Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang
40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai
cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải
đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.
+ Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.
Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm
bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của
con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế
cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
+ Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.
Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày
nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm
đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.
+ Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.
Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn
cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp
Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn. Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta
thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma
quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người
chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống
xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết
con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh.
Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ
thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.
Với cơn cám dỗ thứ hai,
ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ.
Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình,
cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám
dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con
người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của
con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và
càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn
cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn
chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người
con thảo đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.Cám dỗ 1.
Adong Eva được Thiên Chúa đặt ở vườn địa đàng, sống trong hạnh phúc và tình nghĩa với Chúa. Hai ông bà không biến đến đau khổ, bệnh tật và chết chóc. Trái lại hai ông bà là những người bạn,là những
người con của Thiên Chúa bởi vì mỗi khi chiều xuống, Ngài thường hiện
ra đàm đạo với hai ông bà. Chính vì vậy, mà quỷ đã ghen tương và muốn
phá huỷ cái thế cân bằng hài hoà ấy. Nó đã cám dỗ hai ông bà về tội kiêu ngạo, muốn trở nên bằng Thiên Chúa. Và rồi hai ông bà đã nghe theo lời
quyến rủ đường mật ấy, phản bội cùng Thiên Chúa qua hành động giơ tay
bứt trái cấm mà ăn, để rồi phải cúi đầu nhận lãnh hình phạt của đau khổ
và chết chóc. Và tệ hại hơn cả là đã làm mất đi tình nghĩa với Thiên Chúa, làm mất đi ơn thánh tức là sự sống của Ngài trong tâm hồn. Cái hậu quả thảm khốc này được truyền cho nhân loại trong suốt dòng thời gian.
Thế
nhưng rất may mắn cho chúng ta, bởi vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ và
giàu lòng thương xót, Ngài không muốn để chúng ta sống trong sự đau khổ
và tuyệt vọng, vì thế ngay sau khi hai ông bà sa ngã,
Ngài đã hứa ban cho nhân loại một Đấng cứu thế, tức là Đức Kitô. Ngài
sẽ đến để sửa lại những hậu quả thảm khốc do tội Adong gây nên, Ngài sẽ
đến để nối lại nhịp cầu cảm thông giữa trời và đất, giao hoà chúng ta
lại với Thiên Chúa. Bởi đó, trong đêm thánh vọng phục sinh, chúng ta đã gọi tội Adong là tội hồng phúc vì nhờ đó mà chúng ta có được Đấng Cứu thế.
Cũng
trong chiều hướng ấy thánh Phaolô đã viết: Bởi một người mà tội lỗi đã
đột nhập vào thế gian, và cùng với tội lỗi là sự chết. Thì cũng vậy, bởi một người mà sự công chính đã ngự trị trên thế gian, và cùng với sự công chính là sự sống. Sự sống này được chuyển thông cho hết thảy mọi người. Ba chữ "bởi một người" đã trở nên một điệp khúc được lặp đi lặp lại. Thực
vậy, bởi một người mà nhân loại đã bị dẫn vào vòng tội lỗi, nhưng đồng
thời cũng bởi một người mà nhân loại được dẫn vào miền đất sống. Thánh Phaolô đã đưa ra sự tương phản giữa Adong và Chúa Giêsu. Adong thì kiêu ngạo, còn Chúa Giêsu thì khiêm nhường. Adong thì sa ngã, còn Chúa Giêsu thì chiến thắng. Kết quả là Adong thì dẫn đến sự chết, còn Chúa Giêsu thì dẫn đến sự sống. Và thánh Phaolô đã kết luận: Nơi nào tội lỗi ngập tràn thì ân sủng lại càng tràn ngập hơn.
Qua
đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta nhận thấy Satan đã cám dỗ Chúa Giêsu
cũng với cái chiến thuật mà nó đã dùng để dụ dỗ hai ông bà nguyên tổ. Từ của ăn vật chất, đến khát vọng kiêu căng muốn thử thách Thiên Chúa và trở nên ngang hàng với Ngài.
Cám dỗ 2
Chàng
thanh niên vừa lên 18 tuổi khi giết viên cảnh sát. Trước khi tuyên án,
quan tòa đã hỏi anh có muốn nói điều gì không. Bằng một giọng nức nở,
anh đã nói lên một sự thật kín đáo chưa bao giờ tiết lộ: “Thưa quan tòa,
tôi rất ân hận vì việc tôi đã làm. Tất cả mọi sự đã bắt đầu khi tôi ăn
cắp một đô la trong bóp đựng tiền của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp hai đô, năm
đô, rồi 10 đô, và mỗi lần số tiền ăn cắp cứ tăng lên. Tôi đã bắt đầu
lấy trộm đồ dùng của nhà trường và cửa hàng tạp hóa. Một ngày nọ, tôi đã
gia nhập vào một nhóm du đãng. Sau cùng chúng tôi quyết định ăn cướp
ngân hàng. Đó là khi tôi bắn ông cảnh sát chết. Tất cả mọi sự đã bắt đầu
khi tôi ăn cắp một đô la trong cái bóp đựng tiền của mẹ tôi.
Đây
chính là câu chuyện diễn tả cơn cám dỗ đã ảnh hưởng đến đời sống của
chúng ta như thế nào. Một cách rất chậm chạp và từ từ, nó đã làm cho
chúng ta đi vào con đường sai lạc và tội lỗi. Bài Phúc âm hôm nay, diễn
tả rất chi tiết cơn cám dỗ của Chúa Giêsu sau bốn mươi ngày ăn chay, cầu
nguyện. Suy niệm về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, văn hào Dostoievesky đã
viết rằng ba cơn cám dỗ được diễn tả trong Phúc âm thống trị toàn thể
lịch sử nhân loại và vạch ra những mâu thuẫn đối nghịch trong bản năng
của mỗi người chúng ta.
“Nếu
là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”: Cơn cám
dỗ về bánh nói lên cái ước muốn căn bản nhất, bản năng sinh tồn của con
người. Thân xác với những sự khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được
nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.
Sau
đó ma quỷ đưa người lên nóc đền thờ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy
gieo mình xuống đi …” Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh
sống giới hạn của mình, muốn tránh khỏi thực tại phũ phàng. Họ muốn cất
cánh bay lên cõi thần tiên bằng men bia rượu, thuốc lá, á phiện, thuốc
kích thích … Ngay cả trẻ con cũng say mê những chuyện thần tiên, mộng
mị, và muốn làm siêu nhân, thần thánh. Tất cả đều nói lên cái bản năng
đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh.
Sau
cùng, ma quỷ lại đưa Chúa Giêsu lên đỉnh núi cao xem thấy mọi nước thế
gian cùng vinh quang của chúng và nói: “Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi …”
Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi người chúng
ta. Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình.
Bắt đầu từ tội nguyên tổ muốn ngang bằng Thiên Chúa, bạo lực lan tràn
trên khắp thế giới.
Ba
cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự
bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước
để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu. Tuy là ba
cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo
rắc sự khủng hoảng của niềm tin. Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn
tính Con Thiên Chúa của chính mình. Cả ba Phúc âm, Matthêu, Marcô và
Luca, đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông
Giocđan, và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài
lòng về Người”. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã
nhận được từ nơi Chúa Cha.
Cơn
cám dỗ của Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của ông Adong và bà Eva
trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Sáng Thế Ký. Ma quỷ gieo sự nghi
ngờ, và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa. Qua
bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng
bất tuân lệnh Chúa, và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực”,
bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.
Sau
khi chịu phép rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào
đời với nhiều thử thách của niềm tin. Ở đó chúng ta phải chịu nhiều cám
dỗ. Những cám dỗ của chúng ta đều là những thử thách của niềm tin, của
căn tính người Kitô hữu, con cái Thiên Chúa, môn đệ Chúa Giêsu.