Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Bệnh tật và huyền nhiệm thân xác

Filled under:

Chúng ta có thể hiện diện trên cuộc đời này là nhờ có thân xác. Thân xác của chúng ta là một quà tặng vô cùng to lớn của Tạo Hóa. Cho đến nay, các nhà khoa học chưa tìm thấy nơi bất cứ một sinh vật nào có cấu trúc tinh vi và hoạt động hiệu quả như những kết cấu trên thân xác con người. Đôi mắt giúp ta tiếp nhận những hình ảnh, đôi tai đưa vào trong ta những sóng âm thanh, mọi thứ chạm vào thân thể ta đều được tiếp nhận và đưa về bộ não để xử lý. Dòng máu lưu thông khắp người, vừa để chuyển chất dinh dưỡng cho toàn thân, nhưng cũng là nơi cư ngụ của những lớp bảo vệ giúp ta chống trả với những vi khuẩn gây hại. Từng bộ phận trên cơ thể ta, không có gì là không có công năng hữu ích, giúp thân xác ta được an toàn và ngày một phát triển. Chúng gắn kết với nhau, hòa hợp với nhau, làm nên một thể thống nhất.
Nhưng thân xác ấy cũng mỏng manh yếu ớt trước sức tấn công của thế giới bên ngoài, của những chất gây hại, và của chính thời gian. Vì lý do nào đó, một bộ phận trên cơ thể ta không thể thực thi tốt chức năng của nó, toàn bộ cơ chế vận hành của thân xác bị tổn thương. Có khi đôi mắt bị mờ, thế giới quanh ta như trở nên mù tối. Có khi đôi tai không còn nghe rõ, đến với ta chỉ còn là một mớ hỗn độn những âm thanh. Có khi con tim của ta không hoạt động tốt, lượng máu được truyền đi không nhiều hay không đủ và đúng lượng, các bộ khác bị tê liệt và không thể vận động như trước. Có bấy nhiêu cơ quan trên cơ thể chúng ta thì cũng có bấy nhiêu thứ có thể làm cho ta mỏi mệt, suy yếu.
Chẳng ai trong chúng ta thích bệnh tật. Mỗi khi cơn bệnh ập xuống, ta thấy như sự sống trong mình đang dần dần mất đi. Ta không thể làm những điều mình muốn vì thân thể lúc nào cũng uể oải, nặng nề. Trí óc ta không còn đủ sáng suốt, đôi chân ta không đủ sức chống đỡ cả con người. Bị bệnh, ta phải nương nhờ vào người khác, giúp ta ăn, giúp ta uống, giúp ta chạy chữa. Không những chỉ có ta phải chịu những hậu quả do bệnh tật mang đến, mà nhiều khi người thân, bạn bè, những người ta yêu mến cũng chịu ảnh hưởng lây. Nhưng dù ta không thích, bệnh tật vẫn cứ bám lấy ta, đe dọa ta từng giây từng phút, làm cho ta có khi mất hết niềm hy vọng, mất đi niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Đối với một số người, bệnh tật còn kinh khủng hơn cả cái chết, vì có cứ đằng đẵng kéo dài như thể muốn trêu ghẹo ta, giỡn đùa với ta, khiến ta phải mệt mỏi, chịu đựng, làm vơi đi của ta bao tiền của mà chẳng chịu xa rời.
Có lẽ chẳng mấy người bệnh còn tâm trí và tỉnh táo để suy tư về bệnh tật trên thân xác mình. Nhưng kỳ thực, bệnh tật có thể nói với chúng ta nhiều điều. Nó nhắc nhở ta về thân phận thụ tạo mỏng dòn của mình, rằng ta là loài được dựng nên, từ cát bụi mà ra, và phải chịu cảnh hư nát. Bệnh tật sẽ đập tan hết tất cả những ngạo nghễ của ta, những kiêu căng mà ta ấp ủ trong lòng. Nó như muốn nói với chúng ta rằng công danh, quyền lực, tiền của, dù có khi là rất cần thiết cho cuộc sống, vẫn sẽ chẳng là gì khi thân xác mình đang chịu sự đọa đày của thời gian. Phận người là thế, có sinh thì có diệt. Bởi ta không phải là Tạo Hóa, ta không là chủ nhân của sự sống mà ta đang thụ hưởng, ta cũng không là tác giả của thân xác mà ta đang có đây, nên thay vì tự phong cho mình quyền bá chủ, ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận thấp bé của ta, để mở lòng và ngửa tay xin ơn cứu độ từ Chúa. Bệnh tật khiến ta khiêm nhường hơn vì nó giúp ta thấy mình thật nhỏ bé, và có khi nó khiến ta phải suy nghĩ lại về điểm tựa mà ta đang bám víu trên cõi đời này.
Thân xác mà Tạo Hóa ban cho chúng ta hiển nhiên không phải là một hình nộm chẳng có giá trị gì, bởi chính Thiên Chúa cũng muốn mình có một thân xác như thế khi hạ giới làm người. Ngôi Hai vốn vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình chính là nhờ thân xác. Thân xác ấy cũng biết đau khi bị người ta đánh; khi làn da bị xé toạt thì dòng máu bên trong cũng chảy ra; khi mũi đinh đâm vào thì toàn thân như mất đi sức sống; và khi các bộ phận quan trọng bị tổn thương và không thể hoạt động được nữa thì Ngài cũng gục đầu xuống trút hơi. Thân xác của Ngài cũng hệt như những thân xác của bao con người khác trên trần gian này. Thế nhưng, vì là thân phận Thiên Chúa, nên Ngài đã thánh hóa tất cả mọi nỗi đau đớn trên trái đất này. Chỉ cần ta kết hợp với Ngài, những thiệt thòi mà ta chịu trong cơn tật bệnh cũng trở nên một của lễ thật tinh tuyền và đáng giá biết bao.
Cứ mỗi khi có cơn đau như muốn giết chết mình kéo đến, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta nghĩ đến những cơn đau mà Chúa đã chịu trong cuộc thương khó vì tội lỗi của chúng ta. Nghĩ về Chúa, cơn bệnh chẳng những không làm chúng ta sợ hãi, mà có khi còn là dịp để chúng ta lập công phúc, cầu nguyện cho chính chúng ta, cho người thân, và có khi là đền bù lại những lầm lỗi mà chúng ta đã gây ra làm buồn lòng Chúa. Bởi thế, cơn đau của bệnh tật có thể làm ta khó chịu, những nhức nhối có thể làm ta mỏi mệt, nhưng chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta có cái nhìn thiêng liêng về những điều bất trắc ấy.
 **************************************************

