Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Công Giáo Thế Giới ngày 23.2.2017

Filled under:

Thế Giới Nhìn Từ Vatican


Hãy từ bỏ lối sống hai mặt

Đừng gây ra những cú sốc với lối sống hai mặt, đừng gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ, vì những điều ấy hủy hoại cuộc sống; và đừng trì hoãn việc hoán cải. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
PopeFrancis-23Feb2017-01.jpg

Sống hai mặt là gì?

Trong bài Tin Mừng, Chúa nói đến chuyện thà “chặt tay, móc mắt” và đừng “gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ”. Điều ấy có nghĩa là hãy sống ngay thẳng đơn thành và tin tưởng Thiên Chúa. Vì gây cớ vấp phạm có nghĩa là đang phá hủy.

Sống hai mặt là gì? Gây cớ vấp phạm, có nghĩa là nói một đàng làm một nẻo, là sống kiểu hai mặt, là sống hai mặt. Lối sống hai mặt là thế này. Một mặt, tôi nói tôi là người Công giáo, tôi luôn đi Lễ, tôi tham gia hiệp hội này hội đoàn kia. Mặt khác, đời sống của tôi thì không Công giáo chút nào, vì tôi trả lương bất công cho nhân viên, tôi chơi bẩn khi kinh doanh, tôi khai thác con người, tôi rửa tiền… Đó là cuộc sống hai mặt. Và nhiều người Công giáo là như vậy. Đó là những thứ chướng tai gai mắt. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe giữa chúng ta nơi các góc phố hoặc nhiều nơi khác rằng, là người Công giáo mà sống tệ thế, chẳng thà là người vô thần. Thế đó, những cú sốc ấy, những vụ bê bối ấy có sức mạnh hủy hoại. Những thứ đó hủy hoại bạn. Chúng ta thấy nhan nhản những vụ bê bối trên báo chí, thậm chí là những vụ lớn. Những thứ tệ hại đó đang ra sức phá hủy.

Chúa nói gì với kẻ sống hai mặt?

Có ví dụ về công ty lớn đang trên bờ phá sản. Các nhà hữu trách muốn tránh một cuộc đình công chính đáng, nhưng họ lại không làm tốt việc này, và họ muốn nói chuyện với giới lãnh đạo của công ty. Những ngày sau đó, người dân không có tiền để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày vì họ không nhận được tiền lương. Trong khi đó, người có trách nhiệm giải quyết vụ việc, là một người Công giáo, lại thản nhiên thực hiện kỳ nghỉ trên bãi biển vùng Trung Đông. Thế đấy! Đó là một vụ bê bối, đó là lối sống hai mặt.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về những người sống hai mặt thế này: “Khi bạn đến Cửa Thiên Đàng, gõ cửa và nói: Con đây, lạy Chúa!” Nhưng Ta sẽ nói: “Ta không biết ngươi. Ta không nhớ ngươi.”. Người ấy có thể nói tiếp: “Con đã đi nhà thờ, con đã tham gia hội đoàn đó, con đã làm điều ấy… Chúa không nhớ sao?”. Chúa đáp lại: “Ừ. Ta nhớ. Ta nhớ tất cả những gì tệ hại, tất cả những gì ngươi ăn cắp từ người nghèo. Ta không biết ngươi.”. Thế đó, Chúa Giêsu sẽ trả lời như thế cho những kẻ sống hai mặt.

Xin ơn mau mắn hoán cải

Thật là tốt cho tất cả chúng ta, cho mỗi người chúng ta, là hôm nay nghĩ về điều gì đó mang tính hai mặt trong cuộc sống chúng ta, những gì xem ra là công bằng, những gì có vẻ như là người tín hữu tốt, có vẻ là người Công giáo tốt, nhưng thực tế lại khác. Nếu có cái gì đó còn là kiểu sống hai mặt, nếu tôi còn quá tự tin theo kiểu: “Chúa sẽ tha thứ tất cả cho tôi, nhưng tôi vẫn tiếp tục hai mặt”. Nếu có điều gì đó để tôi nói: “Vâng, điều ấy thật không tốt, tôi sẽ thay đổi, sẽ hoán cải, nhưng không phải là hôm nay, để ngày mai”. Nếu chúng ta vẫn còn nghĩ như thế, thì hãy ngẫm suy Lời Chúa ngày hôm nay, để cảm thấy rằng, khó mà có Chúa trong những thứ ấy. Vì lối sống hai mặt chỉ ra sức hủy hoại mà thôi.


Hình ảnh của Đức Giáo hoàng không được dùng mà không có phép

Ngày 22 tháng 2-2017, Phủ Quốc Vụ Khanh nhắc lại, Phủ có bổn phận xem xét hình ảnh của Đức Giáo hoàng, để sứ điệp và con người của ngài không bị đem ra “khai thác thương mại”. Các biện pháp thích ứng sẽ được áp dụng.
Hình ảnh của Đức Giáo hoàng không được dùng mà không có phép
Hình ảnh của Đức Giáo hoàng không được dùng mà không có phép
Vatican xác nhận, các biểu tượng, huy hiệu chính thức của Tòa Thánh và hình ảnh của Đức Giáo hoàng không được dùng nếu không có sự chấp thuận của Phủ Quốc Vụ Khanh. Bản thông báo cũng nhắc lại lời cảnh báo: Phủ sẽ không ngần ngại dùng mọi biện pháp thích ứng để chống mọi sử dụng gian lận.
Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, thông báo này không xuất phát từ một vi phạm nào gần đây. Một vài người cho rằng thông báo này là do có các bức áp-phích chống Đức Giáo hoàng dán gần đây trên các đường phố Rôma. Bà Paloma García Ovejero, phó giám đốc văn phòng báo chí giải thích, các biện pháp này nhắm đến các sản phẩm thương mại. Đôi khi các nhà buôn dùng hình ảnh Đức Phanxicô trên các sản phẩm như máy nướng bánh, các đồ chưng bằng thủy tinh.
Năm 2009, Tòa Thánh cũng đã đưa ra một thông báo như vậy. Khi đó cũng đã có các việc dùng huy hiệu Tòa Thánh mà không có phép, cũng như các hiệp hội lấy tên Đức Bênêđictô XVI mà không xin phép trước.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 23.02.2017)