Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Suy niệm CN VII TN A - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:


Hãy yêu thương kẻ thù (Mt 5,38-48)

Luật Talion (luật báo thù)  
Ngày xưa dân Do Thái cũng như dân ngoại đối xử với nhau quá mức trong việc trả thù (St 4,15; 4,17-24)  (Kn 4,23-24). Nhưng khi luật Talion ra đời, luật này qui định một hình phạt tương đối với thiệt hại đã gây ra. 
Trong bài Tin Mừng,
Đức Giêsu khởi sự bằng cách trích dẫn luật cổ nhất: mắt đền mắt, răng đền răng, luật ấy gọi là  Lex talionis (luật báo thù). Nó xuất hiện trong bộ luật cổ nhất gọi là luật của Hammurabi, vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285-2242 TC. 
Luật Hammurabi phân biệt cách đối xử giữa người quí phái và công nhân:  Nếu một người gây cho người quí phái mất con mắt thì người ấy sẽ phải mất một mắt. Nếu người ấy làm thương tật người quí phái thì người ta sẽ làm thương tật người ấy…Nếu người nào làm cho người ngang hàng gẫy răng, thì người ta cũng làm cho người ấy rụng một chiếc răng…
Nguyên tắc thật rõ ràng và rất đơn giản: nếu ai làm cho người khác bị thiệt hại điều gì thì người ấy bị thiệt hại tương đương.
Luật ấy trở thành một phần nhỏ của luật đạo đức Cựu Ước.  
Trong Cựu Ước luật ấy được đề cập không dưới ba lần :
- “Còn nếu có sự thiệt hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng đền mạng, lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng, lấy tai đền tai, lấy chân đền chân, lấy phỏng đền phỏng, lấy bầm đền bầm, lấy thương đền thương”(Xh 21,23-25).
- “Khi người nào làm thương tích  cho kẻ lân cận mình, thì người ta phải làm thương tích cho người đó lại như chính người đó đã làm, gẫy đền gẫy, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta sẽ làm cho người ấy đồng một thương tích như người ấy đã làm cho người khác”(Lv 24,19-20).
- “Mắt ngươi chớ có thương xót, mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (TL 19,21).
Chúng ta nhận thấy rằng luật Talion đã có sự tiến bộ. Luật này có ý  hạn chế luật báo thù. Luật qui định chỉ người gây thương tích mới bị hình phạt và hình phạt không được thái quá, mà chỉ tương đương với sự thiệt hại mà người ấy đã gây ra mà thôi.
Luật cũ cho phép báo thù, còn Đức Giêsu nói: “Còn Thầy, Thầy bảo các con:”Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”(Mt 5,43-44). 
Truyện: tổng thống Nelson Mandela.
Ông Nelson Mandela đã trải qua 27 năm trong nhà tù Nam Phi. Sau cùng, khi ông được phóng thích, ông có đủ lý do  để trả thù những người đã cướp đoạt tự do của ông một cách bất công.
Trong cuốn tiểu sử tự thuật “Hành trình đến tự do” (1994), ông nói với chúng ta:“Tôi biết rằng dân chúng chờ đợi tôi nuôi dưỡng sự giận dữ  đối với người da trắng, nhưng tôi đã không làm thế.  
Trong nhà tù, sự tức giận của tôi với người da trắng giảm xuống, nhưng lòng thù ghét hệ thống xã hội đã tăng lên.
Tôi muốn thấy đất nước Nam Phi thấy tôi yêu thương  cả những kẻ thù của tôi trong khi tôi thù ghét hệ thống đã khiến chúng ta chống đối nhau.  
Tôi đã thấy sứ mạng của tôi là rao giảng sự hòa giải hay chữa lành những vết thương lâu đời và xây dựng một nước Nam Phi mới”
Và mục sư Luther King trong tác phẩm “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói:”Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói  đó là tình yêu Thiên Chúa  được thực hiện nơi tâm hồn con người.
Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta  đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”. 
Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu: “Các con hãy yêu thương kẻ thù”.
Phần tôi, tôi sung sướng  vì Ngài đã không nói: ”Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em”  bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đang ném bom vào gia đình nhà tôi. Tôi không có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công.
Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc nhở tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người”. Amen