Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

SUY NIỆM HÀNG NGÀY - NGÀY 13- 2-2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 8: 11-13)
 
11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.12 Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả."13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
 

SUY NIỆM 1

 
Khi đòi xin Chúa làm dấu lạ, chắc hẳn những người Biệt phái muốn Chúa Giêsu minh chứng về Người bằng việc làm, vì việc làm minh chứng con người là ai. Nhưng tại sao những người Biệt phái muốn Chúa Giêsu minh chứng về Người? Bởi vì, trong Cựu ước, để minh chứng là tiên tri, thì Môsê đã xin được manna từ trời xuống cho dân; ông Giôsuê đã từng làm cho mặt trời đứng lại; ông Isai đã làm cho thời gian như lùi lại; v.v. mà các ông này đều là những tiên tri của Thiên Chúa. Cho nên, những người Biệt phái nghĩ rằng nếu Chúa Giêsu tự xưng mình là cao trọng hơn các tiên tri, thì ít ra cũng phải làm được dấu lạ nào đó.

Thật ra, những người Biệt phái đã từng chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm như trừ quỉ, chữa bệnh cùi, cho kẻ chết sống lại. Thế nhưng, với những sự kiện lạ này, họ lại cho là Chúa Giêsu dùng quyền tướng quỉ Beezeebuth để làm. Qua đó, chúng ta có thể thấy được điều họ đòi hỏi là muốn để tấn công, thách thức, để xem Chúa có chiều theo tham vọng của họ không. Đây là thái độ thử thách Chúa mà thôi.

Trước thái độ như thế, Chúa Giêsu đã không theo như ý họ. Không cho là bởi vì không tin, không biết ơn huệ là gì. Chính Chúa đã xác nhận là “đức tin của con cứu con” (Mt 9,22). Bao nhiêu lần Chúa làm phép lạ cũng chỉ vì lòng tin.

Nhìn vào thực tế của cuộc sống, chúng ta có tin nhau mới có thể đối thoại với nhau, trao đổi công việc cho nhau; rồi có tin nhau, chúng ta mới sống được với nhau. Cho nên, đối với Chúa là Đấng sáng tạo nên lòng tin, Ngài càng cần điểm đó. Ngài cần đến nỗi chỉ cần biểu lộ lòng tin vào Ngài là được đón nhận “phép lạ”.

Nếu con người chỉ tin vào Chúa và xem Chúa như một người thường thôi, hay cùng lắm như một vị thầy, thì cuộc vượt qua của Người không ảnh hưởng gì đến con người được vì nếu họ tin vào Chúa như thế, thì có hơn gì tin một người bạn hay tin vào bậc thầy.

Đối với Chúa, hầu như mọi vấn đề được giải quyết theo mức độ lòng tin. Điều này, chúng ta biết được qua các trình thuật Tin Mừng.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta đây là một môn sinh của Đức Kitô, nhưng niềm tin của chúng ta đang ở mức độ nào? Chúng ta có luôn tin tưởng vào Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời chưa? Cuộc sống hằng ngày của mỗi người có diễn tả được niềm tin của mình vào Chúa không? 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
 
 
 

SUY NIỆM 2

  1. Xin dấu lạ
Những người cùng thời với Đức Giê-su, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính Ngôi Vị của Ngài là một dấu lạ, nhưng thay vì tin nơi Ngài, họ lại cứ đòi Ngài dấu lạ từ trời.  Chính vì thế, Người thở dài não ruột và nói:
Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?
(c. 12)
Xin cho chúng ta hiểu, tại sao Ngài lại thở dài não ruột, khi người ta xin dấu lạ, và nhận ra rằng, ngày nay người ta, và có khi cả chúng ta nữa, cũng ham thích dấu lạ, cũng hay đòi Chúa làm dấu lạ.

