Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Ðức Thánh Cha chủ sự lễ Vọng Phục Sinh và rửa tội

Filled under:



G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 20-04-2019) - Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 20 tháng 4 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Ðền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 8 dự tòng gồm 4 người Ý, và những người còn lại đến từ 4 nước: Ecuador, Albani, Peru, và Indonesia.
Người lớn nhất 61 tuổi là một phụ nữ Indonesia và người trẻ nhất 21 tuổi là một thanh niên người Ý.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 25 Hồng Y, 40 Giám Mục và 350 linh mục trước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu.
Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô, từ tiền đường đền thờ tiến lên bàn thờ chính.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Hành trình bị chặn đường
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã phân tích tâm trạng và thái độ của các phụ nữ mang thuốc thơm đến mộ Chúa: các bà e sợ hành trình của mình sẽ vô ích vì có tảng đá lớn chặn lối vào mộ. Ðức Thánh Cha nhận định rằng "hành trình của các phụ nữ ấy cũng là hành trình của chúng ta, giống như hành trình cứu độ, qua đó nhiều khi nó đụng vào tảng đá chặn đường: tội lỗi, bất trung. Nhưng rồi chúng ta khám phá thấy hành trình của chúng ta không vô ích, không đụng phải tấm bia mộ. Một câu nói đã đánh động các phụ nữ và thay đổi lịch sử: "Tại sao các bà tìm Người sống giữa người chết ?" (Lc 24,5). Tại sao các bà có thái độ cam chịu và nhượng bộ thất bại ?"
Phục sinh là lễ loại bỏ các chướng ngại
Ðức Thánh Cha xác quyết rằng "Phục Sinh là lễ loại bỏ các tảng đá. Thiên Chúa tháo gỡ những tảng đá cứng nhất mà những hy vọng và mong đợi của chúng ta đụng phải, đó là sự chết, tội lỗi, sợ hãi và tinh thần thế tục. Và ÐTC nói thêm rằng: "Tối hôm nay, mỗi người chúng ta được kêu gọi tìm lại trong Ðấng Hằng Sống Người loại bỏ khỏi tâm hồn những tảng đá nặng nhất. Nhất là chúng ta hãy tự hỏi: đâu là tảng đá của tôi cần phải loại bỏ, tảng đá ấy là gì?
Ðừng than vãn hoặc cam chịu
Cũng trong bài giảng, Ðức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng "nhiều khi chính tảng đá thiếu tin tưởng, thiếu tín nhiệm ngăn chặn hy vọng của chúng ta. Khi ta cứ chiều theo ý tưởng: mọi sự không ổn, và chẳng bao giờ hết những điều tệ hại, thì chúng ta sẽ có thái độ cam chịu, cho rằng sự chết mạnh hơn sự sống và chúng ta sẽ có thái độ ngờ vực, buông xuôi và nản chí. Từng viên đá một, chúng ta dựng lên một tượng đài với những bất mãn, một cái mồ chôn hy vọng. Chúng ta than trách cuộc đời, làm cho cuộc sống tùy thuộc những lời than vãn và bệnh hoạn về tinh thần ... Nhưng Thiên Chúa không ở trong sự cam chịu. Ngài đã sống lại, đừng tìm Chúa ở đó vì bạn sẽ không bao giờ thấy Ngài!
Hãy nhìn như Chúa nhìn
Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn được nhìn cuộc sống như Chúa nhìn, Ðấng luôn thấy trong mỗi người chúng ta một cốt tủy đẹp không thể xóa bỏ. Trong tội lỗi, Chúa thấy những người con trỗi dậy; trong sự chết, Chúa thấy những người anh em cần hồi sinh; trong sầu muộn, Chúa thấy những tâm hồn cần an ủi ."
Ðể Chúa ở trung tâm cuộc sống
Và Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người "hãy dành cho Chúa Hằng Sống chỗ đứng trung tâm trong cuộc sống của mình. Chúng ta hãy xin ơn đừng để mình bị dòng đời, và biển cả của các vấn đề cuốn trôi đi; đừng đụng vào những tảng đá của tội lỗi và những tảng đá ngầm của sự thiếu tin tưởng và sợ hãi". (Rei 20-4-2019)