Người nghèo đã dạy tôi

 Tông đồ người nghèo, cái tên nghe có phần khác lạ, vì cứ sự thường, đối tượng của bất cứ hoạt động tông đồ nào mà chẳng phải là người nghèo. Tông đồ mà cho người giàu phần nào có hơi nghịch lý. Thế nên, hai chữ “tông đồ” đã bao hàm cả yếu tố “người nghèo” trong đó rồi. Có thể có những người nghèo thiêng liêng, nghèo tình cảm, nghèo tương quan… nên cần được trợ giúp bởi những người làm tông đồ dù họ dư thừa tiền của. Còn đối tượng “người nghèo” mà tôi đã may mắn có cơ hội tiếp cận trong suốt một năm qua là những người nghèo thực sự, nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, nghèo cả kiến thức lẫn tài năng. Nhìn bề ngoài, họ chẳng có gì, chẳng sở hữu gì đáng giá, ngoài một tấm thân trơ trụi giữa dòng đời nghiệt ngã…
Kinh nghiệm gặp gỡ “người nghèo” của tôi bắt đầu từ những lần bước chân vào bệnh viện thăm và đưa Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Ban đầu, tôi cứ ngỡ là việc này dễ như ăn cơm. Chẳng cần chuẩn bị tài liệu, giáo án, các video clip hay phim ảnh như nhiều nhóm khác, cũng không cần phải ăn mặc chỉnh tề, nhưng cứ cuối tuần đi là đi thôi. Khi cần thiết thì chia sẻ với họ Lời Chúa. Có gì khó đâu! Thế nhưng, đến bây giờ tôi phải thừa nhận rằng đến với các bệnh nhân và người nghèo, tôi thấy khó khăn hơn đến với các đối tượng khác rất nhiều. Lý do là gì, tôi không có gì cho họ cả ngoài một điều là ngồi nghe họ than van, kể lể đủ mọi thứ chuyện đớn đau mà họ gặp phải trong đời sống của mình. Tôi đã từng nghĩ là khi đến với họ, mình sẽ nói cho họ nghe thật nhiều về những suy tư Kinh Thánh mà tôi tích lũy được bao nhiêu năm qua. Nhưng dường như những gì tôi muốn nói đều trở nên vô nghĩa trước thực tại cuộc sống quá ư phức tạp kia. Hình ảnh người nghèo trước mắt tôi thách đố tất cả những mớ lý thuyết tôi có về họ.
Tôi chỉ biết im lặng, cố gắng rót vào lòng tất cả những gì họ nói. Tôi không nghĩ có một tâm hồn cứng cỏi nào có thể không mềm xuống khi nghe những câu chuyện tỏ bày trong nước mắt, kiểu như một cụ bà tám mươi tuổi phải chăm sóc cho người con trai duy nhất chỉ còn thở được nhờ bình oxy trong suốt mấy năm qua; hay một phụ nữ nghèo trẻ tuổi nói về bé trai của mình, mới năm tháng tuổi mà mắc bệnh máu trắng, hở van tim, hạch, phổi (và một bệnh khác nữa mà tôi không nhớ); một chú trung niên kể về 29 lần phẫu thuật cắt chân, tiêu tốn đã hơn cả tỷ mà chẳng biết có còn sống được không, trong khi vợ vừa bị tai nạn xe chết, con cái đi xa, anh em bỏ mặc; rồi một phụ nữ trẻ khác đang tuổi thanh xuân nhưng chẳng còn tí sức sống vừa bị gan, thận, tim, tiểu đường, tất cả đều giai đoạn cuối, mới đây vừa bị rắn độc cắn phải cưa mất một chân…
Tôi không có chút kinh nghiệm nào về những cảnh ngộ ấy, sao có thể nói gì? Bảo họ hãy vui lên, cố gắng sống, chịu đựng nỗi đau… có là một sự xúc phạm đến họ chăng? Với một số người, Thiên Chúa dường như đang ở mãi chốn cao xanh xa vời vợi, chỉ ban ơn cho những ai có tiền xin lễ và có thời gian đi nhà thờ. Nói về một Thiên Chúa tình yêu và quyền năng cho những ai cảm thấy như đang bị trăm ngàn đắng cay dày xéo thật khó biết bao. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, tôi sẽ dễ dàng nghĩ đến việc Chúa yêu tôi khi tôi gặp những điều may mắn, hơn là khi phải đối diện với bao nỗi ngặt nghèo.