  1. Dấu lạ và thử thách
Bởi vì, những người Pha-ri-sêu đòi Đức Giê-su làm dấu lạ để thử Ngài, chứ không phải khởi từ lòng tin và với sự tín thác vô điều kiện:
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.
(c. 11)
Đôi khi, đó cũng là cách hành xử của chúng ta, thử để biết, và biết để tin. Nhưng biết bao nhiêu cho đủ để có thể tin, khi đó không phải là một sự kiện hay sự vật, nhưng là một ngôi vị tự do? Chính vì thế, người không tin sẽ thử người khác, thử không cùng, và thử cả Thiên Chúa nữa
Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng,
chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời.

(x. Tv 106, 14 và Ds 14, 22)
Vì vậy, lúc Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi để chúng ta thấy, chúng ta tin”. Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, nhưng chỉ là đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ; và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ, như tác giả Thánh Vịnh nói:
Tôi đã tin, cả khi mình đã nói: “Ôi nhục nhã ê chề!”
(Tv 116, 10)
Và, những ngày không có dấu lạ thì thật là nhiều. Bởi lẽ, tin là một quà tặng, tự do đặt cuộc đời mình vào trong tay Chúa, vào trong tình thương và lòng thương xót của Chúa.
Ngoài ra, đòi dấu lạ còn phát xuất từ lòng ham muốn; và lòng ham muốn thì không cùng: được một dấu lạ, thì đòi hai, được hai dấu lại, thì đòi một dấu lạ lớn hơn nữa, cả thể hơn nữa, và khi được ba, thì đòi một dấu lạ “từ trời”. Giống như người Do thái trong sa mạc, đói thì Chúa cho ăn; ăn manna một hồi thì thèm thịt, Chúa cho ăn thịt chim cút; ăn chim cút một hồi thì cũng chán: “Chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21, 4-9). Nhất là khi chứng kiến dân ngoại, họ ăn uống cao lương mĩ vị, dân sẽ càng thèm muốn hơn nữa. Họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng họ vẫn không chịu tín thác vào Đức Chúa. Chẳng lẽ ngày nào, Chúa cũng phải làm dấu lạ, để cho họ “tin” và bước đi?
Một cách sâu xa hơn nữa, lòng ham muốn dấu lạ còn cho thấy, người ta vẫn chưa bình an với thân phận làm người của mình, vẫn chưa ra khỏi mình để liên đới với tuyệt đại đa số con người, sống đến cùng thân phận và số phận của mình, mà không có bất cứ “dấu lạ từ trời” nào.

  1. Dấu lạ đời tôi và dấu lạ “Đức Ki-tô”
Trong khi đó, bình an và liên đới lại là hai “tâm tình” căn bản nhất của một đời người. Khi người Do thái đòi dấu lạ từ trời, như bài Tin Mừng của chúng ta kể lại, và nhất là nơi cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô đã không chiều theo lòng ham muốn, làm dấu lạ “xuống khỏi thập giá”, nhưng Ngài đã sống đến cùng thân phận con người và mang vào mình một số phận bi đát nhất, để ban cho chúng ta niềm hi vọng và hướng lòng chúng ta về sự sống mới, có sức mạnh làm chúng ta bình an và liên đới ngay hôm nay, trong cuộc sống bình thường và trong những hoàn cảnh bi đát.
Hành trình đi theo Đức Ki-tô trong đời sống và trong ơn gọi của chúng ta cũng thế, với lòng tin, chúng ta đã nhận ra “dấu lạ” nào đó Chúa ban cho mình và chúng ta được mời gọi tin vào tình yêu trung tín và lòng thương xót vô biên của Chúa và chúng ta tín thác và đáp lại suốt đời tình yêu Chúa, ngang qua đời sống hàng ngày, những ngày đầy niềm vui, những ngày rất đỗi bình thường, cũng như những ngày đầy thách đố, khó khăn.
Nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm này, khi tin rồi, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ: thiên nhiên chung quanh chúng ta, sự sống mỗi ngày, lương thực hàng ngày, và nhất là Lời Chúa và Thánh Thể, hướng về và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc