Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng Thứ sáu Tuần Thánh

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng Thứ sáu Tuần Thánh 
Chính Chúa Giê-su vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá. (Ga 19,17-18).
Khi Môi-sen treo con rắn đồng lên thì: hễ ai nhìn lên rắn làm bằng đồng ấy, sẽ được chữa lành.
Hội Thánh suy tôn thánh giá để mọi người biểu lộ lòng kính tôn thánh giá bằng nụ hôn. Không hôn thánh giá như Giu-đa từng dối trá hôn Chúa. Nhưng hôn là để tôn vinh, để tạ ơn. 
Thánh Giá là cờ chiến thắng mà Đức Giêsu đã chiến thắng trong máu và nước mắt. Thánh Giá được treo trên tháp đỉnh, được đặt trên bàn, treo trên tường, nhất là Thánh Giá được vạch trên trán mỗi người. Thánh Giá là vinh dự vì nhờ Thánh Giá Ðức Giêsu, mọi người được ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương, cụ thể bằng cuộc sống hằng ngày trong gia đình, trong cộng đoàn... Chúng con biết sống chan hòa với mọi người. Xin Chúa đưa anh chị em chưa biết Chúa được trở về cùng Giáo Hội. Xin Chúa cho Giáo Hội chúng con được sống hiệp nhất để chỉ có một Chúa và một đoàn chiên. Amen.


Luchesio & Buonadonna
(1260)

Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô – có lẽ năm 1213 – họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.
Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Đầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Đức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.
Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, “Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?” Ông Luchesio trả lời, “Tôi đang cõng Đức Giêsu Kitô.” Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư  năm 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là “chân phước” dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

Lời Bàn

Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như “sự đau khổ tiềm ẩn” của Đức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích – người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp – do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống của chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Đức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.

Lời Trích

Thánh Phanxicô thường nói, “Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Đức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Đấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta” (1 Celano, #76).