khỏe của con, năm sau cha mẹ lại cho phép con giữ chay trong suốt cả mùa. Chính trong những ngày chay tịnh đó, Micae khao khát được dâng mình cho Chúa và khấn giữ khiết trinh. Lên 12 tuổi, thân phụ từ trần, cậu muốn xin vào dòng nhưng gia đình từ chối. Từ đó cậu bắt đầu tập cho quen sống bằng rau cỏ; tháng 8 năm 1603, cậu vận động được các cha dòng Thiên Chúa Ba Ngôi ở Barcêlona nhận vào dòng; cậu được mặc áo dòng và qua một năm nhà tập ở đó. Năm 16 tuổi, ngày 30-9-1607 trong một bầu không khí nghiêm trang và sốt sắng, Micae tay cầm ngọn nến lung linh, Micae sung sướng đến chảy nước mắt khi đọc lời tuyên khấn dòng.
Sau mấy năm theo học tại Sevilla rồi ở đại học Salamanca, thầy Micae được thụ phong linh mục tại Pharô, một tỉnh nhỏ của nước Bồ Đào Nha. Ngài thi hành nhiệm vụ linh mục tại Baexa cho tới khi được bầu làm Bề Trên tu viện Valladolid vào năm 1622.
Đời tu sĩ của cha đã được đánh dấu bằng nhiều lần xuất thần ở Sêvilla, dần dần không ai mà không biết tới. Một đêm kia tại nhà thờ thánh Mactinô khi đọc xướng bài thánh thư thứ tám trong giờ kinh đêm, tới chỗ có những lời sau: "Thành Giêrusalem đó ở trên trời và, để được lên đó, chúng ta phải chiến đấu với tất cả lòng tin tưởng". Vừa đọc xong cha khẽ buông một tiếng thở dài rồi mặt cha đăm chiêu ngây ngất như thiên thần sốt mến. Cộng đồng phải ngưng giờ đọc kinh lại một lúc đợi cho cha tỉnh lại. Nhưng vẫn vô ích. Một tu sĩ khác phải đứng ra đọc xong bài thánh thư. Cơn xuất thần của cha hôm ấy kéo dài cho mãi tới khi hát xong giờ kinh ngợi khen mới chấm dứt. Khi tỉnh dậy, cha vội vàng chạy ra khỏi cung thánh, bẽn lẽn xấu hổ. Sau lần ngất trí mà cha cho là một điều rủi ro đó, cha chỉ muốn đừng ai để ý đến cha nữa. Một lần khác khi tới tu viện Corđôba vào một chiều thứ bảy, cha đến nhà thờ để đọc kinh chung với mọi người. Hôm đó cộng đồng nguyện ngắm về hạnh phúc Thiên đàng, bỗng dưng cha thấy vui sướng như ngây ngất đến nỗi người cha lâng lâng trên không khí. Cha ra khỏi cung thánh như có hai cánh nâng đỡ. Rồi bay qua một cánh đồng lúa chín cho tới khi đến một nhà thờ cha mới hạ xuống để vào chầu Chúa. Một lần khác, tại Salamanca, đương lúc giảng khuyên mọi người về sự hãm mình đền tội, cha được nâng lên khỏi mặt đất và lơ lửng trên không cho đến khi giảng hết bài. Trong khi xuất thần như thế cha hoàn toàn không biết gì những việc xẩy ra chung quanh. Một lần nữa khi mà hết cơn xuất thần, cha rất ngạc nhiên vì thấy tiếng kêu của mọi người chứng kiến, một ngọn nến cháy gần đến tay mà cha vẫn điềm nhiên như không có việc gì xảy ra.
Cha sẵn lòng làm mọi việc để giúp đỡ hết mọi người, nhất là ngài hằng nhiệt tâm hăng hái trong công việc chuộc lại những giáo hữu bị quân Hồi giáo bắt làm nô lệ, vì đó là mục đích chính yếu của dòng ngài. Nhưng không phải vì thế mà ngài bỏ rơi những người khác; ngài biết tìm lời thích hợp để xoa dịu những tâm hồn sầu muộn, cải thiện những người tội lỗi, cứu giúp những người nghèo khổ, túng đói.
Nhiều người đã được quen biết cha đều nói rằng hình như cha Micae được phúc hưởng kiến Thiên Chúa ngay khi ngài còn sống ở trần gian này. Vì thế đã khiến cha có được một đức tin nồng nhiệt, tinh tuyền và đơn sợ
Khi về già cha ngã bệnh ở tại tu viện Valladolicl, và người ta cũng biết rằng ngày qua đời của cha cũng chẳng còn xa. Cha chịu phép xức dầu với một tâm hồn sốt sắng rất mực. Tuy mang bệnh và nhọc mệt nhưng cha vẫn tỉnh táo để theo dõi từng kinh nguyện và lễ nghi. Giờ Chúa đến phán xét không làm cho cha run sợ chút nào, trái lại còn mang đến cho cha một niềm hoan lạc và an ủi vô biên. Bằng chứng cụ thể là cha vẫn tươi tỉnh và cầu nguyện cho đến nửa đêm. Vào khoảng một giờ đêm, như biết giờ sau hết của mình đã đến, cha ngước mắt lên trời, hai tay chắp lại và trút linh hồn trong tay Chúa, đúng lúc đồng hồ vừa điểm một giờ đêm. Cha tắt thở một cách yên hàn và êm ái không phải trải qua một cơn đau đớn khủng hoảng nào. Hôm đó là ngày thứ năm mồng 10-04-1652, khi cha vừa được 33 tuổi, 6 tháng 12 ngày, và ở trong dòng được 22 năm.
Chúa đã làm nhiều phép lạ trên mộ người tôi tớ Người. Sự kiện đó đặt nền tảng vững chắc cho việc Đức Giáo Hoàng Piô VI phong ngài lên bậc chân phước ngày 02-05-1779. Đến ngày 08-05-1862, Đức Giáo Hoàng Piô IX lại tôn phong lên bậc hiển thánh. Lễ kính thánh nhân được ấn định vào ngày 05 tháng 07, nhưng sách tử đạo xuất bản lần sau cùng lại ghi bài tán dương công trạng thánh nhân chính ngày kỷ niệm ngài qua đời, tức là ngày 10-04. 

Tấm Gương

Tại một ngôi làng nhỏ ở ven biển Ái Nhĩ Lan, có một cặp vợ chồng ngư phủ nghèo, nghèo đến độ trong nhà không có được một cái gương soi mặt.
Trong làng chỉ vỏn vẹn có một cái quán nhỏ cung cấp lương thức và những gì cần thiết cho việc đánh cá. Một ngày nọ, người chủquán ngạc nhiên vô cùng khi bắt gặp người ngư phủ già cầm lấy một vật gì đó trong tay, vừa xoay xung quanh, vừa thổn thức. Rồi từ đó, người chủ quán nhận thấy người đánh cá trở lại quán của mình thường xuyên hơn và cũng lập lại ngần ấy động tác. Ráng theo rình rập để lắng nghe những gì người ngư phủ già than thở, người chủ quán mới thấy ông già đưa cái gương soi mặt và thều thào: "Ba ơi, ba ơi".
Thì ra, cả đời người ngư phủ già chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình trong gương. nhìn thấy mặt mình trong gương lần đầu tiên, ông ta tưởng đó là cha của mình.
Người chủ quán quá cảm động, đã tặng cho ông già tấm gương. lão hăm hở mang đi, và từ đó, cứ mỗi lần rảnh rỗi, lão đưa tấm gương ra, nhìn vào và nói chuyện với cha mình.
Tất cả chúng ta đều sống cho một gương mặt. Và gương mặt duy nhất mà chúng ta không bao giờ thấy đó là gương mặt của chính chúng ta. Chúng ta có thể hiểu biết tất cả, nhìn thấy tất cả trừ gương mặt của chúng ta. Và ngay cả trong một tấm gương, chúng ta chỉ nhìn thấy mình theo một hình ảnh đảo lộn. Chúng ta chỉ có thể biết mình, chúng ta chỉ có thể khám phá được chính mình nhờ những người khác vànhờ chính hình ảnh mà họ có thể cho chúng ta thấy.
Vậy đâu là tấm gương đích thực để chúng ta có thể biết mình hoặc biết mình phải như thế nàỏ
Chúng ta đừng vội vã cười hai vợ chồng ngư phủ trong câu chuyện trên đây... Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể làm người, có lẽ họ là người có lý, bởi vì họ biết nhìn thấy trong gương một cái gì khác hơn chính mình. Nói như Thánh Phaolô: "Phần chúng ta, chúng ta không che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như một tấm gương, vì chúng ta được thấy mình biến đổi nên giống hình ảnh ấy, mỗi lúc một rực rỡ hơn, bởi vì quyền phép Thánh Linh của Chúa".
Mỗi người Kitô phải là tấm gương phản chiếu chính hình ảnh của Ðức Kitô. Cuộc sống của họ phải là một phản ảnh của cuộc sống Ðức Kitô.