Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 3: 1-8)
Khi ấy, trong nhóm Biệt phái có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do Thái, ông đến gặp Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên chúa ủy phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi nói thật cho ông biết: nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Thiên Chúa”. Nicôđêmô thưa với Chúa Giêsu rằng: “Một người gã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại phải vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa hay sao?” Chúa Giêsu đáp: “Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào Nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục là huyến nhục, sự gì sinh bởi thần linh là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe tôi nói rằng: “Các ngươi phải tái sinh bởi trời”. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu. Mọi kẻ sinh bởi thần linh cũng vậy”.
Suy Niệm 1
Nicôđêmô thực sự sửng sốt khi đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm. Ý định ban đầu của ông là gặp Đức Kitô để gặp một con người mà ông nghĩ là "có Thiên Chúa ở cùng", nhưng Đức Kitô đã không trực tiếp nói về chính mình, về cá nhân con người của mình, nhưng Người nói về Vương Quốc Thiên Chúa, nói về sự hiện hữu một thế giới không thuộc về thế giới trần thế nầy. Điều đó cũng có nghĩa Đức Kitô đang trả lời cách gián tiếp cho Ni-cô-đê-mô về sự hiện hữu của Người. Người không những "có Thiên Chúa ở cùng" nhưng chính Người còn là Thiên Chúa, hay nói cách khác Người đến từ Vương Quốc Thiên Chúa, Người chính là Vương Quốc Thiên Chúa. Để bước vào Vương quốc Thiên Chúa, Đức Kitô đòi hỏi phải thay đổi con người hiện tại bằng chính một sự "sinh lại" không bằng huyết nhục, nhưng bởi Thần Khí Thiên Chúa.
Để có sự sống đích thật chỉ có một con đường duy nhất, là phải được tái sinh trong Thần Khí của Thiên Chúa. Vì chỉ có Thần khí mới làm cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã nói: "Ai không có Thần khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô" (Rm 8, 9). Để được tái sinh trong Thần Khí đòi hỏi chúng ta phải mở rộng tấm lòng của chúng ta. Việc "sinh lại” là hành động của Thiên Chúa, tự chúng ta không thể tự kiếm cho mình ơn cứu rỗi được. Tuy nhiên không có sự chuẩn bị từ nơi chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ không làm cho chúng ta thành con người mới được. Khi tạo thành chúng ta, Thiên Chúa không cần sự cộng tác của chúng ta, nhưng để cứu rỗi chúng, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của chúng ta (Augustinô).
Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta, Người không bao giờ hành động chống lại ý muốn của chúng ta. Vương Quốc Thiên Chúa thì có đó, bước vào hay không là tùy nơi chúng ta. Nhưng để trở thành công dân của Vương quốc nầy đòi buộc phải đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô, phải lắng nghe và tin vào lời Người, thi hành lời Người giảng dạy. Tức là phải để Thần Khí Thiên Chúa đổi mới thần trí của chúng ta.Chúng ta phải để ý muốn của mình tùng phục ý muốn của Thiên Chúa. Đó chính là hành vi mà Thánh Kinh gọi là "trở về'. Trở về với tình trạng nguyên thủy ban đầu của công trình tạo dựng. Tình trạng sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Trở về là dựt khoát với những đam mê, những tính hư thói xấu do xác thịt chế ngự. Đó chính là "sự tái sinh" để nhận được sự sống mới, sự sống làm con cái Thiên Chúa.
Lạy Chúa, qua Bí tích Rửa tội chúng con được Chúa nhận vào hàng ngũ của con cái Chúa. Thế nhưng, trong thân xác yếu hèn, chúng con vẫn luôn lầm lỗi, vẫn luôn để cho ý muốn của xác thịt thống trị. Chúng con đã bao phen ngụp lặn trong vũng tội. Xin cho chúng con thống hối trở về. Xin Thần Khí Chúa đổi mới chúng con.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Suy Niệm 2
Bắt đầu từ hôm nay, thứ hai sau Chúa Nhật II mùa Phục Sinh, trong Thánh Lễ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại gần như toàn bộ chương ba của Tin Mừng theo thánh Gioan. Đó là một cuộc đối thoại dài giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô.
