Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 20. 04.2017

Filled under:

CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ SỐNG LẠI?

“Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân.” (Lc 24,46-47)
Suy niệm: Lời ấy của Đức Giê-su được Người nói lên hơn một lần, và được các tác giả Sách Thánh ghi lại nhiều lần. Lời ấy chất chứa một cái gì đó rất đặc trưng Kitô giáo, một cái gì đó trở thành qui luật sống của người môn đệ Đức Ki-tô: Để tới vinh quang, phải đi qua thập giá! Nhiều người ‘ngán’ Ki-tô giáo vì họ ‘dị ứng’ với hai tiếng “khổ hình.” Ki-tô giáo không dạy người ta đi đường tắt, không hứa hẹn đưa người ta đi từ vinh quang tới vinh quang. Nhiều người, nhất là người trẻ trong trào lưu hưởng thụ hôm nay, muốn chọn ‘Đức Ki-tô sống lại’ nhưng lại tìm mọi cách tránh né ‘Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá.’ Mấy tiếng ‘hy sinh’, ‘hãm mình’, ‘chịu khó’… dường như không còn gặp thấy trong ngôn ngữ của các bạn trẻ nữa.
Mời Bạn: Không ‘chết đi’ thì làm sao ‘sống lại’? Chúng ta cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ đã giúp làm cho cuộc sống con người được tiện nghi, dễ chịu hơn; nhưng chúng ta ý thức rằng ‘khổ hình’ vẫn mãi là một phần tất yếu của cuộc sống, nhất là cuộc sống của người môn đệ Đức Ki-tô. Chúng ta không săn tìm đau khổ, nhưng chúng ta sẵn sàng đón nhận đau khổ và trao ý nghĩa cho đau khổ, như Đức Ki-tô đã làm gương mẫu cho chúng ta.
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về ‘thập giá nở hoa’ trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Bước theo Thầy Giê-su, chúng ta tích cực chấp nhận hy sinh, chịu khó, để phục vụ trong yêu thương.
Cầu nguyện: Đọc kinh của Thánh I-nhã: “Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng…

.THÁNH NỮ ANNÊ MONTÊ- PULCIANÔ ĐỒNG TRINH
(+ 1317)
Trên bờ hồ Trasimênê nay là hồ Pêrôsa người ta còn thấy lưu lại mấy nếp nhà cũ kỹ mang dấu vết của thời trung cổ. Đó là xóm Gracciano Vecchio, quê quán của thánh nữ Annê người sẽ làm thơm danh không ít cho dòng Đaminh.   Ông Laurentiô thân phụ Annê, là người có nhiều gia sản lại cũng giầu lòng từ thiện. Từ khi có Annê, gia đình ông tươi vui hẳn lên, một phần vì Annê là bông hoa đầu mùa của gia đình sau bao ngày trông đợi; đàng khác cô bé lại có nhiều dấu ngoan nguỳ, đạo hạnh khác thường. Còn gì sung sướng cho ông hơn mỗi khi đi làm về thấy con, tuy mới bốn tuổi, đã biết chăm chú cầu nguyện trước bàn thờ!
Lớn lên Annê đã làm quen và nô đùa với trẻ em trong xóm làng; bọn trẻ cũng rất yêu Annê; nhưng cô bé đạo hạnh đã biết lợi dụng tình yêu của bọn trẻ để rủ chúng đi nhà thờ. Nhà chép truyện thánh nữ đã kể lại rằng: hồi lên chín tuổi, Annê đã rủ được một số đông anh chị em chúng bạn để tổ chức một cuộc hành hương tới Montepulciano cách đó một ngày đàng. Khi đoàn nhi nữ vừa tới chân thành, tức thì bày quạ ở đâu bay ra tán loạn và kêu quang quác; chúng còn xông vào như muốn mổ mắt Annê. Cô bé kêu tên Chúa Giêsu, bày quạ liền rút lui không gây hại gì cho cô nữa. Nhà chép tiểu sử cô đã chú thích rằng đó là một đạo binh quỷ đồn trú tại một nhà lầu xanh gần đó; thấy thiên thần trong trắng tới gần, chúng xôn xao rối loạn.
Qua tuổi thơ ấu, Annê bước vào đời với bao hứa hẹn tươi đẹp. Nhưng đồng thời cô cũng sớm nhận thấy cảnh phù hoa giả trá của cuộc đời. Cô ngỏ ý với cha mẹ muốn được vào dòng để hiến thân phụng sự Chúa. Trước ý định của con, ông bà Laurentiô nghĩ nên khôn ngoan ngăn cản con, vì cho rằng con còn trẻ dại; ông bà lại cũng chẳng thấy có gì là dấu Chúa muốn. Annê rất buồn; cô đến nhà thờ khóc lóc kêu xin với Chúa Giêsu, và Chúa cũng không nỡ từ chối lời của cô bé ngây thơ đó. Ông bà Laurentiô tuy trong lòng muốn ngăn cản để giữ con ở nhà với mình, nhưng bao giờ ông bà cũng khoan dung và sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa qua ý muốn tha thiết của con. Thấy Annê khóc lóc và nhất quyết đòi đi bằng được, hai ông bà đành phải chiều theo ý con. Được phép, Annê như chim non tung tăng cất bước ngay đến với các chị nữ tu ở gần Montêpulcianộ Ở đó, Annê dùng hết thời giờ trong ngày và một phần lớn ban đêm để cầu nguyện, đọc sách tu đức và làm các việc đền tội. Cô khiêm tốn, dịu hiền và vâng lời tuyệt đối, khiến ai cũng quý mến cô; trông cô, người ta có cảm tưởng như đó là một thiên thần nhỏ giáng thế.
Khi Annê được 14 tuổi, bà bề trên muốn thử tài đức của Annê, nên đã giao cho cô nhiệm vụ quản lý nhà dòng. Nhiệm vụ đó làm cho cô phải bỏ mất nhiều hứng thú mà cô thường cảm thấy trong giờ kinh nguyện. Nhưng cô cũng nhận thấy rằng, nếu phải vâng lời đi làm việc khác, mà cứ nán ở lại để cầu nguyện, thì việc đạo đức đó cũng không đẹp lòng Chúa. Vì thế cô đã vâng lời và siêng năng chu toàn nhiệm vụ săn sóc các chị em. Khi phải làm gì để giúp đỡ các chị em, cô làm việc đó với tất cả tâm hồn vui vẻ và bác ái. Mùa chay năm đó, cô định tuyệt đối giữ yên lặng suốt mùa, nhưng sau vì nhận thấy làm như thế có bề bất tiện đối với mọi người, cô đành thay đổi ý định và chỉ bớt nói những lời hư từ không cần thiết thôi. Chúa đã tỏ ra hài lòng về thái độ bác ái đó của Annệ Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa trong dịp đó cũng thân hiện ra đàm đạo âu yếm với Annê và, vừa trao cho cô ba viên ngọc quý, Đức Mẹ vừa nói: "Này Annê, con yêu quý của Mẹ, trước khi chết con phải xây cất một tu viện dâng kính Mẹ; đây Mẹ trao cho con ba viên ngọc quý này để nhắc bảo cho con biết rằng toà nhà con xây lên phải được dựa trên nền tảng vững chắc là lòng tin bền vững và tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi".
Mặt khác, nhiều lần trong khi cầu nguyện, Annê còn được nâng lên khỏi mặt đất. Những ơn lạ đó càng khơi thêm lòng tôn kính mến yêu của mọi người đối với chị. Người ta tin tưởng rằng chị là người thánh thiện và đẹp lòng Chúa lắm. Vì thế, đã mến yêu chị, người ta lại càng quý nể hơn nữa. Bấy giờ có những đại biểu ở miền Prôcêna đến xin chị về làm bề trên một tu viện mà dân làng họ định xây cất. Bề trên liền chấp thuận và cử Annê đi. Nhưng thực ra đây chưa phải là lúc Chúa muốn cho Annê trông coi tu viện mà Đức Mẹ đã nói đến. Vì thế Đức Giáo Hoàng đã lấy quyền ngài mà can thiệp không cho Annê coi sóc nhà dòng kia.
Annê vâng lời ngay và càng biết mình chẳng xứng, chị càng gia tăng lời cầu nguyện và làm các việc đền tội. Ân huệ Chúa ban để tán thưởng lòng đạo đức và những hy sinh của Annê nhiều khi đã phát hiện tỏ tường. Có lần người ta thấy bột bánh không hiểu từ đâu rơi xuống trên áo chị theo hình Thánh giá; nhiều thứ hoa hồng hoa tím mọc lên ở chỗ chị đã quỳ gối cầu nguyện. Lần khác vào dịp lễ Đức Mẹ lên trời, Đức Trinh Nữ còn hiện ra trao Chúa Hài Đồng cho chị ẵm bế. Một ngày khác, vì mải mê chăm chú cầu nguyện ở một góc vườn, đến nỗi chị quên cả giờ dự lễ. Khi cơn xuất thần qua, chị khóc và tiếc vì không có thể rước lễ được nữa, bấy giờ một Sứ thần Thiên Chúa đã kiệu Mình Thánh Chúa đến cho chị.
Thấm thoát, Annê đã tới tuổi trưởng thành và nhiều nhân đức có thể trông coi tu viện mà Đức Mẹ đã muốn trao phó cho chị. Một ngày kia, thiên thần lại hiện ra và nhắc đến chuyện ba viên ngọc quý Đức Mẹ đã trao cho chị và nói: "Này chị Annê, đã đến lúc chị phải xây một căn nhà trên đồi Montêpulcianô, ở ngay chính nơi ma quỷ đã hiện hình quạ để tấn công chị khi xưa. Chị sẽ dâng kính nhà dòng cho Thiên Chúa Ba Ngôi, cho Đức Trinh Nữ Maria và cho thánh Đaminh, và từ nay chị sẽ là một nữ tu thuộc dòng của Ngài."
Quả thực vài ngày sau, người ta thấy dân chúng miền Montêpulcianô cử mấy người đàn anh trong họ đến Prôcêna thương thuyết, xin chị Annê trụ trì tại làng họ. Họ cam đoan sẽ xây cất đầy đủ tu viện và gửi con em đến nhờ chị dìu dắt. Tuy chỉ muốn sống mai danh ẩn tích, nhưng, thấy bọn họ quá tha thiết, khẩn khoản, chị Annê đành phải chấp thuận lời đề nghị của những vị đại diện kia. Chị trở về Montêpulcianô và được toàn dân làng hân hoan tiếp đón chẳng khác gì như đón rước một chiến sĩ thắng trận khải hoàn vậy. Chị đốc thúc công việc xây cất cho nhanh chóng. Xây cất xong, chị mặc áo dòng thánh Đaminh và khấn sống theo tinh thần của dòng ngài. Các thiếu nữ trong làng và xa gần cũng lần lượt tới xin nhập tu. Chẳng bao lâu chị đã phải trông coi một cộng đồng gồm tới 20 thiếu nữ.
Giữ lời đã hứa, dân làng Montêpulcianô đã rộng tay giúp đỡ cộng đồng của chị Annê. Nhưng chẳng may có một lần hết mọi người đều quên không tiếp tế lương thực cho cộng đồng trong ba ngày liền. Đó cũng chính là dịp Chúa dùng để thử thách hầu tinh luyện tâm hồn các con cái Chúa. Sau này, khi hiện ra với chị Catarina Siêna, Chúa Giêsu đã kể lại cho chị Catarina nghe thái độ của Annê lúc dó như sau: "Annê con gái yêu quý của Ta lúc ấy vẫn một lòng tin tưởng ở Cha nhân lành, và đã thưa với Cha rằng: Lạy Chúa rất đáng yêu, lạy Cha nhân lành, Chúa đã chẳng bảo họ từ bỏ gia đình mà vào đây để phụng sự Chúa sao? Lạy Chúa có lẽ nào họ vào đây để mà chết đói hết sao? Lạy Thầy Nhân Lành, xin thương giúp chúng con. Chiều theo lời cầu xin khiêm tốn của Annê, Cha đã soi sáng cho một người nhớ đến và mang cho nhà dòng năm ổ bánh. Đồng thời Cha cũng tỏ cho Annê biết có người mang bánh đến, nên khi người mang bánh vừa đến cổng nhà dòng, Annê đã nói ngay với một người trong nhà rằng: "Em hãy ra chân tháp chuông và nhận lấy bánh mà Chúa nhân lành đã gởi đến cho chị em chúng ta". Được bánh rồi, chị em phân chia nhau ăn và Ta còn cho Annê có phép hóa bánh ra nhiều lần hầu cung cấp lương thực cho nhiều ngày sau nữạ" (Dialogue 149).
Chị Annê còn tiếp tục làm nhiều phép lạ, khác nào như đổ những báu vật của trời xuống đất cho trần gian. Chị đã cứu một người khỏi bị quỷ ám, cho một người chị em mù được sáng mắt; lần khác chị chữa một thiếu nữ kia khỏi bệnh nan trị, làm dấu thánh giá cải tử hoàn sinh cho một hài nhi…
Nhưng rồi đến lượt chị phải mang bệnh và chịu nhiều đau đớn. Chị cảm thấy đó là điềm báo trước giờ giã thế của mình. Thiên thần bản mệnh của chị lại dẫn chị tới gốc cây ôliva và vừa trao cho chị một ly rượu đắng, thiên thần vừa nói: "Này chị Annê, bây giờ là lúc đến lượt chị phải uống chén đắng mà Thánh Quân của chị trước đây đã uống vì yêu chị". Nói đoạn thiên thần biến đi.
Vâng lời các vị bề trên, chị Annê đi đến Cancianô, một nơi cách Montêpulcianô không xa, để tắm nước suối và xin ơn khỏi bêïnh. Chúa đã chứng thực cử chỉ vâng lời bằng một phép lạ. Khi Annê vừa tới Cancianô, người ta thấy một ngọn suối mới vọt ra và nước suối đó có thể chữa nhiều bệnh tật (ngày nay người ta gọi tên suối đó là suối thánh nữ Annê). Tuy vậy chị Annê không được khỏi khi uống nước suối đó; trái lại khi về tới Montêpulcianô, bệnh chị lại có bề trầm trọng hơn. Chị nằm liệt giường và vui vẻ chờ đón giờ chết, vì linh cảm thấy rằng Chúa sắp cất chị khỏi chốn lưu đầy này. Chị xin chịu các bí tích lần sau cùng với một tâm tình vui mừng và sốt sắng hơn bao giờ hết. Chị khuyên bảo các chị em trong nhà đang đứng bên giường chị nức nở: "Nếu các chị em thực bụng yêu tôi, chắc các chị không khóc lóc như vậy, người ta phải vui mừng khi bạn hữu của mình được sự gì tốt chứ? Vậy còn cái gì tốt hơn đối với tôi cho bằng được đến với vị Hôn Phu của chúng ta. Các chị em hãy bền lòng trung thành với Đức Thánh Quân khả ái ấy, hãy kiên nhẫn trong sự vâng lời; còn tôi hứa, nếu được về trời, tôi sẽ làm ích cho mọi người hơn là ở lại với các chị em".
Một lúc sau, chị ngước mắt và giơ tay lên trời rồi mỉm cười tươi tỉnh và nói: "Kìa Đấng tôi yêu mến đang đến, tôi sẽ không bao giờ còn phải lìa bỏ Chúa nữa". Vừa dứt lời chị liền tắt thở. Lúc ấy vào khoảng nửa đêm ngày 20-4-1317. Sáng hôm sau dân chúng được tin, họ tấp nập kéo đến tu viện để phúng viếng xác chị. Thi hài chị Annê được trưng bầy trong nhiều ngày để cho dân chúng kính viếng. Trong thời gian đó, xác chị vẫn tươi tốt và còn toả nhiều hương thơm.
Trước khi có sự can thiệp của giáo quyền, giáo dân vẫn một niềm tôn kính và sùng mộ Annê như một bậc thánh. Hằng năm vào ngày nhất định, giáo dân đến tụ tập cầu nguyện và làm các việc mộ đạo trên mồ ngài, đến năm 1726, Đức Giáo Hoàng Biển đức XIII đã chính thức long trọng tuyên phong chị lên bậc hiển thánh. Lễ kính ngài được mừng vào ngày 20-4 mỗi năm, tức là ngày thánh nữ từ trần.