Điều duy nhất mà tôi có thể chia sẻ với họ trước khi cho họ rước lễ là kể cho họ nghe câu chuyện tử nạn ở đồi Canvê trong Kinh Thánh. Có nhiều bệnh nhân đã khóc thật nhiều khi nghiệm thấy Giêsu cùng đang vác thập giá với họ, thậm chí còn vác phần nặng hơn. Họ thấy lời mời gọi của Chúa như đang diễn ra hết sức gần gũi và sống động nơi mình, chờ đợi họ thưa lời “xin vâng” như Mẹ, như Giêsu. Thế đấy, hành trang của tôi khi đến với người nghèo chẳng là gì cả, ngoài Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Khi viết những dòng chữ này, có thể nhiều bệnh nhân mà tôi gặp gỡ đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng tôi tin rằng sự ra đi của họ đã được điểm tô bằng sự bình an, chứ không còn là lòng uấn hận vào cuộc sống trần thế này như trước.
Sống nơi môi trường Học Viện quá ư khang trang và sung túc này, nhiều khi tôi quên mất đi ý nghĩa đời tu mà một thời tôi hằng lý tưởng: sống cho người nghèo. Chẳng phải đã có lúc tôi thán phục Giêsu vì những nghĩa cử hạ mình của Người dành cho người nghèo đó sao? Chẳng phải chính tôi đã có lần thầm cảm tạ Chúa đã thương đến thân phận nghèo hèn của mình sao? Một cuộc sống quá đầy đủ có nguy cơ biến đời tu của tôi trở thành một sự vơ vét, chứ không phải cho đi, nếu tôi không ý thức đủ. Tiếp xúc với những người nghèo thực sự trong năm qua đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn của mình. Cuộc sống ngoài kia còn biết bao mảnh đời đau khổ. Sẽ thật bất công nếu chỉ biết hưởng dùng mà chẳng chịu cho đi.
Người nghèo bảo tôi phải biết quý trọng những gì mình đang có: sức khỏe, khả năng, bạn bè, vì biết đâu có lúc tôi sẽ chẳng còn lại gì. Người nghèo giúp tôi ý thức về thân phận mỏng manh của kiếp người, mới hôm qua còn trên đỉnh cao danh vọng, hôm nay chỉ còn là cành hoa úa. Người nghèo vẽ cho tôi thấy dáng hình thật sự của cây thánh giá mà tôi chiêm ngắm mỗi dịp linh thao. Người nghèo dạy tôi một bài học đậm mùi triết lý: sống hôm nay, hãy nghĩ đến ngày sau – ngày ta đối diện với cái chết. Người nghèo nhắc nhở tôi về cuộc sống mà tôi đang theo đuổi: tôi đi tu là để vào đời, chứ không phải để trốn đời. Một người anh em nọ có lần chia sẻ với tôi rằng, người giàu không phải là người có nhiều nhưng là người có khả năng cho đi nhiều. Nếu hiểu “người giàu” theo nghĩa này, thì những “người nghèo” mà tôi gặp gỡ cũng giàu đấy chứ, vì chính họ đã dạy cho tôi nhiều điều quý giá.
Nơi học viện, mỗi ngày, tôi được giàu thêm về tri thức, xin cho tôi nhờ đấy mà trở nên nghèo hơn sự tự tôn và ích kỷ của mình, để trong Đức Kitô, Đấng tôi đang bước theo, tôi được giàu có trong tình yêu và ân sủng của Ngài!


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