Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Cuộc đời của anh chị em ẩn chứa hạt giống phục sinh ân huệ sự sống chờ được đánh thức

Filled under:

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô trong Thánh lễ Ðêm Vọng Phục Sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô 15-04-2017.
Vatican (WHÐ 17-04-2017) - Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô trong Thánh lễ Ðêm Vọng Phục Sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tối Thứ Bảy Tuần Thánh 15 tháng 04 năm 2017:

"Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ" (Mt 28,1). Chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh của họ trên đường đi ... Họ đi như những người đi đến nghĩa trang, với bước chân liêu xiêu chán nản, như những người thấy khó mà tin được rằng mọi sự đã kết thúc như thế. Chúng ta có thể hình dung khuôn mặt của họ, nhợt nhạt và nhoà lệ. Và họ tự hỏi: lẽ nào Ðấng Tình yêu đã chết thật rồi sao?
Không giống các môn đệ, những người phụ nữ vẫn có mặt - như họ đã có mặt lúc Thầy thở hơi cuối cùng trên thập giá, và sau đó, cùng với Giuse Arimathêa, lúc Thầy được an táng trong mồ. Hai người phụ nữ đã không chạy trốn, nhưng vẫn vững vàng, đối mặt với cuộc sống như nó vốn thế và biết được vị đắng của bất công. Chúng ta thấy họ ở đó, trước ngôi mộ, đầy đau buồn nhưng cũng không thể chấp nhận được rằng sự việc cứ phải kết thúc theo cách này.
Nếu chúng ta cố gắng hình dung khung cảnh này, chúng ta có thể nhìn thấy nơi khuôn mặt của những phụ nữ đó nhiều khuôn mặt khác: những khuôn mặt của các bà mẹ và người bà, của trẻ em và người trẻ đang mang gánh nặng đau buồn của bất công và bạo lực. Trên khuôn mặt họ, chúng ta có thể nhìn thấy nét phản chiếu của tất cả những ai đang bước đi trên những nẻo đường của thành phố chúng ta, cảm nhận nỗi đau của cái nghèo tận cùng, nỗi buồn vì nạn bóc lột và và buôn người. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người được tiếp đón bằng sự khinh miệt vì họ là những người nhập cư, bị tước mất quốc gia, nhà cửa và gia đình. Chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt với những ánh mắt nói lên nỗi cô đơn và bị bỏ rơi, vì đôi tay họ đầy những vết nhăn. Khuôn mặt của họ phản chiếu khuôn mặt của các phụ nữ, các người mẹ đang than khóc khi thấy cuộc sống của con cái mình tan nát vì những đồi bại ghê gớm đã tước đi quyền lợi và làm tiêu tan giấc mơ của chúng. Vì những hành động ích kỷ hằng ngày đã đóng đinh và chôn vùi niềm hy vọng của con người. Vì thói quan liêu cằn cỗi và gây tê liệt, chống lại sự thay đổi. Trong nỗi đau của họ, hai người phụ nữ ấy phản ánh khuôn mặt của tất cả những ai đang bước đi trên những nẻo đường của thành phố chúng ta với nhân phẩm bị đóng đinh.
Khuôn mặt của những phụ nữ này cũng phản chiếu nhiều khuôn mặt khác nữa, có lẽ cả khuôn mặt của anh chị em và của tôi. Cũng như họ, chúng ta có thể thấy mình được thôi thúc tiếp bước mà không cam chịu rằng sự việc phải kết thúc như thế. Thật thế, chúng ta mang trong mình một lời hứa và niềm xác tín về sự tín trung của Thiên Chúa. Nhưng khuôn mặt của chúng ta cũng mang dấu ấn của những vết thương, của biết bao hành vi bất trung, của chính chúng ta cũng như của những người khác, dấu ấn của những nỗ lực đã thực hiện và những khi đấu tranh thua cuộc. Trong thâm tâm, chúng ta biết rằng mọi thứ có thể sẽ khác, nhưng hầu như chúng ta không nhận ra rằng chúng ta có thể quen dần với việc sống chung với những nấm mồ, với nỗi thất vọng. Tệ hơn nữa, chúng ta lại còn thuyết phục mình rằng đây là quy luật của cuộc sống, và làm cho lương tâm của mình cùn đi bằng những cách trốn tránh vốn chỉ dập tắt hy vọng mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Vì vậy, biết bao lần chúng ta thường bước đi như những người phụ nữ ấy: đong đưa giữa nỗi khát mong Thiên Chúa và tâm trạng cam chịu u sầu. Không chỉ là Thầy đã chết, mà cả niềm hy vọng của chúng ta cũng chết theo với Thầy.
