Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Công Giáo Thế Giới ngày 17.3.2017

Filled under:

3/17/201


Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi

Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để mình bị rơi vào đường tội lỗi, dẫn đến kết cục như ông phú hộ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
 
PopeFrancis-16Mar2017-01.jpg

Ai sống trong giàu có mà không nhìn thấy người nghèo khó, thì đang rơi vào đường tội lỗi
Khi một người chỉ sống trong môi trường khép kín của mình, chỉ hít thở trong không gian của riêng mình, trong tài sản của riêng mình, trong sự hài lòng đầy hư ảo của hư danh, để rồi cảm thấy an toàn và chỉ tin vào chính bản thân, thì khi đó người ấy đánh mất phương hướng, đánh mất định hướng, mất la bàn và không biết xác định các ranh giới. Đó là những gì đã xảy ra với ông nhà giàu trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay. Ông chỉ biết sống cho riêng mình. Ông không thèm quan tâm và không biết đến người nghèo Lazaro trước cửa nhà ông.

Ông ta biết người nghèo đó là ai. Ông ta biết. Bởi vì sau đó, khi chịu cực hình trong hỏa ngục, ông kêu xin với Tổ phụ Abraham rằng: “Xin sai anh Lazaro…”. Thế đó, ông phú hộ biết có người nghèo trước cửa nhà mình, ông cũng biết rõ tên của người ấy là Lazaro, nhưng ông không quan tâm. Ông ta có phải là kẻ tội lỗi không? Có. Nhưng một tội nhân có thể hoán cải, có thể nài xin ơn tha thứ và Chúa sẽ thứ tha. Thế nhưng tâm hồn ông ta khép kín và dẫn ông tới chỗ chết mà không thể quay đầu. Vấn đề ở chỗ: ông ta biết những đau khổ của người nghèo, nhưng ông lại cứ sống trong cái hạnh phúc của ông và không cần quan tâm. Vấn đề là ông không nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, ông không thấy mình cần hoán cải.

Chúng ta cảm thấy gì trong tâm hồn, khi nhìn những người vô gia cư trên đường phố?

Bạn sẽ cảm thấy gì trong lòng khi đi trên đường phố và thấy những người vô gia cư, thấy những đứa trẻ ăn xin… Có thể bạn nói: nhưng có những kẻ ăn cắp. Và rồi bạn tiếp tục bước đi, và bạn làm như thế? Những người không nhà cửa, người nghèo, người bị bỏ rơi, ngay cả có những người ăn mặc lịch sự nhưng họ không nhà cửa, vì họ không có tiền thuê nhà, vì họ không có công ăn việc làm… Những con người ấy là ai đối với tôi?

Phải chăng những con người ấy cũng chỉ là một phần của cảnh quan thành phố, giống như một bức tượng, như trạm xe buýt, như bưu điện? Phải chăng điều ấy là bình thường? Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận khi tự nhủ lòng rằng: Có những điều như thế, nhưng mà cuộc sống là thế thôi… rồi tiếp tục ăn uống, mà không có một chút cảm thấy lỗi lầm, và rồi tiếp tục bước đi. Cung cách ấy, con đường ấy chẳng hề tốt lành.

Nếu tôi ăn năn trở lại, chứ không chỉ khép kín

Từ những gì tôi nghe, những gì tôi thấy trên các tin tức, ví như có quả bom rơi xuống một bệnh viện và nhiều trẻ em bị chết, nhiều người nghèo bị chết, có thể tôi dâng một lời cầu nguyện và rồi tôi tiếp tục sống như thể chẳng có gì xảy ra? Hãy ghi khắc trong tim chúng ta, câu chuyện đầy kịch tính của anh Lazaro.

Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đoái nhìn tâm hồn con, để con nhận thấy đường sai lỗi của con. Vì một tội nhân, nếu sám hối, thì sẽ trở lại; nhưng nếu là kẻ dửng dưng vô cảm thì là quá khó, vì khi ấy là tự đóng kín nơi bản thân. Lạy Chúa, này là trái tim con, xin cho con biết được đường đi và trên con đường ấy, con có thể vững bước.



Tại sao Giáo Hội Công Giáo đòi buộc các linh mục sống độc thân, và liệu điều này sẽ thay đổi không?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một buổi phỏng vấn đa chủ đề với tờ báo Die Zeit của Đức; trong đó, các phát biểu của ngài về vấn đề các linh mục đã có gia đình đang tạo nên cuộc bàn luận và thắc mắc xoay quanh việc thực hành Công Giáo về việc đòi buộc các linh mục không được kết hôn.
 
marriedpriests.jpg
1. Tại sao Giáo Hội Công Giáo đòi các linh mục sống độc thân?

Giáo luật đòi “các giáo sĩ buộc phải giữ đức khiết tịnh trọn hảo và vĩnh viễn vì Nước Trời; và do vậy, họ ràng buộc với sự độc thân là món quà đặc biệt của Thiên Chúa, qua đó các thừa tác viên có chức thánh có thể kết hiệp dễ dàng hơn với Đức Kitô bằng một con tim không chia sẻ cũng như có thể dâng hiến chính mình cách tự do hơn hầu phục vụ Thiên Chúa và nhân loại” (số 277). Một phần, luận lý của Giáo hội cho rằng nhờ không bị ràng buộc với các nghĩa vụ của hôn nhân và đời sống gia đình, các linh mục tự do hơn để sống những đòi hỏi có tính mục vụ của chức tư tế.

Nhưng ngoài lý do thực tiễn này, việc độc thân thường được coi trọng vì nó noi theo gương Chúa Giêsu Kitô; đời độc thân của một người là dấu chỉ dâng hiến trọn vẹn của người ấy cho triều đại Nước Thiên Chúa.
2. Có phải các linh mục xưa nay đều bị ràng buộc với việc độc thân?
Không. Mặc dù tình trạng hôn nhân xưa nay luôn được xét duyệt để xác định xem ai đủ điều kiện chịu chức (1 Tm 3,2 đòi hỏi các giám mục là người “không ai chê trách được điều gì, chỉ có một đời vợ”), việc yêu cầu các linh mục không kết hôn chỉ được hình thành theo thời gian. Trong Giáo Hội tiên khởi, việc không kết hôn không phải là đòi buộc dành cho bí tích truyền chức thánh. Các khoản luật từ thế kỷ thứ tư trở đi đòi các giám mục, linh mục và phó tế phải kiêng việc chăn gối với vợ mình, một phần là do thái độ lấn lướt của tình dục và ảnh hưởng của nó trên tính ứng trực đối với trách nhiệm thánh.
Việc thực hành này đạt được nền tảng sâu xa hơn vào thế kỷ thứ 11, khi mà ảnh hưởng của các đan tu lớn mạnh trong Giáo Hội và mẫu gương các tu sĩ độc thân được xem là điều đáng được noi theo. Điều này đưa đến việc lần đầu tiên, vào năm 1123, Công đồng Lêtaranô I đã yêu cầu các giáo sĩ phải sống độc thân; kể từ đó trở đi, nó được xem như một kỷ luật của Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II đã tái lập chức phó tế vĩnh viễn và mở rộng nó cho những người nam đã lập gia đình nhưng vẫn giữ đòi buộc độc thân đối với hàng linh mục.

3. Trong Giáo Hội Công Giáo, cũng có những linh mục đã lập gia đình?
Đúng thế. Trong nhiều nghi lễ Công Giáo Đông Phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma, có những linh mục đã lập gia đình. Mặc dù cho đến thời điểm gần đây, ngay cả các giám mục Công Giáo Đông Phương ở một vài quốc gia có thể truyền chức linh mục cho những người nam đã lập gia đình, nhưng ở một số vùng lãnh thổ khác, bao gồm Bắc Mỹ, thì không được. Sau khi 200,000 giáo sĩ Công Giáo nghi lễ Đông Phương gia nhập Chính Thống Giáo để duy trì tình trạng có gia đình của họ thì Vatican đã bãi bỏ việc cấm này vào năm 2014.

Đối với nghi lễ Latinh, vào năm 1980, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập một điều khoản dành cho các tín hữu Anh Giáo và các mục sư Tin Lành khác đã kết hôn và muốn giữ việc thi hành các sứ vụ của họ sau khi quay trở lại Công Giáo. Điều khoản này được cả Đức giáo hoàng Biển Đức cũng như giáo hoàng đương kim Phanxicô duy trì và mở rộng; tuy nhiên, đây là những điều luật ngoại thường. Như Michael O’Loughlin ghi nhận trong tờ báo Crux, Giáo Hội “đã tuyên bố những điều khoản này đơn giản là một đáp ứng cho các đòi hỏi mục vụ” và không phải là dấu hiệu thay đổi truyền thống của Giáo Hội về giáo sĩ độc thân.
4. Các nhận định của giáo hoàng có phải là thông tin mới không?
Bất kỳ lúc nào một giáo hoàng thảo luận về khả thể thay đổi truyền thống cả ngàn năm của Giáo Hội thì đó là một tin mới. Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã bày tỏ sự cởi mở về vấn đề này nhiều lần trước đây, kể cả trước và sau khi được bầu làm giáo hoàng vào năm 2013. Với tư cách là tổng giám mục của giáo phận Buenos Aires, hồng y Bergoglio đã ghi nhận: “Đó là vấn đề kỷ luật chứ không phải là vấn đề đức tin. Nó có thể thay đổi.” Ngài lập luận rằng “giả sử, nếu Giáo Hội Công Giáo Tây Phương xem lại vấn đề độc thân, tôi nghĩ điều đó là vì lý do văn hóa… không phải là một sự lựa chọn phổ quát.” Và một số giám mục, từ Ai-len đến Braxin, cũng đang theo quan điểm của đức thánh cha về vấn đề này.
5. Chúng ta có thể mong đợi thấy một sự thay đổi chăng?

Chúng ta có thể thấy một sự thay đổi. Về luật, tình trạng giáo sĩ độc thân không phải là giáo thuyết hay tín điều, nhưng đúng hơn là một vấn đề về luật và truyền thống – một truyền thống mà các tín hữu Công Giáo tin là được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.

Điều đó ý muốn nói rằng Giáo Hội không gạt bỏ truyền thống cả ngàn năm mà không suy xét cẩn trọng. Cũng có thể một thay đổi nào đó về kỷ luật độc thân này sẽ được áp dụng ở địa phương trước tiên, thay vì được thiết lập một cách phổ quát. Khi gặp Đức Thánh Cha, đức giám mục Erwin Krautler của giáo hạt Xingu, Braxin, có chỉ 27 linh mục đang phục vụ cho 700,000 người Công Giáo, đã đề xuất ý kiến về linh mục đã có gia đình để giảm bớt sự thiếu hụt nhân sự. Giám mục Krautler cho biết: “Đức Thánh Cha đã giải thích rằng từ Rôma, cá nhân ngài không thể tự mình kiểm soát mọi thứ. Các giám mục sở tại chúng tôi nắm rõ những nhu cầu của tín hữu địa phương thì nên ‘corajudos’, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là ‘can đảm’, đưa ra những đề nghị cụ thể.”

Khi Giáo Hội hiểu rõ hơn về sự nên thánh của ơn gọi hôn nhân, và việc suy giảm ơn gọi linh mục làm cho việc lãnh nhận các bí tích trở nên khó khăn ở một số khu vực, thì nhiều người đang quay lại với một cuộc thảo luận mà Giáo Hội đã bàn đến nhiều lần trong suốt 2,000 năm qua. Một số thần học gia đã đặt vấn đề liệu sự độc thân có quan trọng đến nỗi khiến cho việc giáo dân đến với Thánh Lễ trở nên khó khăn hơn tại một số vùng. Đức Phanxicô lưu ý rằng Giáo Hội phải sẵn sàng để nhận ra “đúng thời điểm mà Chúa Thánh Thần mời gọi điều gì đó.” Vì thế, có hai câu hỏi được đặt ra: phải chăng Chúa Thánh Thần đang mời gọi Giáo Hội trở lại với việc truyền chức linh mục cho người đã có gia đình và Giáo Hội nên làm việc phân định các chuyển động của Thần Khí như thế nào.

Chuyển ngữ: Chí Thành, S.J.