Đức Thánh Cha đau buồn về ngày Chúa Nhật Phục sinh đẫm máu tại Sri Lanka
Tượng Đức Mẹ sau vụ nổ tại nhà thờ Thánh Antôn ở quận Kochchikade, Colombo
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn vô hạn của ngài trước các cuộc tấn công khủng bố diễn ra vào sáng Chúa Nhật Phục sinh tại một số nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka, khiến ít nhất 138 người thiệt mạng và hơn 400 người khác bị thương.

Đức Thánh Cha nói trong thông điệp Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới:

“Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi chân thành của mình với cộng đồng Kitô giáo [Sri Lanka], bị tổn thương khi đang hợp nhau trong lời cầu nguyện, và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực tàn bạo đó .”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói những lời liên đới này khi kết thúc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi của ngài trước các tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật 21 tháng Tư.

Đức Thánh Cha nói rằng một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các nhà thờ và khách sạn tại Sri Lanka “đã giáng xuống những than khóc và đau buồn”.

“Tôi phó thác cho Chúa tất cả những người đã thiệt mạng một cách quá bi thảm, và tôi cầu nguyện cho những người bị thương và tất cả những người phải chịu hậu quả của sự kiện bi đát này .”

Ba nhà thờ nhắm mục tiêu

Những kẻ tấn công đến nay vẫn chưa được xác định đã gây ra ít nhất bảy vụ nổ bom vào sáng Chúa Nhật Phục sinh tại ba nhà thờ và bốn khách sạn.

Hai trong số các nhà thờ bị tấn công là nhà thờ Công Giáo; và một là nhà thờ Tin Lành.

Vụ nổ đầu tiên xảy ra tại nhà thờ Công Giáo Thánh Antôn, ở Kochchikade, một quận phía bắc thủ đô Colombo, gây thương vong nặng nề.

Trong khi đó, hàng chục người đã chết tại nhà thờ Công Giáo Thánh Sebastian ở Negombo, một quận khác ở phía bắc thủ đô Colombo.

Ngôi nhà thờ Tin Lành bị tấn công nằm tại quận Batticaloa ở Đông Sri Lanka. Hơn hai chục tín hữu bị thiệt mạng tại đây.

Các vụ nổ xảy ra gần như đồng loạt chỉ xê xích trong một khoảng thời gian ngắn, tất cả đều nhắm vào các tín hữu khi các cử hành Phục Sinh mới bắt đầu.

Bốn khách sạn bị đánh bom

Vào khoảng cùng thời gian này, bốn vụ nổ khác đã diễn ra ở bốn khách sạn tại thủ đô Colombo, bao gồm cả Shangri-La Kingsbury, và Cinnamon Grand, là các khách sạn cao cấp đông du khách người nước ngoài.

Ít nhất chín người nước ngoài đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào sáng Chúa Nhật.

Phản ứng của Đức Hồng Y Tổng giám mục Colombo

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục Colombo, cho biết “Đây là một ngày rất buồn cho tất cả chúng ta .”

“Do đó, tôi muốn bày tỏ nỗi buồn và sự cảm thông sâu sắc nhất với tất cả những gia đình vô tội đã mất những người thân, và cả những người bị thương và bị thiệt hại”

Đức Hồng Y Ranjith nói thêm rằng “Tôi cực lực lên án hành động này. Nó đã gây ra rất nhiều cái chết và đau khổ cho người dân .”

Đức Hồng Y Ranjith kêu gọi chính phủ Sri Lanka tổ chức một cuộc điều tra “rất vô tư, mạnh mẽ và phải tìm cho ra ai chịu trách nhiệm đằng sau những hành vi này .”