Vậy tại sao lại phải đọc lại những lời của Đức Giê-su đã nói vào lúc khởi đầu của đời sống công khai, trong khi chúng ta đang ở trong bầu khí của niềm vui Phục Sinh ?
* * *
Đó là bởi vì, trong cuộc đối thoại này, Đức Giê-su đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài rồi. Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất và làm cho rực sáng những gì Đức Giê-su đã nói trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô. Và ngang qua tương quan « soi sáng cho nhau » giữa cuộc đối thoại này và mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhận ra tương quan « soi sáng cho nhau » giữa toàn bộ cuộc đời của Đức Giê-su với từng chi tiết và mầu nhiệm Vượt Qua ; nghĩa là, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giê-su với ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua. Và việc chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giê-su dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua sẽ giúp chúng ta biết chiêm ngắm mọi sự trong sáng tạo và trong lịch sử, trong đó có cuộc đời của chúng ta dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.
Thật vậy, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói về ơn tái sinh bởi Thánh Thần :
Thật, tôi bảo thật ông: « không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên »
Mà để sinh ra một lần nữa, thì phải chết. Đó là cái chết tất yếu của mỗi người chúng ta sau hành trình làm người, nhưng đó không phải là ngõ cụt, nhưng là để được sinh ra một lần nữa cho sự sống mới ở trong Thiên Chúa, cùng với Đức Ki-tô phục sinh. Nhưng đó cũng là cái chết hằng ngày của chúng ta để tái sinh và sống theo và sống trong Thần Khí, thay vì sống theo xác thịt và trong xác thịt.
Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.
Cũng tương tự như hạt lúa mì trong thiên nhiên, như dòng thời gian và như sự luôn chuyển của các mùa, như « tấm bánh » (nghĩa là lương thực) trên bàn ăn của chúng ta và như Bánh Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày, nghĩa là chết đi, để được tái sinh trong Chúa, trong Gia Đình mới của Thiên Chúa.
Trong Gia Đình mới của Thiên Chúa, Đức Kitô Phục Sinh thông truyền cho chúng ta tất cả những gì Ngài có và Ngài là, như Ngài nói với thánh nữ Maria Mác-đa-la : « Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. » Như thế, trong và qua Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta được tái sinh cho một tương quan mới, đó là, chúng ta trở nên « anh em của Thầy », bởi vì, Cha của Thầy cũng là Cha của chúng ta và Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của chúng ta ; và như thế, trong Đức Giê-su Ki-tô phục sinh và nhờ tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa và anh chị em của nhau, vượt qua vô hạn tương quan huyết thống.
Xin cho sự sống mới của Đức Ki-tô phục sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự. Và vì là sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, và tái sinh chúng ta cho sự sống mới rồi.
* * *
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, « tái sinh » để trở thành anh chị em của nhau trong Chúa, điều này quả không dễ dàng, nhưng, có đầy khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.
Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Đức Giê-su, nghĩa là Nước Thiên Chúa, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
Vì thế, dưới sự tác động của Thánh Thần, chính Lời Chúa và Mình Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, mới có thể tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa : « Các ông cần phải được, Đức Giê-su nói, sinh ra một lần nữa bởi ơn trên ». Bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới. Như thế, nhờ Thánh Thần, nghe và sống Lời Chúa không chỉ là điều kiện, nhưng còn là lương thực, là ánh sáng, là sự sống có sức mạnh tái sinh chúng ta ; như Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô : « Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy. »
Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Nước Thiên Chúa, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, và có những người thân yêu của Chúa, là Thánh Cả Giuse và Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Lời bài hát « Như hơi thở mong manh » (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob diễn tả rất hay ơn tái sinh bởi Lời Chúa :
Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc