Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 5: 27-32)
27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! "28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? "31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."
SUY NIỆM 1
Trong một lần lưu diễn ở Ba lan, Paganini, một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng của thế kỷ 19 bước ra sân khấu. Ông cảm nhận có gì đó bất thường với cây vĩ cầm trên tay mình. Nhìn kỹ chiếc đàn lần thứ hai, ông giật mình nhận ra, đây không phải là cây vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc từng đưa ông lên đài danh vọng.
Bàng hoàng nhận ra có ai đã đánh cắp cây đàn quý giá của mình và thay vào cây đàn rẻ tiền tầm thường, Paganini đứng sững như bức tượng hồi lâu. Cuối cùng, ông cương quyết đặt cây đàn lên vai. Ông bắt đầu dạo nhạc. Từ cây vĩ cầm tầm thường, ông say sưa trình diễn khúc nhạc như đang lột tả trái tim mình. Cả thính phòng say mê, nhất loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy.
Nếu chỉ là cây vĩ cầm cũ, thính giả vẫn chỉ nghe những âm thanh quen thuộc. Nhưng nay, với cây vĩ cầm mới, ông đã làm họ ngất ngây bởi những âm thanh họ chưa từng được nghe. Cũng vẫn giai điệu ấy, cũng vẫn ngón đàn ấy, nhưng âm thanh của cây đàn thì khác. Một lần nữa, cây đàn bị đánh tráo lại vô tình làm sáng hơn nữa tên tuổi của ông, con người vốn đã từng nổi tiếng….
Đọc lại những trang Kinh Thánh, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Thiên Chúa của những nghịch lý. Những công trình vĩ đại của Người vẫn thường khởi đầu từ một điều gi đó thật nhỏ bé, đơn sơ:
Từ một nhúm bột và chút dầu, nhờ tiên tri Elia, Chúa đã nuôi sống gia đình bà góa thành Sarepta qua cơn hạn hán thời Cựu ước, cho đến năm chiếc bánh và hai con cá của một chú bé con lại dư sức trang trải một bữa no nê cho hơn 5000 người.
Cục đá Phêrô bất toàn, đã từng yếu đuối nghiêng ngã, nhưng qua tay Thiên Chúa, cục đá thô kệch ấy đã dần kết tinh thành đá tảng vững chắc của Hội Thánh. Có ai ngờ, người ngư phủ quê mùa trở nên Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh.
Chính từ những gì mong manh, thô kệch, Chúa đã khơi dậy sự thiện chí thành tâm. Và sức mạnh từ tấm lòng của Thiên Chúa đã làm nên những biến đổi diệu kỳ. Bởi Thiên Chúa không nhìn vào quá khứ của lỗi lầm, của lý lịch để chê bai hay kết án. Người cũng không nhìn vào hiện tại của yếu kém, bất toàn để phê phán, mỉa mai.
Người nhìn vào tương lai của những hạt mầm ân sủng tốt đẹp mà chính Người đã ươm gieo nơi mỗi con người. Ánh mắt yêu thương của Chúa luôn nhìn ra nét đáng quý, đáng yêu nơi những gì thô thiển của mỗi con người để cảm thông, khích lệ và tín nhiệm.
Giữa những tiếng cười chê, những cái nhìn lên án, nhưng lời nói khinh bỉ của bao nhiêu người dành cho hạn người thu thuế, Chúa đã bắt gặp tâm hồn tông đồ của Lêvi.
Chỉ với một lời mời gọi đơn giản của Chúa: “Hãy theo Ta”, trưởng đội thu thuế Lêvi đã dám vứt bỏ mọi sự, vứt bỏ cả nghề nghiệp, cũng chính là sự nghiệp của mình để trở thành tông đồ Matthêu của Chúa. Theo Chúa hơn hai năm, thánh Matthêu đã chứng kiến, đã lắng nghe bao nhiêu việc Chúa làm, bao nhiêu lời Chúa dạy, càng là động lực lớn để thánh nhân thêm trung thành với Chúa. Ngoài công tác tông đồ rày đây mai đó, thánh Mathêu còn là tác giả của quyển Phúc âm đầu tiên. Sau cùng, cũng như các tông đồ khác, tông đồ Mathêu, người trưởng đội thu thuế ngày nào cũng đã chấp nhận tử đạo, hiến dâng dòng máu, làm chứng cho Tin Mừng mà mình không ngừng rao giảng.
Nếu cây đàn bất đắc dĩ của nhạc sĩ Paganini đã làm nên buổi trình diễn thành công tuyệt diệu, vượt quá sức tưởng tượng, thì người thu thuế Lêvi – Mathêu, trong tay Thiên Chúa, đã trở nên hình tượng tông đồ bất hũ, như bao nhiêu tâm hồn tông đồ trong Hội Thánh, cho mọi thế hệ tín hữu soi nhìn và noi theo.
Lạy Chúa Giêsu, xin huấn luyện chúng con thành tông đồ nhiệt tâm của Chúa, để chúng con cũng kiên trung rao giảng Lời Chúa, bất chấp mọi gian nan, thử thách. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Ơn gọi
Cách Đức Giêsu kêu gọi ông Lê-vi và cách ông đáp lại lời mời gọi của Người được kể lại một cách thật vắn gọn :
Đức
Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở
trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng
dậy đi theo Người.
(c. 27)
Do
đó, chúng ta thường suy đoán thêm rằng, sách Tin Mừng chỉ kể tóm tắt
thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong
một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi ông Mát-thêu,
và để ông Mát-thêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Giống
như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ
tìm hiểu nhau trước khi quyết định “đi theo nhau” suốt đời. Các bộ phim
về cuộc đời Đức Giêsu thường đi theo hướng này, khi tái hiện ơn gọi của
thánh Mát-thêu. Nhưng tại sao thánh sử Luca không kể rõ ra ? Chắc chắn,
khi kể vắn gọn như thế, thánh nhân có một sứ điệp quan trọng, thậm chí
thần linh, muốn thông truyền cho chúng ta.
- Đức Giêsu đến tận nơi để mời gọi. “Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế”. Trong thực tế, chúng ta bỏ nhà đi theo Chúa trong một ơn gọi, nhưng đi đọc lại hành trình ơn gọi chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Người đi bước trước, đến tận nơi chúng ta đang ở, hiện diện trong hoàn cảnh của chúng ta, gặp gỡ chúng ta khi chúng ta đang loay hoay “với lưới với thuyền” cùng với những người thân yêu… Chính Người gõ cửa lòng chúng ta và mời gọi: “Hãy theo Thầy”.
- Tính nhưng không của tiếng gọi. Đức Giêsu gọi Lê-vi như ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Tương tự như trường hợp của các môn đệ đầu tiên, Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống (x. Lc 5, 1-11). Ngài dường như không cần chuẩn bị “lâu dài” các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Chúng ta đừng bao giờ để
phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giêsu
dành cho chúng ta: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con?
Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại
sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho
“chén” này?… Chúng ta hãy luôn làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng
gọi của Đức Giêsu, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp
của chúng ta.
- Sức mạnh của tiếng gọi. Và lời mời gọi của Đức Giêsu mạnh đến độ làm bật tung Mát-thêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông. Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa.
Vì thế, chúng ta
hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh
của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa
sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến
đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta.
* * *
Ơn
gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn
cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại,
như thánh Mát-thêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giêsu
gọi Mát-thêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và
nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày
sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì
không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại
hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày. “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó”.
Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta
đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta
thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao
dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi
theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.
- Ơn gọi và tương quan với những người thân yêu
Ông
Lê-vi được gọi đi theo Đức Giêsu, nhưng sau đó Ngài lại để cho mình
được dẫn đi để về nhà ông để ăn tiệc lớn! Chắc chắn đó là một bữa ăn
“say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội
lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này,
chúng ta không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và
đụng nữa :
- Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của bữa ăn, nhưng còn hương của của tình bạn : tình bạn của mọi người dành cho Đức Giêsu và của Đức Giêsu dành cho mọi người.
- Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ những món ăn ngon, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giêsu dành cho những người tội lỗi.
- Và chúng ta hãy đưa tay đụng vào Đức Giêsu, như đụng tới được lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu, và để cho lòng mình rung động.
Như
thế, khi kêu gọi Mát-thêu, Ngài không chỉ muốn gặp ông ở nơi công cộng,
nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả
những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình của ông, bạn bè
của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông,
làm nên con người của ông.
Chúng ta
thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạt tuyệt với gia đình, bạn bè, với
quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính
mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên
con người hiện tại của chúng ta. Đức Giêsu muốn gặp gỡ và phải “băng
qua” (x. Ga 4, 4: “Ngài phải băng qua Samari”) tất cả những điều đó nữa,
tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như
chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức
Giêsu “hoàn tất”, chữa lành, tái tạo, chứ không phải bị loại bỏ (x. Mt
5, 17).
- Ơn gọi và lòng nhân từ
Cách
tương quan của Đức Giêsu đối với ông Lê-vi, với các đồng nghiệp của ông
và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người
Pha-ri-sêu:
Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?
(c. 29b)
Sự
« đồng bàn » này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó
được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pha-ri-sêu, nhưng bởi con
người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công
khai. Như những người Pha-ri-sêu, chúng ta muốn « nhốt » Chúa vào trong
một khuôn khổ tư tưởng hay cơ chế định sẵn. Trong cuộc Thương Khó, Đức
Giêsu còn đi xa hơn nữa : Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét
xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội tội nhân và ở giữa
các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không thể thấu hiểu, tại sao
Người lại phải đi con đường điền rồ và sỉ nhục như vậy.
Những người Pha-ri-sêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu thì nói thẳng với họ: “
Người
khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để
kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.
(c. 31-32)
Và
trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn thêm : “Hãy về học
cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt
9, 13). Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất.
Để
chúng ta sống nhân từ với nhau, Thiên Chúa luôn luôn nhân từ với chúng
ta trước, và lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua
hành động chữa lành. Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật
nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giêsu đến chữa lành, cây thuốc của
Ngài là cây Thập Giá. Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ
của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ
với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho
mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, chúng ta sẽ
không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ.
Đi
theo Đức Giêsu, trong ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến,
chính là đi theo “hiện thân lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa”.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc