Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 5/4/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 8: 31-42)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thực, và sự thực giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao Ông lại nói: “Các ngươi sẽ được tự do”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn .các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!”. Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Điều đó Abraham đã không làm! các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!”. Họ lại nói: chúng tôi không phải là những đưá con hoang! chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!”. Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến.”

SUY NIỆM 1

Lời Chúa Giêsu phán: “Nếu các người ở lại trong lời của Ta, thì các ngươi thật là môn đệ Ta”.

Như vậy, làm môn đệ của Chúa Giêsu là đặt niềm tin vào những gì Người dạy, những gì Người mạc khải về Chúa Cha và tình thương lớn lao của Thiên Chúa. Đó cũng là trách xa tội lỗi và chỉ hướng đến ý nghĩa đích thực của đời sống.

Như vậy, làm môn đệ của Chúa, bao hàm các việc như:

- Lắng nghe lời Chúa Giêsu. Tin tưởng tuyệt đối vào lời ấy và luôn chăm chỉ thực hành lời ấy suốt đời mình.

- Luôn suy niệm để khám phá ngày một dồi dào hơn ý nghĩa Lời Chúa dạy. Càng sống thân mật với Chúa, càng phải đi sâu vào phần chân lý ẩn tàng trong lời của Chúa Giêsu.

- Để khám phá lời Chúa thật tốt, chúng ta cần siêng năng nghiên cứu, suy gẫm những gì Chúa phán dạy, để ý nghĩ của lời Chúa ngày càng sáng tỏ trong đời ta, giúp ta sống lời Chúa tốt hơn, bền bỉ hơn.

- Chúng ta luôn phải thâm tín rằng, làm môn đệ của Chúa, chúng ta bất chấp mọi nghịch cảnh, mọi nguy nan, mọi thử thách, nhưng vẫn trung thành đến cùng trong việc tuyên xưng danh Chúa, cao rao tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người.

- Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc trong việc sống chứng nhân cho Chúa giữa thế giới này, để càng ngày càng kêu mời nhiều người hơn, trở về cùng tôn thờ, tin nhận Chúa như ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trung thành làm môn đệ Chúa suốt đời chúng con. Xin cho chúng con tận trung với bổn phận Kitô hữu của mình, mà suốt đời chỉ biết phụng sự và tôn thờ một mình Chúa thôi. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



  SUY NIỆM 2
 
1. Đức Giê-su và người Do Thái
Các bài Tin Mừng trong những ngày này kể lại cho chúng ta cuộc đối thoại dài giữa Đức Giê-su và người Do Thái. Trong cuộc đối thoại này, Đức Giê-su càng mặc khải căn tính đích thật của Ngài, thì người Do Thái càng phản đối :
  • Đức Giê-su nói : « Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông » (c. 31-32). Người Do thái đáp : « Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do? »
  • Sau đó, Đức Giê-su nói : « Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm » (c. 40). Người Do thái đáp lại : « Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha : đó là Thiên Chúa » (c. 41)
  • Đức Giê-su đáp lại : « Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. » Với những lời này, chỉ một lát nữa, họ lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
Người Do Thái tự cho mình là tự do, là dòng dõi Abraham và là con Thiên Chúa, nhưng rốt cuộc họ hành động bạo lực : họ ném đá Đức Giê-su. Còn Đức Giê-su cũng mặc khải mình là Con Thiên Chúa, nhưng hành động cách hiền lành. Chính những cung cách hành động như thế cho thấy, ai ở trong sự thật và ai ở trong gian dối. Gian dối đi đôi với bạo lực, còn sự thật đi đôi với hiền lành.
Bạo lực của con người, nhưng đàng sau hay ở chiều sâu là chính Sự Dữ, và hiền lành của Thiên Chúa sẽ hoàn toàn lộ diện và đạt tới cực điểm trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trong cùng một biến cố, bạo lực của con người nêu bật sự hiền lành của Thiên Chúa và sự hiền lành của Thiên Chúa nêu bật bạo lực của con người.
Hình ảnh những người trẻ, trong bài đọc 1, trích sách Đanien, đi lại thanh thản ngay trong lò lửa, ngay trong bạo lực và sự dữ tận cùng, diễn tả cách tuyệt vời sự kiện : Họ lượm đá ném Người, nhưng Đức Giê-su lánh đi, và nhất là diễn tả chính mầu nhiệm Vượt Qua, Thương Khó và Phục Sinh, của Ngài.
2. Thập Giá : hình ảnh của Tội và Sự Dữ
Khi nhìn lên Thập Giá, chúng ta thường bị cuốn hút vào một mình Chúa với sự đau đớn thể xác, rồi khóc lóc, rồi diễn lại và có khi còn tự hành hạ mình để nên « giống Chúa ». Có lẽ, đó không phải là « Lời Thập Giá » (1Cor 1, 18), thậm chí có phần lệch lạc ở bình diện nhân học ! Thánh sử Gioan muốn nhấn mạnh hình ảnh của “Đấng, họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37), muốn chúng ta nhìn thân thể nát tan và bị đâm thủng của Đức Giê-su do hành động của “họ”, nhìn ra hình dạng thật sự của Tội và Sự Dữ hiện hình nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Vì thế, chúng ta đừng tự tạo thập giá cho mình và đừng chất thập giá lên vai nhau, vì thập giá tự bản chất là hình ảnh của Sự Dữ !
Đức Giê-su để cho mình bị treo trên thập giá, được đặt trên đồi cao, thân thể nát tan, chính là để chúng ta nhìn thấy những điều thật hữu hình, thật cụ thể, đập vào mắt loài người chúng ta. Chúa muốn chúng ta nhìn thấy những gì loài người chúng ta đã làm cho Chúa, và vẫn còn đang làm cho Chúa qua thân thể của Ngài là những còn người bé nhỏ, bất hạnh, bị bỏ rơi, chịu thiệt thòi vì hoàn cảnh, chịu thiệt thòi ngay khi sinh ra (mù, điếc, khiếm khuyết, tâm thần), người nghèo, người vô tội…
Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô. Thánh Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội.
 3. Công lí của con người
Ngoài ra, chúng ta còn được mời gọi nhìn lên cây giá gỗ, trên đó Đức Giêsu chịu đóng đinh, là một dụng cụ thi hành công lí của Lề Luật. Thập giá là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội.Vì thế, thập giá là biểu tượng cho công lí của con người. Thế mà, người chịu đóng đinh là chính Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo; vì thế, sự công chính của con người chỉ là giả tạo, gian dối và chỉ có vẻ bề ngoài.

Sa-tan
(nơi những con người cụ thể)
Đức Ki-tô
Bề ngoài
Thập Giá, dụng cụ hành hình, công lí của Luật
Kẻ tử tội
Sự thật (được mặc khải bởi Tin Mừng) Gian dối, bạo lực Đấng Vô Tội, hiền lành

