Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ Phong Thánh cho Cha Junipero Serra - Vũ Van An

Filled under:

Hãy luôn hân hoan trong Chúa! Tô nói lần nữa, hãy hân hoan! Đó là những lời đáng lưu ý, những lời ảnh hưởng tới đời sống ta. Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy vui mừng hân hoan; nói đúng ra, ngài ra lệnh cho chúng phải hân hoan vui mừng. Mệnh lệnh này cộng hưởng với ước nguyện của tất cả chúng ta muốn có một cuộc sống thành toàn, một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống hân hoan. Như thể Thánh Phaolô nghe thấy những điều mỗi người chúng ta đang suy nghĩ trong tâm trí và nói lên những điều chúng ta đang cảm nhận, những điều chúng ta đang trải nghiệm. Một điều gì đó rất sâu xa trong ta đang mời gọi ta hân hoan và bảo ta đừng bằng lòng với thuốc an thần chỉ giữ ta cảm thấy thoải mái. 

Dù vậy, cùng một lúc, tất cả chúng ta đều biết có những cuộc chiến đấu trong đời sống hàng ngày. Xem ra có rất nhiều thứ đang chặn đường trước lời mời gọi hân hoan này. Lề thói hàng ngày của ta thường dẫn ta tới một thứ lãnh cảm ủ rũ từ từ trở thành một tập quán, với hậu quả nguy tử là tâm hồn ta trở nên tê cóng.

Ta không muốn để lãnh cảm hướng dẫn đời ta... hay ta muốn? Ta không muốn sức mạnh của tập quán thống trị đời ta... hay ta muốn? Nên ta hãy tự hỏi mình: ta phải làm gì để giữ cho trái tim ta khỏi bị tê cóng, khỏi bị gây mê? Ta phải làm thế nào để niềm vui Tin Mừng gia tăng và bén rễ sâu hơn trong đời sống ta?

Chúa Giêsu cho ta câu trả lời. Người nói với các môn đệ của Người lúc đó và Người nói điều ấy với chúng ta bây giờ rằng: Hãy ra đi! Hãy công bố! Niềm vui Tin Mừng là một điều để trải nghiệm, một điều để biết và một điều để chỉ có thể sống bằng cách cho nó đi, bằng cách tự cho mình ta đi. 

Tinh thần thế gian này bảo ta nên giống như bất cứ ai khác, là bằng lòng với những gì dễ dãi. Đứng trước lối suy nghĩ phàm trần này, "ta phải phhục hồi xác tín này: ta cần có nhau, ta có trách nhiệm chung đối với nhau và đối với thế giới" (Laudato Si, 229). Đó là trách nhiệm công bố sứ điệp của Chúa Giêsu.Vì nguồn hân hoan của ta là "ước nguyện không cùng được tỏ lòng thương xót, vốn là hoa trái của việc ta trải nghiệm được sức mạnh của lòng thương xót vô hạn của Chúa Cha" (Evangelii Gaudium, 24). Hãy ra đi gặp mọi người, hãy công bố bằng cách xức dầu, và hãy xức dầu bằng cách công bố. Đó là điều Chúa dạy ta hôm nay. Người bảo ta:

Kitô hữu tìm thấy niềm vui trong việc được sai đi: Hãy đi gặp gỡ người thuộc mọi quốc gia!
Kitô hữu cảm nghiệm hân hoan bằng cách tuân giữ giới răn: Hãy ra đi và công bố tin mừng!
Kitô hữu tìm được niềm vui luôn mới mẻ bằng cách đáp lại ơn gọi: Hãy ra đi và xức dầu!

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp các quốc gia. Đến với mọi người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là thành phần của mọi con người ấy từ hai ngàn năm trước đây. Chúa Giêsu không cung cấp bản tên rút ngắn liệt kê ai xứng đáng, ai không xứng đáng tiếp nhận sứ điệp của Người, sự hiện diện của Người. Thay vào đó, Người luôn ôm lấy sự sống khi thấy sự sống ấy. Trong những gương mặt đau đớn, đói ăn, bệnh tật hay tội lỗi. Trong những gương mặt thương tích, khát uống, mệt mỏi, nghi ngại và đáng thương. Không hề chờ mong một đời sống tươi đẹp, ăn mặc bảnh bao, trang điểm sạch sẽ, Người ôm lấy bất cứ đời sống nào khi thấy nó. Bất kể nó dơ bẩn, lôi thôi, tan nát như thế nào. Chúa Giêsu dạy: Hãy ra đi và cho mọi người biết tin mừng. Hãy ra đi và nhân danh Thầy ôm ấp sự sống trong tình trạng hiện hữu của nó, chứ không phải trong tình trạng các con muốn nó phải là. Hãy ra đi tới các xa lộ và đường vòng, hãy ra đi rao giảng tin mừng cách không sợ hãi, không thiên kiến, không tự tôn, không thương hại, cho tất cả những ai đã đánh mất niềm vui sống. Hãy ra đi công bố vòng tay thương xót của Chúa Cha. Hãy ra đi tới những người đang bị đớn đau và thất bại đè nặng, những người đang cảm thấy đời mình trống rỗng, và hãy công bố việc người ta coi là điên rồ của Chúa Cha đầy yêu thương vẫn cứ muốn xức dầu hy vọng, dầu cứu rỗi cho họ. Hãy ra đi công bố tin mừng này: lầm lạc, ảo giác đánh lừa và giả dối không hề có tính quyết định trong đời một con người. Hãy ra đi với dầu thơm xoa dịu các vết thương và chữa lành các tâm hồn. 

