Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27/04/2019

Filled under:

Lời Chúa: Mc 16, 9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Suy niệm 1  
Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8, 
với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ. 
Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông. 
Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng. 
Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng, 
vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác. 
Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ, 
chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên; 
rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ 
và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).
Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra, 
một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20), 
dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ. 
Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa. 
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.
Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala. 
Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc, 
nhưng họ không tin (cc. 9-11). 
Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê. 
Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13). 
Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một. 
Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).
Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ,
dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy, 
dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại. 
Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. 
Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy. 
Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động. 
Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. 
Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. 
Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao. 
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15).
Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. 
Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác. 
Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn… 
Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, 
vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này. 
Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu, 
để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinhnên con được tự do bay cao,không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

Đây là thời gian chúng ta vui mừng sống trong vinh quang khải hoàn của Chúa Kitô. Chúa Cha siêu tôn Chúa Kitô và đặt Người làm Chúa các chúa, Vua muôn vua. Giờ đây Chúa Kitô bắt đầu cuộc sống mới: Cuộc sống vượt không gian và thời gian; cuộc sống vinh thắng trên sự chết. 

Từ nay, Người làm chủ sự chết, không còn lệ thuộc vào sự chết. Muôn đời Chúa Kitô, Chúa chúng ta không còn phải chết nữa. Ngày Chúa phục sinh đánh dấu sự chiến thắng của Người trên mọi thế lực hoả ngục, tội lỗi và sự chết.

Khi hân hoan sống trong ngày chiến thắng của Đấng Phục Sinh, mỗi người chúng ta được kêu gọi cố gắng vươn tới một con người mới như Người. Sống con người mới như Chúa Kitô Phục Sinh là chúng ta trở lại sống ơn bí tích Thánh Tẩy: Hãy làm lại đời sống như chiếc áo trắng mà chúng ta lãnh nhận trong ngày rửa tội. Hãy làm cho đời sống chúng ta như ngọn nến cháy sáng mà chúng ta đón lấy trong ngày được ơn tái sinh. 

Để sống được như thế, điều cơ bản là chúng ta hãy tránh xa tội lỗi, hãy sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng Thánh. Đừng bao giờ làm nô lệ cho tội lỗi, cho dù có gặp những thuận lợi về tiền bạc, danh lợi hay quyền thế. Sống như thế là chúng ta đang tự chết đi cho con người cũ và ích kỷ, để bắt đầu sống một con người mới như Chúa Kitô Phục Sinh.

Lạy Chúa Phục Sinh, xin ban Thánh Thần Chúa trên chúng con, để chúng con biết can đảm từ bỏ con người quá khứ. Nhờ đó chúng con sẽ khởi hành làm lại con người mới theo hình ảnh thánh thiện của Chúa.  Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Thánh Zita de Lucca
(1218-1278)

Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh năm 1218 tại Monsagrati trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho gia đình Fatinelli giàu có ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có tên họ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Điều ấy không phù hợp với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn đầy những hạt đậu.
Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và kẻ tù đầy. Ngài qua đời ngày 27 tháng 4 năm 1272, ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh. Mộ phần của ngài được tìm thấy năm 1580 trong nhà thờ ở  San Frediano.
Danh xưng thánh được Đức Giáo Hoàng Innocent XII chính thức trao ban cho ngài ngày 05 tháng 9 năm 1696 và tên của ngài được Đức Giáo Hoàng Benedictus XIV cho ghi vào danh bộ tử đạo La Mã (The Roman Martyrology) năm 1748. Thánh Zita là quan thầy của các người giúp việc trong nhà.
Lời Bàn
Chúng ta thường nói, “Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết.” Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì lòng bác ái của ngài. Ngài có thể tự so sánh mình với những người giầu có và bào chữa cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Đức Kitô trong câu truyện về người goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).
Lời Trích
“Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9). Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng” (Thánh Phanxicô, Thư Gửi Người Tín Hữu).