"Và bỗng dưng đất rung chuyển dữ dội" (Mt 28,2). Thật bất ngờ, những phụ nữ ấy cảm thấy một chấn động mạnh, như một cái gì đó hoặc một ai đó làm cho đất rung lên dưới chân họ. Một lần nữa, có người đến bảo họ: "Ðừng sợ", nhưng bây giờ lại thêm: "Người đã sống lại như lời Người đã nói!" Ðây là sứ điệp mà, từ thế hệ này đến thế hệ khác, Ðêm Thánh này truyền lại cho chúng ta: "Anh em đừng sợ; Người đã sống lại như Người đã nói!" Sự sống, đã bị cái chết hủy đi trên thập giá, nay đã trỗi dậy và lại đập nhịp mới (x. Romano Guardini, The Lord, Chicago, 1954, tr. 473). Nhịp đập con tim của Chúa Phục sinh được ban cho chúng ta như một ân huệ, một quà tặng, một triển vọng mới. Trái tim đang đập của Chúa Phục Sinh được ban cho chúng ta, và chúng ta lại được mời gọi cho đi trái tim ấy như một quyền năng có sức biến đổi, như men của một nhân loại mới. Trong biến cố phục sinh, Chúa Kitô đã lăn đi tảng đá của ngôi mộ, nhưng Người cũng muốn phá tan tất cả những bức tường giam hãm chúng ta trong sự bi quan cằn cỗi, trong những tháp ngà xây dựng kiên cố ngăn cách chúng ta với cuộc sống, trong những nhu cầu an ninh luôn ám ảnh chúng ta và trong những tham vọng vô độ khiến chúng ta làm phương hại đến phẩm giá của người khác.
Khi vị Thượng tế và các kỳ mục, cấu kết với người Roma, tưởng rằng họ có thể sắp đặt mọi sự, tưởng rằng tất cả đã xong và họ chỉ có việc thực hiện, thì Thiên Chúa lại can thiệp và đảo ngược mọi quy tắc và mang lại những triển vọng mới. Một lần nữa Thiên Chúa lại đến gặp chúng ta, để thiết lập và củng cố một thời đại mới, thời đại của lòng thương xót. Ðây là lời hứa đã có từ ban đầu. Ðây là sự ngỡ ngàng Thiên Chúa dành cho đoàn dân tín trung của Ngài. Hãy vui lên! Vì cuộc đời của anh chị em ẩn chứa hạt giống phục sinh, ân huệ sự sống chờ được đánh thức.
Ðó là điều mà đêm này kêu gọi chúng ta công bố: nhịp đập con tim của Chúa Phục sinh. Chúa Kitô đang sống! Ðó là điều làm rộn rã bước chân của Maria Mađalêna và Maria khác. Ðó là điều khiến họ vội vã trở về để loan báo tin vui (Mt 28,8). Ðó là điều khiến họ vất bỏ bước chân đưa đám và dáng vẻ âu sầu. Họ trở về thành phố để gặp những người khác.
Giờ đây, cũng như hai người phụ nữ, chúng ta đã đến viếng mộ rồi, tôi xin anh chị em hãy cùng với họ trở về thành phố. Tất cả chúng ta hãy quay bước, hãy đổi mới diện mạo của mình. Cùng với họ, chúng ta hãy loan tin này ... ở tất cả những nơi mà dường như nấm mồ đã có tiếng nói cuối cùng, mà dường như cái chết là lối thoát duy nhất. Chúng ta hãy quay trở về để loan báo, để chia sẻ, để nói lên sự thật là: Chúa vẫn đang sống! Người đang sống và Người muốn sống lại lần nữa nơi tất cả những khuôn mặt đã vùi chôn niềm hy vọng, vùi chôn những giấc mơ và vùi chôn phẩm giá. Nếu chúng ta không để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta trên con đường này, thì chúng ta không phải là Kitô hữu.
Nào, chúng ta hãy bước đi, hãy để cho mình ngạc nhiên trước bình minh tươi mới này và trước điều mới mẻ mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể ban tặng. Ước gì chúng ta để cho lòng nhân hậu và tình yêu của Người hướng dẫn bước chân chúng ta. Ước gì chúng ta để cho nhịp đập trái tim của Người làm cho trái tim yếu ớt của chúng ta nên mạnh mẽ hơn.
(WHÐ, 17.04.2017)