Sâu rộng hơn, nơi Thập Giá, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật dưới mọi hình thức và trong mọi lãnh vực; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín:
Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy(Gal 2, 16)
Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích!
(Gal 2, 20-21)
Vì thế, chúng ta được gọi ngưng ngay việc lên án mình và lên án nhau, bởi vì chúng ta đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ, với và trong Đức Ki-tô; như Thánh Phao-lô xác tín: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1). Hơn nữa, hành vì lên án, tự nó là điều dữ, thuộc về sự dữ, là hành vi đặc trưng của Satan.
4. Lời nguyện Thánh Vịnh và ơn được nên công chính nhờ tin vào Đức Ki-tô
Trong đời sống đức tin, chúng ta được mời gọi xưng thú liên tục tội lỗi của mình, và việc đạo đức này bình thường sẽ mang lại cho chúng ta sự bình an và làm cho chúng ta khoan hồng hơn với những người tội lỗi. Tuy nhiên, trong thực tế còn có một khả thể khác: Satan, Kẻ Tố Cáo « chuyên nghiệp », có thể dễ dàng đi vào bằng cánh cửa sẵn sàng “cáo mình” của chúng ta và chắc chắn nó biết đó chính là « yếu điểm » của người Kitô hữu[1]. Phải chăng để ngăn chặn Satan đi vào cửa này, mà các Thánh Vịnh đề nghị chúng ta nói với nó: “Tôi có không gì đáng trách !”
Lạy CHÚA là Đấng xét xử muôn dân nước,
xin CHÚA xử cho con, vì con công chính và vô tội. Tv 7, 9)
Con chẳng theo thói đời buông những lời sai trái.
Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy,
tránh xa đường lối kẻ bạo tàn,
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.      (Tv 17, 4-5)
CHÚA ban thưởng cho tôi, bởi tôi sống ngay lành,
và tay tôi trong sạch, như mắt Người đã thấy. (Tv 18, 25)
Chúng ta thường mau mắn thú nhận mình là tội nhân, nhưng sự mau mắn nhận mình là tội nhân lại thường là một cách thức quanh co tin vào sự công chính riêng của mình. Lời cáo buộc mà chúng ta tuyên bố chống lại chính chúng ta, phải chăng đó không phải là “người công chính tuyệt đối” mà chúng ta nuôi dưỡng cách bí mật trong lòng của mình, đã nói lên lời đó ? Một « cái tôi công chính » tưởng tượng rất bén nhạy bách hại « cái tôi tội lỗi » nơi chúng ta, dưới vẻ bề ngoài khiêm tốn. Tất cả những điều này đã trở thành một hệ thống và làm cho những tội lỗi thật sự của chúng ta vẫn còn bị che đậy : « cái tôi công chính » của chúng ta mới là tội nhân đích thực, vốn ẩn núp dưới đức khiêm tốn nơi chúng ta. Kiểu kiêu ngạo này dường như ít hồn nhiên hơn kiểu của người Pharisiêu. Chính khi những người tội lỗi trở nên không thể chịu đựng được nữa đối với chúng ta, sự kiêu ngạo trá hình có nơi chúng ta sẽ bị lộ ra.
Vì thế, cần phải cầu nguyện trước tòa án của sự thật. Các tác giả Thánh Vịnh nói mình là tội nhân cũng nói mình là công chính. Để có thể nói với sự thật: “chỗ này con đã làm sai”, cần phải có khả năng nói cũng với sự thật: “chỗ kia con đã làm đúng” ! Như thế, các Thánh Vịnh dạy chúng ta biết nhận định nơi chính mình.
Các Thánh Vịnh sẽ mất hết ý nghĩa, nếu chúng ta giới hạn lời nguyện của tác giả vào hoàn cảnh riêng tư của chúng ta thôi. Để buộc chúng ta cầu nguyện với những người khác, các Thánh Vịnh làm cho chúng ta nói những từ ngữ được viết bởi những người khác. Vậy thì tại sao chúng ta không nói được rằng Cộng Đoàn đang đọc hay hát Thánh Vịnh cùng với chúng ta là “không có gì đáng trách”, bởi vì đó là một phần của Giáo Hội thánh thiện và không tì vết. Đúng là dưới mắt của nhiều người, Giáo Hội thường bị đặt vào chỗ của người thu thuế bị buộc tội ; nhưng chúng ta hãy học nhìn Giáo Hội với lòng thương cảm mà Thiên Chúa dành cho Giáo Hội. Thiên Chúa nhìn thấy Con của Ngài nơi Giáo Hội và lời nguyện của các Thánh Vịnh, khi được thực hiện nhân danh Đức Kitô, sẽ tuyên xưng sự công chính của chúng ta như hoàn toàn đến từ Đức Kitô và như là sự công chính của chính Đức Kitô (x. Rm 3, 23-24).
*  *  *
Tin rằng Thiên Chúa coi chúng ta là những người công chính trong Đức Giêsu-Kitô, có lẽ là phương cách thích hợp nhất với Tin Mừng, để cuối cùng có được sự xấu hổ đối với tội của chúng ta và nhất là có được nhiều lòng thương cảm hơn đối với tội của những người khác.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Đó chính là kinh nghiệm bị dằn vặt đến độ muốn tự tử của thánh Inhã Loyola (1491-1556) khi ở Manresa. Dù đã xưng tội rất chi tiết nhiều lần, ngài luôn nghĩ mình còn điều gì đó chưa xưng ra, hoặc chưa xưng chính xác đủ những gì đã xưng rồi, như thể lòng thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn lệ thuộc vào sự đầy đủ và chính xác của hành vi xưng tội (Inhã, Những bước đường theo Chúa, bản dịch và chú thích của Hoàng Văn Đạt, S.J., Hiển Linh, 2002, số 22-25).