Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 11: 14-23)
14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? ... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. 23 "Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
SUY NIỆM 1
Người ta rất dễ sử dụng sự nói hành khi không thể chống đối đối bằng đường lối chính đáng. Gladston, một thủ tướng nổi danh, có lòng chăm lo cải tạo các phụ nữ hư hỏng của thành phố Luân đôn, nhưng kẻ thù của ông lại bảo rằng ông thích làm việc đó vì những lý do thấp hèn. Không gì độc dữ bằng sự nói hành, vì sự nói hành thu hút được nhiều người nghe, vì trí óc con người có xu hướng nghĩ đến cái tệ hại nhất, và thường thích nghe những lời nói xấu hơn là nghe những lời lành tiếng tốt. một tờ báo của Mỹ chỉ đăng những tin tốt lành, tích cực, chỉ sau 30 ngày bị phá sản. Chúng ta đừng tưởng mình thanh sạch đối với thứ tội đặc biệt này. Biết bao lần chúng ta nghĩ xấu về người khác? Biết bao lần chúng ta cố ý ghép ý xấu cho kẻ mình không ưa? Biết bao lần bên chén trà ly rượu chúng ta lặp đi lặp lại những truyện xuyên tạc ác ý, những tiếng đồn tai hại? Mọi điều này không làm cho chúng ta vui thỏa, nhưng kêu gọi chúng ta tự xét mình.
- Chúng ta phải chú ý những chứng cớ mà Chúa Giêsu nói về nước trời đã đến, là các bệnh nhân đã được bình phục, sức khỏe thay thế cho bệnh tật. Mục đích của Chúa Giêsu không chỉ là cứu linh hồn, nhưng là cứu toàn vẹn con người.
Luca kết thúc phần này bằng lời Chúa Giêsu nói rằng ai không ở với Ngài là chống lại Ngài, và ai không giúp Ngài thâu góp bầy chiên tức là làm phân tán bầy chiên. Trong đời sống Kitô không có chỗ nào cho trung lập, kẻ nào đứng ngoài việc thiện, đương nhiên đã tiếp tay cho việc ác rồi. Chúng ta cần phải chọn lựa." Nhiều người cho mình là tín hữu nhưng lại sống như người ngoại đạo. Kitô hữu chân chính phải là người được Kitô hóa. Một người Kitô hữu đích thực phải giống Chúa Giêsu. "Chúa Giêsu là đường đi, là sự thật và là ánh sáng cho cuộc sống chúng ta. Cuộc đời của Ngài là mẫu mực cho các tín hữu noi theo. Nếu tín hữu sống theo mẫu mực đó, họ sẽ là những môn đệ trung thành của Phúc âm. Đời sống của họ sẽ nêu gương cho thấy có một vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chăm sóc dưỡng nuôi ta, đỡ nâng ta trong hết mọi sự.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được sự tàn ác của việc nói hành, nói xấu, để chúng con biết mỗi ngày biết đem yêu thương trong cuộc sống.Amen
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Satan và các thần của nó
Ít
có khi nào Đức Giê-su nói về Satan và các thần của nó rõ và nhiều như
trong bài Tin Mừng hôm nay. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều
phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách
trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài
người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn
nấp và mặt nạ hóa thân: những hệ quả tiêu cực của quá trình toàn cầu
hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phương tiện đi
lại, phim ảnh, tiền bạc, danh vọng…
Vì
thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là
người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng
hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc
về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, tự do cá nhân, vô ơn, tìm kiếm
khoái lạc chóng qua, tự do luyến ái, bạo lực, gian dối, hưởng thụ, đam
mê phương tiện và thú vui, không có khả năng sống giao ước, chiều theo
lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí,
mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám
người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên
ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin
Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.
Đức
Giê-su trừ một tên quỉ, và đó là quỉ câm. Như thế, có một thứ quỉ làm
cho chúng ta không nghe được thực sự, và vì thế không nói được thực sự.
Bởi vì, câm là do điếc. Chúng ta cũng hay điếc với Chúa, điếc với người
khác, nên chúng ta không nói được với nhau, nhất là nói những lời sự
sống, nghĩa là lời yêu thương, cảm thông, tha thứ, đón nhận. Trong những
trường hợp như thế, có thể nói, chúng ta cũng bị quỉ câm ám!
- Vương Quốc của Satan
Tuy
nhiên, bài Tin Mừng còn kể lại cho chúng ta có một thứ “câm điếc”
nghiêm trọng hơn: “câm điếc” đối với những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban nơi
ngôi vị của Đức Giê-su. Thật vậy, cùng chứng kiến dấu chỉ mà Đức Giêsu
vừa thực hiện, một dấu chỉ đầy ý nghĩa, nhưng:
- Có một số người bảo ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ.
- Còn những người khác thì muốn thử Ngài, đòi một dấu lạ từ trời.
Trong cuộc Thương Khó, với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Đức Giê-su sẽ bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha,
một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự
sống (x. St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay
những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức
Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể
không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn
không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những
cách hiểu và hành động lệch lạc. Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể
lại, là một dấu chứng cụ thể[1].
Vì
thế, theo ý Chúa Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng của Người
theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình
yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:
- nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,
- đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,
- gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,
- và đối diện với chính Sự Dữ “ồn ào và bạo lực”, biểu dương ở mức độ tuyệt đối, bằng “thinh lặng và hiền lành”.
Trở
lại với bài Tin Mừng, đối diện với những “tư tưởng” (c. 17) của những
người “câm điếc” đối với lời nói, hành động và ngôi vị của Người, chắc
chắn là Đức Giêsu đã rất buồn lòng. Chúng ta cần nghiệm ra tâm tình của
Ngài ở bên dưới những lời Ngài nói; và Ngài nói thật nhiều, rất tự phát
và mạnh mẽ về ma quỉ, Ngài nói về vương quốc của chúng, về sức mạnh của
chúng và về thói quen của chúng.
Trước
hết, Đức Giê-su bắt đầu bằng cách dùng những hình ảnh “một nước” và
“một nhà”, để cho thấy nhận định của họ không phù hợp qui luật của hiện
hữu: ở mức độ cá thể hay tập thể, điều gì đã hiện hữu thì tự bản chất nó
muốn hiện hữu dài lâu và nếu có thể hiện hữu mãi mãi; và để hiện hữu,
hữu thể không thể tự chia rẽ, vì như thế sẽ dẫn đến hậu quả tự hủy diệt
chính mình. Chính vì thế, ma quỉ (tiếng Hi-lạp là diabolos; tiếp đầu ngữ dia
có nghĩa là chia rẽ), nghĩa là “Kẻ Tố Cáo”, thường gieo rắc nộc độc
chia rẽ bằng hành vi tố cáo, để hủy diệt sự sống của con người, hay đúng
hơn, làm cho con người hủy diệt con người[2]. Những người tự biến mình thành tay sai của Satan, hay bị Satan chi phối, ý thức hay không ý thức, cũng hành động như thế.
Sau
đó, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây: “Khi một người mạnh được vũ trang
đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.
Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ
tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì
đã lấy được.” (c. 21-22), Ngang qua dụ ngôn thật nhỏ, nhưng rất “xấu”
này (tương tự như dụ ngôn người quản lí bất lương): Đức Giê-su mời gọi
người nghe nhận ra một mầu nhiệm thật lớn và thật đẹp, đó là Triều Đại
Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta (x. Mt 12, 28 và Lc 11, 20). Triều Đại
Thiên Chúa đã đến ngang qua lời nói, hành động và chính ngôi vị của Đức
Giê-su, vì nếu Satan bị đẩy lùi và bị trừ khử, thì chỉ có thể là Thiên
Chúa mà thôi, chỉ có thể là “Thần Khí của Thiên Chúa” (Mt 12, 28), chỉ
có thể là “ngón tay của Thiên Chúa (Lc 11, 20). Hơn nữa, theo các Tin
Mừng Nhất Lãm, ngôn ngữ dụ ngôn được Đức Giê-su ưu tiên dùng để nói về
Nước Thiên Chúa, đến độ “dụ ngôn Tin Mừng” tự nó có nghĩa là Nước Thiên
Chúa, và Đức Giê-su chính là một “Dụ Ngôn” nói cho chúng ta một cách
hoàn hảo về Thiên Chúa và về Triều Đại của Người.
- Vương Quốc của Đức Giêsu
Tuy
nhiên, xét cho cùng, tình trạng của những người nghe Đức Giêsu chưa quá
nghiêm trọng, nghĩa là họ vẫn chưa rơi vào tình trạng tệ hại, là bị một
tên quỉ cộng thêm bảy tên quỉ khác dữ hơn làm chủ. Và chúng ta cũng có
thể nói như vậy về chính mình, về cộng đoàn hay cộng đồng của chúng ta.
Tuy
nhiên những người nghe Đức Giêsu ngày xưa cũng như hôm nay vẫn chưa có
một một lựa chọn dứt khoát và triệt để đối với Tin Mừng của Ngài và
Triều đại Thiên Chúa, vẫn chưa để cho mình bị cuốn hút bởi Thần khí của
Đức Giê-su. Nếu chúng ta đang trong tình trạng “dở dở ương ương” như
thế, Đức Giêsu cảnh báo rằng, chúng ta sẽ tất yếu rơi vào tình trạng tệ
hại, nghĩa là rơi vào lưới, hay nước của Satan. Và lời của Ngài còn mạnh
hơn nữa:
Ai không đi với tôi là chống lại tôi,
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
* * *
Xin
cho chúng ta được Chúa Thánh Thần ban ơn hiểu biết và yêu mến Đức
Ki-tô, như Người đã ban cho thánh Phao-lô (x. Phil 3, 7-9), để chúng ta
không chỉ đi theo, nhưng còn được nên một với Đức Ki-tô và hiệp nhất với
nhau trong Đức Ki-tô. Đó là con đường duy nhất để chúng ta được giải
thoát khỏi nước của Satan và tất cả những gì thuộc về Satan.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1]
Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ: (1) TC chỉ ở trong những điều lạ thường,
còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân
phận con người rốt cuộc có là ơn huệ TC không? Có là đường đi dẫn đến
TC hay không? (2) Không chấp nhận thân phận con người và không liên đới
với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng
ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (St 3) và
trong Lịch Sử Cứu Độ (Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì
trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ
để lừa dối mình và lừa dối nhau.[2] Chúng ta có thể đọc St 3, 1-7; Ds 21, 4-9; Ga 3, 17-19 và Kh 12, 9-10. Hình ảnh Con Rắn diễn tả Satan trong các bản văn Kinh Thánh này. Và trong thư của thánh Pha-lô gởi tín hữu Roma (Rm 7, 7-13), “Tội” được nói tới như là một nhân vật, và cách hành động của Tội, theo thánh Phao-lô, hoàn toàn phù hợp với cách hành động của Con Rắn.