Việc sai đi không bao giờ là thành quả của một chương trình đã được đặt kế hoạch cách hoàn hảo hay một cẩm nang được sắp xếp đàng hoàng. Việc sai đi luôn luôn là thành quả của một đời sống biết những điều cần được tìm ra và chữa lành, cần được gặp gỡ và tha thứ. Việc sai đi phát sinh từ một cảm nghiệm thường hằng về việc xức dầu đầy xót thương của Thiên Chúa. 

Giáo Hội, Dân Thánh của Thiên Chúa, luôn bước trên những nẻo đường bụi bặm của lịch sử, rất thường được qua lại bởi tranh chấp, bất công và bạo lực, mới mong gặp được con cái mình, anh chị em mình. Dân thánh và tín trung của Thiên Chúa không sợ bị lạc đường; họ không sợ trở thành tự khép kín, đông đá thành những thành phần ưu tú, chỉ muốn bám vào sự an toàn của riêng mình. Họ biết rằng tự khép kín, trong mọi hình thức mình tiếp nhận, là nguyên nhân tạo ra rất nhiều lãnh cảm như trên.

Do đó, ta hãy ra đi, hãy ra đi để đem đến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô (Evangelii Gaudium, 49). Dân Thiên Chúa có thể ôm lấy mọi người vì chúng ta đều là môn đệ của Đấng từng qùy xuống trước mặt các môn đệ của Người mà rửa chân cho họ (ibid., 24).

Lý do chúng ta có mặt ở đây hôm nay là: nhiều người khác muốn đáp lại lời kêu gọi trên. Họ tin rằng "sự sống lớn mạnh nhờ được cho đi, và nó sẽ trở nên yếu ớt trong cô lập và êm ái" (Aparecida Document, 360). Chúng ta vốn là những người thừa hưởng tinh thần truyền giáo mạnh dạn của không biết bao nhiêu người nam nữ từng không thích "bị khép kín trong các cơ cấu chỉ đem lại cho ta cảm thức an toàn lầm lẫn... trong các thói quen khiến ta cảm thấy an ổn, trong khi người ta đang chết lả ở ngay ngoài cửa nhà mình" (Evangelii Gaudium, 49). Chúng ta mắc nợ một truyền thống, một chuỗi chứng tá từng làm cho các tin vui của Tin Mừng trở thành vừa "tốt" vừa "mới" đối với mọi thế hệ.

Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ một trong các chứng tá ấy, người đã chứng thực niềm vui Tin Mừng trên lãnh thổ này, Cha Junipero Serra. Ngài là hiện thân của một "Giáo Hội chịu ra đi", một Giáo Hội lên đường, đem lòng âu yếm đầy hoà giải của Thiên Chúa tới mọi nơi. Junípero Serra rời bỏ quê hương và lối sống của ngài. Ngài phấn khởi nghĩ tới những con đường mòn nóng rực, ra đi gặp gỡ nhiều người, học hỏi và trân quí các tập quán và lối sống đặc thù của họ. Ngài học hỏi cách làm thế nào phát sinh và nuôi dưỡng sự sống Thiên Chúa trên gương mặt bất cứ ai ngài gặp; ngài biến họ thành anh chị em của ngài. Junípero tìm cách bảo vệ phẩm giá cộng đồng bản địa, che chở nó chống lại những ai từng xử tệ và lạm dụng nó. Sự xử tệ và các tội ác vẫn còn làm chúng ta ngày nay bối rối, nhất là vì các thương tích họ gây ra trong đời sống nhiều người. 

Cha Serra có một khẩu hiệu luôn linh hứng cho đời sống và việc làm của ngài, một khẩu hiệu được ngài sống suốt đời, đó là: siempre adelante! Luôn tiến lên phía trước! Đối với ngài, đây là cách thế để tiếp tục cảm nghiệm được niềm vui Tin Mừng, để giữ cho trái tim ngài kkỏi bị tê cóng, khỏi bị gây mê. Ngài tiếp tục tiến lên phía trước, vì Chúa đang đợi ngài. Ngài tiếp tục bước đi, vì anh chị em ngài đang đợi ngài. Ngài tiếp tục bước đi cho tới lúc chấm dứt cuộc đời. Hôm nay, giống như ngài, ước chi chúng ta cũng có thể nói rằng: Hãy tiến lên phía trước! Hãy tiếp tục tiến lên phía trước!

Tại sao Thánh Junípero Serra quan trọng cho ngày hôm nay9/24/2015 5:22:15 PMVào chiều ngày 24.09.2015 tại Thủ đô Washington, Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng Thánh lễ và tuyên thánh cho cha Junípero Serra. Đây là cuộc tuyên thánh gây nhiều tranh cãi. Nhân dịp này, Đức cha Robert Barron trình bày cho chúng ta những lý do Đức Giáo Hoàng quyết định tuyên thánh cho Chân phước Serra.

RobertBarron.jpg  
Chân phước Junípero Serra sắp được tuyên thánh tại Thủ đô Washington. Đây là lễ tuyên thánh đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi chắc rằng các bạn biết, việc tuyên thánh cho ngài đã gây ra nhiều tranh cãi. Đối với những người ủng hộ thánh nhân, cha Serra là một người truyền giáo can trường và là mẫu gương sống Tin Mừng, trong khi đó, đối với những người phản đối, ngài là một người biện hộ trơ tráo cho hệ thống thực dân áp bức đã giết chết hàng chục ngàn người Da Đỏ. Ngay cả nhiều người ủng hộ Đức Phanxicô cũng thấy việc tuyên thánh này như là một hành động hớ hênh hiếm có đối với Vị Giáo Hoàng người Arhentina. Chúng ta nên làm gì về vấn đề này?

Trước hết, cách khôn ngoan là nhắc lại vài sự kiện căn bản trong cuộc đời Chân phước Serra. Ngài sinh vào năm 1713 trên hòn đảo Mallorca xinh đẹp ngoài khơi nước Tây Ban Nha, và từ khi còn rất trẻ, ngài gia nhập dòng Phanxicô nhiệm nhặt. Ngài nhanh chóng trở thành ngôi sao trong cộng đoàn, nổi bật nhờ được ơn thông minh đặc biệt và linh đạo sâu sắc. Sau nhiều năm học hành, ngài lấy được bằng tiến sĩ triết học và bắt đầu nghiệp giảng dạy, lên đến đỉnh cao khi nhận được chức giáo sư đại học Duns Scotus về triết học. Nhưng khi đến tuổi 36, cha Serra kiên quyết từ bỏ cuộc sống tương đối thoải mái và nghề nghiệp đầy hứa hẹn, để trở thành nhà truyền giáo tại Tân Thế Giới. Ngài đảm nhận sứ vụ này vì khao khát cứu các linh hồn một cách chân thành và sâu xa. Sau vài năm làm công việc hành chính ở Mexico City, ngài nhận ra ước mơ của mình là làm việc với người bản xứ của nước Tây Ban Nha mới, đầu tiên ở Mexico và sau đó ở nơi mà lúc bấy giờ gọi là Baja California (California Hạ). Khi vào khoảng 50 tuổi,ngài được các bề trên yêu cầu lãnh đạo một chương trình truyền giáo tại California Thượng, ít nhiều là Bang California ngày nay. Với sự giúp đỡ của một nhóm anh em dòng Phanxicô và dưới sự bảo trợ của chính quyền Tây Ban Nha, ngài thiết lập một loạt giáo điểm dọc bờ Thái Bình Dương, từ San Diego đến San Francisco. Ngài qua đời vào năm 1784 và được chôn cất tại Giáo điểm San Carlos Borromeo tại Carmel bên bờ biển.

Nhiều sự bất đồng liên quan đến Junípero Serra đi liền với cách giải thích công trình truyền giáo mà ngài đã thực hiện. Mặc dù chắc chắn là các nhà cầm quyền Tây Ban Nha có lợi trong việc thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ của Tây Ban Nha dọc theo bờ Thái Bình Dương để ngăn sự xâm phạm của những người Nga đã định cư trong vùng, không có nghi ngờ gì đối với ý định ban đầu của Serra khi dựng lên các giáo điểm là nhằm truyền giáo cho người bản xứ. Điều hun đốt tâm hồn ngài trên hết là viễn tượng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho những người chưa bao giờ được nghe; và không có vấn đề gì đối với việc các giáo điểm của ngài đã cung cấp một cơ cấu tổ chức cho việc loan báo đó. Hơn nữa, các giáo điểm là nơi người Da Đỏ được dạy về các nguyên tắc làm nông và chăn nuôi, giúp họ thăng tiến hơn kiểu sống du mục. Ở đây, tôi thấy điều này thú vị là bên bờ bên kia lục địa, không có điều gì gần giống các giáo điểm này. Dù theo cách nhìn của chúng ta họ đối xử với người bản xứ theo lối trịch thượng, tuy nhiên, người Tây Ban Nha đã truyền giáo và đào tạo người Da Đỏ, còn người Anh định cư trên thuộc địa Hoa Kỳ thì ít hay nhiều đẩy họ ra lề.

Những người chỉ trích công trình của Serra cho rằng người Da Đỏ bị ép vào các giáo điểm, chủ yếu để làm thành một lực lượng lao động nô lệ, và được rửa tội ngược lại ý muốn của mình. Tuy nhiên, các nhà sử học đáng tin cậy lại nhất trí rằng các hai cáo buộc này đều sai. Thật vậy, đại đa số người Da Đỏ thấy cuộc sống gắn với các giáo điểm là một lợi thế, và chỉ khoảng 10% bỏ đi sau một thời gian sống ở các giáo điểm. Đúng là những người bỏ đi đã bị săn đuổi, và khi trở về, thỉnh thoảng phải chịu sự trừng phạt thân thể. Thật vậy, có bằng chứng cho thấy cha Serra tán thành bạo lực như thế: trong một lá thư, ngài nói về việc cần trừng phạt những người Da Đỏ ương ngạnh theo cách cha mẹ đánh đứa con ngoan cố, và trong một tài liệu khác, ngài cho phép giáo điểm tại San Diego mua xiềng xích. Chắc chắn theo cách suy nghĩ sáng tỏ hơn của chúng ta, chúng ta dễ nhận thấy hành vi như thế là sai về mặt luân lý, và cũng chẳng có ích gì nếu cố gắng che giấu hồ sơ lịch sử để chứng minh cha Serra vô tội.

Tuy nhiên, khi đã chấp nhận điều này, thì điều quan trọng nhất là lưu ý rằng phần lớn bằng chứng chúng ta có mạnh mẽ cho thấy rằng cha Serra là một người bạn trung thành đối với người bản xứ, ngài thường xuyên bảo vệ họ khỏi bạo hành và thành kiến của nhà chức trách Tây Ban Nha. Rất giống với tinh thần của Bartolomé de Las Casas, người bảo vệ vĩ đại của dân Da Đỏ vào thế kỷ 16, cha Serra đòi thiện ích và đặc quyền cho các bộ lạc bản địa hết lần này đến lần khác. Trong một trường hợp, ngài công khai phản đối việc hành hình một người da đỏ đã giết một trong các người bạn và đồng sự của ngài. Ngài lập luận rằng toàn bộ mục đích của giáo điểm nhằm cứu sống chứ không phải giết chết. Như Đức Tổng Giám mục Jose Gomez đã trình bày, sự việc này tiêu biểu cho một trong những lập luận có nguyên tắc đầu tiên chống lại án tử hình đã xuất hiện trong văn hoá Phương Tây.

Người ta có thể đặt vấn đề tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô – đã biết rõ cuộc tranh cãi xung quanh cha Serra - lại muốn xúc tiến việc phong thánh cho ngài. Theo tôi thấy, ngài làm như thế vì hai lý do. Thứ nhất, ngài hiểu rằng tuyên bố một người là thánh không phải là tuyên bố người ấy vô tì tích về mặt luân lý, cũng không phải chấp nhận mọi thể chế mà vị thánh đó có liên hệ. Thứ hai, quan trọng hơn, ngài thấy Junípero Serra là một người, với sự can đảm hết sức đạo đức, đã đi đến vùng ngoại vi của xã hội vào thời của ngài, để loan báo Chúa Giêsu Kitô. Cha Serra lẽ ra đã có thể theo đuổi một sự nghiệp rất được kính trọng trong các giảng đường tiện nghi ở Châu Âu; nhưng ngài đã lựa chọn ra đi đến những vùng biên, mà bản thân phải trả một giá lớn – và điều này khiến ngài thành một mô hình đặc biệt cho việc truyền giáo theo phong cách Giáo hoàng Phanxicô.

Phải chăng cha Serra là một người hoàn hảo? Không đời nào. Vậy ngài là một vị thánh? Chắc chắn là thế.

Giám mục Robert Barron,
ngày 02.09.2015


(Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo, WGP.Mỹ Tho 24.09.2015/ Wordonfire.org)