Minh Ðức chuyển ngữ

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng


VATICAN. Trưa 17-4-2017, thứ hai sau Phục Sinh, ĐTC đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu và mời gọi mọi người hãy trở thành những con người mới.
PopeFrancis-17Apr2017-01.jpg
Thứ hai Phục Sinh được gọi là ”Lễ Phục Sinh nhỏ” (Pasquetta) hay là ”Thứ hai Thiên Thần” cũng là ngày lễ nghỉ tại Italia. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải lời thiên thần mời gọi các phụ nữ mau lẹ đi loan báo cho các môn đệ: Chúa đã sống lại (Mt 28,7), và ngài nhận xét rằng lời mời này cũng được trực tiếp gửi đến chúng ta: ”hãy mau lẹ đi loan báo sứ điệp hy vọng cho con người ngày nay. Vào bình minh ngày thứ ba, từ khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh đã sống lại, lời nói cuối cùng không là lời nói của sự chết, nhưng là của sự sống!”


 Do biến cố ấy, là điều mới mẻ đích thực trong lịch sử và trong vũ trụ, chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam nữ mới theo Thánh Linh, bằng cách khẳng định giá trị sự sống. Điều này đã bắt đầu nảy sinh! Chúng ta sẽ là những con người của phục sinh, nếu giữa những biến cố chao đảo của thế giới, trước tinh thần trần tục làm xa lìa Thiên Chúa, chúng ta biết đề ra những cử chỉ liên đới và đón tiếp, nuôi dưỡng ước muốn hòa bình nơi mọi người, và khao khát một môi trường không bị suy thoái. Đó là những dấu chỉ chung của con người, nhưng được niềm tin nơi Chúa Phục Sinh nâng đỡ và linh hoạt. Những dấu chỉ ấy có thể đạt được hiệu năng vượt lên trên khả năng của chúng ta. Đúng vậy, vì Chúa Kitô hằng sống và hoạt động trong lịch sử nhờ Thánh Linh của Ngài: Chúa cứu vớt khỏi những lầm than của chúng ta, liên kết tâm hồn mỗi người và tái ban hy vọng cho những người bị áp bức và đau khổ”.

 Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, chứng nhân âm thầm về cái chết và sự sống lại của Chúa Con Giêsu, giúp chúng ta trở thành những dấu chỉ trong sáng của Chúa Kitô phục sinh giữa những thăng trầm của thế giới, để những người ở trong sầu muộn và khó khăn không tiếp tục là nạn nhân của thái độ bi quan, nhưng tìm được nơi chúng ta bao nhiêu anh chị em nâng đỡ và an ủi họ”.... Xin Mẹ đặc biệt chuyển cầu cho những cộng đoàn Kitô đang được kêu gọi làm chứng tá một cách khó khăn và can đảm hơn” (SD 17-4-2017)



(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 17.04.2017)